Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNTC); sự vào cuộc tích cực, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
|
|
Ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Nam Anh |
Những kết quả nổi bật
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Nhiều quy định mới về công tác PCTNTC được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân ngày càng được khẳng định và phát huy.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng và Nhà nước.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Trong đó điểm mới là, từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng; khởi tố nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương, tiếp tục tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Công tác PCTNTC ở địa phương tiếp tục được đẩy mạnh; nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra từ nhiều năm trước; chủ động và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC.
Năm 2024, cùng với sự phối hợp của các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Nội chính, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Kiểm toán và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, lực lượng Công an nhân dân thụ lý điều tra hàng ngàn vụ án, bị can phạm tội về tham nhũng.
Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra gần 4,8 nghìn tỷ đồng, gần 48 nghìn m2 đất, gần 140 ha đất; đã thu hồi gần 700 tỷ đồng, gần 17 nghìn m2 đất và gần 1.000 ha đất; tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch gần 1,2 nghìn tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác; 97 miếng kim loại màu vàng, gần 700 nghìn USD; gần 2 triệu USD; 534 cây vàng SJC; gần 1,5 nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại; 65 xe ô tô, mô tô các loại; gần 14,3 nghìn m2 đất và 13 sổ tiết kiệm (tổng trị giá gần 1,2 nghìn tỷ đồng).
Hiện đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố gần 900 vụ án/gần 2,7 nghìn bị can; tạm đình chỉ điều tra 45 vụ án/21 bị can; đình chỉ điều tra 09 vụ án/11 bị can; thay đổi tội danh, tách/nhập 21 vụ án/37 bị can; chuyển điều tra theo thẩm quyền 04 vụ án/06 bị can; hiện đang điều tra hơn 600 vụ án/hơn 1,1 nghìn bị can.
|
|
Các đại biểu dự Phiên họp sáng 26/11/2024 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn |
Khó khăn, vướng mắc tồn tại từ nhiều nguyên nhân
Mặc dù trong năm 2024, PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn năm 2023, nhưng theo nhận định của Chính phủ, công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, hạn chế tồn tại.
Cụ thể là: Việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, đấu thầu, đấu giá… còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn hình thức, chưa thực chất.
Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Công tác giám định, định giá tài sản có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tiến độ.
Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án.
Nguyên nhân chủ yếu của khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại nêu trên là: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác PCTNTC; chưa có đủ bản lĩnh trước những cám dỗ lớn về vật chất, tinh thần.
Việc khắc phục sơ hở, bất cập, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC trên một số lĩnh vực có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC còn thiếu trong khi yêu cầu nhiệm vụ của công tác PCTNTC ngày càng cao; vẫn còn có cán bộ, công chức suy thoái, vi phạm đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện công tác giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp, cung cấp thông tin, tài liệu, có lúc còn chưa kịp thời; nhiều nội dung giám định, định giá phức tạp, số lượng, khối lượng yêu cầu, trưng cầu lớn.
Vai trò quan trọng, then chốt quyết định hiệu quả công tác PCTNTC
Từ thực tiễn công tác PCTNTC trong phạm vi cả nước thời gian qua, Chính phủ rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp phải áp dụng nhiều biện pháp tổng thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước có vai trò quan trọng, then chốt quyết định hiệu quả công tác PCTNTC.
Thứ hai, kết quả công tác PCTNTC trong thời gian qua cho thấy sự nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ của các cơ quan chức năng cả ở Trung ương và địa phương, nhất là các cơ quan Kiểm tra, Nội chính, Công an, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Kiểm toán và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh.
Thứ ba, sự gương mẫu, nêu gương, nêu cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ là nền tảng, cơ sở cho công cuộc PCTNTC.
Thứ tư, công tác PCTNTC phải gắn với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống”.
Thứ năm, sự tham gia tích cực của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh PCTNTC.
Thứ sáu, sơ kết, tổng kết công tác PCTNTC kịp thời để rút ra những kinh nghiệm quý, cách làm hay; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được qua 10 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo và những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay.