Nhận diện các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại

Thứ ba, 23/08/2022 14:17
(ThanhtraVietNam) - Từ thực tiễn hoạt động tại địa phương, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại.

Thứ nhất, về việc giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, Thanh tra tỉnh cho biết về hình thức khiếu nại, theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Khiếu nại thì đối với trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế, việc yêu cầu người khiếu nại cử người đại diện trong nhiều trường hợp là không thực hiện được.

Về thời hiệu khiếu nại, theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại thì “Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại”. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không thể không thụ lý giải quyết với lý do “thời hiệu, thời hạn kiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng”, vì sau khi không thụ lý với lý do này, người khiếu nại liên tục có đơn vượt cấp gửi các cấp, các ngành, gây áp lực, phức tạp tình hình, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến sau đó lại phải thụ lý giải quyết theo yêu cầu của người khiếu nại và các cấp, các ngành.

Về rút khiếu nại, theo quy định tại Điều 10 Luật Khiếu nại thì “…Việc rút khiếu nại phải thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại”. Tuy nhiên, trên thực tế tại địa phương, một số trường hợp người khiếu nại đồng ý rút khiếu nại, ghi nhận trong biên bản làm việc nhưng không đồng ý làm đơn rút khiếu nại…, dẫn đến khó khăn cho việc giải quyết khiếu nại.

Về các khiếu nại không được thụ lý giải quyết, tại khoản 2 Điều 11 Luật Khiếu nại quy định “Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại” thì không được thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền làm rõ việc như thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Dẫn đến khó khăn nhất định trong việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại.

leftcenterrightdel
 Nhận diện các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại

Thứ hai, việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý, Thanh tra tỉnh nêu trên thực tế, một số người khiếu nại vẫn chưa thực hiện việc khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết, gửi đơn đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, gửi đơn vượt cấp; trình bày không trung thực sự việc, không đưa ra được chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan; không chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại; không chấp hành nghiêm quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật…, nhưng chưa có quy định cụ thể để xử lý đối với các hành vi này.

Thứ ba, việc thực hiện giải quyết khiếu nại: thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật:

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, theo quy định tại Điều 28 Luật Khiếu nại thì “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý”. Theo quy định tại Điều 37 thì “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình giải quyết, có một số vụ việc phức tạp, đông người, nhiều nội dung thì thời hạn giải quyết như quy định nêu trên chưa bảo đảm, dẫn đến việc giải quyết khiếu nại quá thời hạn quy định.

Về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc xử lý đối với trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không kịp thời, trì hoãn thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật. Mặt khác, quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưng công dân có quyền khiếu nại lần hai và khởi kiện tại Tòa án thì trong thời gian các cơ quan có thẩm quyền thụ lý xem xét lại quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật thì có buộc phải thi hành quyết định giải quyết khiếu nại hành chính đã có hiệu lực hay không. Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Thứ tư, việc xử lý vi phạm hành vi vi phạm pháp luật của người giải quyết khiếu nại; hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại đối với người khiếu nại và những người khác có liên quan: Tại Điều 68 Luật Khiếu nại quy định người khiếu nại và những người khác có liên quan có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm này, dẫn đến việc thực hiện trên thực tế cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, Thanh tra tỉnh kiến nghị các nội dung như hiện nay, chưa có các quy định cụ thể về việc xử lý đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại. Để có cơ sở xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại.

Trên thực tế, việc yêu cầu người khiếu nại cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung trong nhiều trường hợp là không thực hiện được vì nhiều lý do. Do đó, kiến nghị bỏ quy định này trong Luật Khiếu nại.

Việc áp dụng thời hiệu trong một số trường hợp để không thụ lý giải quyết khiếu nại thực tế hiện nay trong nhiều trường hợp không thực hiện được. Do đó, kiến nghị cần có quy định cụ thể về “các trường hợp không áp dụng thời hiệu khiếu nại” để tránh khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đối với việc rút khiếu nại, đề nghị bỏ quy định “Việc rút khiếu nại phải thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại”, vì trên thực tế có nhiều trường hợp người khiếu nại đồng ý rút đơn, ghi nhận vào biên bản làm việc nhưng không đồng ý làm đơn rút khiếu nại, mặc dù về bản chất thì khiếu nại đã được rút và chấm dứt vụ việc.

Đối với các khiếu nại không được thụ lý giải quyết, đề nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cụ thể “Như thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại” để làm cơ sở thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết khiếu nại.

Về thời hạn giải quyết khiếu nại, Thanh tra tỉnh kiến nghị có quy định cụ thể về thời hạn giải quyết đối với những vụ việc khiếu nại đặc biệt phức tạp cho phù hợp với tình hình thực tế, vì trên thực tế có nhiều vụ việc có tính chất đặc biệt phức tạp, việc giải quyết thường quá thời hạn quy định tại Luật Khiếu nại hiện hành.

H.T
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra