Kịp thời giải quyết vụ việc ngay từ khi phát sinh tại cơ sở
Quý I/2022, các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 354 lượt công dân/377 vụ việc; tiếp nhận tổng số 584 đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh (tăng 25% so với cùng kỳ năm trước). Qua phân loại có 539 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 281 đơn thuộc thẩm quyền. Kết quả, đã giải quyết 202 đơn/202 việc; còn lại 79 đơn/79 vụ việc đang giải quyết trong thời hạn Luật định.
Nội dung đơn chủ yếu là khiếu nại về đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án, mở các tuyến đường giao thông. Việc tiếp nhận và xử lý đơn được các cơ quan hành chính xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Riêng những trường hợp tiếp công dân định kỳ của UBND tỉnh, sau mỗi đợt tiếp công dân đều có thông báo yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết từng vụ việc cụ thể và có báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Trong Quý I/2022, tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh Phú Yên tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ít vụ việc khiếu nại gay gắt, đông người và không có vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo tiêu chí của Thanh tra Chính phủ, không có đoàn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Các khiếu nại về lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chiếm tỷ lệ cao, tập trung ở thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa.
Có thể khẳng định, công tác tiếp công dân tiếp tục được quan tâm và duy trì thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân theo quy định; trực tiếp đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời hướng dẫn, giải quyết đúng chính sách, pháp luật. Những vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các cấp, các ngành đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật. Đặc biệt, nhiều vụ việc KNTC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết dứt điểm từ cơ sở, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp.
|
|
Người dân huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên tìm hiểu các thủ tục hành chính về việc tiếp công dân, Luật Khiếu nại, tố cáo. (Ảnh: baophuyen.vn) |
Đồng thời, các cấp, các ngành đã chú trọng chỉ đạo tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình KNTC của công dân trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý, để kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra tình huống phức tạp, bị động. Quá trình giải quyết các vụ việc KNTC đã chú trọng thực hiện tốt việc tổ chức đối thoại với công dân; vận dụng linh hoạt, phù hợp các chính sách, pháp luật để bảo đảm giải quyết dứt điểm vụ việc.
Sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được tăng cường. Công tác hòa giải, thực hiện quy chế dân chủ, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Ý thức của một bộ phận công dân có đơn KNTC còn hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn một số tồn tại, hạn chế. Một số đơn giải quyết chậm; có vụ việc giải quyết chưa sát nội dung hoặc chưa đúng thẩm quyền, sai sót về quy trình, thủ tục giải quyết. Hơn nữa, việc sử dụng Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết KNTC trên toàn tỉnh chưa đồng bộ; chế độ thông tin, báo cáo tổng hợp về kết quả tiếp công dân, tình hình KNTC và giải quyết KNTC từ cấp xã lên cấp huyện còn chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết KNTC ở các địa phương.
Đặc biệt, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC nói riêng, tuy được triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên, liên tục, nội dung, hình thức chưa phong phú, hiệu quả chưa cao. Vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa được phát huy đúng mức.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên một số đơn giải quyết còn chậm, việc triển khai công tác tập huấn, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn.
Tại một số địa phương, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ, công chức chưa được quan tâm đúng mức; năng lực tham mưu của một bộ phận cán bộ còn yếu. Đáng nói, cấp xã là nơi phát sinh chủ yếu các KNTC, tranh chấp đất đai nhưng nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách, chủ yếu là cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, địa chính hoặc Văn phòng kiêm nhiệm, chưa được đào tạo kỹ năng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết KNTC.
Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận công dân có đơn KNTC còn hạn chế, nên yêu cầu, đòi hỏi không đúng hoặc vượt quá quy định pháp luật. Có những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, thấu lý, đạt tình nhưng người khiếu nại vẫn không chấp nhận kết quả giải quyết, khiếu nại kéo dài.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, cần có quy định chế tài xử lý cụ thể người có thẩm quyền giải quyết KNTC nhưng chậm hoặc không giải quyết để vụ việc kéo dài, người KNTC đi lại nhiều lần, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đồng thời, Chính phủ cần xem xét, ban hành Nghị định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiếp công dân, KNTC. Ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết các đơn kiến nghị, phản ánh của tổ chức, công dân.
UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Thanh tra Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn thư và phần mềm báo cáo công tác thanh tra, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng.
|