Bài 2: Kinh nghiệm tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương

Thứ ba, 27/02/2024 10:00
(ThanhtraVietNam) – Tại buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương còn chia sẻ thêm về kết quả công tác tư vấn pháp lý tại Trụ sở và những kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

Kết quả công tác tư vấn pháp lý tại Trụ sở

Theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở, Thanh tra Chính phủ cùng với 5 cơ quan đã ký Chương trình phối hợp số 01-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/11/2014. Sau 5 năm thực hiện (2014-2018), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các cơ quan đã tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả việc thực hiện CTPH số 01. Với những thành quả đạt được, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ cùng với các cơ quan tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 về giám sát và nâng cao việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương, cơ sở.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình phối hợp, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Viêt Nam tổ chức tư vấn miễn phí tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương nhằm tạo điều kiện cho công dân được trợ giúp về mặt pháp lý. Đây là sáng kiến của Thanh tra Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình; qua đó tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về pháp luật cho công dân. Nhiều trường hợp công dân sau khi được tư vấn, giải thích về quy định của pháp luật, quyền và lợi ích của mình đã tự giác chấp hành việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấm dứt khiếu nại, tố cáo. Dựa trên kết quả đã đạt được, hoạt động luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tiếp tục triển khai trong và nhân rộng tới Trụ sở Tiếp công dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính từ năm 2016, khi bắt đầu triển khai thực hiện hoạt động luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở Tiếp dân Trung ương đến năm 2022 đã tổ chức cho hơn 1.200 lượt/luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại Trụ sở thành phố Hà Nội với khoảng 4.000 lượt công dân; Hội Luật gia Việt Nam tư vấn tại Trụ sở từ tháng 7/2021. Trong năm 2023, Liên đoàn Luật sư cử 133 luật sư, tư vấn cho 258 lượt công dân và Hội Luật gia đã cử Hội Luật gia cử 73 luật gia, tư vấn cho 70 lượt công dân.

Ngoài ra, trong các dịp Lễ, Tết và nhất là thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, các Kỳ họp Trung ương, Quốc hội, lễ đón Nguyên thủ các nước lớn thăm Việt Nam… cán bộ UBTWMT TQ Việt Nam, các cơ quan Trung ương và các luật sư, luật gia cũng tăng cường thường trực tại Trụ sở, kịp thời làm tốt công tác tiếp công dân, tư vấn pháp lý cho công dân có hiệu quả. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc tổ chức các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về việc cử luật sư tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (ảnh đứng). Ảnh: L.A

Cán bộ tiếp công dân phải có trình độ, năng lực toàn diện và chuyên sâu, có tâm trong sáng vì dân phục vụ

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương hàng năm đã tiếp hàng nghìn vụ việc, trong đó có nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp với mục đích chủ yếu là gây sự chú ý, tạo áp lực để yêu cầu các cơ quan nhà nước phải xem xét, giải quyết nhanh, giải quyết theo các yêu cầu của họ. Trong nhiều trường hợp còn do họ không tin tưởng vào việc giải quyết của chính quyền cơ sở; hoặc do bị xúi dục, kích động hoặc do quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước thực sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ... Chính vì vậy, theo Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, trong quá trình tiếp công dân, người cán bộ tiếp công dân cần có những yêu cầu và kinh nghiệm nhất định.

Đặc biệt, việc tiếp công dân phải đảm bảo đúng pháp luật về tiếp công dân, giữ vững nguyên tắc trong đối thoại giao tiếp, không để cái tôi lấn át công việc; đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích giữa nhà nước và công dân hay các bên tham gia giao tiếp; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong giao tiếp; ứng xử trong giao tiếp phải mang tính dân tộc và phản ánh truyền thống tốt đẹp, với người Việt Nam, nét văn hóa trong giao tiếp thể hiện.

Ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh, cán bộ tiếp công dân phải có trình độ, năng lực toàn diện và chuyên sâu, có tâm trong sáng vì dân phục vụ; có được như vậy thì không có gì là không làm được, chuyện quay phim, chụp ảnh, ghi âm, nghi hình là chuyện bình thường, mà việc làm này lại giúp họ làm tốt hơn chức trách của mình.

Ngoài ra, cán bộ tiếp công dân cần phải có kỹ năng nhất định, trước hết là tạo cho mình sự tự tin vào bản thân, điều này thể hiện bằng những hiểu biết của mình về chủ đề, về người tiếp nhận. Các hình thức giao tiếp qua viết, nói hay các hình thức khác đều bị chi phối bởi giọng điệu của người truyền đạt thông điệp, tính căn cứ của lý luận, những gì được giao tiếp và những gì không nên được đưa vào, cũng như phong cách giao tiếp riêng của cán bộ. Nếu không, sẽ dẫn đến việc thông điệp của mình có thể bị hiểu sai. Cán bộ tiếp công dân phải chào hỏi dân, tự giới thiệu về mình, sau đó hỏi họ tên và công việc người dân cần giải quyết, không để dân phải chờ đợi lâu. Bắt tay là hình thức biểu đạt sự hoan nghênh, thông cảm, sự kính trọng, lúc từ biệt đối với người dân. Bắt tay bày tỏ sự thân thiện, nồng nhiệt, qua đó mối quan hệ giữa hai bên sẽ trở nên gần gũi hơn.

“Trong khi tiếp dân, người tiếp dân phải ngồi ngay ngắn, nghiêm túc. Với ánh mắt, nụ cười, nét mặt, cử chỉ thân thiện... phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp lắng nghe người dân trình bày, ghi chép những nội dung cần thiết. Lắng nghe đóng vai trò rất quan trọng trong công việc. Trong giao tiếp, ai cũng thích được người khác lắng nghe, muốn thành công phải biết lắng nghe, đặc biệt là làm lãnh đạo... Lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn”, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương khẳng định.

Trong mọi trường hợp không được tỏ thái độ nóng nảy, quát tháo, đập bàn ghế. Không cắt ngang lời người đang nói. Nếu không thống nhất quan điểm, cách làm việc, nên trao đổi từ tốn, thuyết phục với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự. Tránh mọi biểu hiện hách dịch, cửa quyền hoặc không tôn trọng người dân. Thái độ cần thiết trong giao tiếp với công dân: lạc quan, tích cực, chân tình, cởi mở, thể hiện sự sẵn sàng, hợp tác và có thể làm được. Kỹ năng nói có vị trí rất quan trọng trong hoạt động tiếp dân, có tính chất quyết định kết quả của buổi tiếp dân. Khi giao tiếp với công dân, cán bộ tiếp dân phải sử dụng lời nói theo chuẩn mực, theo ngôn từ hành chính đồng thời phải nói chính xác, rõ ràng, không mập mờ, lơ lửng, phải sát với nội dung dân nêu ra. Không nên trình bày dài dòng, nói thiếu mạch lạc, không rõ ràng, không quan tâm đến thái độ của người dân. Đảm bảo chững chạc, đàng hoàng tạo sự kính trọng người nghe. Tác phong, thái độ cởi mở, tế nhị và chu đáo, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc là những chuẩn mực giao tiếp quan trọng và cần thiết./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra