Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về phòng, chống tham nhũng​

Thứ ba, 17/05/2022 11:12
(ThanhtraVietNam) - Trong năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân và tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), song công tác PCTN luôn được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chuyển biến tích cực trong công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình

Theo đó, các cơ quan chức năng đã kịp thời công bố, công khai, thông tin báo chí về những vụ việc dư luận xã hội quan tâm, về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, PCTN theo đúng quy định của pháp luật. Về thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 251 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm (tăng 175% so với năm 2020). Để thực hiện có hiệu quả đúng quy định của pháp luật các nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện công khai, minh bạch các khoản kinh phí, sử dụng đúng mục đích trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương của Viêt Nam đã ban hành 9.955 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.665 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tiến hành 3.927 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 283 vụ việc và 388 người vi phạm (giảm 28,2% số vụ so với năm 2020); đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, đã thu hồi được 42,7 tỷ đồng.

Trong năm 2021 các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật PCTN 2018 và các văn bản hướng dẫn, đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng của 27.316 lượt cán bộ, công chức, viên chức (tăng 52,5% so với cùng kỳ năm 2020). Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu TTCP tham dự Hội nghị trực tuyến Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN – PAC) lần thứ 17 ngày 30/11. Ảnh: Huy Trần

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, công khai, công bố, cập nhật TTHC được thực hiện thường xuyên. Tính đến ngày 22/6/2021, đã có 4.429 quy định kinh doanh đang có hiệu lực được thống kê, trong đó có 1.971 TTHC, 1.782 yêu cầu, điều kiện trong hoạt động kinh doanh, 272 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, 32 quy định kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, 372 quy định về chế độ báo cáo. Nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được triển khai, đã có trên 1,4 triệu hồ sơ thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC (Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021). Bộ Công an đã triển khai, hoàn thành Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, chính thức vận hành từ ngày 01/7/2021 với hệ thống kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, bảo mật, tránh lãng phí, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tạo động lực có ý nghĩa đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, cả nước có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua kênh Internet đạt 435,25 triệu giao dịch với giá trị 22,78 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 54,1% về số lượng và 30,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020); giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt 1.193,9 triệu giao dịch với giá trị hơn 13,5 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 74,98% về số lượng và 93,69% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020). Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH), hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính hoạt động ổn định, an toàn; số lượng và giá trị giao dịch đạt mức tăng trưởng cao. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 97,36 triệu giao dịch, với giá trị đạt 95,4 triệu tỷ đồng (tăng 3,32% về số lượng, 41,37% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020); giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99,02 % số lượng và 139,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể nói hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán, hơn 90% giao dịch nộp thuế của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện qua ngân hàng; người dân đã có thể thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với tiền điện trên phạm vi cả nước; 42% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 42% số người hưởng và 39% số tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trong toàn quốc chi trả qua tài khoản cá nhân.

Mặt khác, về kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, thực hiện Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có 1.284.375 người kê khai tài sản, thu nhập. Số bản kê khai đã hoàn thành công khai là 1.283.635 bản; đạt tỷ lệ 99% số bản đã kê khai. Nhìn chung, việc kê khai tài sản, thu nhập đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người). Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu đã có tác dụng răn đe, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.

Thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng

Theo Thanh tra Chính phủ, Việt Nam đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.206 ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 45.071 tỷ đồng, 3.708 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.925 tập thể và 4.286 cá nhân; ban hành 120.504 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 4.103 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ). Toàn Ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.067 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Kết quả các cơ quan đã xử lý, thu hồi 10.072 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 76%), 81 ha đất; xử lý hành chính 2.627 tổ chức, 7.579 cá nhân; khởi tố 14 vụ, 16 đối tượng.

Có 330.971 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 21,6% so với năm 2020), với tổng số người được tiếp là 358.661 người (giảm 21,9%) về 274.233 vụ việc (giảm 7,6%), trong đó có 3.439 đoàn đông người (giảm 9,%). Các cơ quan hành chính tiếp nhận 359.339 đơn các loại (bao gồm: đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh); đã xử lý 336.645 đơn, có 274.988 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 76,5% tổng số đơn đã xử lý. Đã giải quyết 17.272 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 76,3% (giảm 7,2%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước 13,7 tỷ đồng; 15,6 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 441 tỷ đồng; 41,6 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 51 tổ chức, 1.071 cá nhân; kiến nghị xử lý 571 người (trong đó có 442 cán bộ, công chức); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 12 vụ, 17 đối tượng (có 15 cán bộ, công chức).

Các cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can; đình chỉ điều tra 04 vụ, 03 bị can; xử lý khác (thay đổi tội danh, nhập vụ án...) 10 vụ, 13 bị can; hiện đang điều tra 226 vụ, 384 bị can. Thiệt hại trong các vụ án thụ lý: trên 800 tỷ đồng, 398.643,83 mđất, 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 402 vụ/1.222 bị can, trong đó án mới 369 vụ/1100 bị can (tăng 29 vụ/363 bị can tương đương 8,2% so với cùng kỳ năm 2020); đã giải quyết 330 vụ/989 bị can (đạt 82%, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020).

Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước thụ lý giảm 21vụ và 12 bị cáo, xét xử giảm 15 vụ và 14 bị cáo). Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 06 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo.

Có thể nói, trong những năm qua, công tác PCTN của nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả PCTN, cần xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng Nhân dân. Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc đấu tranh PCTN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp và kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTN, để một mặt tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị; mặt khác thông qua đó, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng PCTN để chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, bất kể là ai, giữ chức vụ gì; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh PCTN. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng cần phải tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, công vụ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Có thể nói, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị sẽ góp phần từng bước làm trong sạch bộ máy, tạo động lực, khí thế, sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng./.

 

 

Hoàng Đức Hùng - Huy Trần
Thanh tra Chính phủ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra