Bài 1: Nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra

Thứ tư, 07/12/2022 15:48
(ThanhtraVietnam) - Giám định nói chung là hoạt động khoa học, sử dụng những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, phương tiện kỹ thuật để nghiên cứu, xem xét một hiện tượng hoặc một vấn đề mà cơ quan nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân cần tìm hiểu và xác định, giúp cho con người có nhận thức khách quan để giải quyết vấn đề nào đó một cách chính xác trên cơ sở khoa học.

Bài 2: Hoàn thiện pháp luật về giám định trong hoạt động thanh tra

Bài 3: Các giải pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ (Internet) 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể tạm chia hoạt động giám định thành 2 loại hình: Một là, loại hình giám định tố tụng (giám định tư pháp): Đây là lĩnh vực duy nhất cho đến nay có luật chuyên ngành điều chỉnh, phạm vi hoạt động chỉ phục vụ cho tố tụng, nghĩa là để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định. Hai là, loại hình giám định ngoài tố tụng (giám định dịch vụ). Đây là loại hình giám định rất rộng, giám định trong hoạt động thanh tra thuộc loại này, trong hoạt động thanh tra, giám định chỉ là một biện pháp nghiệp vụ, một hoạt động mang tính chất hành chính, quản lý được tiến hành nhằm mục đích làm căn cứ cho việc kết luận thanh tra.

Thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Phạm vi hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra rất rộng, ở đâu có quản lý ở đó có thanh tra nên nội dung giám định trong hoạt động thanh tra cũng rất phong phú. Trong hoạt động thanh tra, kết luận giám định là căn cứ quan trọng, tin cậy, bởi đây là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, được coi là chứng cứ làm cơ sở cho việc giải quyết vụ việc cần chứng minh, nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng quy định sẽ góp phần công khai, minh bạch trong mọi hoạt động, đặc biệt cần thiết cho hoạt động thanh tra.

Chính vì vậy, giám định trong hoạt động thanh tra là việc người giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận những vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật có liên quan đến hoạt động thanh tra theo trưng cầu của người ra quyết định thanh tra hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định nhằm cung cấp các căn cứ cho việc kết luận thanh tra của các cơ quan Thanh tra.

Luật Thanh tra hiện hành quy định người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra (Điều 48, Điều 55), nhưng pháp luật về thanh tra lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các bên trưng cầu và thực hiện giám định, cũng như xác định tổ chức, cá nhân nào thực hiện giám định. Vì vậy, việc trưng cầu giám định phục vụ cho hoạt động thanh tra gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra quy định về trưng cầu giám định như sau: “Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định trưng cầu giám định”.

Mặc dù pháp luật đã có quy định về mặt pháp lý nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ về căn cứ giám định, người giám định, trách nhiệm của các bên trưng cầu, yêu cầu và thực hiện giám định; chưa làm rõ về trình tự thủ tục, thời hạn giám định, gia hạn giám định, vấn đề giám định lại, giám định nhiều lần trong một vụ việc; chưa làm rõ việc xử lý xung đột về kết luận giám định… nên hiệu quả của hoạt động giám định trong quá trình thanh tra còn hạn chế. Nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên thì có nhiều, song tựu trung lại có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: Nhận thức về giám định trong hoạt động thanh tra còn hạn chế; việc xây dựng, ban hành văn bản liên quan đến giám định trong hoạt động thanh tra vẫn còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về giám định trong hoạt động thanh tra; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính, người ra quyết định thanh tra trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra còn chưa được ưu tiên thực hiện; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác giám định trong hoạt động thanh tra; việc tổng kết thực tiễn công tác giám định trong hoạt động thanh tra chưa được chú trọng; công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra và người giám định giám định trong hoạt động thanh tra còn lúng túng, gặp nhiều vướng mắc; công tác tuyên truyền pháp luật, về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giám định trong hoạt động thanh tra còn chưa được chú trọng; lợi ích của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định nói chung, giám định ngoài tố tụng nói riêng chưa được bảo đảm; kinh phí cho việc trưng cầu và thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra chưa được bảo đảm.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra mà trực tiếp là kết luân thanh tra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của cơ quan thanh tra, bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả giám định trong hoạt động thanh tra.

1.     Giải pháp về nhận thức

Nâng cao nhận thức của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp, các ngành các cơ quan thanh tra về vai trò, ý nghĩa của giám định trong hoạt động thanh tra. Giám định trong hoạt động thanh tra là một trong những quyền yêu cầu trong quá trình thanh tra được ghi nhận tại Điều 48 Luật Thanh tra 2010. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động thanh tra thời gian qua cho thấy rất ít khi quyền trưng cầu giám định trong hoạt động thanh tra được sử dụng và kết quả cũng rất hạn chế. Thực trạng này có thể nói một phần là do một bộ phận cán bộ làm công tác thanh tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, giá trị của kết luận thanh tra cũng như vai trò, ý nghĩa của giám định trong hoạt động thanh tra. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan thanh tra về ý nghĩa, tầm quan trọng của giám định trong hoạt động thanh tra là nhằm cung cấp các chứng cứ làm căn cứ cho việc kết luận thanh tra của các cơ quan Thanh tra là giải pháp quan trọng, đề từ đó có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho công tác giám định trong hoạt động thanh tra. Thời gian tới, phải tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người ra quyết định thanh tra và Đoàn thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra nói chung và nâng cao chất lượng, giá trị của kết luận thanh tra nói riêng. Trên cơ sở đó, đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng hoàn thiện thể chế giám định trong hoạt động thanh tra cho phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, chiến lược phát triển ngành Thanh tra và thiết thực hơn là đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật của kết luận thanh tra, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra trong bối cảnh hiện nay.

Nâng cao nhận thức về giám định trong hoạt động thanh tra vừa là đòi hỏi từ phía Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan thanh tra vừa là đòi hỏi từ phía đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thanh tra và từ chính đội ngũ những người làm công tác giám định trong hoạt động thanh tra. Vì chỉ khi nhận thức đúng vai trò của công tác giám định trong hoạt động thanh tra, các cơ quan thanh tra quan tâm đến công tác giám định trong hoạt động thanh tra, mới tăng cường sử dụng biện pháp nghiệp vụ giám định trong hoạt động thanh tra, sử dụng kết quả giám định trong hoạt động thanh tra làm căn cứ để kết luận thanh tra đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời, đúng pháp luật, thông qua đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của cơ quan, tổ chức cá nhân là đối tượng thanh tra; đồng thời, người làm công tác giám định mới tích cực, chủ động, tự giác, khách quan, vô tư khi tham gia vào giám định trong hoạt động thanh tra để bảo vệ chân lý khách quan và uy tín, đạo đức nghề nghiệp của mình. 

(Còn tiếp)

Lê Đức Trung - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra