6 nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC

Thứ hai, 18/09/2023 17:15
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong những năm qua được Chính phủ quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về PCCC có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”… Do đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra; xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nhằm khắc phục dứt điểm các hạn chế, thiếu sót về bảo đảm an toàn PCCC là một trong những giải pháp được Chính phủ chú trọng chỉ đạo thời gian tới.

Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2019. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC; có giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC. Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng mới đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.

Ngày 11/9/2023, Chính phủ có báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4, trong đó có Nghị quyết số 99/2019/QH14.

leftcenterrightdel
 Diễn tập PCCC và CNCH tại một cơ quan Trung ương. (Ảnh: Hoàng Minh)

Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC

Báo cáo của Chính phủ cho biết, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành, tại văn bản số 1007/VPCP-NC ngày 16/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức, hoạt động của lực lượng PCCC chuyên ngành tại các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, lực lượng dân phòng tại các khu dân cư và lực lượng PCCC cơ sở.

Cùng với việc kiện toàn các lực lượng tại chỗ, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức xây dựng, nhân rộng 2.299 mô hình an toàn về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong đó có nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả. Xây dựng 5.305 đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC, trong đó có 2.050 cá nhân, 1.418 tổ chức, tập thể được tôn vinh, khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH.

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, mở rộng mạng lưới các đội Cảnh sát PCCC và CNCH theo các cấp để bám địa bàn, bám cơ sở. Hiện nay, tại 63 tỉnh, thành phố có 63 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Công an cấp tỉnh với 231 đội nghiệp vụ, 205 Đội/Tổ chữa cháy và CNCH khu vực và 13 Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trên sông. Tại cấp huyện có 151 Đội Cảnh sát PCCC và CNCH trực thuộc Công an cấp huyện , 254 Tổ PCCC và CNCH trực thuộc Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an cấp huyện; tại cấp xã phân công từ 1 đến 2 cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác PCCC.

Như vậy, lực lượng PCCC luôn được Chính phủ chỉ đạo, chú trọng kiện toàn, mở rộng và ngày càng được nâng cao về chất lượng.

leftcenterrightdel
 Tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền về PCCC của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. (Ảnh: Hoàng Minh)

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra về PCCC

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, xây dựng chiến lược về PCCC… công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính được các cơ quan chức năng chú trọng.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2020 - 2022, lực lượng Công an đã tổ chức kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với trên 2 triệu lượt cơ sở do lực lượng Công an quản lý về PCCC, phát hiện khoảng 1,4 triệu tồn tại, thiếu sót; ban hành khoảng 190 nghìn công văn kiến nghị chủ cơ sở khắc phục. Qua kiểm tra đã hướng dẫn người đứng đầu cơ sở tổ chức khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC và CNCH góp phần loại trừ hàng triệu nguy cơ phát sinh cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Đồng thời, các cơ quan chức năng đã lập 61.045 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC; xử phạt 55.972 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC với tổng số tiền phạt là 418,782 tỷ đồng; tạm đình chỉ 5.233 trường hợp; đình chỉ hoạt động 2.954 trường hợp; khởi tố 12 vụ với 8 bị can.

leftcenterrightdel
Công tác thanh tra, kiểm tra về PCCC cần được đẩy mạnh. (Ảnh minh họa - Hoàng Minh)

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 124.000 lượt cơ sở; lập 124.000 biên bản kiểm tra; phát hiện 49.000 tồn tại, thiếu sót và kiến nghị khắc phục. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6.230 trường hợp với số tiền phạt là 64.961 tỷ đồng; tạm đình chỉ 846 trường hợp; đình chỉ hoạt động 1.650 trường hợp. Cấp 3.588 giấy phép vận chuyển chất hàng nguy hiểm cháy, nổ; cấp 435 giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH.

Đáng chú ý, năm 2021, 2022, trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp tại khu dân cư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an mở 2 đợt cao điểm: Tuyên truyền, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC trên phạm vi toàn quốc.

Về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; CNCH; phòng, chống bạo lực gia đình. Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn khoản 4, Điều 313, Bộ luật Hình sự nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để xử lý đối với các dự án, công trình, cơ sở cố tình đưa vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.

Công tác quản lý nhà nước về PCCC có nơi, có lúc bị buông lỏng

Bên cạnh những kết quả đã làm được, việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 còn có những mặt hạn chế, thiếu sót. Đó là tình hình cháy, nổ mặc dù đã được kiềm giảm nhưng cháy, nổ tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (quán karaoke, quán bar...) còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Chính phủ nhận định, các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công tơ) tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ý thức của một bộ phận người dân trong việc quản lý, sử dụng điện an toàn tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất chưa cao. Các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn PCCC điện (sau công tơ) còn thiếu, chưa cụ thể, chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC trong sử dụng điện. Việc quản lý nguồn gốc, chất lượng, chứng nhận kiểm định đối với các thiết bị tiêu thụ điện trên thị trường hiện nay còn nhiều bất cập.

Hơn nữa, một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến công tác PCCC chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Quá trình xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến PCCC chưa đánh giá kỹ tác động và điều kiện bảo đảm thực hiện nên một số quy định thiếu khả thi, khó áp dụng.

leftcenterrightdel
Theo báo cáo của Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”. (Ảnh minh họa - Hoàng Minh)

Mặt khác, một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, còn chủ quan, coi nhẹ. Các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước; một số chủ đầu tư vẫn không chấp hành những quy định về PCCC, còn nhiều công trình chưa được cấp văn bản nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.

Đáng nói, công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm “qua loa, chiếu lệ”; chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Qua đợt tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc cho thấy nhiều cơ sở không chấp hành nghiêm quy định về PCCC và CNCH gây nguy cơ cao mất an toàn cháy, nổ…

Tiếp tục coi trọng thanh tra, kiểm tra công tác PCCC

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCCC; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm điểm kết quả thực hiện. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương khi xây dựng các Đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng tới công tác quy hoạch hạ tầng về PCCC (giao thông, nguồn nước, quỹ đất cho các tổ, đội PCCC, hệ thống thông tin liên lạc...) và kinh phí cho các hoạt động PCCC và CNCH.

Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục kiến thức, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, tầng lớp Nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC, tham gia xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Lồng ghép kiến thức và kỹ năng về PCCC, CNCH vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục phù hợp với từng ngành học, cấp học.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH với phương châm bốn tại chỗ. Củng cố, xây dựng lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành thực sự là nòng cốt trong công tác PCCC khu dân cư và cơ sở. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCCC; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC, CNCH; có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với các lực lượng PCCC và những người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia và phục vụ chữa cháy, CNCH.

Thứ tư, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, CNCH. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC. Coi trọng thanh tra, kiểm tra công tác PCCC; tăng cường tự kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC; chỉ đạo khắc phục dứt điểm các hạn chế, thiếu sót về bảo đảm an toàn PCCC. Tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCCC.

Thứ năm, triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ; có các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn ngừa các yếu tố dẫn đến cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tăng cường tổ chức diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH có huy động nhiều lực lượng tham gia. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Thứ sáu, xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC, CNCH; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến với các nước. Xây dựng chế độ, chính sách nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ về PCCC…/.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra