Đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra trong xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử

Thứ sáu, 25/08/2023 21:03
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, cùng với việc triển khai quyết liệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, Chính phủ đặc biệt chú trọng chỉ đạo điều hành về nội dung chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí. Nhất là đối với những sai phạm liên quan đến việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.

Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành

Tại Quyết định số 75/QĐ-BTTTT ngày 10/3/2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.

Theo đó, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT về việc ban hành Tiêu chí nhận diện tình trạng trên. Bộ tiêu chí nhận diện giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.

Tiếp đó, ngày 29/3/2023, Bộ TT&TT ban hành Kế hoạch số 1029/KH-BTTTT về việc tập trung chấn chỉnh và giải quyết cơ bản tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Triển khai Kế hoạch này, đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục mời từng cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí có các dấu hiệu, bằng chứng vi phạm liên quan đến làm việc, yêu cầu lập cam kết chấm dứt các hành vi, biểu hiện “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Đồng thời, xử lý vi phạm hành chính đối với những vi phạm đến mức phải xử phạt; áp dụng, kiến nghị áp dụng các hình thức xử phạt, xử lý bổ sung theo quy định và theo mức độ, sự cần thiết.

Còn khó khăn trong xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử

Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp vẫn còn những khó khăn. Đó là một số cơ quan báo chí trước khi quy hoạch là báo, sau khi quy hoạch chuyển thành tạp chí, vẫn quen với việc cập nhật tin tức, phản ánh thông tin thời sự của báo, chậm chuyển biến về hình thức và tính chất thông tin của tạp chí.

Đáng nói, một số tạp chí thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn xa rời, không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Còn tình trạng cơ quan báo chí buôn lỏng công tác tuyển dụng, quản lý phóng viên dẫn đến một bộ phận phóng viên suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Một số cơ quan chủ quản báo chí thiếu quan tâm, buông lỏng vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí; chưa kịp thời có hình thức chấn chỉnh, xử lý cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Tại Báo cáo số 372/BC-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14, liên quan đến lĩnh vực TT&TT, Chính phủ nêu rõ nguyên nhân của tồn tại nêu trên là do khái niệm “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội, “tư nhân hóa” báo chí chưa được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về báo chí. Chính vì vậy, quá trình xử lý gặp không ít khó khăn, thời gian, trí tuệ khi phải nghiên cứu, chuyển hóa xử lý tình trạng “báo hóa” này sang các hành vi khác có liên quan, có chế tài cụ thể, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, chưa có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Trên thực tế, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt là cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nhiều cơ quan chủ quản thiếu quan tâm đến hoạt động của cơ quan báo chí; buông lỏng vai trò chỉ dạo, lãnh đạo, quản lý; không có biện pháp chấn chỉnh, xử lý khi cơ quan báo chí xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Nhiều cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động cơ quan báo chí phải tuân thủ tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép.

Đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về báo chí, xử lý nghiêm tình trạng “báo hóa” tạp chí, trong thời gian tới Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. Các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí Trung ương.

Tiếp tục rà soát tổng thể hoạt động của các tạp chí thuộc tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp nhằm quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là việc chấp hành tôn chỉ, mục đích. Kiến nghị cấp có thẩm quyền, cơ quan chủ quản xử lý kỷ luật người đứng đầu cơ quan báo chí và cá nhân liên quan khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Hai là, Bộ TT&TT tiếp tục thực hiện việc rà soát, cấp phép lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch. Trong quá trình cấp lại giấy phép hoạt động báo chí, Bộ TT&TT xem xét các vấn đề liên quan để việc cấp giấy phép đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; quy định tôn chỉ, mục đích rõ ràng, bám sát chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Đặc biệt, có phân định rõ ràng giữa báo và tạp chí, các tạp chí thể hiện rõ về nội dung thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; các nội dung, chuyên trang không phù hợp sẽ được loại bỏ.

Ba là, Bộ Nội vụ rà soát chức năng, nhiệm vụ, quản lý chặt chẽ hoạt động các tổ chức hội; chủ trì, phối hợp với cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý báo chí thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội, trong đó có trách nhiệm với vai trò cơ quan chủ quản báo chí. Đồng thời, Bộ Nội vụ khi cho phép thành lập tổ chức hội cần rà soát để đảm bảo tôn chỉ mục đích, chức năng, nhiệm vụ tường minh, rõ ràng, riêng biệt, tránh chồng lấn với các tổ chức hội khác.

Bốn là, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, tổng thể kế hoạch xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tiến tới chấm dứt tình trạng này, tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng quy định.

Năm là, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm người đứng đầu cơ quan báo chí và cá nhân liên quan khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, kéo dài theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí và theo các quy định khác có liên quan.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí. Thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, hội nghị chuyên đề với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí. Chú trọng hỗ trợ kinh tế báo chí, an toàn an ninh thông tin, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, kiến thức về quản lý báo chí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra