Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ, đảng viên

Bài 3: Đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Thứ năm, 03/10/2024 13:00
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, nhiều mạng xã hội, kênh truyền thông như RFA, VOA và các tổ chức phản động đã đăng nhiều bài viết xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên, với những luận điệu sai trái, thù địch, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Hệ thống chính trị Việt Nam và công kích, chống phá Nhà nước ta.

Bài 1: Nhận diện về những biểu hiện của căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Bài 2: Phân tích nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục căn bệnh “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên

Để minh chứng cho luận điệu của mình, họ đã đưa các thông tin thật - giả lẫn lộn, cùng với việc cắt dán hình ảnh và hư cấu phát ngôn của một số cán bộ cấp cao trong Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tiếp theo đó là lồng ghép những phát ngôn hồ đồ, chủ quan của một số phần tử cực đoan nhằm mục đích xuyên tạc, bôi nhọ danh dự Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công kích, chống phá chế độ ta (1).

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: VTV 24

Phản bác về luận điệu: “Bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức là do thể chế, hệ thống”

Từ khi ra đời đến nay, Hệ thống chính trị Việt Nam không ngừng được củng cố, phát triển, hoàn thiện và ngày càng tỏ rõ tính ưu việt, giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt là sau gần 40 năm toàn dân ta thực hiện công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hệ thống chính trị Việt Nam ngày càng được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử (2).

Diện mạo đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gấp nhiều lần, đời sống của Nhân dân được nâng cao rõ rệt về vật chất, văn hóa, tinh thần, nhất là về ăn ở, đi lại, học tập, chữa bệnh, dịch vụ cuộc sống. Đồng thời, quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; đối ngoại, hội nhập quốc tế không ngừng mở rộng, kết hợp nội lực và ngoại lực, nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đúng như Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (3). Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức trong hoạt động công vụ. (4)

Vì vậy, để khắc phục bệnh “sợ trách nhiệm”, vấn đề cốt yếu không phải ở chỗ “phải thay đổi thể chế chính trị”, như các thế lực thù địch đang rêu rao, xuyên tạc nêu trên, mà cần trương bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay, để đảm bảo minh bạch, thống nhất, đồng bộ.

Phản bác về luận điệu: “...cán bộ nhà nước “làm gì cũng sợ” là do thực tế Đảng đứng trên pháp luật ở Việt Nam”

Như chúng ta đã biết rõ, tại Khoản 3, Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Các tổ chức Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (5). Vì vậy, Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; các tổ chức đảng, đảng viên không đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Đảng ta giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là hạt nhân và là một bộ phận của hệ thống ấy.

Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền sau khi lãnh đạo Nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo đó, nội dung cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội như một tất yếu và là sự lựa chọn của lịch sử.

Với sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và Hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển của đất nước và toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực trong từng thời kỳ nhất định. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của hệ thống tổ chức đảng và đảng viên trong toàn bộ Hệ thống chính trị của Việt Nam. Theo đó, hệ thống pháp luật Việt Nam chính là sự thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm được thể hiện trong nghị quyết của Đảng.

Từ thực tiễn gần 79 năm qua đã khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội và là nhân tố quyết định bản chất Nhà nước ta, đó là nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đảng đã lãnh đạo đưa đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Đảng đã ban hành nhiều quy định bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, trong đó đề cao nguyên tắc pháp quyền, phát huy dân chủ, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của Nhân dân.

Rõ ràng là luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Hiến pháp và pháp luật” của các thế lực thù địch là vô căn cứ, sai trái, không đúng thực tế, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo nhận diện rõ ý đồ, dã tâm của các thế lực thù địch, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chúng, khẳng định rõ và luôn tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Nhà nước và toàn xã hội.

Phản bác về luận điệu: “...cần phải có tam quyền phân lập”

Chúng ta đã biết, học thuyết “tam quyền phân lập” được áp dụng trong tổ chức bộ máy nhà nước ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và một số nước phương Tây. Học thuyết này mặc dù có mang lại một số mặt tích cực, có thể nghiên cứu, tham khảo, nhưng không thể cường điệu hóa, xem nó như là chìa khóa vạn năng của nền “dân chủ - pháp quyền”, như những lời cổ suy, tâng bốc của các phẩn tử phản động nêu trên.

Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức bộ máy nhà nước phụ thuộc vào chế độ chính trị, chế độ kinh tế và đặc điểm lịch sử, văn hoá, xã hội của mỗi nước. Do các điều kiện trên ở mỗi nước khác nhau, nên không thể lấy nguyên khuôn mẫu mô hình của một nhà nước nào đó về “tam quyền phân lập” để áp dụng chung cho tất cả các nước được.

Đối với Việt Nam, tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước đã được hiến định để bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Theo đó, “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” và “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (6).

Nhà nước ta cũng đã được kế thừa những nhân tố hợp lý của mô hình nhà nước pháp quyền của nhân loại, bảo đảm cho pháp luật trở thành tối thượng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền là:

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (7). Như vậy, chúng ta đã tiếp thu mặt tiến bộ trong việc tổ chức các thiết chế nhà nước trên thế giới, trong đó việc phân công và phối hợp giữa 3 nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để tổ chức bộ máy nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về tổ chức bộ máy Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được thể hiện rõ ở các bản hiến pháp Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013.

Với khung pháp lý về bảo đảm quyền lực nhà nước thống nhất thuộc về Nhân dân ngày càng hoàn thiện; “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực” (8); Sự phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân được thực hiện tốt và hiệu quả. Đồng thời, việc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân, làm cho đất nước phát triển.

Thực tiễn ở Việt Nam thời gian qua, Đảng ta đã chỉ đạo tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân và cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo quy định của Hiến pháp.

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam hơn 94 năm qua đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch càng tăng xuyên tạc, phủ nhận Cương lĩnh, đường lối và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời hướng lái hệ thống pháp luật theo kiểu rập khuôn, máy móc với mô hình chính trị “tam quyền phân lập”, xa lạ và không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Khi không đạt được mục đích, chúng lại quay sang hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu sai trái và có nhận thức đúng đắn, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Một số thông tin liên quan về các phần tử phản động có những phát ngôn xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng và Nhà nước nêu trên

Đối tượng Hà Hoàng Hợp, được RFA giới thiệu với danh nghĩa là: “Tiến sĩ thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS)”, “Nhà quan sát”, chính là đối tượng đã bị Tòa án Nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội tuyên 54 tháng tù với vai trò là kẻ chủ mưu vụ tạt axit vào mặt vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Cúc trên phố Yên Ninh, Ba Đình do có mâu thuẫn trong sinh hoạt. Sau khi thụ án, Hà Hoàng Hợp ra nước ngoài sinh sống và dấn thân vào con đường chống phá Đảng, Nhà nước, phản bội Tổ Quốc cho đến bây giờ.

Đối với ông Nguyễn Khắc Mai, “với danh nghĩa nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, được họ tung hô vì là một “nhân sĩ” thuộc ngành khoa học xã hội nhưng ông ta không hề có một tác phẩm nào đáng kể.”(9). Núp bóng là một trí thức và là Chủ tịch Trung tâm Minh Triết, nhưng đã có nhiều bài viết, phát ngôn với quan điểm sai trái, cố ý công kích chống phá chế độ và ông này đã tự làm hủy hoại, vấy bẩn lên chính thanh danh của mình.

Còn đối tượng Hoàng Dũng đã được tác giả với bút danh Đỗ Quyên - Đỗ Quyền chỉ rõ:

Nhắc đến Hoàng Dũng - một nhân vật cốt cán của tổ chức phản động Việt Tân, đã nhiều lần lợi dụng cái gọi là tự do dân chủ, tham gia tích cực vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta của Việt Tân.; Với mục đích tìm kiếm vé tị nạn chính trị sang Mỹ, EU. Ở hải ngoại Hoàng Dũng vẫn không quên ngày đêm vọng về cố quốc để chống phá.”;

“Sau khi móc nối với tổ chức phản động Việt Tân đã tham gia tích cực vào làng dân chủ, trở thành một kẻ ảo tưởng đòi “làm cho quyền con người càng được cải thiện ở Việt Nam”. 

“Bên cạnh đó, hắn đã đăng hàng loạt những bài viết xuyên tạc, kích động, đường lối và chính sách của đất nước. Việt Tân đã từng lựa chọn  Dũng là một trong 5 người tham gia “Phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội”.(10)

Có thể thấy, những luận điệu xuyên tạc, thù địch nêu trên được các cái “bẫy truyền thông” như RFA, VOA dàn dựng tương đối công phu, đồng thời có trích dẫn thông tin, văn bản, hình ảnh minh họa với bình luận, phân tích đúng sai-lẫn lộn cho thấy đã có sự thay đổi hình thức tấn công về mặt trận tư tưởng chống phá Đảng và Nhà nước ta trên không gian mạng ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn.

Từ thực trạng này, có thể dự báo cuộc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái lợi dụng các diễn đàn bàn luận về những mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới.

Vì vậy, mỗi chúng ta khi khi đọc, viết, bình luận trên mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng, sàng lọc thông tin. Khi tìm hiểu thông tin cần tìm nguồn tin chính thống, tránh bình luận tiêu cực, cổ súy cho các luận điểm sai trái, phản động, bóp méo, xuyên tạc của các đối tượng cơ hội, phản động.

Đồng thời, luôn có ý thức đấu tranh chống lại những quan điểm, luận điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, để góp phần làm trong sạch môi trường không gian mạng hiện nay./.

(Hết)

Chú thích:

(1) Như: (1) “Báo Nhà nước”? dẫn lời ông Nguyễn Túc UVMTTQVN, về nhận định rằng nhiều cán bộ đứng đầu hiện nay lo giữ ghế nên rất ngại những thứ đổi mới, sáng tạo.”; (2) “Cái nền quản trị Nhà nước này nó không minh định rõ cái gì ra cái gì. (...) Người ta không có nền tảng pháp lý cụ thể để người ta yên tâm nên tốt nhất là người ta sẽ không làm. Đấy là do thể chế, do hệ thống. Do đó phải làm lại hệ thống và thể chế. - Hà Hoàng Hợp”; (3) “Họ sợ trách nhiệm vì cái hệ thống độc quyền nó mạnh lắm. Nó theo cơ chế tập trung quyền lực của Bộ chính trị, Ban bí thư và Tổng bí thư, cho nên người ta sợ là trái ý một tí, đi khác một tí, làm khác một tí là bị trừng trị, bị loại bỏ. Mà cái loại bỏ ở Việt Nam còn độc hại hơn thời phong kiến.”; ”Tâm lý này cũng do thể chế chính trị nó tạo ra (..).- Nguyễn Khắc Mai”; (4)”...căn nguyên khiến các cán bộ nhà nước “làm gì cũng sợ” là do thực tế “Đảng đứng trên pháp luật” ở Việt Nam.’; “Đảng quyết thế nào thì tòa phải xử thế ấy, chứ không dựa vào luật pháp để ra phán quyết cuối cùng”; “nút thắt của toàn bộ vấn đề nằm ở thể chế.”; “Cần phải có tam quyền phân lập, tòa án phải độc lập để bảo vệ được cán bộ liêm chính theo đúng Hiến pháp và pháp luật - Hoàng Dũng”;

(2) Năm 1996, Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; năm 2008 ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, có mức thu nhập trung bình và năm 2020, với gần 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD;

(3) Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ khóa XII của Đảng và nhìn lại 35 năm đổi mới ngày 26/01/2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;

(4) Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và các Nghị định của Chính phủ liên quan;

(5) Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, NXB CTQG - Sự thật, H, 2015, tr.10;

(6) Khoản 2, Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

(7) Khoản 3, Điều 2, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.71;

(9) Lê Phan Anh - IVANLEVANLAN 29.6.2022. Nhân diện sự thật. Lần này thì ông Nguyễn Khắc Mai quá sai rồi;

(10) ĐỖ QUYỀN - ĐỖ QUYÊN. 28.9.2022. Đấu trường dân chủ. Chiêu bài quen thuộc của kẻ phản quốc Hoàng Dũng.

TS. Nguyễn Trọng Phú,
Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra