Bảo vệ người phản ánh, cung cấp thông tin về dấu hiệu tham nhũng

Thứ tư, 08/11/2023 14:53
(ThanhtraVietNam) - Xuất phát từ vai trò quan trọng của tố cáo, phản ánh trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc khuyến khích Nhân dân tích cực tham gia vào việc phát hiện và đấu tranh với các hành vi sai phạm, trái luật, xâm hại đến trật tự quản lý xã hội, quản lý nhà nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức nói chung và đấu tranh với các hành vi tham nhũng nói riêng, từ việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, xử lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến việc bảo vệ người tố cáo.

Rà soát các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho thấy, hiện tại chúng ta mới có quy định về bảo vệ người tố cáo (Luật Tố cáo năm 2018), người phản ánh tham nhũng (Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018), người tố giác tội phạm (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), chưa có quy định về bảo vệ người kiến nghị, phản ánh nói chung; kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nói riêng. Vì vậy, việc ban hành và hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức là một đòi hỏi có tính cấp thiết hiện nay.

Yêu cầu hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị

Trước hết, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức phải gắn với việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, giải quyết, xử lý nguồn thông tin phản ánh, kiến nghị.

Chúng ta chưa có quy định cụ thể về tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị nói chung, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức nói riêng. Do vậy, trước tiên cần ban hành quy định về trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin; cũng như trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Các quy định phải được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả. Bởi nếu không có cơ chế tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác; hoặc có nhưng thực hiện không nghiêm túc, hiệu quả thì chúng ta không những không bảo vệ được người kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin mà còn gián tiếp tạo cơ hội cho những người bị kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin cơ hội truy tìm, trả đũa họ. Điều này thực sự là mối nguy hại cho người kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin. 

leftcenterrightdel
Hội thảo khoa học "Thực trạng kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam", ngày 30/3/2023 tại Khánh Hòa. Ảnh Hà Tuấn 

Thứ hai, việc hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức phải gắn với việc hoàn thiện quy định về bảo vệ người tố cáo nói chung, và tố cáo tham nhũng nói riêng.

Phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức cơ bản giống với tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật nên giữa tố cáo hành vi và phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng có những điểm khác biệt. Sự khác biệt chỉ mang tính tương đối, người dân, thậm chỉ là cán bộ chuyên trách cũng khó có thể phân biệt. Chính vì thế việc bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cần phải gắn với bảo vệ người tố cáo nói chung, và tố cáo về hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng.

Thứ ba, việc hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức phải gắn với việc nghiên cứu, đánh giá những bất cập trong quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ nhằm tìm ra những bất cập, thiếu sót trong quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo để kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, thiếu sót đó vào các quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Mặc dù đã có những bước tiến dài và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song đối chiếu với những đòi hỏi đặt ra từ thực tiễn trong nước và yêu cầu trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, có thể thấy pháp luật hiện hành về bảo vệ người tố cáo của nước ta chưa thực sự có hiệu lực, hiệu quả trong thực tế. Cụ thể:

- Cơ chế giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo: Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả và tính khả thi của các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo chưa cao là do cơ chế giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo thiếu tính độc lập, khách quan.

+ Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo, xử lý người sai phạm chưa thực sự nghiêm túc. Vẫn có hiện tượng “bảo vệ cán bộ” hơn là việc xử lý các sai phạm. Do vậy, thiếu tính dăn đe đối với người vi phạm; thiếu sự chủ động và quyết liệt trong việc bảo vệ người tố cáo.

+ Người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo, người bảo vệ người tố cáo gần như là một. Một mặt, do cơ chế luân chuyển cán bộ; mặt khác do việc giải quyết tố cáo kéo dài, thiếu tính triệt để.

- Người tố cáo chưa được nhìn nhận, đánh giá tích cực. Điều này xuất phát từ:

+ Người tố cáo: Thực tiễn cho thấy số người tố cáo vì lợi ích chung cộng đồng, vì lợi ích tập thể, Nhà nước và số lượng người tố cáo về tài chính công, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực ít, chủ yếu là động cơ nhỏ nhặt, lợi ích cá nhân, dẫn đến làm xấu đi hình ảnh tốt của người tố cáo.

+ Người giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo: Người tố cáo thường bị người giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo nhìn nhận tiêu cực, bởi người giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo gần như được coi là “người một nhà.

+ Chưa có sự thống kê, đánh giá một cách chính thống và công khai những hiệu quả trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, phạm pháp, tham nhũng do người tố cáo mang lại; chưa chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng về vai trò của tố cáo và ca ngợi người tố cáo.

+ Chưa có cơ chế phát hiện và biện pháp xử lý nghiêm người có hành vi trả thù người tố cáo.

- Một số thiếu sót trong quy định pháp luật như:

+ Pháp luật tố cáo hiện hành chưa quy định người tố cáo những nội dung gì thì được/không được yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ, cũng như chưa quy định cụ thể khi nào thì được yêu cầu bảo vệ và cần có các yêu cầu như thế nào thì người tố cáo mới được bảo vệ. Những quy định về “căn cứ” mà người tố cáo có thể yêu cầu bảo vệ, về các yếu tố được xem là “chính đáng” để cơ quan nhà nước triển khai việc bảo vệ đều có tính chất chung chung, khó áp dụng với cả người được bảo vệ lẫn người thực thi việc bảo vệ.

Pháp luật cần liệt kê cụ thể các hành vi tố cáo sẽ nhận được sự bảo vệ như: (1) Tố cáo, phản ánh thông tin về tội phạm; (2) Về tham nhũng; (3) Về môi trường; (4) Về hoạt động thực thi công vụ…

 Pháp luật cần dự liệu để đưa các “hình thức” để nhận diện, hay “biểu hiện” được coi là trả thù, trù dập và mối liên quan giữa các biểu hiện đó với hành vi tố cáo để người được bảo vệ và cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ căn cứ thi hành. Đồng thời, pháp luật cũng cần quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về cả hai người cáo buộc và người bị cáo buộc, trong đó chủ yếu là người bị cáo buộc trả thù.

+ Pháp luật tố cáo chưa quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ người tố cáo và việc triển khai các biện pháp bảo vệ trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết tố cáo khi có hành động trả thù diễn ra trong mỗi thời kỳ này (giai đoạn tiếp nhận thông tin, nội dung tố cáo; giai đoạn thụ lý giải quyết tố cáo; giai đoạn sau khi có kết luận và thực hiện kết luận nội dung tố cáo). Về cơ bản, các quy định pháp luật hiện hành về những vấn đề này mới chỉ mang tính nguyên tắc và mới tập trung bảo vệ nhằm chống lại hành động trả đũa của người bị tố cáo đối với người tố cáo mà chưa có quy định về bảo vệ trách nhiệm pháp lý cho họ.

Thứ tư, việc hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức phải gắn với việc hoàn thiện quy định về khen thưởng.

Bảo vệ và khen thưởng người tố cáo nói chung, người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng là hai chế định khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, cần phải được thực hiện song hành. Trong đó bảo vệ là trách nhiệm của Nhà nước; còn khen thưởng là để tri ân “người hùng” trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, phạm pháp. Cả hai đều có tác dụng khuyến khích mọi cá nhân tích cực tham gia vào việc vạch trần hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, gian lận, lãng phí.

Nội dung hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ người phản ánh, kiến nghị

Một là, hoàn thiện thể chế:

 Để tiếp nhận, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, cũng như bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức thực sự có hiệu quả cần phải xây dựng thể chế, xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách tiếp nhận, giải quyết và bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Theo đó, có 02 phương án: (1) Trao trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho các cơ quan phòng, chống tham nhũng, cụ thể là Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ và các Phòng phòng, chống tham nhũng tại Thanh tra các tỉnh, bộ, ngành. (2) Xây dựng một cơ quan chuyên trách độc lập, đủ mạnh để: Tiếp nhận và giải quyết những kiến nghị, phản ánh (cả tố cáo) về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp nhận các nguồn thông tin; đơn thư yêu cầu, đề nghị, khiếu nại của người kiến nghị, phản ánh; xác minh, kết luận nội dung khiếu nại về việc trả thù. Nếu xác định hoặc kết luận có hành vi trả thù thì lập kế hoạch và phối hợp với cơ quan hữu quan triển khai việc bảo vệ.

Hai là, hoàn thiện về chính sách, pháp luật:

- Sửa đổi Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 theo hướng quy định rạch ròi đối tượng được bảo vệ và phạm vi bảo vệ. Theo đó, đối tượng được bảo vệ ngoài các đối tượng như Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định cần bổ sung thêm người: Kiến nghị, phản ánh, cung cấp các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng.

- Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, theo hướng bổ sung thêm quy định về tiếp nhận, xử lý, giải quyết và bảo vệ người kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; có quy định dẫn chiếu việc bảo vệ người kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện theo Luật Tố cáo.

- Trên cơ sở sửa đổi Luật Tố cáo năm 2018 quy định về đối tượng được bảo vệ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Trước hết, cần phải ban hành văn bản quy định về trình tự tiếp nhận, xử lý và giải quyết kiến nghị, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bên cạnh đó, ban hành văn bản quy định về bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Giải pháp này có các phương án sau:

+ Phương án 1. Ban hành văn bản quy định về trình tự tiếp nhận, xử lý và giải quyết phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nội dung văn bản gồm hai phần: (1) Trình tự tiếp nhận, xử lý và giải quyết phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; (2) Bảo vệ người kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phần bảo vệ người kiến nghị, phản ánh có thể dẫn chiếu “được thực hiện như bảo vệ người tố cáo”; hoặc “được thực hiện theo Luật Tố cáo”.  Đây là phương án phù hợp nhất trong thời điểm hiện nay.

+ Phương án 2: Ban hành văn bản quy định về bảo vệ người tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức. Bởi việc ban hành quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng là cần thiết. Phương án này có hai cách: (1) Quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng; (2) Hoặc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng về bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

+ Phương án 3. Ban hành văn bản quy định riêng về bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức.  Phương án này không thể thực hiện được vì không có tính khả thi cả về vấn đề soạn thảo lẫn việc thực thi.

+ Phương án 4. Ban hành văn bản bảo vệ và khen thưởng người tố cáo kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cán bộ công chức thay thế cho Thông tư số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ ngày 16/03/2015; hoặc sửa đổi Thông tư số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng theo hướng mở rộng đối tượng khen thưởng. Theo đó, ngoài cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng thì người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng cũng được khen thưởng. Nếu vậy, tên của thông tư sẽ được sửa đổi như sau: “Thông tư… quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cán bộ công chức.” Phương án này có tính khả thi trong thời gian tới. Hiện tại, phương án này chưa thực sự cần thiết.

+ Phương án 5. Ban hành văn bản bảo vệ và khen thưởng người kiến nghị, phản ánh và cung cấp thông tin về hành vi có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của cán bộ công chức. Nội dung văn bản sẽ gồm hai phần: Khen thưởng và bảo vệ. Tính khả thi của phương án này thấp.

Phản ánh, kiến nghị là một kênh thông tin hữu hiệu trong việc đấu tranh chống lại các biểu hiện sai trái, phạm pháp, tham nhũng, giúp cơ quan nhà nước, tổ chức tiết kiệm về thời gian, kinh phí và kịp thời ngăn ngừa được vô số những thiệt hại có thể xảy ra tiêu cực, lãng phí. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa có quy định cụ thể để bảo vệ người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin các hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vì thế, chưa khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham gia vạch trần hành vi tham nhũng, phạm pháp. Một số trường hợp bị trả thù, trù dập mà không được bảo vệ kịp thời. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến niềm tin của Nhân dân, đến sự công minh của pháp luật, sự công bằng và gương mẫu của cơ quan nhà nước. Vì vậy, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo nói chung và người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin các hành vi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức là thực sự cấp thiết.

TS. Mai Văn Duẩn
Trưởng Ban Tiếp công dân - Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra