Bảo đảm tính toàn diện của pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu

Thứ năm, 15/12/2022 14:20
(ThanhtraVietNam) – Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũng chính là yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Quan điểm này bảo đảm tính toàn diện của pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước (CQHCNN).

Pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN là một bộ phận không thể thiếu trong thể chế hành chính nhà nước trong đó nền hành chính công vụ sẽ không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu vắng các quy định về tổ chức bộ máy hành chính, về đội ngũ cán bộ, công chức hành chính trong đó có trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN từ Trung ương đến địa phương. Do đó, yêu cầu hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cũng chính là yêu cầu hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, đẩy mạnh cải cách hành chính ở nước ta, tạo nền tảng hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN. Quan điểm này bảo đảm tính toàn diện của pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN thông qua các khía cạnh sau:

(1) Về phạm vi, việc hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN phải hướng tới cả các nội dung liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu như: pháp luật đã quy định phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN, bao gồm trách nhiệm đối với nội bộ và trách nhiệm đối với xã hội. Nội dung điều chỉnh pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN được xác định khá rõ ràng và cụ thể. Điều đó được phản ánh qua một số nội dung cơ bản quy định xác định trách nhiệm trong tổ chức quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền, trong quản lý tài sản công, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng chống lãng phí và thực hành tiết kiệm...; quy định xác định trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc ban hành văn bản quản lý nhằm thực hiện các chức năng lãnh đạo, quản lý; quy định xác định trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của CQHCNN. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước mang tính xã hội sâu sắc. Các quy định pháp luật cũng đã quy định các loại hình trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN, bao gồm trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức của người đứng đầu CQHCNN trong thực thi công vụ. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để người đứng đầu CQHCNN thực hiện trách nhiệm cũng như là căn cứ để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đánh giá, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN.

(2) Về nội dung, quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau. Pháp luật trong lĩnh vực này có các nhóm quy phạm xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong xây dựng dự thảo văn bản, trình, thẩm định, thẩm tra, ban hành và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sau khi được ban hành đối với quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền, trong quản lý tài sản công, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, trong xác định trách nhiệm đối với kết quả hoạt động; nhóm quy phạm về trách nhiệm xử lý tổ chức thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; nhóm quy phạm về các biện pháp trách nhiệm pháp lý được áp dụng khi người đứng đầu CQHC thực hiện không đúng, không thực hiện hay có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ban hành VBQPPL, tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật đối với chức trách được giao. Về hình thức, quy định của pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHC đối với hoạt động ban hành VBQPPL, quy định xác định trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của CQHCNN được thể hiện trong các VBQPPL có các cấp độ hiệu lực pháp lý khác nhau, từ Hiến pháp đến các văn bản luật và văn bản dưới luật, được thể hiện trong các ngành luật khác nhau có tính hệ thống.

(3) Về xác định rõ vị trí, quyền hạn, cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước. Pháp luật cần xác định rõ ràng phạm vi trách nhiệm và cách thức, thủ tục thực hiện các trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN. Đây cũng chính là yêu cầu quan trọng đòi hỏi Nhà nước pháp quyền XHCN phải định ra được hoạt động nào cần phải công khai, hoạt động nào cần phải bí mật. Việc đánh giá mức độ đảm bảo pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQNN sẽ phụ thuộc vào tính chính xác, rõ ràng của các quy định pháp luật, thời gian, địa điểm thực hiện chế độ công vụ và các quy trình thủ tục thực hiện rõ ràng chế độ trách nhiệm đó. Nếu danh mục các trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN không tương ứng với các trình tự, thủ tục và không được điều chỉnh bằng pháp luật, hoặc điều chỉnh một cách không rõ ràng thì sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này đi ngược với bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN đó là Nhà nước hạn chế sự tùy tiện. Bên cạnh đó, pháp luật quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu CQHCNN sẽ hạn chế việc lấy lý do của đặc thù công việc thuộc lĩnh vực hành chính để người đứng đầu tự cho mình có quyền tối thượng trong cơ quan để áp đặt mệnh lệnh cho các đối tượng dưới quyền của mình. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN nếu được luật hóa cụ thể sẽ là cơ sở pháp lý chắc chắn cho CQNN, người đứng đầu CQNN thực hiện các thẩm quyền hành chính của mình, đồng thời, thiết lập chế độ trách nhiệm để tránh các hiện tượng lộng quyền, lạm quyền đang xảy ra ở các CQHCNN. Trên cơ sở các đạo luật đó, trách nhiệm của các CQNN, các cán bộ, công chức và cá nhân có thẩm quyền được xác định cụ thể. Từ đó, Nhân dân, cán bộ cấp dưới có cơ sở để yêu cầu người đứng đầu thực hiện đúng trách nhiệm đã được quy định. Điều này đòi hỏi pháp luật phải là một đại lượng công bằng nhất, phân định quyền hạn của cán bộ, công chức dưới quyền và trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN.

Bên cạnh đó, pháp luật cần xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cán bộ, công chức trong bộ máy quyền lực nhà nước. Vì vậy, vấn đề đặt ra trước tiên là phải đẩy nhanh quá trình cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Nhà nước pháp quyền XHCN muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi phải dựa trên cơ sở của một hệ thống pháp luật thống nhất và đồng bộ. Trong đó, bên cạnh việc quy định các quyền cơ bản của công dân thì việc xác định các hệ thống quyền và nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức là một việc làm hết sức cần thiết. Trong đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước, trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước cần phải được ghi nhận cụ thể và bảo đảm thực hiện. Quyền hạn của người đứng đầu luôn gắn liền với các nghĩa vụ và trách nhiệm. Trong hệ thống các quyền hạn, trách nhiệm đó, nếu quyền hạn và trách nhiệm càng được xác định rõ ràng càng thể hiện tính công khai, minh bạch, tính dân chủ của Nhà nước pháp quyền XHCN.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới khi hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN, các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức tổng kết, đánh giá việc quy định và thực hiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu nói riêng và pháp luật về cán bộ, công chức nói chung trong những năm vừa qua để xem xét kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong quy định và tổ chức thực hiện nhằm có những sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hợp lý. Đây là những kinh nghiệm quý báu về quy định và thực tiễn thực hiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN để làm cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm của người đứng đầu CQHCNN. 

 

Bảo Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra