Luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực và luận điệu xuyên tạc hiện nay

Bài 1: Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực

Thứ năm, 25/04/2024 09:57
(ThanhtraVietNam) - Mục tiêu cao nhất mà Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị hướng tới là bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực.

Trong đó, Quy định này1 là căn cứ, hướng dẫn cụ thể của Đảng về công tác luân chuyển, điều động cán bộ, nhằm phát huy những kết quả tích cực, thúc đẩy sự minh bạch và liêm chính tại chính các cơ quan thanh tra, kiểm toán; đồng thời, góp phần đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận những giá trị tích cực về công tác luân chuyển, điều động cán bộ hiện nay.

 Quy định 131-QĐ/TW đáp ứng thực tiễn bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán

Xuyên suốt và nhất quán trong tư duy của Đảng và hệ thống chính trị nước ta là coi công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng và Nhà nước có tầm nhìn chiến lược, toàn diện về công tác cán bộ: Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ; tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ; quy hoạch, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ; luân chuyển, điều động cán bộ; đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác cán bộ của các nhiệm kỳ trước đó, Đại hội XIII của Đảng chủ trương ban hành những quy định mới để cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ theo quan điểm của Đảng.

Bằng chứng là Đảng ta đã ban hành hàng loạt các văn bản quy định về công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực của đội ngũ cán bộ các cấp được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như: Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng; Thông báo Kết luận số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được bàn đến từ lâu, có định hướng quán triệt và đạt được những kết quả tích cực trong thực tiễn.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các ngành: Thanh tra, Kiểm toán đã, đang có những quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự phụng sự và phục vụ.

leftcenterrightdel
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại Hội nghị Tổng kết công tác đảng năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, tháng 01/2024. Tại Hội nghị, ông Đoàn Hồng Phong đã nhấn mạnh về tính cấp thiết của việc triển khai Quy định 131-QĐ/TW. Ảnh: K. Dung 

Điều này cũng góp phần đập tan mọi quan điểm xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch phủ nhận mọi thành quả của cuộc đấu tranh này; hoặc luận điệu của chúng đối với việc ban hành các văn bản quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán chỉ là “hình thức”, “thiếu thực tiễn”.

Căn cứ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Thanh tra và Kiểm toán đều có chức năng quản lý nhà nước thông qua các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh, đánh giá khách quan, phát hiện và định hướng giải quyết, hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng.

Để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ và khắc phục được lỗ hổng của các quy định trước đó, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Quy định 131-QĐ/TW có 04 chương, 11 điều, trong đó giải thích rõ rằng: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Tham nhũng trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc người có thẩm quyền lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác.

Tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán.

Điều 4 (Chương II) của Quy định 131-QĐ/TW quy định 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Điều 6 (Chương II) quy định không thực hiện hành vi quy định tại Điều 4, đồng thời có trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cá nhân có liên quan.

Tóm lại, Quy định 131-QĐ/TW ra đời là một văn bản đặc biệt quan trọng thể hiện tính tất yếu thực tiễn đặt ra trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Quy định 131-QĐ/TW trở thành “tấm khiên”, “lá chắn thép” vững chắc trong việc bảo vệ Đảng, Nhà nước và góp phần vào việc bảo vệ cán bộ trước nguy cơ tha hóa quyền lực và những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Quy định 131-QĐ/TW không chỉ là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” cho hoạt động thanh tra, kiểm toán được minh bạch, mà là “khung căn cứ” để ngăn ngừa tình trạng lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, độc quyền, biến quyền lực của Nhân dân thành quyền lực cá nhân để thao túng, tác động có lợi cho bản thân hoặc người có quan hệ gia đình.

leftcenterrightdel
 

Theo đó, trong Quy định 131-QĐ/TW có Điều 8 (Chương III) quy định 04 nội dung xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực với việc áp dụng các biện pháp cụ thể và Điều 9 (Chương III) quy định xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực đối với tổ chức và đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm toán.

Quy định nêu rõ: Kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm nội dung nêu tại Điều 4 Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành.

Quy định 131-QĐ/TW có ý nghĩa thiết thực cấp bách và lâu dài, là chế tài kịp thời có tính chất răn đe và giá trị phòng ngừa “từ sớm, từ xa”, ngăn chặn “từ gốc, từ đầu” cho chính hoạt động thanh tra, kiểm toán và các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Đồng thời, Quy định tạo sự nhất quán, tập trung và toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát của Đảng, hệ thống chính trị và của Nhân dân cũng như khả năng giám sát, phản biện xã hội đối với công tác thanh tra, kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ.

Qua đó, Quy định 131-QĐ/TW cũng nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên công tác trong lĩnh vực thanh tra, kiểm toán cần phải “thượng tôn pháp luật”, thực thi nghiêm minh theo chức trách và không ngừng rèn luyện bản lĩnh, phẩm chất, giá trị cốt lõi của kiểm toán viên nhà nước “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng” và của người cán bộ thanh tra “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.

Luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán: Minh bạch và liêm chính là không thể phủ nhận

Thời gian qua, cùng với các vụ án, vụ việc có liên quan đến thanh tra, kiểm toán đã và đang được đưa ra ánh sáng thì trên không gian mạng xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các đối tượng thù địch.

Các đối tượng này lợi dụng một số vụ việc phức tạp, sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo, cán bộ thanh tra, kiểm toán với cách thức “lấy hiện tượng quy kết bản chất” nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng, xuyên tạc tầm quan trọng của các cơ quan thanh tra, kiểm toán và đội ngũ cán bộ liêm chính, “phụng công thủ pháp” trong thực thi công vụ.

Những luận điệu xuyên tạc, sai trái cho rằng các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là “giải quyết hậu sự”,  “như muối bỏ bể”, “là rắc hoa lên bề mặt một vũng lầy thối rữa và sâu thẳm”; luân chuyển cán bộ thanh tra chỉ là “hình thức”, “không thể vì không có dân chủ”, “tham nhũng là căn bệnh kinh niên” của chế độ hoặc do “đấu đá phe phái” chính trị để “truy cùng giết tận”,…

Chúng phủ nhận những kết quả đạt được của ngành Thanh tra, Kiểm toán; bôi đen, bóp méo mọi nỗ lực và giải pháp minh bạch, liêm chính cho đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm toán. Chúng coi thanh tra, kiểm toán là khuyết tật bẩm sinh của chế độ, “đời đục cả mình ta trong là dại”, “thanh tra lạm quyền” thì ở đâu cũng lạm quyền, là “thực trạng phổ biến”, “cứ có phong bì chúng nó thank you”, người thanh tra rèn luyện “khả năng phát hiện vi phạm để… bán mình với giá cao hơn”,…

Chúng “hiến kế” là cần phải có tam quyền phân lập để kiểm soát quyền lực, “có nhiều đảng chính trị sẽ cạnh tranh, tận hiến, minh bạch và kiềm chế tiêu cực”. Thế lực thù địch rêu rao, thổi phồng những sự vụ và mặt trái, cố tình tỏ ra không hiểu thực tế thì thế nào?

Nhưng những kẻ “có mắt không tròng” cần phải tường minh rằng, Đảng, Nhà nước và ngành Thanh tra, Kiểm toán không ngừng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm toán một cách chủ động, linh hoạt, khách quan, chính xác, công tâm.

Chúng ta đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm toán theo các quy định của Đảng, Luật Thanh tra (năm 2022), các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ (như: Nghị định số 112/2020/NĐ-CP; Nghị định số 71/2023/NĐ-CP;…) và các văn bản của ngành Thanh tra (như: Nghị quyết số 122-NQ/BCSĐ; Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ; Nghị quyết số 38-NQ/ĐU.23; Quy định số 465/QĐ/TTCP;…).

Đồng thời, chúng ta cũng đang thực hiện tốt các giải pháp luân chuyển, điều động cán bộ góp phần phòng ngừa “đặc quyền, đặc lợi”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo Quy định 131-QĐ/TW về luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán.

Quy định 131-QĐ/TW được ban hành không chỉ làm rõ nội hàm về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, mà nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, thành viên cấp ủy, tổ chức đảng nhằm mục đích phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở các cơ quan thanh tra, kiểm toán, trong đó có nội dung luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán.

Cụ thể là: Điều động hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với người đã phụ trách, theo dõi một địa bàn, lĩnh vực từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc khi thấy cần thiết. Đối với lãnh đạo cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của đoàn thanh tra, kiểm toán được phân công chỉ đạo.

Đồng thời, Quy định 131-QĐ/TW nói rõ trách nhiệm của đoàn thanh tra, kiểm toán (trưởng đoàn, thành viên, cán bộ làm công tác tham mưu) và xử lý dấu hiệu vi phạm thì không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đó là căn cứ quan trọng để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, xử lý sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Vậy tại sao phải thực hiện nghiêm việc luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán?

Thực tế, các cơ quan thanh tra, kiểm toán có chức trách và quyền hạn lớn trong thi hành nhiệm vụ, từ quá trình chuẩn bị tiến hành thanh tra, kiểm toán cho đến kết luận xử lý vụ việc. Đây là cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hiện vai trò theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đồng thời, thông qua hoạt động này, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện, xử lý kịp thời những vụ việc có quy mô lớn, có tính chất phức tạp. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra là lĩnh vực “nhạy cảm”, liên quan trực tiếp đến chức trách kiểm tra, giám sát, đánh giá, kết luận về trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ; xác nhận tính đúng đắn, chân thực, hợp pháp, hợp lý của vụ việc, của báo cáo, của tài liệu, của kế toán, của báo cáo tài chính, của số liệu, danh mục thu và chi ngân sách; phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật và quy trình công tác; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm hoạt động thanh tra, kiểm toán, vi phạm pháp luật, v.v..

Các kết luận thanh tra là căn cứ để kiến nghị các giải pháp khắc phục, tháo gỡ, xử lý và thu hồi tài sản có hiệu quả. Các kết luận thanh tra, kiểm toán ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tổ chức, cá nhân, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, sinh mạng chính trị của cán bộ, đảng viên.

Do đó, các đối tượng thanh tra, kiểm toán thường có xu hướng “chạy thanh tra”, “chạy kiểm toán”, để không bị đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm toán; “chạy kết luận” để mặc cả, thỏa thuận, tác động làm thay đổi nội dung dự thảo kết luận để kết luận khi ban hành có lợi cho đương sự.

Cũng có cán bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm toán được giao nhưng không liêm chính, không khách quan, gây khó khăn, gợi ý, móc ngoặc, “lách luật” để “trục lợi”; có kế hoạch thanh tra, kiểm toán vượt quá phạm vi, đối tượng, nội dung hoặc bỏ sót, bỏ lọt nội dung theo kế hoạch được phê duyệt về thanh tra, kiểm toán hoặc làm thay đổi tình tiết kết luận thanh tra, kiểm toán; có hành vi nhận tiền, nhận vật chất, ăn uống, giao lưu dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm toán.

Trong thời gian vừa qua, điển hình là các lãnh đạo, cán bộ thanh tra có liên quan các vụ án như: Trần Văn Thanh, nguyên Thiếu tướng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an (2009); Đặng Anh Tuấn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông trong vụ án “đánh bạc nghìn tỷ” (2019); Nguyễn Kiên Cường, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình (2021); Nguyễn Thị Kim Anh, nguyên Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng và nhiều cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng (2021); Lê Thị Thanh Tuyền, nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (2022); Nguyễn Ngọc Ánh, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng (2023); Tăng Gia Phong, nguyên Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau (2023); Nguyễn Thanh Trì, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu (2023); Nguyễn Đức Tú, nguyên Đội trưởng Đội Hành chính tổng hợp và Trần Văn Dũng, nguyên Phó đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 8 thuộc Sở Giao thông vận tải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Ngô Quốc Trưởng, nguyên Phó Giám đốc, cựu Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái (2024); Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục II, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Nguyễn Văn Hưng, nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cùng nhiều cán bộ thanh tra ngân hàng có liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB;…

Sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được đưa ra ánh sáng. Những bản án thích đáng, nghiêm minh, đúng người đúng tội cho các cán bộ thanh tra, kiểm toán mắc sai phạm.

Các vụ việc đã được đăng tải công khai, chi tiết trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở trong và ngoài nước, có nêu rõ các tình tiết và mức độ vi phạm pháp luật. Trong đó có cả các cán bộ và lãnh đạo trong chính cơ quan thanh tra phòng, chống tham nhũng đã bao che, dung túng cho các hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài, làm thiệt hại rất nhiều tài sản Nhà nước và Nhân dân, gây mất niềm tin của cán bộ và Nhân dân.

Nhưng các thế lực thù địch xuyên tạc, sai trái hay những kẻ “a dua”, “a tòng” cần phải nhìn đầy đủ, khách quan, chính xác và thấu đáo rằng: Pháp luật luôn công bằng, công khai, nghiêm minh, thẳng tay trừng trị bất cứ ai, cương vị nào, góp phần làm minh bạch cơ quan thanh tra, kiểm toán và bảo vệ cán bộ của Đảng và Nhà nước trước vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế đó, Quy định 131-QĐ/TW đã đáp ứng được yêu cầu về việc hoàn thiện quy định của Đảng về công tác luân chuyển, điều động cán bộ thanh tra, kiểm toán hiện nay.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra, kiểm toán nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà cần phải phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ thanh tra, kiểm toán. Bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống  mới là gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?

Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”2.

Cho nên, thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ thì cũng phải được cân nhắc kỹ càng, khách quan, công tâm; xác định những biểu hiện, nhận diện và áp dụng các biện pháp phòng, chống chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy điều động cán bộ.

Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, xác định hành vi để xử lý trách nhiệm khi vi phạm của cán bộ, đảng viên theo thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý3.

Tóm lại, Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa thực tiễn cấp bách và lâu dài trong việc bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán; định hướng công tác luân chuyển, điều động cán bộ nhằm phát huy những kết quả tích cực, thúc đẩy sự minh bạch và liêm chính trong các cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Đồng thời, Quy định 131-QĐ/TW cũng góp phần đập tan mọi luận điệu xuyên tạc, sai trái, phủ nhận những giá trị tích cực về công tác luân chuyển, điều động cán bộ hiện nay.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán;

(2) Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 16;

(3) Bộ Chính trị (2023), Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Hà Nội, tr. 8-9.

Trung Kiên - Kim Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra