Cần thiết có quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính

Thứ ba, 21/11/2023 17:46
(ThanhtraVietNam) – Theo các nhà nghiên cứu, cần có những chế tài để tăng cường kiểm soát quyền lực đã đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính (KNTCHC), cũng như bảo vệ quyền của người KNTC, bảo vệ uy tín của cơ quan giải quyết KNTC trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Cần thiết phải nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính

Theo PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các chủ trương Đảng về tăng cường kiểm soát quyền lực đã đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết KNTCHC, bảo vệ quyền của người KNTC, bảo vệ uy tín của cơ quan giải quyết KNTC trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Dù vậy, việc giải quyết KNTCHC vẫn chưa cao, thậm chí có nơi, có chỗ không hiệu quả, thậm chí việc giải quyết KNTC gây bất bình trong dư luận, tạo xung đột xã hội một cách không cần thiết, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, đi ngược lại với chủ trương, đường lối bảo đảm, bảo vệ quyền KNTCHC của Đảng và Nhà nước. Lý do nằm trong chính nội tại, bản chất của việc giải quyết KNTCHC là không giải quyết được mâu thuẫn giữa thực hiện quyền lực nhà nước và việc khắc phục nguy cơ lộng quyền, lạm quyền của chính cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước trong giải quyết KNTCHC.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi báo cáo của PGS.TS Trương Thị Hồng Hà - Chủ nhiệm đề tài. Ảnh: P.V

Kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học cấp Bộ “Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính” do PGS.TS Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng, Vụ Cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương làm chủ nhiệm đã chỉ ra rằng, hiện tượng phổ biến đáng lên án trong việc giải quyết KNTCHC hiện nay là lạm dụng quyền lực từ phía người có thẩm quyền hoặc cơ quan dưới hình thức thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc vượt quá thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, thái độ thờ ơ, sách nhiễu, hách dịch, coi thường người KNTC… trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của người giải quyết, KN đi ngược với tinh thần phục vụ Nhân dân gây bất bình và làm tình trạng KNTC kéo dài.

Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC trong thực tiễn chưa đạt hiệu quả cao. Kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC từ phía Quốc hội, HĐND còn mang tính hình thức; kiểm soát quyền lực từ phía cơ quan tư pháp đối cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính về giải quyết KNTCHC chưa hiệu quả; kiểm soát trong nội bộ cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTCHC từ Trung ương xuống địa phương chưa được tăng cường.

Ngoài ra, vai trò giám sát của Nhân dân, của xã hội đối với hoạt động giải quyết KNTCHC cũng chưa được phát huy; sự vào cuộc của các cơ quan báo chí phát hiện hành vi lạm quyền, lộng quyền trong giải quyết KNTCHC chưa rõ nét; đặc biệt là giám sát, kiểm tra của Đảng đối với hoạt động giải quyết KNTCHC chưa thực sự rõ nét… dẫn đến thực trạng phổ biến là quyền lực nhà nước bị hoặc có nguy cơ bị một số chủ thể có thẩm quyền giải quyết KNTCHC thâu tóm, lạm dụng, quyền của người KNTC hành chính không được bảo đảm, thậm chí bị xâm hại, gây mất uy tín của Nhà nước, của cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTCHC.

PGS.TS Trương Thị Hồng Hà cho biết, trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC, đề tài đã đề xuất giải pháp đột phá nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC ở Việt Nam hiện nay.

4 quan điểm và 5 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC

Đề tài đề xuất đổi mới, thống nhất mô hình tổ chức và hoạt động tiếp công dân tại các cơ quan hành chính các cấp; đổi mới cơ chế giải quyết KNTCHC, trước hết là đổi mới quy trình, cách thức giải quyết, bỏ qua khâu giải quyết lần đầu của người có quyết định hành chính, hành vi hành chính. Nếu công dân không nhất trí với quyết định hành chính, hành vi hành chính, cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành đó xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ thì có thể khiếu nại lên thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Đáng chú ý, đề tài đề xuất cần có quy trình giải quyết giản đơn/rút gọn, cần phân loại các KNTC đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính ở từng cấp khác nhau để xác định thời hạn thụ lý và cách thức giải quyết cho phù hợp. Đối với cấp xã, quy trình giải quyết KNTCHC cần được rút gọn, thời gian giải quyết cũng cần điều chỉnh ngắn hơn so với cấp huyện, cấp tỉnh.

Quy trình giải quyết KNTC cần đảm sự thông suốt giữa công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư với thụ lý, thẩm tra, xác minh kết nội dung KNTC và thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo. Không tổ chức giải quyết  KNTC ở cấp xã; các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Trương Thị Hồng Hà tại buổi báo cáo kết quả nghiên cứu. Ảnh: P.V

Ngoài ra, cần xây dựng mô hình cơ quan giải quyết KNTC chuyên trách bằng 2 phương án: Phương án 1, Cơ quan giải quyết KNTC (có thể gọi là Ban giải quyết KNTCHC) trực thuộc Chính phủ ở cấp Trung ương (cơ quan ngang bộ); ở cấp bộ, ngành trực thuộc bộ, ngành (cơ quan ngang cục); ở cấp tỉnh trực thuộc UBND cấp tỉnh (cơ quan ngang sở), cấp huyện trực thuộc huyện (cơ quan tương đương phòng). Phương án 2, Cơ quan giải quyết KNTC trực thuộc Thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương (tương đương Tổng cục); ở cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc theo ngành dọc và trực thuộc Thanh tra Chính phủ (tương đương Cục và Chi cục), và trực thuộc ngang trực thuộc UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

Ban hành quy định của Đảng về quy định kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát hiệu quả và thời gian giải quyết KNTCHC

Với kết quả nghiên cứu như vậy, Hội đồng đánh giá, đề tài đã làm rõ sáng tỏ những vấn đề lý luận, pháp lý cơ bản về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC. Đặc biệt, đã phân tích, lập luận và đưa ra khái niệm, đặc điểm, vai trò của kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTHC. Từ đó, phân tích khái niệm kiểm soát quyền lực, nhận diện các hành vi tha hoá quyền lực như lộng quyền, lạm quyền, tuỳ tiện, vi phạm pháp luật để từ đó xác định mô hình lý luận về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC. Các yếu tố ảnh hưởng cũng được đề tài phân tích rõ ràng và cụ thể.

Đề tài đã đánh giá thực trạng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực trạng kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC ở Việt Nam trong thời gian qua. Đề tài đã đã chỉ ra được những ưu điểm, kết quả đạt được, đồng thời đánh giá những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại hạn chế.

Đáng chú ý, đề tài đã đưa ra 4 quan điểm và 5 nhóm giải pháp nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC và đề xuất một số giải pháp kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTCHC. Đề tài này đã được Hội đồng thông qua để tiến hành nghiệm thu chính thức, tuy nhiên trước đó, hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa báo cáo tổng thuật, đảm bảo kết cấu thống nhất; chỉnh sửa một số nhận định cho phù hợp với thực tiễn./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra