Theo đó, tại Mục 7 “GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH TRA” từ Điều 98 đến Điều 101, gồm các nội dung sau: Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra; Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; Nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát; Trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát; Tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát.
Tại sao phải giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra? Trước hết, cần phải hiểu rõ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra.
|
|
Ảnh minh họa: Buổi công bố Quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. |
Cần phải giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vì những lý do sau:
Thứ nhất, hoạt động thanh tra có sử dụng nhiều quyền lực nhà nước.
Kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là vấn đề cốt lõi trong tổ chức, thực hiện quyền lực nhà nước. Việc sử dụng quyền lực nhà nước luôn có nguy cơ lạm dụng quyền lực cho nên, bất cứ hoạt động nào sử dụng quyền lực nhà nước cũng cần được kiểm soát bằng nhiều cách thức khác nhau. Thanh tra là hoạt động sử dụng quyền lực nhà nước.
Hoạt động thanh tra cần được kiểm soát để bảo đảm quyền lực nhà nước được sử dụng đúng đắn. Pháp luật về thanh tra quy định: Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thanh tra lại là cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đặc thù công việc nên nếu công chức thanh tra không thực sự có bản lĩnh vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân thì rất dễ lạm quyền để trục lợi. Theo số liệu thống kê cho thấy có hành vi tham nhũng trong chính cơ quan thanh tra: thanh tra cấp bộ, thanh tra cấp tỉnh, thanh tra cấp huyện và thanh tra sở; công chức thanh tra có hành vi tham nhũng không hề nhỏ.
Hiện tượng tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gây tác hại kép, là tác hại trực tiếp của tham nhũng và tác hại của việc không chống được tham nhũng, tiêu cực, vô hiệu hóa khả năng tự kiểm soát, làm mất lòng tin của xã hội vào Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, sai phạm trong hoạt động thanh tra nguy hiểm “gấp nhiều lần” so với sai phạm trong các hoạt động khác.
Thứ hai, các hình thức kiểm soát hoạt động thanh tra chưa bảo đảm kiểm soát hoạt động hiệu quả
Hoạt động thanh tra, được kiểm soát bởi nhiều phương thức khác nhau, gồm: hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước; hoạt động xét xử của tòa án; hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội; hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cơ quan quyền lực nhà nước giám sát toàn diện hoạt động thanh tra. Song, theo quy định của pháp luật cũng như thực tế thì giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước đối với hoạt động thanh tra cũng có những hạn chế nhất định.
Các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thanh tra là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, nếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng tác động trực tiếp của các quyết định, hành vi đó có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, họ có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Khi đó, tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và tòa án có thể bác yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định, hành vi bị kiện phù hợp với pháp luật hay trái pháp luật, như vậy, tòa án chỉ kiểm soát một cách bị động và không kiểm soát tổng thể hoạt động thanh tra, mà chỉ xem xét tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị kiện.
Hoạt động giám sát của các tổ chức xã hội rất ít tổ chức xã hội thực hiện giám sát hoạt động thanh tra, hoạt động giám sát của tổ chức xã hội không mang tính quyền lực nhà nước, nên nếu có giám sát thì tác động của hoạt động giám sát đó cũng không lớn.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thanh tra. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các quyết định, hành vi trong thanh tra tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của mình. Khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại quyết định, hành vi trong thanh tra thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ xem xét lại tính hợp pháp của các quyết định, hành vi bị khiếu nại, có quyền giữ nguyên, sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ quyết định, hành vi đó tùy theo quyết định đó đúng pháp luật hay trái pháp luật ở mức độ nào. Mọi cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thanh tra. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo sẽ phải xem xét, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý người bị tố cáo nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật. Dù việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò kiểm soát hoạt động thanh tra nhưng cũng mang tính bị động và chỉ kiểm soát được quyết định, hành vi bị khiếu nại, bị tố cáo, không kiểm soát được toàn diện hoạt động thanh tra.
Như vậy, các hình thức kiểm soát hoạt động thanh tra ở những phạm vi, mức độ nhất định, nhưng mỗi hoạt động đều có hạn chế riêng. Thanh tra là hoạt động có tính chuyên môn cao, nên dù các hoạt động kiểm soát đó có được thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, đúng pháp luật thì cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Điều đó nói lên rằng, dù đã có khá nhiều phương thức kiểm soát hoạt động thanh tra nhưng vẫn chưa đủ bảo đảm thanh tra hoàn toàn chính xác, đúng pháp luật, vẫn cần có hoạt động kiểm soát trực tiếp, toàn diện, mang tính chuyên môn hơn, đó chính là giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra.
Vậy trách nhiệm giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra được thực hiện thế nào?
Giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là công việc quan trọng nhằm bảo đảm thanh tra đúng pháp luật, phù hợp với thực tế. Việc luật hóa các quy định về giám sát hoạt động thanh tra là rất cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về hoạt động quan trọng này. Tại khoản 14 Điều 2 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra”. Nội dung giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được quy định tại Điều 98 Luật Thanh tra năm 2022, với nội dung:
1. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.
2. Việc chấp hành chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra; việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo.
3. Việc chấp hành quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; việc tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động của Đoàn thanh tra.
Trước khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01.7.2023) thì việc thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo được Quyết định số 2681/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó thực hiện theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015) và Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021. Qua số liệu thống kê cho thấy việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, đó là:
Thứ nhất, nhận thức của Người ra quyết định thanh tra còn chưa đồng đều, chưa thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, chưa quán triệt đầy đủ sâu rộng, việc tổ chức thực hiện chưa đồng đều, còn có biểu hiện coi nhẹ, thực hiện chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc.
Thứ hai, một số bộ, ngành địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, vì thế việc phát hiện sai phạm còn rất hạn chế, việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra còn mang tính hình thức…
Thứ ba, các dạng vi phạm được phát hiện không nhiều, đa số các vi phạm được phát hiện qua giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc vi phạm về việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của Đoàn thanh tra, việc ghi Nhật ký Đoàn thanh tra…
Thứ tư, nội dung của hoạt động giám sát bao gồm cả giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, ý thức chấp hành kỷ luật của Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra, do đó việc giám sát phải luôn bám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, nhưng trên thực tế việc này là rất khó đối với những Đoàn thanh tra ở xa, dài ngày;
Thứ năm, việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, khách quan, toàn diện trong thời hạn thanh tra. Nhưng thực tế cho thấy, thời gian trước và sau thời hạn thanh tra đang bị bỏ ngỏ không có sự giám sát và thường hay xảy ra vi phạm.
Mặc dù Luật Thanh tra năm 2022 đã đưa chế định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vào trong Luật và xây dựng thành một mục riêng (mục 7) trong chương IV - Hoạt động thanh tra, trong đó đã xác định trách nhiệm trong giám sát hoạt động Đoàn thanh tra, xác định các chế tài không chỉ đối với công chức Đoàn thanh tra mà còn cả với người thực hiện giám sát…tuy nhiên quy định về nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra (tự mình giám sát) còn chưa cụ thể.
Người ra quyết định thanh tra được hiểu là người đương nhiên có trách nhiệm giám sát hoạt động thanh tra do đó quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn khi giám sát hoạt động Đoàn thanh tra của Người ra quyết định thanh tra là rất cần thiết để họ thực hiện việc giám sát theo đúng các nội dung, yêu cầu và thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tự giám sát hoạt động Đoàn thanh tra do chính mình ra quyết định thành lập.
ThS. Lê Ngọc Thiều - GVC
Trưởng khoa Nghiệp vụ Thanh tra
Trường Cán bộ Thanh tra – Thanh Tra Chính phủ