Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị
Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Thái Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc TCD, giải quyết KNTC; chất lượng giải quyết các vụ việc đã có những chuyển biến tích cực. Các sở, ngành đã chủ động phối hợp, giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình cũng đã tăng cường thông tin, truyền thông để công dân thực hiện đúng quyền KNTC của mình, tránh những trường hợp KNTC không đúng thẩm quyền hoặc vượt cấp. Qua đó, góp phần giữ vững niềm tin trong nhân dân, giữ vững sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác TCD, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TCD, giải quyết KN, TC tại một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên, hiệu quả không cao; việc tổ chức TCD thường xuyên, định kỳ chưa đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy trình, thủ tục TCD, xử lý đơn nhiều nơi còn lúng túng; tại nhiều địa phương cấp xã, việc thực hiện trách nhiệm TCD của người đứng đầu còn hạn chế, cũng như chưa thực hiện đầy đủ việc TCD định kỳ. Có xã, phường, thị trấn chưa bố trí phòng TCD riêng; chưa niêm yết công khai lịch TCD của người đứng đầu tại trụ sở; không xây dựng nội quy, quy chế TCD. Công tác TCD, giải quyết KNTC tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; địa điểm TCD, nhất là tại cấp xã chưa đáp ứng tốt yêu cầu.
Đặc biệt, việc phân loại, xử lý đơn vẫn còn gặp khó khăn khi chưa xác định được chính xác nội dung đơn; quá trình giải quyết KNTC có việc chưa kịp thời, trình tự, thủ tục giải quyết chưa đảm bảo theo quy định. Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc TCD, giải quyết KNTC còn hạn chế. Trong năm 2022, vẫn còn tình trạng công dân tập trung đông người đi khiếu kiện và gửi đơn vượt cấp lên các cơ quan cấp trên.
Nguyên nhân chính của những hạn chế, thiếu sót nêu trên là do nhiều vụ việc KNTC có nguồn gốc phát sinh qua thời gian đã lâu, hồ sơ không đầy đủ nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội. Số lượng, chất lượng cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, TCD tuy đã từng bước được nâng lên nhưng còn một số ít chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao; nhận thức của một bộ phận nhân dân về chính sách pháp luật nói chung, pháp luật về KNTC nói riêng còn hạn chế.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc TCD, giải quyết KNTC
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác TCD, giải quyết KNTC, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị thực hiện quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm chính trị, pháp luật của người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KNTC.
Quá trình chỉ đạo, điều hành phải xác định việc TCD, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác TCD, giải quyết KNTC, đặc biệt là Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KNTC của công dân. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác TCD, giải quyết KNTC…
Đồng thời, thực hiện thống nhất lịch TCD định kỳ trên địa bàn toàn tỉnh; thực hiện nghiêm túc việc TCD thường xuyên tại cơ quan; quan tâm đầu tư nguồn lực, bố trí địa điểm TCD có trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết; ban hành, niêm yết công khai nội quy, quy chế và lịch TCD theo quy định.
Đặc biệt, chú trọng công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn. Phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ để tham mưu xử lý đơn thư, đảm bảo đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục. Đơn thư phân loại, xử lý phải được theo dõi, tổng hợp kết quả cụ thể và báo cáo người có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, xác minh, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế các vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh; tăng cường đối thoại để tạo sự đồng thuận và nâng cao hiệu quả giải quyết. Thường xuyên, chủ động kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cơ quan, địa phương, đơn vị.
Ngoài ra, phối hợp với Thanh tra tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác TCD, giải quyết KNTC; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc TCD, giải quyết KNTC của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong năm 2022, cơ quan hành chính các cấp của tỉnh Thái Bình đã tiếp 4.851 lượt đoàn, giảm 1.369 lượt (-22%) so với cùng kỳ năm 2021, với 7.175 lượt người được tiếp, giảm 1.326 lượt người (-15,59%), về 3.171 vụ việc, tăng 354 vụ việc (+12,56%). Trong đó, có 76 đoàn đông người, bằng 1.147 lượt người, về 231 vụ việc. |