Nghệ An: Còn diễn biến phức tạp về khiếu nại, tố cáo

Thứ ba, 07/05/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù có những chuyển biến, nhưng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Nghệ An vẫn còn diễn biến phức tạp.

Giải quyết các vụ việc kiến nghị, phản ánh đạt hơn 70% 

Tại Nghệ An, Quý I/2024, tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trong kỳ là 98 vụ việc, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 83/98 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,7%, còn lại 15 vụ việc đang trong thời gian xác minh, giải quyết theo quy định. Toàn tỉnh có 1762 vụ việc kiến nghị, phản ánh, đến nay đã giải quyết được 1239 vụ việc, đạt tỷ lệ 70.3%.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tại một buổi tiếp công dân, tháng 8/2022. Ảnh: songlamonline.vn

Kết quả trên là do địa phương giải quyết hiệu quả, dứt điểm từng vụ việc, nhất là các vụ việc nhạy cảm, bức xúc; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể có liên quan trong việc thực thi pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết hiệu quả nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc tiếp công dân của Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp có nhiều chuyển biến. Công tác tiếp công dân tại các cấp, các ngành được thực hiện một cách thường xuyên, nghiêm túc.

Các ngành, địa phương cũng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và các phần mềm khác trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và theo dõi, tổng hợp kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo tiếp tục quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện dân chủ cơ sở có sự chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.

Do đó, địa phương đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đơn thư liên quan đất đai tăng gần 11%

Mặc dù tại Nghệ An, trong quý I/2024, số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh giảm so với cùng kỳ năm 2023, nhưng số đơn thư liên quan đến tranh chấp đất đai phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh lại tăng 10,8%, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là 2.079  đơn, tăng 27,4%.

Nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chủ yếu nhằm xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức tham mưu giải quyết trong lĩnh vực này. 

Tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thực tiễn một số địa phương tập trung triển khai thực hiện các dự án trọng điểm có thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trong khi cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa nhất quán, chưa rõ ràng, có sự chênh lệch giữa giá bồi thường so với giá trị thực tế, gây khó khăn cho việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mặc khác, thực tiễn cho thấy công tác quản lý nhà nước về một số lĩnh vực, nhất là đất đai (đặc biệt là ở cấp xã) còn nhiều sai sót, chậm được xử lý. Việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ, có lúc chưa đảm bảo sự công bằng (nhất là trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng....) dẫn đến có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (vụ công viên nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng).

Có tình trạng lấn đất, chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý thay đổi hiện trạng sử dụng đất còn diễn ra khá phổ biến ở một số nơi, nhưng không được xử lý hoặc xử lý chưa kịp thời, chưa dứt điểm. Cho nên, trong quá trình giải quyết, xử lý của các cơ quan chức năng, không tránh khỏi có nhiều ý kiến của người dân so bì và tiếp tục bức xúc, khiếu kiện gay gắt.

Một số đơn vị thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chưa nghiêm túc, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chưa đúng hạn, hiện tượng gây khó khăn, phiền hà cho người dân chưa được khắc phục triệt để, làm hạn chế chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Đặc biệt, một số địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo các vụ việc thuộc thẩm quyền chưa thực sự coi trọng việc tổ chức đối thoại để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân, dẫn đến việc giải quyết các vụ việc kéo dài, phức tạp.

Tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp

Dự báo trong thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tập trung nhiều ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của dân để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, tính chất của một số vụ việc gay gắt, phức tạp sẽ có xu hướng tăng lên ở địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Hưng Nguyên liên quan đến việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng và thực hiện các dự án.

Do đó, khiếu nại đông người, phức tạp có thể phát sinh ở những nơi không làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, không quan tâm đúng mức đến công tác vận động, thuyết phục và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để giảm thiểu và khắc phục những khó khăn trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh, nhất là các đơn thư liên quan đến lĩnh vực đất đai, trong thời gian tới, Nghệ An cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này. 

Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tiếp công dân của Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.

Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tăng cường đối thoại, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh. Quan tâm chế độ đãi ngộ, bố trí đủ số lượng cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tăng cường phối hợp giữa Ban Tiếp công dân tỉnh, Thanh tra tỉnh và các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được các cấp, các ngành giải quyết, đúng quy định của pháp luật, qua kiểm tra, soát xét không phát sinh thêm tình tiết mới thì ban hành văn bản thông báo chấm dứt việc giải quyết và đề nghị các cơ quan, tổ chức không tiếp nhận, chuyển đơn.

Đối với các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, còn nhiều quan điểm xử lý khác nhau thì phải xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan Trung ương để thống nhất phương án giải quyết vụ việc./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra