Những năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn cùng với các hệ lụy của đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cố gắng của các ngành, các cấp, của người dân và doanh nghiệp, chúng ta vẫn giữ vững ổn định và tăng trưởng về kinh tế thực sự là điều đáng tự hào. Tuy nhiên sự biến đổi nhanh chóng của kinh tế-xã hội với sự tác động của khoa học công nghệ cùng với đó là những biểu hiện lệch lạc, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng bền vững. Trong nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động và phục vụ thì không thể thiếu vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, với tính cách là một công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới, đặc biệt là hoạt động thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng, trên tinh thần của Luật Thanh tra 2022 mới được ban hành.
Mặc dù từ trước đến nay chưa được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng luôn được coi như một hoạt động thanh tra có hiệu quả mà các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên quan tâm để chỉ đạo thực hiện. Ngoài việc phát hiện những hành vi sai phạm cụ thể trong một lĩnh vực nào đó, điều quan trọng là qua thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng, cơ quan thanh tra sẽ phát hiện ra những sơ hở của cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật, hiện trạng của việc chấp hành pháp luật để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời những nơi, những chỗ thực hiện không đúng, sửa đổi kịp thời, bịt những lỗ hổng trong các quy định của pháp luật tạo ra sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực công tác đó trên bình diện toàn ngành, toàn quốc. Có thể thấy rõ điều này qua các cuộc thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề được tiến hành trong những năm vừa qua.
Tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng nhìn từ thực tiễn
Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; thanh tra việc thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên; thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh; thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19… Kết quả thanh tra cho thấy, các cơ quan thanh tra đã có những đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật trên thực tế với những số liệu tổng hợp từ thực tế; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; chấn chỉnh, xử lý những sai phạm trong quá trình thực hiện.
Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trên phạm vi cả nước. Mục đích của cuộc thanh tra này là nhằm đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức trong việc thực hiện trách nhiệm công vụ trên phạm vi cả nước, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương; ghi nhận cách làm hay, sáng tạo để có giải pháp nhân rộng trong cả nước; kịp thời phát hiện những thiếu sót hoặc vi phạm trong quá trình thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi cả nước để kiến nghị biện pháp khắc phục.
Kết quả thanh tra sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, xác định tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm (nếu có), sửa đổi cơ chế chính sách, tháo gỡ trong tổ chức, thực hiện; nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện trách nhiệm công vụ.
Theo Kế hoạch, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra tại các bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; UBND các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai và UBND thành phố Đà Nẵng.
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành thanh tra tại các đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra tại các quận, huyện, sở, ban, ngành trực thuộc.
Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nội dung thanh tra, thời kỳ thanh tra, đối tượng thanh tra để thống nhất thực hiện. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch, đề cương hướng dẫn và tình hình thực tế thành lập Đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Ở cấp độ thanh tra ngành, lĩnh vực: Thực hiện kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Bộ Công an, Thanh tra Bộ Công an đã triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng thanh tra công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và công tác đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ đối với một số công an các đơn vị, địa phương đối với Công an tỉnh Lâm Đồng, Thái Bình, Thanh Hóa, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cục A09, C01. Quá trình thanh tra nhằm đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật và của Bộ Công an trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ đối với công an các đơn vị, địa phương; trên cơ sở đó tiếp tục phát huy, biểu dương, nhân rộng những ưu điểm đồng thời làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh. Phát hiện sơ hở, thiếu sót, bất cập trong các quy định để kiến nghị và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, Bộ Công an trong công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, mặt công tác này trong Công an nhân dân.
Như vậy, thanh tra chuyên đề diện rộng là một cuộc thanh tra với phạm vi rộng, được thực hiện trước tiên nhằm phục vụ cho công tác quản lý, với mục đích đánh giá, tổng kết việc thực hiện một chính sách, pháp luật trên phạm vi rộng, ở đâu có thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ liên quan đến nội dung thanh tra thì đều phải tiến hành thanh tra để phục vụ mục đích, yêu cầu của thanh tra chuyên đề diện rộng. Đặc điểm của thanh tra chuyên đề thanh tra diện rộng là cuộc thanh tra tập trung vào một lĩnh vực cụ thể nhưng do nhiều chủ thể tiến hành với nhiều đối tượng ở các cấp độ khác nhau. Điều này cho phép cơ quan thanh tra tổng hợp và rút ra được những vấn đề có tính phổ biến đang tồn tại hoặc phát sinh để đưa ra những kiến nghị biện pháp, giải pháp kịp thời, chính xác. Vì vậy có thể nói rằng thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng được thực hiện trước hết phục vụ yêu cầu của công tác quản lý trong một ngành, lĩnh vực, địa phương cụ thể hoặc phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước của Chính phủ. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích của hoạt động thanh tra 2022: Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục…
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thanh tra chuyện đề, thanh tra diện rộng trong công tác quản lý
Thanh tra chuyên đề diện rộng cần được thống nhất là một nội dung của quản lý, nó thể hiện sự chỉ đạo mang tính định hướng của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong Định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hàng năm về nội dung, lĩnh vực cần thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng nhằm mục đích đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác hay giải quyết những vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, vai trò của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra trong tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng trước tiên thể hiện ở việc xác định lĩnh vực, phát hiện ra những nội dung cần thanh tra để đề xuất đưa vào Định hướng chương trình thanh tra trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở định hướng này, các cơ quan thanh tra cấp dưới có trách nhiệm đưa nội dung thanh tra chuyên đề diện rộng vào Kế hoạch thanh tra của cơ quan mình theo thẩm quyền thanh tra được pháp luật quy định. Hoặc các cơ quan thanh tra có thể đề xuất đưa nội dung thanh tra chuyên đề diện rộng vào kế hoạch thanh tra của bộ, ngành, địa phương mình trình người có thẩm quyền phê duyệt để triển khai trong phạm vi bộ, ngành, địa phương của mình. Cần tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên để phòng ngừa vi phạm, chấn chỉnh công tác quản lý cũng như bảo đảm trật tự kỷ cương quản lý, chỉ tiến hành thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm đồng thời đẩy mạnh thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng theo kế hoạch nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, thể hiện đúng vị trí và vai trò của công tác thanh tra trong tình hình mới.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc không chỉ tập trung vào việc báo cáo tiến độ, phạm vi thanh tra mà phải tập trung vào việc chỉ đạo trực tiếp nội dung, vụ việc thanh tra cụ thể đối với các địa phương có đặc thù hoặc được dư luận xã hội quan tâm. Phải xác định được các vụ việc phức tạp, vụ việc mang tính chất điển hình để chỉ đạo trực tiếp các Đoàn thanh tra xác minh làm rõ. Các biện pháp nghiệp vụ phải được xây dựng và áp dụng thống nhất, đối với những địa bàn có tính chất phức tạp, có sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền đối với Đoàn thanh tra thì cơ quan thanh tra cấp trên phải trực tiếp nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trường hợp cần thiết có thể đưa vụ việc, nội dung của cơ quan thanh tra cấp dưới lên để cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp thanh tra. Vai trò của các cơ quan thanh tra cấp trên còn được thể hiện ở thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra khi tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra; chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra thể hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra cấp trên trong việc tổ chức, định hướng về công tác chuyên môn trong phạm vi quản lý.
Chủ động, kịp thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình tiến hành thanh tra chuyên đề, thanh tra diện rộng
Việc hướng dẫn được thực hiện thông qua các hình thức: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các Đoàn thanh tra; hướng dẫn trực tiếp thông qua các buổi làm việc của cơ quan chủ trì thanh tra với Đoàn thanh tra; ban hành văn bản hướng dẫn khi cần thiết. Việc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng nhằm đảm bảo cho cuộc thanh tra được thực hiện đúng yêu cầu, đạt được mục tiêu đề ra. Việc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện xuyên suốt quá trình, từ khi xây dựng đề cương thanh tra đến khi kết thúc thanh tra. Việc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cần bảo đảm tính kịp thời, cụ thể, nhất là những vấn đề mà pháp luật quy định chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng, chồng chéo, những tình huống phát sinh chưa được tính đến trong quá trình xây dựng đề cương hướng dẫn... Cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo ra sự lan tỏa và thống nhất giữa các cơ quan thanh tra về giải pháp cho những vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ thường gặp trong khi tiến hành thanh tra. Cũng cần lưu ý rằng việc tiến hành thanh tra vừa phải bảo đảm tuân thủ theo những trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định vừa phải phù hợp với tính chất và quy mô của phạm vi thanh tra đối với từng cấp thanh tra, tránh tình trạng máy móc, rập khuôn không phù hợp với tính chất linh hoạt, mềm dẻo và yêu cầu về tính hiệu quả trong quản lý nhà nước./.
TS. Đinh Văn Minh
Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ