Bàn thêm về mở rộng hình thức tố cáo trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay

Thứ năm, 20/10/2022 08:27
(ThanhtraVietNam) - Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tố cáo đã quy định cụ thể các hình thức tố cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời tránh việc tố cáo tràn lan, khó kiểm soát.

Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tố cáo đã quy định cụ thể các hình thức tố cáo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời tránh việc tố cáo tràn lan, khó kiểm soát… Song trên thực tế đã xuất hiện nhiều hình thức tố cáo mới gắn với xu hướng phát triển của công nghệ số và nằm ngoài phạm vi luật định, đó là “tố cáo trực tuyến”. Về cơ bản, hình thức tố cáo này không đúng quy định của pháp luật, nhưng nếu có căn cứ cho rằng nội dung tố cáo cần được xác minh và xử lý thì có được coi là tố cáo một cách hợp lệ hay không? Các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ xử lý như thế nào đối với hình thức tố cáo mới này? Có nên mở rộng hình thức “tố cáo trực tuyến” trong bối cảnh Việt Nam hiện nay không? Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả xin được làm rõ một số vấn đề liên quan đến nội dung này.

1. Bối cảnh Việt Nam hiện nay và sự hình thành “hình thức tố cáo mới”

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp nên hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội… đều được thực hiện dưới hình thức trực tuyến – hình thức rất hữu hiệu và mang lại hiệu quả tối ưu trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, đối với việc thực hiện quyền tố cáo, về mặt pháp luật là không thể thực hiện trực tuyến, bởi lẽ nó không thuộc bất kỳ hình thức nào theo quy định của Luật Tố cáo năm 2018 (Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc tố cáo được thực hiện dưới hai hình thức: Tố cáo bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền). Song, việc tố cáo bằng đơn hay tố cáo trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh cảnh dịch bệnh hiện nay. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030” và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong việc cung cấp các dịch vụ công như giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân… nhưng lại không đề cập đến việc thực hiện quyền tố cáo trên các trang mạng điện tử, trang mạng xã hội trong khi đây là công cụ rất phổ biến và có thể hỗ trợ đắc lực trong công tác tiếp nhận và giải quyết tố cáo nếu được khai thác và sử dụng với cơ chế quản lý chặt chẽ của Nhà nước.

Việc “đăng tải thông tin lên mạng xã hội với mục đích tố cáo” đang diễn ra ngày càng phổ biến xuất phát từ tính thuận tiện và nhanh chóng của nó. Có nhiều cá nhân đã đăng tải, livestream (phát trực tiếp) trên các trang mạng xã hội để tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật. Một mặt, “hình thức tố cáo mới” này phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bởi lẽ người dân không cần phải nộp đơn, không cần đến trực tiếp cơ quan có thẩm quyền mà vẫn truyền đạt được nội dung tố cáo của mình trên các trang mạng xã hội. Người tố cáo có thể xác định hoặc không xác định về thông tin cá nhân, điều này khiến người dân bớt e dè, lo sợ việc bị rò rỉ thông tin. Các trang mạng xã hội rất đa dạng, cho phép người dùng đăng tải ở vô số trang mạng khác nhau, với nhiều cách thể hiện nội dung tố cáo như bằng chữ viết, hình ảnh, video, âm thanh… Mặt khác, trong thời đại công nghệ số, thông tin được lan truyền rất nhanh chóng, giúp cho nhiều đối tượng trong xã hội biết đến hành vi vi phạm pháp luật, tạo ra làn sóng dư luận mạnh mẽ đấu tranh đòi lại công lý, buộc các cơ quan công quyền không thể “khoanh tay ngó lơ” khi hành vi vi phạm bị tố cáo quá rõ ràng, có căn cứ để vào cuộc điều tra, xác minh dù cho hình thức tố cáo đó không tuân theo quy định của pháp luật. Qua đó, Nhà nước kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nếu có, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vừa qua, lùm xùm vụ việc tại Tịnh thất Bồng Lai (hiện là Thiền am bên bờ vũ trụ) đã có nhiều cá nhân lên tiếng tố cáo, đăng tải hàng loạt bằng chứng vi phạm pháp luật lên mạng xã hội. Điều đáng nói là, “cơ sở thờ tự trá hình” này đã hoạt động phi pháp trong một thời gian rất dài, nhưng các cơ quan chức năng chỉ mới vào cuộc điều tra, xác minh gần đây, khi nhận được nhiều đơn thư tố cáo cùng sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội và trên các trang mạng xã hội, đa số bức xúc đối với các hoạt động có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu tại gia, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ để kêu gọi góp vốn từ thiện và lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân,... gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Có thể khẳng định rằng, việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật với mục đích tố cáo Tịnh thất Bồng Lai của một số cá nhân trên mạng xã hội đã phản ánh được đến các cơ quan công quyền, cũng như tạo ra làn sóng đấu tranh, lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, theo Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 thì “hình thức tố cáo trên mạng xã hội” như trên là không đúng theo quy định. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn có quyền không xử lý nội dung tố cáo trên mạng xã hội cho đến khi người tố cáo thực hiện quyền tố cáo bằng một trong hai hình thức theo quy định. Đồng thời, việc tự ý đưa thông tin lên mạng để tố cáo có những rủi ro về mặt pháp lý cho chính người đưa thông tin. Nếu thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, không có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Khi đó, chính người “tố cáo trên mạng xã hội” có thể bị kiện hoặc bị tố cáo ngược lại, thậm chí bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên mọi phương diện, nhất là trong việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền con người bằng nhiều công cụ khác nhau, một trong số đó là mạng xã hội. Tuy nhiên, “việc tố cáo trên mạng xã hội” cũng bộc lộ nhiều hạn chế, như chưa nhắm đến một cơ quan có thẩm quyền cụ thể, dẫn đến việc kéo dài quy trình giải quyết tố cáo đặc biệt là ở khâu tiếp nhận và xác minh nội dung tố cáo. Những nội dung “tố cáo trên mạng xã hội” được đăng tải hầu hết có độ tin cậy không cao, gây khó khăn cho việc xác minh của các cơ quan có thẩm quyền. Tính bảo đảm và trách nhiệm của người tố cáo cũng không đến nơi, đến chốn, bởi lẽ việc quản lý nhà nước đối với phương tiện này còn chưa có một cơ chế quản lý tốt. Mặt khác, “hình thức tố cáo trên mạng xã hội” còn tạo ra kẽ hở cho việc tố cáo tràn lan, mất kiểm soát, đồng thời lợi dụng việc tố cáo để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, gây mất trật tự an ninh xã hội…

Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội đang mang lại rất nhiều tiện ích để người dân ứng dụng vào việc đấu tranh bảo vệ công lý và thực hiện quyền tố cáo với nhiều hình thức đa dạng hơn, đặc biệt là tạo ra làn sóng dư luận rất mạnh mẽ. Vấn đề đặt ra là có nên xem xét để pháp lý hóa hình thức tố cáo này hay không? Việc mở rộng thêm một hình thức tố cáo mới vào Luật Tố cáo có thật sự cần thiết hay không? Bởi khi nhìn từ góc độ thực tiễn, “tố cáo trên mạng xã hội” đang là hình thức rất phổ biến mà hầu hết mọi người dân đều có thể thực hiện dễ dàng, hơn nữa điều này giúp việc cập nhật thông tin của các cơ quan chức năng cũng nhanh chóng hơn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng để đảm bảo tính khách quan và đề cao trách nhiệm của công dân khi sử dụng “hình thức tố cáo trực tuyến” và tránh việc lợi dụng tố cáo để tố cáo sai sự thật, vu cáo, bôi nhọ, hạ thấp nhân phẩm, uy tín và danh dự của người khác vì động cơ cá nhân; đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố cáo, đòi hỏi cần có những quy định chặt chẽ và các chế tài cụ thể đối với “hình thức tố cáo mới” này. Đây là vấn đề phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau, nghiên cứu dựa trên cơ chế quản lý của Nhà nước và trình độ nhận thức của người dân nhằm phát huy tối đa hiệu quả của “hình thức tố cáo trên mạng xã hội” hay “hình thức tố cáo trực tuyến” trong bối cảnh mới.

leftcenterrightdel
Hình thức tố cáo mới là hệ quả tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển vượt bậc như hiện nay. Ảnh minh họa: nguồn Internet 

2. Một số khuyến nghị cho việc hình thành “hình thức tố cáo mới”

Thứ nhất, cần pháp lý hóa “hình thức tố cáo mới” bằng những quy định cụ thể, vì nếu như quy định lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ sẽ tạo ra kẽ hở và những rủi ro khi thi hành.

Trước tiên, cần quy định rõ quyền được “tố cáo trên mạng xã hội” hay “tố cáo trực tuyến” phải đi đôi với trách nhiệm về những phát ngôn, nội dung mà người tố cáo đăng tải nhằm tránh trường hợp lợi dụng tố cáo để xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Mặt khác, để xác định cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết “tố cáo trên mạng xã hội” cũng là một vấn đề cần được quy định cụ thể. Thực chất, khi người tố cáo đăng tải nội dung tố cáo lên mạng xã hội là muốn mượn sức lan tỏa của dư luận để “đánh động” đến các cơ quan công quyền, bởi họ cho rằng khi đứng trước áp lực của đông đảo quần chúng, các cơ quan công quyền bắt buộc phải vào cuộc. Tuy nhiên, không thể nhiều cơ quan đồng thời tiếp nhận và xác minh cùng một nội dung tố cáo, điều này gây chồng chéo, trùng lặp trong thi hành công vụ, dẫn đến mất nhiều thời gian giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, phải xác định cụ thể thời hạn giải quyết “tố cáo trực tuyến” là bao lâu, một mặt để người dân yên tâm, mặt khác để tăng tính trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận và giải quyết tố cáo. Thời hạn này được xác định từ lúc nào, từ lúc người tố cáo đăng tải nội dung hay từ lúc cơ quan bắt đầu tiếp nhận tố cáo? Và nếu quá thời hạn quy định vẫn không xác minh được nội dung tố cáo, chưa tiến hành xử lý được các vi phạm nếu có hoặc bị “bỏ lửng” thì có nên gia hạn thêm thời gian giải quyết tố cáo hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Thực chất, quá trình xác minh thông tin tố cáo rất mất thời gian, đó là chưa kể các vụ việc phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện vật chất không đảm bảo… Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả khi triển khai thực hiện “hình thức tố cáo mới”, pháp luật phải quy định các chế tài xử phạt đủ nghiêm khắc đối với các hành vi tố cáo mà động cơ không trong sáng, hòng xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, gây mất trật tự an ninh xã hội...

Thứ hai, Nhà nước cần nâng cao nhận thức của các chủ thể có liên quan khi sử dụng, áp dụng “hình thức tố cáo mới”.

Do cơ chế quản lý Nhà nước đối với môi trường mạng xã hội còn lỏng lẻo, chưa thật sự sâu sát nên có nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, mà thực tế để xử lý triệt để là rất khó khăn. Vì vậy, cần phải có những bước thay đổi ngay từ chính các cơ quan công quyền trong việc đổi mới tư duy và hoàn thiện cơ chế quản lý môi trường mạng xã hội theo hướng có chiều sâu với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần chủ động nâng cao nhận thức, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, cũng như kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình tiếp nhận và giải quyết tố cáo bằng “hình thức mới”. Khi tiếp nhận một thông tin tố cáo, các chủ thể có thẩm quyền cần xem xét đâu là “tố cáo rác”, đâu là “tố cáo có căn cứ”, động cơ tố cáo là trong sáng hay nhằm hạ bệ uy tín của người khác… Đồng thời, việc xác minh thông tin cũng đòi hỏi các chủ thể phải có sự phối hợp hoạt động, để nhanh chóng kết luận nội dung tố cáo là đúng hay sai, từ đó tiến hành xử lý ở những bước tiếp theo.

Để đăng tải một nội dung tố cáo lên mạng xã hội rất đơn giản, hầu như bất kỳ ai đang dùng mạng xã hội đều có thể thực hiện được, vì vậy những “tố cáo rác” sẽ có nguy cơ xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội do ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc bảo đảm an ninh mạng còn lỏng lẻo... Do đó, cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền tố cáo nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân, để họ thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình, ý thức được trách nhiệm trong việc tham gia quản lý nhà nước. Khi Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tố cáo, đồng thời đề cao vai trò, ý thức làm chủ của người dân, ngược lại người dân phải có trách nhiệm sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bởi lẽ pháp luật luôn định hướng và điều chỉnh xã hội phát triển ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.

Thứ ba, Nhà nước cần chú trọng đầu tư trang thiết bị và bồi dưỡng kỹ năng thực hiện giao dịch điện tử trong việc tiếp nhận và giải quyết “tố cáo trên mạng xã hội” cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trang bị đầy đủ các công cụ để truy cập vào mạng xã hội cho các cơ quan, đặt biệt là các cơ quan ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tiến hành tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bắt kịp với trình độ khoa học công nghệ và ứng dụng vào việc giải quyết “tố cáo trực tuyến”. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng một kênh thông tin điện tử chuyên biệt để phục vụ cho “hình thức tố cáo trực tuyến” nhằm đảm bảo tính thống nhất và có phương tiện quản lý toàn diện trên phạm vi cả nước cũng là một đề xuất mang lại hiệu quả tối ưu.

Với quy định của Luật Tố cáo năm 2018 về hình thức tố cáo bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp thể hiện sự quan tâm sâu sát của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tố cáo của người dân. Tuy nhiên, có nhiều “hình thức tố cáo mới” đang diễn ra, mặc dù về nguyên tắc là không đúng theo quy định của pháp luật nhưng đó là hệ quả tất yếu trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và phát triển vượt bậc như hiện nay. “Hình thức tố cáo trực tuyến” có thể coi là “một con dao hai lưỡi” với nhiều mặt tích cực và tiêu cực khác nhau, cần xem xét, nhìn nhận, đánh giá từ nhiều góc độ trước khi ban hành các quy định và triển khai vào thực tiễn, có như vậy mới phát huy tối đa hiệu quả mà nó mang lại./.

Tài liệu tham khảo:

1.     Hiến pháp năm 2013;

2.     Luật Tố cáo năm 2018;

3. Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo:

4. Phạm Thị Phượng, “Bàn về hình thức tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2018”, http://issi.gov.vn/ban-ve-hinh-thuc-to-cao-trong-luat-to-cao-nam 2018_t164c2715n2774-tn.aspx?currentpage=3, 07/3/2019;

5. Quyết định phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030 ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

TS. Phạm Thị Anh Đào - Nguyễn Thị Yến Nhi
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra