Cần có chính sách hỗ trợ đặc thù cho công chức làm công tác tiếp công dân

Thứ năm, 24/11/2022 14:28
(ThanhtraVietNam) - Tiếp công dân là “sợi dây” liên hệ giữa Nhà nước và người dân, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với Nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó có những chủ trương, chính sách, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác tiếp công dân (TCD), qua đó công tác này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thông qua TCD, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) đông người, phức tạp đã được giải quyết; các thông tin, kiến nghị, phản ánh, góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, về công tác quản lý của cơ quan, đơn vị được tiếp nhận, xử lý. Đồng thời, TCD cũng giúp cho công tác giải quyết KNTC của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành một cách hiệu quả. Cùng với đó, chế độ, chính sách, đãi ngộ đã từng bước được điều chỉnh tương xứng với đóng góp của những người làm công tác quan trọng này.

Tiếp công dân, công tác mấu chốt quan trọng trong giải quyết KNTC

TCD là điểm khởi đầu, là một trong những khâu quan trọng của công tác giải quyết KNTC, thông qua đây hướng dẫn công dân thực hiện quyền KNTC đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quyền KNTC của công dân. Qua đó nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật KNTC nói riêng đối với quần chúng nhân dân.

Thông qua hoạt động TCD, cơ quan hành chính nhà nước sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống xã hội. Những kiến nghị, phản ánh này sẽ là cơ sở giúp cho các cơ quan nhà nước phát hiện và tìm ra những bất cập tồn tại trong hoạt động tổ chức và quản lý. Từ đó Nhà nước có thể đưa ra được những giải pháp phù hợp để điều chỉnh mang lại hiệu quả cao.

TCD là “sợi dây” liên hệ giữa Nhà nước và người dân, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với Nhân dân, tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của người dân, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân vào các nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và Nhà nước thông qua việc thu thập thông tin, phản hồi về những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, từ đó có những chủ trương, chính sách, quyết định đúng đắn, hợp lòng dân.

Với vị trí quan trọng như vậy, luôn có những yêu cầu đặc biệt, khắt khe với những người làm công tác tiếp dân. Các cơ quan, bộ phận tiếp dân đều lựa chọn cho bộ phận này các cán bộ am hiểu pháp luật, kiên nhẫn, biết lắng nghe, có tinh thần trách nhiệm và luôn sẵn sàng chia sẻ trước những vấn đề công dân trình bày. Một điều nữa chính là khả năng phối hợp với các cơ quan có liên quan, không đùn đẩy trách nhiệm, sẵn sàng hợp tác để giải quyết kịp thời những nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Vì tính lịch sử và điều kiện thực tế, hiện nay mô hình ban tiếp dân đang có hình thái “lưỡng”, theo đó bộ phận tiếp dân vừa trực thuộc cơ quan thanh tra và bộ phận tiếp dân trực thuộc khối văn phòng. Cụ thể, ở Trung ương, Ban TCD Trung ương trực thuộc Thanh tra Chính phủ; tại các bộ, bộ phận tiếp dân trực thuộc thanh tra bộ; còn tại địa phương, ban TCD cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc văn phòng ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp và bộ phận tiếp dân của sở trực thuộc thanh tra sở. Với mô hình tổ chức như vậy, chế độ, chính sách đối với người làm công tác này tại mỗi cơ quan, đơn vị cũng đang có sự khác biệt.

Liên quan đến quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ chính sách đối với người làm công tác TCD, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tiếp công dân số 42/2013/QH13, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TCD (Nghị định số 64), các Thông tư số 03/2016/TT-TTCP ngày 29/12/2016 quy định về trang phục đối với cán bộ, công chức làm nhiệm vụ TCD thường xuyên tại trụ sở TCD (Thông tư số 03), Thông tư số 320/2016/TT-BTC, ngày 14/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh (Thông tư số 320) để quy định, điều chỉnh, hướng dẫn các nội dung liên quan của công tác quan trọng này.

Về tiêu chuẩn của cán bộ TCD, khoản 1, Điều 34, Luật TCD quy định: Người TCD phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình, bảo đảm yêu cầu về sức khỏe và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân TW trong một buổi tiếp dân 

Chế độ chính sách, đãi ngộ đối với người làm công tác TCD là cần thiết

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ TCD, Nghị định số 64 quy định tại Điều 19, Chương V, theo đó người TCD được hưởng các chế độ chính sách gồm chế độ bồi dưỡng, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ TCD và người TCD thường xuyên tại trụ sở TCD được hưởng chế độ trang phục TCD.

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm TCD quyết định việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với người TCD của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo hướng dẫn của Tổng thanh tra Chính phủ; Tổng Thanh tra Chính phủ quy định kiểu dáng, định mức tiêu chuẩn trang phục đối với người TCD thường xuyên, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, những người được điều động, phân công làm nhiệm vụ TCD hoặc làm nhiệm vụ phục vụ công tác TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh cũng được được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định. Cụ thể, Điều 21, Nghị định số 64 quy định có 04 nhóm đối tượng được hưởng chế độ bồi dưỡng gồm:

- Cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 20 Nghị định số 64 được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở TCD hoặc địa điểm TCD.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm TCD định kỳ hoặc đột xuất; cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền triệu tập làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở TCD hoặc địa điểm TCD.

- Cán bộ, công chức, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp TCD, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại trụ sở TCD hoặc địa điểm TCD.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh. 

Với các nhóm đối tượng đa dạng tham gia làm công tác TCD, gồm có công chức hành chính dân sự ở Trung ương và địa phương, cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang thì việc áp dụng, vận dụng chế độ chính sách cho những người làm công tác này ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật, thì còn có việc áp dụng các quy định riêng, đặc thù của từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Hiện nay, đã có những quy định chung về mức chi bồi dưỡng chế độ đối với cán bộ TCD, cụ thể tại Điều 4, Thông tư số 320. Theo đó, tùy từng đối tượng mà chế độ áp dụng sẽ có sự khác nhau.

Các đối tượng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Nghị định số 64 mà chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề, khi làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở TCD hoặc địa điểm TCD được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì được bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.

Đối với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở TCD Trung ương được bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/ngày/người.

Còn các đối tượng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Nghị định số 64 được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.

Tuy vậy, việc áp dụng trong thực tiễn cũng đang gặp nhiều sự khác biệt, chưa đồng nhất đối với những người làm công tác TCD, cụ thể: Cán bộ, công chức làm việc tại Ban TCD Trung ương và cán bộ, công chức phụ trách công tác TCD theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật TCD (các sở, ngành) được hưởng phụ cấp nghề thanh tra cộng phụ cấp thâm niên nghề thanh tra và tiền bồi dưỡng theo Thông tư số 320.

Còn cán bộ, công chức phụ trách tiếp dân tại các cơ quan khác như: Các Ban của Đảng, Công an, cơ quan tư pháp (tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân...) ngoài chế độ bồi dưỡng tiếp dân theo Thông tư số 320 còn được hưởng phụ cấp ngành nghề đặc thù.

Tại địa phương, đặc thù công tác TCD và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Ban TCD cấp tỉnh, cấp huyện là lĩnh vực công tác rộng, đòi hỏi cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân phải có kiến thức tổng hợp, nghiên cứu, tìm hiểu nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản, công việc hết sức khó khăn, vất vả. Mặc dù được phân công đảm nhiệm nhiều lĩnh vực như tiếp dân, thanh tra, tham mưu công tác phòng chống tham nhũng, tố tụng... nhưng hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức TCD chuyên trách tại Ban TCD tỉnh, Ban TCD huyện mới chỉ hưởng tiền bồi dưỡng đối với lĩnh vực TCD theo Thông tư số 320.

Cần có chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện của từng địa phương

Do đó, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm giúp cải thiện thu nhập cho công chức trực tiếp làm công tác TCD, thanh tra, kiểm tra, giải quyết KNTC, thực hiện sau thanh tra, phòng, chống tham nhũng và tố tụng hành chính, dân sự… tạo động lực để phát huy tính sáng tạo, nhiệt huyết trong công tác. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, đồng thời tạo cơ hội để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân ngày càng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, tại Nghệ An, Văn phòng UBND tỉnh đã xây dựng và xin ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, công chức làm công tác TCD chuyên trách và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Ban TCD cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, Dự thảo Nghị quyết đề xuất mức hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác TCD và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Ban TCD cấp tỉnh, cấp huyện là 3.000.000 đồng/người/tháng (ngoài chế độ quy định tại Thông tư số 320). Đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ này, gồm: Cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác TCD và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Ban TCD tỉnh được thành lập theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật TCD năm 2013; cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác TCD và xử lý đơn thư KNTC, kiến nghị, phản ánh tại Ban TCD huyện, thành phố, thị xã được thành lập theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật TCD năm 2013.

Trước đó, tại Thanh Hóa, HĐND tỉnh này cũng thông qua Nghị quyết quy định chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn với 03 mức chi lần lượt là 120.000 đồng/ngày/người, 90.000 đồng/ngày/người và 60.000 đồng/ngày/người.

Cụ thể, mức chi 120.000 đồng/ngày/người áp dụng đối với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ TCD, xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở TCD tỉnh, trụ sở TCD cấp huyện; địa điểm TCD tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh, cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, Ủy ban MTTQ cấp huyện, cơ quan của các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, địa điểm TCD cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong trường hợp các đối tượng này đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì mức chi bồi dưỡng là 90.000 đồng/ngày/người.

HĐND tỉnh này cũng thông qua mức chi 60.000 đồng/ngày/người áp dụng đối với cán bộ, công chức; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp và nhân viên quốc phòng trong lực lượng vũ trang; cán bộ dân phòng, y tế, giao thông khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công phối hợp TCD, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm y tế tại trụ sở TCD hoặc địa điểm TCD và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ chuyên trách xử lý đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh./.

Trường An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra