Thanh tra tỉnh Bạc Liêu không để phát sinh “điểm nóng” khiếu kiện

Thứ tư, 22/03/2023 07:57
(ThanhtraVietNam) – Đó là yêu cầu của UBND tỉnh Bạc Liêu đối với Thanh tra tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023.

Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

Theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, năm 2023, Thanh tra tỉnh tổ chức 07 cuộc thanh tra hành chính tại các địa phương, đơn vị, trong đó có cuộc thanh tra chuyên đề về lĩnh vực quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ.

Hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp. Tiếp tục đổi mới phương pháp tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, bảo đảm tiến độ các cuộc thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Quá trình thanh tra thực hiện đúng quy trình, thủ tục của pháp luật về thanh tra, thực hiện nghiêm túc quy định về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra; xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra (Ảnh: ĐT) 

Tăng cường thanh tra công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Quá trình tổ chức thanh tra thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến hoạt động thanh tra. Đặc biệt là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, các Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Giải quyết trên 90% đơn khiếu nại, tố cáo mới phát sinh

UBND tỉnh cũng yêu cầu Thanh tra tỉnh tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ; Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 17/9/2014, Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 19/3/2019, Kết luận số 11-KL/TU ngày 07/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 08/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 03/12/2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, công tác dân vận, công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại, gắn tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình khiếu kiện đông người và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để xử lý kịp thời các tình huống phức tạp.

Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%; đôn đốc thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng” nhằm góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bố trí công chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hiện đẩy đủ chế độ, chính sách đối với công chức làm công tác này.

Xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc

Về công tác phòng, chống tham nhũng, UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Nghị quyết, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các Nghị định hướng dẫn thi hành; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 01/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo của Bộ, Ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, chú trọng giải pháp công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc quy định về kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt…

Nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, chú trọng xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; xử lý những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật; đề xuất khen thưởng, bảo vệ người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra