1. Một số vấn đề chung
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định phải tăng cường công tác “điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng”(1). Vì vậy, kịp thời thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là một trong những vấn đề đặt ra có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản có thể được coi là biện pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế để triển khai có hiệu quả việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng.
Phong tỏa tài khoản là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, hoặc áp dụng với người khác nếu có căn cứ rằng trong tài khoản của người này có số tiền liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội để đảm bảo thi hành hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
Phong tỏa tài khoản có vai trò to lớn trong điều tra vụ án tham nhũng, đặc biệt là việc đảm bảo thực hiện hình phạt tiền, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do hành vi phạm tội. Đây là biện pháp cưỡng chế mới được quy định tại Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Đối tượng áp dụng của biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản là “người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước”(2). Trong số các tội danh về tham nhũng đều quy định về hình phạt tiền nên việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này trong quá trình điều tra có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó giúp cho việc đảm bảo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát do hành vi phạm tội của đối tượng gây ra. Từ đó, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản cũng tạo ra áp lực đối với chính đối tượng là bị can trong vụ án, biết rằng không thể tẩu tán tài sản đã chiếm đoạt, thất thoát nên sẽ có thái độ thành khẩn hơn. Bên cạnh tài khoản của bị can thì trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn có thể phong tỏa tài khoản “của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”(3).
Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản đã mang lại hiệu quả đáng kể
Mục đích của việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản trong điều tra vụ án hình sự nói chung, điều tra vụ án tham nhũng nói riêng là không cho một số tiền nhất định trong tài khoản có liên quan đến hành vi tham nhũng được tiếp tục giao dịch. Điều này loại trừ nguy cơ số tiền này trong tài khoản được chuyển nhượng đến một tài khoản khác hoặc bị rút đi dẫn tới sau này việc thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có) áp dụng đối với người bị buộc tội sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn.
Trong điều tra vụ án tham nhũng, người có thẩm quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản gồm: Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp. Việc phong tỏa tài sản phải bằng lệnh trong đó ghi rõ phong tỏa số tiền là bao nhiêu. Như vậy, phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự không có nghĩa là phong tỏa toàn bộ tài khoản, mà chỉ phong tỏa một khoản tiền nhất định trong tài khoản. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản không đúng quy định thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 385 về tội vi phạm việc niêm phong, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Trong quá trình điều tra vụ án tham nhũng, ngay sau khi ra lệnh phong tỏa tài khoản, cơ quan điều tra gửi lệnh đó đến cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước là phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.
2. Hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản
Quá trình “điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được quan tâm chỉ đạo, xử lý kịp thời, hiệu quả hơn; tỉ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt được nâng lên”(4). Sự ghi nhận này có phần của việc triển khai áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản. Theo tổng hợp số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu cho thấy, “trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi. Trong giai đoạn 2013-2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, trung bình cả giai đoạn đạt hơn 32%”(5).
Thực tế cũng cho thấy, trong điều tra các vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra đã chú trọng áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản đối với 100% bị can khi có các dấu hiệu cho thấy bị can có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước và tài khoản này có liên quan đến hành vi phạm tội. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế này đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Kể từ ngày 01/01/2018, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, biện pháp phong tỏa tài khoản được áp dụng góp phần nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng. Cụ thể, năm 2019 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 47,32%, năm 2020 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 38,43%. Từ năm 2016 đến hết năm 2020, đã “phong tỏa tài khoản hơn 84.000 tỉ đồng” trong điều tra các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo(6).
Tuy nhiên, thực tế áp dụng biện pháp này vẫn còn một số hạn chế nhất định. Nhiều địa phương áp dụng biện pháp này không thống nhất, thời điểm áp dụng còn chưa kịp thời. Cá biệt có những trường hợp còn ngại áp dụng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ lý do khách quan là quy định của pháp luật tố tụng hình sự chưa rõ ràng về tài sản phong tỏa “tương ứng” với mức phạt tiền, tịch thu và bồi thường thiệt hại. Điều này gây khó khăn trong việc xác định phần tài sản phong tỏa. Bên cạnh đó, pháp luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể biện pháp tiến hành trong trường hợp tài khoản là tài sản thuộc sở hữu chung giữa bị can với những người khác. Nếu không phong tỏa tài khoản thì sẽ khó đảm bảo việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, ngược lại nếu áp dụng biện pháp này thì sẽ xâm phạm đến quyền tài sản của người khác, dẫn đến khiếu nại, vì thế tạo nên tâm lý e ngại cho cơ quan điều tra. Ngoài ra, phong tỏa tài khoản cũng không phải là biện pháp bắt buộc cơ quan điều tra phải áp dụng trong điều tra vụ án tham nhũng, khi áp dụng thì phải tiến hành nhiều trình tự, thủ tục giám định thiệt hại theo quy định pháp luật rất mất thời gian, phát sinh nhiều chi phí và thủ tục ảnh hưởng đến thời hạn tiến hành điều tra vụ án nên thực tế một số trường hợp cơ quan điều tra chưa chú trọng xác minh và áp dụng kịp thời các biện pháp phong tỏa tài khoản trong quá trình điều tra vụ án.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản trong điều tra vụ án tham nhũng
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng”(7) là một trong những mục tiêu cụ thể trong phòng, chống tham nhũng. Để thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, dưới góc độ điều tra vụ án tham nhũng, việc chú trọng áp dụng hiệu quả biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Trước hết, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự nói chung, trong điều tra vụ án hình sự nói riêng, cần xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung sau:
- Tài sản “tương ứng” trong hoạt động phong tỏa tài khoản;
- Trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản;
- Các bước tiến hành phong tỏa tài khoản;
- Xác định tài sản chung, tài sản riêng của bị can trong trường hợp tài khoản phong tỏa là tài sản chung;
- Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan điều tra nói riêng, cơ quan tiến hành tố tụng nói chung không áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản để bị can tẩu tán tài sản dẫn đến không còn tài sản để thi hành án.
Ngoài ra, không chỉ vụ án tham nhũng mà trong điều tra vụ án hình sự nói chung, để đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật thì cần quy định cụ thể trong mọi trường hợp bị can phạm tội mà BLHS có quy định hình phạt tiền, có thể bị tịch thu tài sản, bồi thường thiệt hại thì áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là yêu cầu bắt buộc. Có như vậy, vụ án mới được xét xử một cách toàn diện, khách quan và đảm bảo bản án sau khi tuyên được thi hành một cách hiệu quả, nghiêm minh.
Thứ hai, cần có cơ chế động viên, khuyến khích cán bộ điều tra chủ động áp dụng nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả biện pháp phong tỏa tài khoản trong điều tra vụ án tham nhũng. Điều này giúp giải quyết những trở ngại về mặt tâm lý khi áp dụng biện pháp này, nhất là trong thực tế điều tra vụ án tham nhũng, cơ quan điều tra nói riêng, cơ quan tiến hành tố tụng nói chung thường gặp nhiều áp lực khi vừa phải đảm bảo yêu cầu chính trị, vừa phải đảm bảo các yêu cầu pháp luật.
Thứ ba, trong quá trình tiến hành, lãnh đạo các cấp cũng cần chú trọng hoạt động kiểm tra, đánh giá hiệu quả việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nói chung, biện pháp phong tỏa tài khoản nói riêng. Qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, đồng thời khen thưởng, động viên những đơn vị, cá nhân đã có sự linh hoạt, chủ động trong áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, phê bình, nhắc nhở những đơn vị, cá nhân chưa chú trọng đúng mức việc áp dụng biện pháp này và có hướng khắc phục./.
TS. Nguyễn Văn Triều
Học viện Cảnh sát nhân dân
Chú thích:
(1) Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
(2); (3) Khoản 1 Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
(4) Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế;
(5) Tổng hợp từ báo cáo tổng kết công tác năm 2013-2020 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu;
(6) Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng;
(7) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Ngọc Anh, Phan Trung Hoài (2018), Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
2. Ban Bí thư Trung ương Đảng (2021), Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Hà Nội.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.