Các nhà nghiên cứu cho rằng, vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định trong các nghị quyết, văn kiện của Ðảng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo trong phòng, chống tham nhũng tại Ðiều 75. Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, trong đó có nhiệm vụ "Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội".
Theo PGS,TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên tuyền, vai trò to lớn của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể được nhận thức rõ qua ba khía cạnh: (1) báo chí góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước giúp hình thành, phát triển ý thức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội; (2) báo chí tạo ra diễn đàn rộng rãi để các chuyên gia, giới học thuật và các tầng lớp nhân dân trình bày ý kiến, bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng, tác động trực tiếp đến những người hoạch định và thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (3) báo chí có khả năng “tấn công trực tiếp” vào “giặc tham nhũng” bằng việc đưa các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ra trước công luận và tạo dựng, định hướng dư luận xã hội đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính vì đóng vai trò, vị trí quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, do đó để thực hiện tốt vai trò này không hề đơn giản đối với các cơ quan báo chí và bản thân các nhà báo.
Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhìn chung các cơ quan báo chí, Báo Điện tử còn gặp phải không ít khó khăn do thiếu thông tin, thiếu cơ chế bảo vệ, cơ chế phối hợp xử lý; một số cơ quan báo chí chưa phản ánh được một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin; còn hiện tượng cơ quan báo chí thông tin về các vụ việc thiếu chính xác, thiếu khách quan, gây khó khăn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, có lúc có nơi còn làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức… Có vụ việc được báo chí phát hiện, nêu ra nhưng lại không được phản ánh đến nơi đến chốn, làm ảnh hưởng đến lòng tin của người tố cáo, cung cấp thông tin cho báo chí.
Đặc biệt, khi tham gia tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đồng nghĩa với việc nhà báo chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn, nhất là khi cơ chế bảo vệ nhà báo chưa thực sự hiệu quả, chặt chẽ. Thực tế, viết về chống tham nhũng, lãng phí được nhìn nhận là một trong những mảng đề tài không những khó viết nhất mà còn rất nguy hiểm, có thể bị đe dọa tính mạng của phóng viên, nhà báo. Những đối tượng trực tiếp liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thường là các cá nhân có địa vị, vị trí trong xã hội. Các đối tượng này thường cấu kết với nhau và có thể còn cấu kết với cả xã hội đen để che dấu thông tin, gây áp lực đối với nhà báo. Thông thường, những kẻ tham nhũng thường dùng các thủ đoạn tinh vi, nham hiểm. Nếu không có lòng dũng cảm, quyết tâm cao, không có kỹ năng, trình độ, nghiệp vụ… thì nhà báo sẽ rất dễ gặp sơ suất trong nghề nghiệp, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và gia đình. Những thông tin về các vụ việc tham nhũng, lãng phí khi báo chí vào cuộc thường là trước cả các cơ quan điều tra, vậy nên chỉ cần không cẩn trọng, đưa ra những đánh giá, phân tích không chuẩn xác thì không những chỉ gây khó khăn cho công tác điều tra, làm bất an dư luận mà còn có thể gây bất lợi đối với nghề nghiệp, làm mất uy tín nhà báo và cơ quan báo chí; thậm chí, khi đó nhà báo còn có thể vướng vào những rắc rối pháp lý không đáng có.
|
|
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao giải A cho các Nhà báo. Ảnh: TTXVN |
“Đây là những vấn đề đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan báo chí và từng phóng viên, nhà báo trực tiếp tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay”, lãnh đạo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, “rào cản” trong thực hiện các đề tài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thế nhưng trên thực tế sức chiến đấu của những cây bút trong lĩnh vực này không hề giảm. Minh chứng là trong nhiều vấn đề, đề tài được đề cập thời gian gần đây có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao. Mới đây nhất, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023 với 4 giải A, 10 giải B, 12 giải C và 28 giải khuyến khích được lựa chọn từ tổng cộng 1.078 tác phẩm của 121 cơ quan báo chí trên cả nước.
Theo chia sẻ của một số nhà báo có tác phẩm đạt giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhìn chung, khi tham gia vào các tuyến bài, đề tài về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bản thân các nhà báo đã xác định rõ những khó khăn, vất vả và cả những chông gai, hiểm nguy, thế nhưng tinh thần chung là “không lùi bước trước cái xấu”, bởi nhà báo đã mang trên mình sứ mệnh xây dựng, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân từ những tiếng nói, lời phản ánh hay những hồi chuông cảnh tỉnh với cái sai, cái xấu. Đồng thời, còn là một tinh thần dấn thân, đi đến cùng của sự việc.
|
|
Nhà báo Hồng Nguyên tác nghiệp về nội dung phá rừng tự nhiên tại Bắc Kạn. Ảnh: NVCC |
Nói về câu chuyện “Phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn” với gần 3 hec-ta rừng tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn bị chặt phá trái phép, với khối lượng gỗ lên tới hơn 170 m3, nhà báo Hồng Nguyên Báo Bảo vệ Pháp luật (Giải A giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư) còn nhớ, quá trình thực hiện loạt bài này, tôi đã đi sâu tìm để hiểu bản chất sự việc, nguyên nhân tại sao rừng bị chặt phá? Đồng thời, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, động cơ, mục đích của chủ một doanh nghiệp đã lợi dụng việc chế biến khoáng sản để khai thác gỗ trái phép, thu lợi bất chính. Đồng thời, loạt bài còn chỉ ra sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương đã để các hộ dân được giao đất, giao rừng tự ý bán, chuyển nhượng trái pháp luật hàng chục hec-ta đất rừng và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc rừng bị chặt phá trái pháp luật.
“Dưới sự chỉ đạo của Ban biên tập, trong suốt gần 7 tháng (từ tháng 4/2023 - đến nay), tôi vẫn đang đeo bám thông tin để đi đến cùng sự việc; bám sát hoạt động điều tra của các cơ quan tiến hành tố tụng, để kịp thời phản ánh công tác điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng gây ra vụ phá rừng nghiêm trọng này. Khi vụ phá rừng được phát hiện, đối tượng chủ mưu sẵn sàng dùng quan hệ và tiền bạc hòng mua chuộc những người thực thi nhiệm vụ, nhằm che đậy hành vi vi phạm pháp luật của mình. Áp lực từ nhiều phía, nhiều cách nhưng tôi đã kiên quyết từ chối bởi lẽ tôi quan niệm, là một nhà báo, thường xuyên viết về đề tài phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tôi luôn tâm niệm một điều rằng, nhà báo phải là người có tâm, có tầm, có đạo đức nghề nghiệp để vượt qua mọi cám dỗ”, Nhà báo Hồng Nguyên chia sẻ.