Cần lưu ý gì khi thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức?

Thứ tư, 24/01/2024 16:00
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp bộ, cấp tỉnh đang triển khai thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước, tập trung ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Ông Vũ Hồng Khánh, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ về một số vấn đề được cho là sẽ giúp Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra đúng mục đích, yêu cầu và có trọng tâm, trọng điểm.

Phóng viên: Ngày 08/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 2960/KH-TTCP về việc thanh tra chuyên đề trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước, xin ông chia sẻ về mục đích và nội dung của Kế hoạch này?

Ông Vũ Hồng Khánh: Theo Kế hoạch, thanh tra chuyên đề này nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên cả nước, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ hành chính công (DVHCC) cho người dân, doanh nghiệp; ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ để kiến nghị biện pháp khắc phục. Qua thanh tra sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng việc thực hiện trách nhiệm công vụ, xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị biện pháp xử lý, sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ CBCCVC trong thực hiện trách nhiệm công vụ.

leftcenterrightdel
 TVCC Vũ Hồng Khánh - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: HT

 Nội dung thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân và doanh nghiệp bao gồm: Trách nhiệm quản lý nhà nước về thực hiện TTHC, cung cấp DVHCC cho cá nhân, tổ chức và việc giải quyết TTHC.

Phóng viên: Thưa ông, đối với nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước, các Đoàn thanh tra nên tập trung vào những vấn đề cụ thể nào?

Ông Vũ Hồng Khánh: Việc thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về việc thực hiện TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp bao gồm 5 nội dung lớn sau:

Một là, việc lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước, của đơn vị về trách nhiệm công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ thanh tra. Nội dung thanh tra nên tập trung vào:

(1) Việc xây dựng kế hoạch cải cách hành chính (CCHC), tổ chức thực hiện và báo cáo định kỳ thực hiện kế hoạch CCHC của bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện chương trình tổng thể CCHC theo Nghị quyết 76.

(2) Việc xây dựng kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trong đó tập trung vào nội dung nêu tại Mục V. Tổ chức thực hiện Đề án.

(3) Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của Nhà nước về trách nhiệm công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ thanh tra.

(4) Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai thực hiện các quy định của đơn vị (bộ, ngành, địa phương, đơn vị) về trách nhiệm công vụ của CBCCVC trong giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ thanh tra.

Đối với các bộ, ngành:

* Công bố danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận và không tiếp nhận tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc thẩm quyền của bộ, ngành; danh mục TTHC tiếp nhận trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của bộ, ngành; danh mục TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận của bộ, ngành giao cho Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh tiếp nhận.

* Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được tạo thành trên cơ sở Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để thống nhất quản lý theo quy định.

* Hướng dẫn các địa phương giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành để áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

* Chỉ đạo xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng TTHC thuộc phạm vi thực hiện của bộ, ngành bảo đảm áp dụng chung thống nhất cho quy trình xử lý công việc liên quan đến giải quyết TTHC trong Hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan, tổ chức.

* Chỉ đạo các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương được tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện và phối hợp với các cơ quan nhà nước ở địa phương trong giải quyết TTHC.

* Định kỳ hàng năm đề xuất các TTHC thực hiện liên thông và xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình thực hiện liên thông TTHC. Bộ, cơ quan quản lý lĩnh vực được giao tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC liên thông thực hiện công bố TTHC liên thông sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.

* Việc tổ chức triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và trả kết quả TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các TTHC mà thông tin, dữ liệu phục vụ xem xét, thẩm định hồ sơ đã có đầy đủ trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc đã được kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.

Đối với các địa phương:

* Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Một cửa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo quy định tại Nghị định số 61;

* Việc UBND cấp tỉnh ban hành quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được tạo thành trên cơ sở Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh để thống nhất quản lý theo quy định tại Nghị định này.

* Việc UBND cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng và ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với việc giải quyết từng thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã bảo đảm áp dụng chung thống nhất cho quy trình xử lý công việc liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong Hệ thống quản lý chất lượng của cơ quan, tổ chức và thực hiện thống nhất trong toàn địa phương.

Hai là, việc kiểm soát, kiến nghị hoặc ban bành theo thẩm quyền để loại bỏ hoặc chỉnh sửa TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế. Nội dung thanh tra nên tập trung vào:

(1) Việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan rà soát, đánh giá TTHC; Việc xây dựng kế hoạch, thực hiện quy trình rà soát, đánh giá TTHC; Việc xử lý kết quả rà soát, đánh giá TTHC; Thực hiện chế độ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC.

(2) Việc thống kê, tập hợp, phân tích, phát hiện để kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định về TTHC không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, không đáp ứng được các nguyên tắc quy định thủ tục hành chính tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.

Ba là, việc tổ chức vận hành bộ phận một cửa và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định. Nội dung thanh tra nên tập trung vào:

(1) Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gồm: Việc bố trí nhân lực, trang thiết bị tại Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp; Việc tổ chức thực hiện quy chế hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp; Việc tổ chức và vận hành Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Một cửa các cấp.

(2) Đánh giá việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

(3) Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh.

Bốn là, việc công bố, công khai TTHC theo quy định; việc thực hiện công khai, minh bạch quá trình giải quyết; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC. Nội dung thanh tra nên tập trung vào: (1) Việc công bố TTHC, công khai TTHC; (2) Việc thực hiện công khai, minh bạch quá trình giải quyết; (3) Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; (4) Việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; (5) Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC.

Năm là, việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý đối với CBCCVC trong việc giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Nội dung thanh tra nên tập trung vào việc ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm; kết quả kiểm tra hàng năm và kết quả xử lý kỷ luật đối với CBCC trong việc giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (nếu có).

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ, tài liệu (nếu cần có thể xác minh) để xác định việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý đối với CBCCVC trong việc giải quyết TTHC và cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp có tuân thủ quy định không? Có vi phạm quy định không? Nếu vi phạm thì nêu rõ vi phạm quy định nào? Nguyên nhân? Trách nhiệm?

Phóng viên: Tất nhiên, các đoàn thanh tra sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể tại bộ, ngành, địa phương để thực hiện thanh tra theo quy định của pháp luật, xin Ông chia sẻ thêm về nội dung thanh tra việc giải quyết TTHC?

Ông Vũ Hồng Khánh: Từ việc tổng hợp số liệu, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ thanh tra, Đoàn thanh tra nên kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc giải quyết TTHC, cung cấp DVHCC cho người dân, doanh nghiệp, bao gồm: Hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC; tiếp nhận hồ sơ TTHC; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết TTHC; trả kết quả giải quyết TTHC; theo dõi, giám sát, đánh giá việc giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân và thu phí, lệ phí (nếu có) theo quy định.

Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị (PAKN) nên thanh tra: (1) Việc tuân thủ quy định trong việc tiếp nhận và xử lý PAKN về quy định và hành vi hành chính: Tổng số đã tiếp nhận; số đã xử lý đúng hạn; số đã xử lý quá hạn; số đang xử lý. (2) Việc tuân thủ quy định trong việc Kết quả tiếp nhận và xử lý PAKN về quy định kinh doanh theo mục IX Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ (lưu ý tập trung xem xét kết quả xử lý các PAKN tại Mục X.2 và XI của Phụ lục I đính kèm Báo cáo số 4909/BC-VPCP của Văn phòng Chính phủ): Tổng số đã tiếp nhận; số đã xử lý đúng hạn; số đã xử lý quá hạn; số đang xử lý.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu các hồ sơ, tài liệu để xác định việc tiếp nhận, xử lý PAKN có tuân thủ quy định không? Có vi phạm quy định không? Nếu vi phạm thì nêu rõ vi phạm quy định nào? Nguyên nhân và trách nhiệm?

Thái Minh (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra