Bàn về một số nội dung khi xử lý đơn tố cáo

Thứ tư, 15/02/2023 02:40
(ThanhtraVietNam) – Qua nghiên cứu các trường hợp đơn tố cáo không thụ lý giải quyết theo Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 và từ thực tiễn của người trực tiếp làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương. Tác giả đưa ra kiến nghị để các địa phương, đơn vị có thêm căn cứ pháp lý khi thực hiện công vụ.

Cụ thể, tại Luật Tố cáo 2011 thì có 3 trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết tố cáo, bao gồm:

a) Tố cáo về vụ việc đã được người đó giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới;

b) Tố cáo về vụ việc mà nội dung và những thông tin người tố cáo cung cấp không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

c) Tố cáo về vụ việc mà người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.

Theo Khoản 1 Điều 24 Luật Tố cáo 2018 thì Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 của Luât này; trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

Và theo Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 thì Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

- Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;

- Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;

- Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
Bàn về một số nội dung khi xử lý đơn tố cáo 

Như vậy, theo Luật tố cáo năm 2011, các căn cứ để từ chối không thụ lý tố cáo khá  rõ, còn hiện nay theo Khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo 2018 thì chỉ quy định điều kiện để  thụ lý tố cáo và từ đó suy luận để xử lý chứ không có các điều luật cụ thể quy định về việc không thụ lý tố cáo. Theo suy luận tại Điều 29 Luật Tố cáo năm 2018, nếu người tố cáo đủ các điều kiện và tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết thì chỉ từ chối thụ lý khi: Nội dung tố cáo không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên trong thực tế việc áp dụng nội dung này để từ chối thụ lý là rất khó.

Là những người trực tiếp làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương chúng tôi hoan nghênh và mong muốn nhận được các tố cáo xuất phát từ tâm nguyện loại trừ cái xấu để xã hội tốt đẹp lên và có đầy đủ thông tin để xử lý. Tuy nhiên, trong thực tế những trường hợp này không nhiều lắm mà chủ yếu xuất phát từ chủ đích của cá nhân hoặc xuất phát từ những đòi hỏi thái quá không được chính quyền chấp nhận nên bản chất của các đơn tố cáo chỉ là sự suy diễn, phản ánh một số hành vi thể hiện bên ngoài, chứ không có các tài liệu để chứng minh cho hành vi vi phạm nhưng để từ chối thụ lý sẽ rất khó tìm các căn cứ pháp luật để áp dụng.

Có những vụ việc xẩy ra cách đây đã 30 năm, người bị tố cáo đã bị kỷ luật ra khỏi cơ quan nhà nước nhưng đến nay do mâu thuẫn cá nhân, công dân vẫn tố cáo rất nhiều nội dung với tính chất rất gay gắt. Mặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý, kết luận nội dung tố cáo sai nhưng họ vẫn không chấp nhận thường xuyên đến các cơ quan nhà nước và trụ sở tiếp công dân làm mất an ninh trật tự.

Xem xét số liệu về xử lý tố cáo từ năm 2016 đến 2021 cho thấy, toàn tỉnh Hà Tĩnh  đã tiếp nhận 1.373 đơn tố cáo, trong đó: 1.321 đơn  đủ điều kiện thụ lý; 52 đơn không đủ điều kiện thụ lý. Đã thụ lý giải quyết 1.264 vụ việc theo thẩm quyền, trong đó: 17 vụ việc tố cáo đúng (tỷ lệ 1,34%); 86 vụ việc tố cáo đúng một phần (tỷ lệ 6,81%); 1.161 vụ việc tố cáo sai toàn bộ (tỷ lệ 91,85%).

Qua số liệu trên cho thấy vụ việc phải thụ lý giải quyết tỷ lệ khá cao (96,21%), tuy nhiên số vụ việc tố cáo đúng lại chiếm một tỷ lệ rất nhỏ (1,34%). Từ đó cho thấy nếu có các quy định cụ thể, chặt chẽ để từ chối thụ lý đối với các đơn tố cáo xuất phát từ mục đích không trong sáng chỉ mang tính phản ánh sự việc, sẽ giảm thiểu được một khối lượng công việc khá lớn của cơ quan nhà nước.

Từ các vấn đề nêu trên, chúng tôi mong muốn trong khi chưa sửa đổi Luật Tố cáo năm 2018, Thanh tra Chính phủ cần xem xét để sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; trong đó cần quy định rõ các trường hợp đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lý giải quyết để giúp các địa phương, đơn vị có đầy đủ căn cứ pháp lý khi từ chối thụ lý đối với các nội dung tố cáo không đầy đủ các thông tin./.

Trịnh Công Minh – Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra