Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Bài 2: Phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Thứ năm, 03/10/2024 09:30
(ThanhtraVietNam) - Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi tổng hợp, chỉ rõ những biểu hiện thường thấy của những người sợ trách nhiệm, trong bài viết của mình cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Sợ trách nhiệm là một khuyết điểm thuộc về ý thức tư tưởng, phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên” và “Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân”.

Bài 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Ngày nay, bệnh “sợ trách nhiệm” của một cán bộ, đảng viên có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau:
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: VTV 24

Các nguyên nhân khách quan là:

Hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong khi thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ, kinh nghiệm giải quyết. Tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là trên các lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân sách, phát triển doanh nghiệp, y tế, cung cấp dịch vụ công... gây khó khăn cho cán bộ, đảng viên thực thi công vụ (1). Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách pháp luật một số lĩnh vực còn chưa hoàn chỉnh; việc cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung để thích ứng với yêu cầu kinh tế thị trường vẫn còn chưa kịp thời.

Do yêu cầu giải quyết khối lượng công việc ngày càng tăng, trong bối cảnh đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy hành chính và tinh giảm biên chế.

Tại nhiều cơ quan, đơn vị cán bộ, đảng viên phải kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi mức lương cơ bản thấp; môi trường, điều kiện làm việc còn khó khăn.

Thẩm quyền, trách nhiệm trong giải quyết công việc chưa được phân định rõ trong quy chế làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được phân định một cách cụ thể, rõ ràng.

Chưa phát huy đầy đủ vai trò giám sát, động viên khích lệ của các tổ chức đoàn thể, xã hội và của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các nguyên nhân chủ quan là:

Do cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, có tâm lý sợ làm sai dẫn đến rủi ro cho bản thân; không tận tâm làm tròn bổn phận, chức trách, nhiệm vụ của mình.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên năng lực, trình độ yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu ngang tầm nhiệm vụ. Kiến thức pháp luật, chuyên môn, kỹ năng hành chính còn hạn chế, nên có tâm lý e dè, sợ sai, làm việc qua loa, chiếu lệ, cầm chừng, đối phó, “trả bài” hoặc có tư tưởng né tránh, đùn đẩy cho người khác.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được quan tâm sâu sát, kịp thời. Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng; chưa tiên phong, gương mẫu, vai trò còn mờ nhạt.

Việc đánh giá cán bộ chưa thực sự gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể; còn cảm tính, nể nang, cào bằng, nên chưa là động lực khích lệ các nhân tố tích cực thi đua, dám nghĩ, dám làm. Việc bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ có nơi, có chỗ chưa phù hợp, chưa phát huy hết năng lực, thế mạnh cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Công tác kiểm tra, chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý cán bộ, đảng viên né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Sự phối hợp thực hiện chức trách, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa kịp thời.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý các sai phạm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”... của Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, nhiều cán bộ quản lý, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng (2) cho thôi nhiệm vụ, đã bị xử lý kỷ luật, khởi tố, xét xử, nên một bộ phận cán bộ, đảng viên có tâm lý sợ sai, sợ vi phạm pháp luật không dám làm hoặc làm việc cầm chừng.

Đề xuất khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Đối với tổ chức, đoàn thể, cơ quan, đơn vị

Một là, tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để khắc phục ngay những bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật. Sửa đổi các luật về cán bộ, công chức, viên chức và bổ sung, hoàn thiện các chế tài, cá thể hóa trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên vi phạm trong thực thi công vụ. Đồng thời, đổi mới chế độ tiền lương, thưởng, cải thiện điều kiện làm việc để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, cống hiến.

Hai là,Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng” (3). Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất của công tác cán bộ. Công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, nên cán bộ có “sạch”, tổ chức mới mạnh; tổ chức có mạnh, đất nước mới phồn thịnh. Chú trọng công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ nhằm phát huy hết năng lực, thế mạnh cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bốn là, đổi mới phương pháp đánh giá đối với cán bộ, đảng viên đảm bảo đúng thực chất công việc, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể. Đề cao tự phê bình và phê bình việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Năm là, xây dựng ban hành quy chế làm việc chặt chẽ, trong đó phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác, để mỗi thành viên trong tổ chức làm cơ sở thi hành.

Sáu là, có cơ chế đình chỉ, cho thôi chức vụ và công tác đối với cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao. “Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao” (4).

Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; tạo môi trường làm việc thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.

Đối với cán bộ, đảng viên

Một là, phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng. Đối với cán bộ có chức vụ, quyền hạn càng cao, càng phải tự tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và đạo đức cách mạng; phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, tự soi rọi với các chuẩn mực đạo đức cách mạng để gột rửa những sai lầm, khuyết điểm, giống như việc rửa mặt hằng ngày.

Hai là, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ (5).

Ba là, cán bộ, đảng viên phải biết kết hợp một cách hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân trong suy nghĩ và hành động của mình. Mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý chí quyết tâm cao mới có thể vượt qua những khó khăn, phức tạp và những sự cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vọng của mặt trái nền kinh tế thị trường hiện nay.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1) Theo Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 về đất đai cho thấy, trong tổng số 218 văn bản được rà soát, đã phát hiện 26 văn bản có chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn;

Theo Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 về nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch đô thị cho thấy, trong tổng số 84 văn bản được rà soát, đã phát hiện 18 văn bản có chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn;

Theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong các năm 2021 và 2022 vẫn còn số lượng lớn các văn bản chưa hoàn thành việc xử lý (233 văn bản/446 văn bản cần xử lý);

(2) Đại hội Đảng toàn quốc đầu năm 2021 đã bầu 200 Ủy viên Trung ương khóa 13 nhiệm kỳ 2021-2026. Đến 18/5/2024, 21 người được Trung ương Đảng cho thôi nhiệm vụ,  trong đó có 11 người bị khởi tố hoặc kỷ luật;

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 184;

(4) Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương;

(5) Trình độ, năng lực, kinh nghiệm là những yếu tố đặc biệt quan trọng giúp người cán bộ thực thi chức trách, nhiệm vụ, giải quyết công việc một cách khoa học, đúng đắn, hiệu quả.

TS. Nguyễn Trọng Phú
Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra