Kinh nghiệm đột phá, tiên phong của Kiểm toán nhà nước trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ
Chúng ta hãy cùng nhìn lại những kinh nghiệm của Kiểm toán nhà nước từ những bước đi rất khoa học, bài bản và phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác:
Cụ thể hóa từ Nghị quyết đến chương trình, hành động cụ thể
Tháng 7/2016, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/BCS về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức (gọi chung cán bộ) Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36).
Đây là Nghị quyết quan trọng, có tính đột phá nhằm phát huy những kết quả đạt được sau khi thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/BCS ngày 25/11/2011 về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước.
|
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: N. Lộc |
Đồng thời, Nghị quyết 36 cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý; Hướng dẫn số 06-HD/TCTW ngày 02/4/2002 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Quy định số 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về luân chuyển cán bộ; Luật Cán bộ, công chức năm 2019 và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ về Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, Nghị quyết 36 phù hợp với Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (gọi tắt là Quy định số 131-QĐ/TW). (Sau khi Quy định số 131-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành, ngày 30/11/2023 Ban Cán sự đảng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch số 202-KH/BCSĐ triển khai thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW và đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước để rà soát, sửa đổi các quy định của Kiểm toán nhà nước đảm bảo phù hợp với Quy định này.)
Nghị quyết 36 ra đời đã kịp thời đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, qua đó chủ động xây dựng và chuẩn bị đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, có năng lực lãnh đạo, quản lý và có bản lĩnh để bố trí, bổ sung tăng cường cho các vị trí, các đơn vị còn thiếu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Kiểm toán nhà nước.
Nghị quyết 36 cũng góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ, góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
|
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và các Phó Tổng kiểm toán nhà nước trao quyết định, tặng hoa, chúc mừng các công chức của Kiểm toán nhà nước trong đợt luân chuyển, điều động, tháng 02/2023. Ảnh: N. Lộc |
Theo Nghị quyết 36, các cấp ủy đảng, chính quyền của Kiểm toán nhà nước chỉ đạo thực hiện tốt quy định và xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trị công tác và biệt phái cán bộ của Kiểm toán nhà nướctheo hướng:
Thứ nhất, luân chuyển để đào tạo đối với những công chức lãnh đạo trẻ, có triển vọng phát triển và công chức lãnh đạo trong quy hoạch giữa các đơn vị trực thuộc.
Cụ thể đối với các công chức lãnh đạo sau: (1) Đối với lãnh đạo cấp Vụ không quá 45 tuổi, trường hợp đặc biệt, không quá 52 tuổi (đối với nam) và không quá 48 tuổi (đối với nữ), gồm: Vụ trưởng và tương đương quy hoạch chức danh Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Vụ trưởng và tương đương quy hoạch chức danh Vụ trưởng và tương đương; (2) Đối với công chức lãnh đạo cấp Phòng không quá 40 tuổi, trường hợp đặc biệt, không quá 45 tuổi; (3) Thời gian luân chuyển từ 03 đến 05 năm; trường hợp lãnh đạo nữ tối thiểu phải là 02 năm.
Thứ hai, điều động đối với công chức trong toàn Ngành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức.
Thứ ba, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức có thời hạn công tác từ 02 năm (đủ 24 tháng) đến 05 năm (đủ 60 tháng); công chức, viên chức có thời gian công tác còn lại dưới 24 tháng trước khi đủ tuổi nghỉ hưu không thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Thứ tư, biệt phái một số công chức từ các đơn vị tham mưu, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp và các Kiểm toán nhà nước khu vực có khó khăn về năng lực đội ngũ cán bộ. Thời hạn biệt phái không quá 03 (ba) năm. Trường hợp biệt phái cán bộ đến các đơn vị khác trực thuộc Kiểm toán nhà nước để tham gia cuộc kiểm toán thì thời hạn không quá 01 (một) năm.
|
|
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn và các Phó Tổng kiểm toán nhà nước trao quyết định, tặng hoa, chúc mừng các công chức của Kiểm toán nhà nước trong đợt luân chuyển, điều động, tháng 01/2024. Ảnh: N. Lộc |
Đưa công tác luân chuyển, điều động cán bộ đi vào nền nếp
Qua 07 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36, đặc biệt, giai đoạn 2022-2024, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước đã quyết liệt đưa công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái cán bộ đi vào nền nếp, trở thành công việc thường xuyên, có tính chất lâu dài.
Từ năm 2016 đến nay, Kiểm toán nhà nước đã luân chuyển, điều động 183 công chức là lãnh đạo cấp cấp vụ (đặc biệt, có 03 công chức được luân chuyển, điều động để đào tạo, bồi dưỡng và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Kiểm toán nhà nước); 262 công chức là lãnh đạo cấp phòng (trong đó, 69 công chức được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, 193 công chức được điều động ngang chức) và 147 công chức chuyên môn.
Có 1.500 công chức, viên chức thực hiện công tác chuyển đổi vị trí công tác trong nội bộ các đơn vị trực thuộc. Riêng giai đoạn từ năm 2022 đến nay là 404 công chức (chiếm gần 27% tổng số công chức được chuyển đổi vị trí công tác).
Bên cạnh đó, 28 công chức đã thực hiện biệt phái. Trong đó 21 công chức đã được điều động trở lại đơn vị cũ, 01 công chức được điều động trở lại đơn vị Kiểm toán nhà nước chuyên ngành và 02 công chức được điều động đến đơn vị biệt phái.
Qua công tác biệt phái, Kiểm toán nhà nước đã kịp thời tăng cường đội ngũ công chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tại một số đơn vị khó khăn trong công tác tuyển dụng, như: Kiểm toán nhà nước khu vực VII, IX và đơn vị có nhu cầu tăng cường nhân sự do khó khăn về năng lực đội ngũ (ví dụ: Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành).
Các công chức biệt phái đều có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đơn vị và hiệu quả thực thi nhiệm vụ.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác, điều động nội bộ trong đơn vị nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng và bố trí, phân công công tác đối với đội ngũ công chức.
Theo đó, công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đã được một số đơn vị thực hiện thường xuyên, như: Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia, Ib, II, III, VI, VII, KTNN khu vực II, IV, VII, VIII, IX, X, XII, XIII,... tạo động lực mới, môi trường mới cho công chức thử sức và cống hiến.
Công tác luân chuyển, điều động cán bộ đã đạt được mục tiêu về chất
Tại Kiểm toán nhà nước, việc luân chuyển, điều động cán bộ trong diện quy hoạch một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học đã tạo được những kết quả nổi bật nhất định trong công tác cán bộ.
Điều này góp phần chứng minh Kiểm toán nhà nước là một trong những lá cờ đầu thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển, điều động cán bộ nói riêng.
Bởi vì, công tác luân chuyển, điều động cán bộ tại Kiểm toán nhà nước đã đạt được mục tiêu về chất khi tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, giúp cho cán bộ có thêm kiến thức thực tế và phát triển nhanh, toàn diện hơn từ bản lĩnh chính trị, phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ cũng như mối quan hệ công tác, ứng xử với địa phương và đơn vị được kiểm toán.
Những đơn vị mới, địa bàn mới sẽ là môi trường thử thách, rèn luyện trong thực tiễn, nhất là thực tiễn kiểm toán, cũng là cơ hội, điều kiện để công chức trẻ có triển vọng phát huy kinh nghiệm, sở trường để trưởng thành nhanh hơn, toàn diện và vững chắc hơn, đáp ứng yêu cầu cán bộ trước mắt và lâu dài của toàn Ngành.
Mặt khác, khi công tác này được tiến hành bài bản, thường xuyên sẽ định hình được tính chủ động cao ở tất cả các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực công tác. Vì hầu hết thủ trưởng các đơn vị Kiểm toán nhà nước chuyên ngành đã kinh qua vị trí công tác tại Kiểm toán nhà nước khu vực và ngược lại.
Tính chủ động cao còn được thể hiện trong công tác quản lý, sử dụng công chức, bảo đảm sự kế thừa, phát triển và chuyển tiếp giữa các thế hệ, không những khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ kế cận mà còn đảm bảo sự ổn định và phát triển của ngành Kiểm toán nhà nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ.
Ngoài việc tăng cường số lượng, cơ cấu công chức hợp lý cho những đơn vị có khó khăn trong tuyển dụng những năm trước đây, các đơn vị còn thiếu công chức chuyên môn theo từng lĩnh vực còn đổi mới cách thức, phương pháp làm việc, khắc phục cách làm theo lối mòn, kinh nghiệm trước đây.
Đặc biệt, tại Kiểm toán nhà nước, công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ đã quan tâm đến yếu tố điều kiện, hoàn cảnh gia đình công chức, viên chức. Các cán bộ, công chức được tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi để yên tâm công tác, phát huy hết năng lực, sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu cao tính đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm trong công việc.
Ông Ngô Minh Kiểm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII, sau 03 lần được luân chuyển đã chia sẻ: “Việc luân chuyển ở Kiểm toán nhà nước đến nay đã có nền nếp. Luân chuyển cán bộ trong các đợt đảm bảo công bằng, hợp lý, khách quan. Cán bộ được điều động luân chuyển với tinh thần thoải mái do mọi người đều xác định rõ tư tưởng.
Khi luân chuyển, tôi gặp những khó khăn nhất định như phải có thời gian thích ứng với lĩnh vực, môi trường mới, con người mới, địa bàn mới. Đồng thời, phải xa gia đình với những điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn, nhưng bản thân tôi cho rằng phải nhanh chóng nghiên cứu các lĩnh lực, môi trường của đơn vị mới, phải thật công bằng trong các quyết định, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo và phải sắp xếp công việc gia đình hợp lý. Đến nay, bản thân tôi luôn sẵn sàng cho các đợt luân chuyển tiếp theo!”
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI, sau hai lần được điều động, bổ nhiệm trong Ngành bày tỏ: “Khi được luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái, nhìn chung bước đầu chúng tôi cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, các đặc thù lĩnh vực hoạt động của các đơn vị được kiểm toán liên quan tại đơn vị mới,… Có lẽ đây là khó khăn, thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối diện, nhất là đối với nghề đòi hỏi cao về chuyên môn như nghề kiểm toán.
Nhưng những khó khăn này nhanh chóng được khắc phục bằng sự nỗ lực của bản thân từng kiểm toán viên, sự hỗ trợ tạo điều kiện của tập thể đơn vị nơi đến, sự tạo điều kiện về đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của Ngành và từ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các phần mềm hỗ trợ trong hoạt động kiểm toán theo chủ trương của Tổng Kiểm toán nhà nước.
Về cơ bản chúng tôi được luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái vào các vị trí có thể phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm tích lũy trong hoạt động kiểm toán.
Đồng thời, được tôi luyện, bổ sung kinh nghiệm, kiến thức phục vụ cho hoạt động kiểm toán, được thêm trải nghiệm khi công tác trong môi trường mới, lĩnh vực mới cũng là những giá trị cuộc sống mà chúng tôi có được sau những lần luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái.
Với một chủ trương đúng đắn, phù hợp của tập thể Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước về luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái, bản thân tôi sẵn sàng cho những lần luân chuyển/điều động/chuyển đổi vị trí công tác/biệt phái tiếp theo.”
Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 36 của Kiểm toán nhà nước đến nay cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Công tác triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định; bảo mật về thông tin, không gây tâm lý hoang mang và bất ổn cho công chức thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái.
Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và công chức phát huy vai trò trách nhiệm trong triển khai thực hiện chủ trương của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước. Đặc biệt, các đảng viên, công chức luôn chấp hành đúng quyết định của cấp trên, khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, địa bàn và vị trí công tác được phân công, tạo động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết quả đáng kể nhất đó là tạo dựng được nền nếp, nguyên tắc quản lý cán bộ trong công tác luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác của Kiểm toán nhà nước vừa đảm bảo nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, vừa phù hợp với đặc thù của Ngành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra về những kinh nghiệm trong thực hiện công tác luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái sau 07 năm thực hiện Nghị quyết 36, ông Đỗ Văn Tạo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Kiểm toán nhà nước cho biết:
Để phù hợp với các quy định mới nhất của Bộ Chính trị, trong đó có Quy định số 131-QĐ/TW, mới đây, ngày 22/4/2024, Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 70-NQ/BCSĐ (thay thế Nghị quyết 36) về luân chuyển, điều động, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và biệt phái đối với đảng viên, công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước.
Có được những kết quả về công tác cán bộ nói chung, công tác luân chuyển, điều động cán bộ nói riêng thời gian qua là do Ban cán sự đảng đã cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước vào điều kiện đặc thù của từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành.
Các biện pháp đưa ra và tổ chức thực hiện của Ban cán sự đảng Kiểm toán nhà nước là khoa học, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ công tác; là một bước đột phá, có tính tiên phong, chiến lược trong công tác cán bộ của Ngành, góp phần đổi mới công tác quy hoạch, đánh giá, nhận xét và đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Quyết liệt trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ tại Thanh tra Chính phủ
Tại Thanh tra Chính phủ, việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức là yêu cầu cấp thiết, được thực hiện thường xuyên và đặc biệt quyết liệt trong thời gian gần đây.
|
|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: K. Dung |
Luân chuyển, điều động cán bộ - một vấn đề khó nhưng không thể không làm
Luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức là một trong những công việc quan trọng trong công tác cán bộ nhằm đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có kiến thức toàn diện, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ theo yêu cầu của công việc.
Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, Thanh tra Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn công tác. Đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà thanh tra là một trong những lực lượng đi đầu, đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác cán bộ cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Trong đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản với các kế hoạch dài hạn, rõ ràng.
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: “Không phải không có tình trạng một bộ phận cán bộ ở một vị trí nhiều năm ngại thay đổi, mất động lực và sự hăng hái trong công việc. Thậm chí, không phải không có những biểu hiện cát cứ nơi này nơi khác, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ và có nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Một số cán bộ thanh tra bị bắt và bị tuyên án trong thời gian gần đây là minh chứng, cũng là bài học đau xót để chúng ta cần khắc phục ngay và có biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa.”
|
|
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: NVCC |
Hiểu rõ về những rào cản, thách thức trong công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác trong ngành Thanh tra nói chung, tại Thanh tra Chính phủ nói riêng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong từng chỉ đạo: “Luân chuyển, điều động cán bộ là một vấn đề khó, nhưng không thể không làm, cần đoàn kết, quyết tâm để thực hiện, phải phá được băng, đánh tan được tâm lý ngại luân chuyển, ngại thay đổi, muốn làm tại một vị trí cho đến khi nghỉ hưu.”
Phân tích về nội dung này, TS. Đinh Văn Minh bày tỏ: Khó là bởi vì nó đụng chạm trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của từng con người cụ thể. Khó bởi vì có những rào cản tâm lý từ thói quen trong công việc, từ những mối thâm giao trong quan hệ vốn luôn coi trọng chữ “tình” của người Việt Nam. Sự gắn kết, ổn định có mặt trái là sự trì trệ, bảo thủ, cùn mòn đã biểu hiện trong nhiều năm qua, thực sự là những “tảng băng” cần phải kiên quyết phá bỏ.
Do đó, “công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức tại Thanh tra Chính phủ không phải là muốn hay không nữa mà cần phải làm ngay để đội ngũ cán bộ thanh tra, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải có sự thay đổi cần thiết, trở nên năng động hơn, mạnh mẽ hơn, khát vọng và quyết tâm hơn trên cương vị công tác mới. Luân chuyển và điều động cũng là dịp để đội ngũ công chức thanh tra có dịp trải nghiệm, chia sẻ với những vị trí, công việc khác nhau. Từ đó tạo ra sự đoàn kết, nhất trí cao và sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt trong mỗi công việc sau này” - TS. Đinh Văn Minh nhấn mạnh.
Lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ có một cuộc điều chuyển cán bộ với quy mô và số lượng lớn
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc luân chuyển, điều động cán bộ, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng bộ các chủ trương, quy định của Đảng về công tác cán bộ.
|
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trao Quyết định bổ nhiệm cho tân Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Cường, tháng 11/2023. Ảnh: PV |
Trong đó có Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Thông báo số 20-TB/TW ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị về Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
Căn cứ vào các quy định, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, ngày 15/3/2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/BCSĐ. Đây là cơ sở để Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 766/KH-TTCP về luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ giai đoạn 2023-2027.
Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 28/12/2023, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ về việc thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW.
Thông qua Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã phổ biến, quán triệt đầy đủ, sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 131-QĐ/TW, trong đó chú ý công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, đảng viên đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cục, vụ, đơn vị, tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ.
Chính nhờ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, giai đoạn 2023-2027, nhất là từ năm 2023 đến nay đánh dấu thời kỳ thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với 30 lãnh đạo cấp vụ tại Thanh tra Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ có một cuộc điều chuyển với quy mô và số lượng lớn như vậy.
Hiệu quả của công tác luân chuyển, điều động cán bộ tạo được khí thế, động lực mới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức
Đáng chú ý, Thanh tra là một nghề có tính chuyên môn sâu. Thanh tra Chính phủ gồm 20 cục, vụ, đơn vị, trong đó có 03 cục thanh tra theo địa bàn và 03 vụ thanh tra phân theo lĩnh vực chuyên ngành.
Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả của công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy đảng và các đơn vị chức năng đã phải cân nhắc, sắp xếp sao cho phù hợp nhất, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, sở trường công tác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường phù hợp nhất cho cán bộ được rèn luyện, trưởng thành và phát triển một cách toàn diện, tất cả vì lợi ích chung, vì hiệu quả công tác, vì sự ổn định, phát triển của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
|
|
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trao Quyết định luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cho một số lãnh đạo: Cục I, Vụ I, Vụ II và Ban Tiếp công dân Trung ương, tháng 4/2024. Ảnh: Thái Minh |
“Thực tiễn cho thấy, những kiến thức chuyên môn được bổ sung, bồi đắp trong quá trình luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức tại Thanh tra Chính phủ thời gian qua đã góp phần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành thạo, chuyên nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ cũng như bảo đảm sự phối hợp hiệu quả trong công việc.
Chẳng hạn, một công chức làm công tác thanh tra khi được điều động về làm công tác tổ chức sẽ thấy rõ hơn nội dung, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho công chức đi thanh tra trực tiếp, một cán bộ pháp chế điều chuyển về công tác tiếp dân sẽ vận dụng tốt những quy định của pháp luật vào thực tế tiếp dân, xử lý đơn thư.
Ngược lại, một cán bộ thanh tra có nhiều năm làm công tác thanh tra khi điều chuyển về đơn vị nghiên cứu sẽ có cơ hội đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn của mình để nghiên cứu và xây dựng những quy trình nghiệp vụ thanh tra hợp lý hơn hoặc có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật một cách có căn cứ, thuyết phục hơn…” - TS. Đinh Văn Minh chiêm nghiệm.
Chính kết quả công tác của các cá nhân ở đơn vị mới đã khẳng định chủ trương, quyết định đúng đắn của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về công tác cán bộ.
Những kết quả đó cũng là minh chứng sinh động cho lời phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong tại Hội nghị công bố quyết định của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác cán bộ ngày 10/10/2023: "Đây là công việc rất khó, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến yếu tố con người, nhưng Ban cán sự đảng cùng tập thể lãnh đạo, cấp ủy, các cục, vụ, đơn vị có liên quan đã đồng thuận, thống nhất rất cao nên công tác cán bộ lần này tạo được khí thế, động lực mới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
(còn nữa)