Pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không phải là một ngành luật và cũng không phải là một đạo luật. Pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung và thủ tục thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là một bộ phận của luật hành chính.
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, pháp luật về thanh tra, kiểm tra ở Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện. Kể từ năm 1990, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Thanh tra, sau này được thay thế bằng Luật Thanh tra (2004), và đến Luật Thanh tra (2010) đã được hoàn thiện hơn. Bên cạnh Luật Thanh tra, các quy định về quy trình và nội dung kiểm tra doanh nghiệp cũng được quy định trong các đạo luật chuyên ngành, như Luật An toàn thực phẩm (2010), Bộ luật Lao động (2012), Luật Hải quan (2014), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Cạnh tranh (2018)... Các nội dung này được cụ thể hóa trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, dù hệ thống luật pháp về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được xây dựng khá toàn diện, nhưng quá trình thực thi vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc.
Theo quy định của pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định về thanh tra, có quyền giải trình về nội dung thanh tra, có quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của đoàn thanh tra và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp; có quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật Thanh tra và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Công tác thanh tra doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Đồng thời, Luật Thanh tra cũng quy định rõ về các hành vi bị cấm như: Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra; chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra nhà nước; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa, nhận, môi giới hối lộ.
Theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hầu hết các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định của Luật Thanh tra. Số vụ phát hiện do không hợp tác với cơ quan thanh tra rất ít. Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ lại cho biết, có đến 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ đã đưa hối lộ cho các cán bộ, công chức, thanh tra trong các cơ quan quản lý của nhà nước. Họ cho rằng, phí bôi trơn thông qua hối lộ rẻ hơn nhiều so với lợi nhuận doanh nghiệp thu được. Điều đó cũng có nghĩa, mức độ tuân thủ pháp luật thanh tra, kiểm tra của các doanh nghiệp còn rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở phát triển bền vững của cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Về phía cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng chưa thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục, quán triệt pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Về nguyên tắc, sau khi Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực, Chính phủ, các bộ ngành và UBND các tỉnh phải chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng cường hiệu quả hoạt động thanh tra và thường xuyên rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội; xử lý kịp thời các kiến nghị của cơ quan thanh tra; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, nhất là thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; tăng cường thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra.
Tuy nhiên,theo kết quả điều tra của nhóm thành viên đề tài cơ sở "thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp", Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính - Học viện Hành chính Quốc gia, năm 2018, có đến 86% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ không biết đầy đủ cơ quan nào có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong đó có 92% trả lời họ biết chắc chắn về một số cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là: Cơ quan thuế, quản lý thị trường, kiểm toán nhà nước. Một số doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế được hỏi cho biết, họ có biết đến cơ quan Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành nhưng không biết đầy đủ. Một số luật gia cũng cung cấp thông tin thêm: có nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi về chức năng kiểm tra của công an phường, công an quận, huyện đối với doanh nghiệp trên địa bàn hoặc Thanh tra tỉnh có chức năng thanh tra thuế đối với doanh nghiệp tư nhân hay không? - Điều đó phần nào phản ánh hạn chế của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Về chủ thể thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cũng thiếu sự rõ ràng, cả về phương diện quy định pháp luật và quá trình thực thi. Bên cạnh thanh tra, công tác kiểm tra doanh nghiệp được thực hiện mở rộng sang quá nhiều cơ quan như các cục, chi cục quản lý thị trường, phòng đăng ký kinh doanh và các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý ngành khác.
Thực tế Việt Nam mới chỉ có Luật Thanh tra mà không có Luật Kiểm tra. Các quy định về kiểm tra doanh nghiệp được quy định rất tản mạn, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ở Việt Nam đang thực hiện chồng lấn, trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra; cơ quan thanh tra, kiểm tra sau không thừa nhận kết quả của cơ quan thanh tra, kiểm tra trước. Điển hình như trong lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp phải chịu sự thanh, kiểm tra của nhiều cơ quan như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cấp chính quyền địa phương. Điều này vừa gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước, vừa buộc doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức và chi phí tài chính vào việc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra trong một năm.
Trong một nội dung khác, VCCI cung cấp, có 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận họ phải trả các chi phí không chính thức. Các chi phí không chính thức cần phải có khi doanh nghiệp làm thủ tục cấp mặt bằng, cấp giấy phép kinh doanh và tiếp đón các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra và điều phối, xử lý chồng chéo, trùng lặp các hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính đối với doanh nghiệp cũng nhiều bất cập. Cũng theo VCCI, ngay trước thời điểm Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg, ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, có 37% số doanh nghiệp đã thuộc diện khảo sát được thanh tra, kiểm tra trong năm 2016. Còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 04 lần trở lên trong năm 2016. Trong những doanh nghiệp có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, 52,4% lượt doanh nghiệp cho rằng các cuộc kiểm tra có những nội dung giống nhau. Cá biệt, có những doanh nghiệp bị kiểm tra 9 lần trong một năm.
Đối với hoạt động kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là khi kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra của bộ, ngành, địa phương có khiếu nại hoặc có nhiều ý kiến khác nhau, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. Có nhiều thiếu sót về nội dung, thể thức của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra như: sai về số liệu, mâu thuẫn giữa kết quả thanh tra và kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý không phù hợp với kết luận, áp dụng quy phạm pháp luật không chính xác, việc thực hiện kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra chưa được thực hiện thống nhất và chưa gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ công tác khác của các cơ quan thanh tra có thẩm quyền kiểm tra.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Trước hết là xây dựng Luật Kiểm tra, trong đó quy định cụ thể về kiểm tra doanh nghiệp như: Mục tiêu kiểm tra; nội dung cần kiểm tra, để tách bạch với những nội dung đã thanh tra; chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan kiểm tra; cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan kiểm tra; trình tự, thủ tục kiểm tra, bao gồm thủ tục kiểm tra doanh nghiệp và xử lý vi phạm.
Đồng thời, cần sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng bổ sung quy định về thanh tra liên ngành, làm rõ khái niệm thanh tra liên ngành, căn cứ thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra liên ngành, đoàn thanh tra liên ngành; kết luận thanh tra liên ngành.
Bên cạnh đó, cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật riêng về hoạt động thanh tra liên ngành để quy định chi tiết và hướng dẫn cụ thể về: (i) Căn cứ ra quyết định thanh tra liên ngành; (ii) Thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra liên ngành; (iii) Tính chất của hoạt động thanh tra liên ngành; (iv) thành phần tham gia đoàn thanh tra liên ngành; (v) Trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra liên ngành; (vi) Giám sát đối với cuộc thanh tra liên ngành; (vii) Báo cáo kết quả thanh tra và kết luận thanh tra liên ngành.
Hai là, hoàn thiện tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra.
Trong đó, trước hết cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, thanh tra, kiểm tra chuyên nghiệp phải thực sự yêu nghề, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và được trang bị đầy đủ phương tiện làm việc cần thiết. Điều đó cũng đòi hỏi công tác đào tạo và bồi dưỡng cần phải chú trọng đến tính chất chuyên ngành, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với tổng kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các bộ, ngành, địa phương theo định kỳ.
Cần xây dựng quy định về trách nhiệm giải trình, ngăn chặn tình trạng bao che doanh nghiệp vi phạm. Xây dựng những tiêu chí cụ thể giúp giải thích được lý do, quy trình, cơ sở mà cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, kết luận thanh tra. Quy định về trách nhiệm giải trình cũng cho biết về lý do tại sao một cơ quan không phối hợp với cơ quan có liên quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và vì sao không thừa nhận kết quả đã được cơ quan thanh tra, kiểm tra trước đó đã làm. Trách nhiệm giải trình cũng cần áp dụng với đối tượng thanh tra, kiểm tra là doanh nghiệp, các quy định xác định trách nhiệm của doanh nghiệp khi phát hiện các sai phạm của cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm thiểu các thỏa thuận giữa doanh nghiệp với cơ quan thanh tra, kiểm tra.
Cần tăng cường kinh phí cho hoạt động thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường hội nhập mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đến từ các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại, mang theo công nghệ và kiến thức quản lý vượt trội. Một trong những yếu tố cản trở chất lượng thanh tra, kiểm tra ở các nước đang phát triển là do nguồn ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Nhà nước cần chủ trọng đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Cuối cùng, cần khuyến khích xây dựng văn hóa doanh nghiệp, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó, cần có chính sách tuyên dương những doanh nghiệp đóng thuế nhiều cho Nhà nước, tạo nhiều việc làm và thực hiện đúng pháp luật. Song song với đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng văn hóa tổ chức, sẵn sàng phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật, đồng thời sẵn sàng tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, nói không với hối lộ và tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.
Đỗ Thị Kim Tiên
Học viện Hành chính Quốc gia
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, "Báo cáo tóm tắt Sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020";
2. Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
3. Pháp lệnh Thanh tra (1990);
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (số 1115/ PTM-VP), "Báo cáo tóm tắt Sơ kết 01 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020";
5. Nghị định 61/1998/NĐ-CP của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.