Bàn về vai trò Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thứ sáu, 15/12/2023 13:29
(ThanhtraVietNam) - Mạng xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu như trước đây, khi phương tiện công nghệ chưa phát triển, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin bằng phương pháp trực tiếp, truyền miệng là chủ yếu, chưa có “yếu tố công nghệ” để kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin pháp luật hạn chế. Hiện nay, Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội đã tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin PBGDPL, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Bài viết này, được đúc kết trên cơ sở quan điểm tác giả người làm công tác nghiên cứu khoa học.

Thế nào là Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội?

Theo quy định Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP; Trang thông tin điện tử (website) là hệ thống thông tin dùng để thiết lập một hoặc nhiều trang thông tin được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng thông tin khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên Internet. Như vậy, Trang thông tin điện tử có nhiều loại như: (i) Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử; (ii) Trang thông tin điện tử tổng hợp; (iii)  Trang thông tin điện tử nội bộ; (iv) Trang thông tin điện tử cá nhân; (v) Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành. Còn Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Dựa trên định nghĩa mạng xã hội là gì ở trên, hiện nay, tại Việt Nam phổ biến có các mạng gồm: Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Youtube…

Vai trò của Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác PBGDPL

Tính lan toả của thông tin PBGDPL được nhanh, nhạy, nhiều chiều. Khi Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội PBGDPL phát triển, những phương pháp đó chưa đáp ứng được tính nhanh, nhạy, đa chiều của thông tin. Nguồn thông tin PBGDPL trên Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội vốn nhanh, nhạy, nhiều chiều, giúp cho việc nắm, phân tích, cập nhật thông tin pháp luật kịp thời, đa dạng, khách quan hơn, nhất là việc nắm bắt những thông tin trái chiều. Do đó, cần có sự nhận thức “mạnh dạn và đúng đắn” cả mặt tính cực và tiêu cực của Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội để nâng tầm văn hóa sử dụng Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội chính là điều kiện tiên quyết để cơ quan quản lý và Nhân dân có thể tận dụng công cụ công nghệ để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác PBGDPL, đặc biệt là PBGDPL trên mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ảnh minh hoạ: ST 

Tạo ra sự thay đổi toàn diện quá trình tổ chức quản lý và thực hiện hoạt động cung cấp thông tin pháp luật, giáo dục ý thức pháp luật mà trong đó người dân được đặt vào vị trí trung tâm thông qua nền tảng, công nghệ số từ việc xây dựng dữ liệu đến kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin pháp luật chính thống, đầy đủ, kịp thời, thuận lợi trên môi trường internet. Khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin, việc tăng cường PBGDPL qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương và trang mạng xã hội cũng được quan tâm. Trong đó, tăng cường giới thiệu văn bản luật mới; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật qua các kênh, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin. Nhờ đó, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác PBGDPL thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Bên cạnh đó, góp phần phát triển nhận thức các chủ thể khi tham gia vào công tác PBGDPL. Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội có thể chính người dân có thể chia sẻ cũng như tiếp nhận các kiến thức từ bên ngoài một cách nhanh chóng. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản bạn sẽ dễ dàng nhận được các kiến thức về mọi lĩnh vực, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt làm việc. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy rằng thực hiện xã hội số tại Nhật Bản, Quốc hội đã ban hành Luật cơ bản về hình thành xã hội số (Luật số 35 năm 2021), trong đó nêu lên những triết lí cơ bản về xã hội số là tạo ra một xã hội mà mọi công dân đều được hưởng những lợi ích của công nghệ thông tin truyền thông; thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành công nghệ số; mang lại cuộc sống dư dả, sung túc cho người dân; tạo ra cộng đồng dân cư năng động; tạo ra xã hội mà mọi người được sống yên bình, an toàn; khắc phục sự cách biệt về cơ hội sử dụng; bảo vệ quyền và lợi ích của cá nhân và pháp nhân; đáp ứng sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông và ứng phó với những thách thức mới đi kèm với thay đổi trong cơ cấu xã hội và kinh tế.

Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của văn hóa pháp luật thông qua việc kết nối hoạt động PBGDPL. Nhờ việc có thể chia sẻ thông tin pháp luật của mọi người, vai trò của Trang thông tin điện tử và Mạng xã hội đã thúc đẩy sự kết nối của cộng đồng được nhanh chóng. Tuy nhiên, hoạt động Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội khi tham gia vào công tác PBGDPL là một trong những yếu tố đóng vai trò lớn trong việc phát triển của một xã hội. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích tích cực, sự phát triển cũng tồn tại một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực cần ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.

Một số kiến nghị, đề xuất về việc nâng cao vai trò Trang thông tin điện tử, Mạng xã hội trong công tác PBGDPL

Thứ nhất, chú trọng rà soát xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý nhà nước về chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; kịp thời sơ kết, tổng kết, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL; phát hiện các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL cần có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và có sự trao đổi kinh nghiệm; ứng dụng các thành tựu, công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu tương tác, trực tuyến phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động truyền thông chính sách, PBGDPL của trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị là yếu tố quyết định cho thành công trong triển khai, từ đó có những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL.

Thứ tư, tăng cường nguồn nhân lực thực hiện công tác truyền thông, PBGDPL trong hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

Thứ năm, phát huy đầy đủ trách nhiệm của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở ngành, lĩnh vực quản lý chỉ đạo, quản lý chấn chỉnh hoạt động trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong công tác PBGDPL./.

TS. Trần Văn Duy - Hội Luật gia Việt Nam
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra