Để yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu và báo cáo giải trình hiệu quả (tiếp theo và hết)

Thứ hai, 24/07/2023 14:53
(ThanhtraVietNam) - Cán bộ, công chức của đơn vị là đối tượng thanh tra bị tạm đình chỉ được quyền khiếu nại, giải trình với Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, người có thẩm quyền tạm đình chỉ; trong thời gian xem xét khiếu nại, giải trình, cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ vẫn phải chấp hành quyết định của người có thẩm quyền tạm đình chỉ.

Thứ tám, kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra

Trình tự thực hiện: Khi có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra  nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra. Nếu thấy cần thiết, chậm nhất 1 ngày tính từ ngày nhận được báo cáo, người ra quyết định thanh tra ra văn bản kiến nghị(6) với người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định; trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp này, người ra quyết định thanh tra phải trả lời cho Trưởng đoàn thanh tra biết và nêu rõ lý do.

Văn bản của Trưởng đoàn thanh tra báo cáo với người ra quyết định thanh tra và văn bản của người ra quyết định thanh tra kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ phải nêu rõ căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra; quyết định bị kiến nghị tạm đình chỉ thi hành; lý do cụ thể của việc đề nghị tạm đình chỉ thi hành quyết định; thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định; người có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ thi hành; họ, tên, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức bị kiến nghị tạm đình chỉ thi hành; trách nhiệm thực hiện của người được kiến nghị và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thời hạn kiến nghị tạm đình chỉ do Trưởng đoàn thanh tra đề xuất nhưng không vượt quá thời hạn thanh tra được ghi trong quyết định thanh tra. Trường hợp đặc biệt, thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời điểm người ký quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra.

Trách nhiệm khi thực hiện quyền kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra thuộc về người ra quyết định thanh tra trên cơ sở đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra.

Quá trình thực hiện quyền kiến nghị Trưởng đoàn thanh tra phải hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện. Khi xét thấy việc tạm đình chỉ không còn cần thiết nữa, hoặc chậm nhất là khi kết thúc cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra có văn bản(7) với người đã ra quyết định tạm đình chỉ ra quyết định chấm dứt việc tạm đình chỉ.

Cán bộ, công chức của đơn vị là đối tượng thanh tra bị tạm đình chỉ được quyền khiếu nại, giải trình với Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, người có thẩm quyền tạm đình chỉ; trong thời gian xem xét khiếu nại, giải trình, cán bộ, công chức bị tạm đình chỉ vẫn phải chấp hành quyết định của người có thẩm quyền tạm đình chỉ.

Người có thẩm quyền tạm đình chỉ có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện với người ra quyết định thanh tra.

Thứ chín, tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép

Trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện việc sử dụng trái pháp luật các khoản tiền, đồ vật, giấy phép mà xét thấy cần phải ngăn chặn ngay hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý thì Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép.

Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo hoặc thực hiện giữ bí mật trước khi đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi tẩu tán, sửa đổi, chuyển dời, cất giấu, huỷ hoại tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra. Khi có căn cứ để kiến nghị tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật, thành viên Đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra; ngay trong ngày nhận được báo cáo, Trưởng đoàn thanh tra ký văn bản(8) đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng, Trưởng đoàn thanh tra phải trả lời cho thành viên Đoàn thanh tra biết và nêu rõ lý do.

Văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật phải ghi rõ căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra; chức danh của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ; tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; lý do của việc tạm giữ, mục đích tạm giữ; thời điểm, thời gian tạm giữ; trách nhiệm thực hiện của người có thẩm quyền tạm giữ; nghĩa vụ của đối tượng có tiền, đồ vật, giấy phép tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật do Trưởng đoàn thanh tra quyết định nhưng không vượt quá thời hạn thanh tra được ghi trong quyết định thanh tra; trường hợp đặc biệt thì Trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra để có ý kiến chỉ đạo nhưng không vượt quá thời điểm người ra quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra.

Văn bản đề nghị người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật được gửi cho người ra quyết định thanh tra để báo cáo; thành viên Đoàn thanh tra đề nghị tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; tổ chức, cá nhân quản lý tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật trong thời gian tạm giữ và đối tượng thanh tra.

Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật phải ban hành quyết định tạm giữ(9).

Nội dung quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật phải ghi rõ căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra; chức danh của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ; tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật; lý do của việc tạm giữ, mục đích tạm giữ; thời điểm, thời gian tạm giữ; trách nhiệm thực hiện của người có thẩm quyền tạm giữ; trách nhiệm và nghĩa vụ của đối tượng có tiền, đồ vật, giấy phép tạm giữ.

 Thủ tục thực hiện quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật: Ngay sau khi quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật có hiệu lực, thành viên Đoàn thanh tra đề xuất việc tạm giữ cùng người có thẩm quyền tạm giữ công bố quyết định với đối tượng thanh tra tại nơi có tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật cần tạm giữ. Khi tiến hành tạm giữ phải có ít nhất hai thành viên trong Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra.

Việc quản lý tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật được thực hiện như sau: Đối với tiền, yêu cầu đối tượng thanh tra nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chủ trì tiến hành cuộc thanh tra; đối với những tài sản đặc biệt như vàng, đá quý thì giao cho cơ quan chức năng quản lý; đối với các tài sản thông thường khác có thể giao cho đối tượng thanh tra tự quản lý.

Thành viên Đoàn thanh tra đề xuất việc tạm giữ cùng đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra kiểm tra tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật theo quyết định; đóng gói; dán niêm phong đối với đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật tạm giữ (niêm phong phải có chữ ký của thành viên Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra); lập biên bản tạm giữ.

 Biên bản tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia tạm giữ, danh mục tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật bị tạm giữ, cá nhân, tổ chức quản lý tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật sau khi tạm giữ. Biên bản tạm giữ phải được thành viên Đoàn thanh tra; đại diện người có thẩm quyền tạm giữ và đại diện của đối tượng thanh tra ký xác nhận.

Xử lý việc tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật: Sau khi tạm giữ, Trưởng đoàn thanh tra phải khẩn trương chỉ đạo xác minh làm rõ các khoản tiền, đồ vật, giấy phép đã tạm giữ để xử lý theo thẩm quyền.

Những khoản tiền, đồ vật hay giấy phép sau khi xác minh thấy không có sai phạm hoặc không cần thiết phải tạm giữ thì phải ra quyết định hủy bỏ ngay biện pháp tạm giữ đó(10).

Đối với những tài sản không thể xác minh được nguồn gốc hoặc đã có đủ căn cứ kết luận có sự vi phạm pháp luật thì thành viên Đoàn thanh tra đã đề xuất việc tạm giữ báo cáo để Trưởng đoàn thanh tra kiến nghị người ra quyết định thanh tra xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi thời hạn tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật ghi trong quyết định đã hết mà không được gia hạn; khi không còn cần thiết áp dụng biện pháp tạm giữ, thành viên Đoàn thanh tra đề nghị bằng văn bản với trưởng đoàn thanh tra để hủy bỏ biện pháp tạm giữ(10). Chậm nhất là 2 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định hủy bỏ biện pháp kiến nghị người có thẩm quyền tạm giữ.

Quyết định hủy bỏ biện pháp kiến nghị người có thẩm quyền tạm giữ phải ghi rõ căn cứ; tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật được hủy bỏ biện pháp tạm giữ; người thực hiện quyết định; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện quyết định. Quyết định được gửi cho người đề nghị, người có thẩm quyền tạm giữ và đối tượng thanh tra. 

Khi thực hiện quyết định hủy bỏ biện pháp kiến nghị người có thẩm quyền tạm giữ phải có phải có ít nhất hai thành viên trong Đoàn thanh tra; người có thẩm quyền tạm giữ và đối tượng thanh tra; việc thực hiện quyết định phải được lập thành biên bản ghi rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, tiền, đồ vật, giấy phép được hủy bỏ biện pháp tạm giữ; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý tiền, đồ vật, giấy phép.

Các quyết định, biên bản về việc yêu cầu; hủy bỏ biện pháp kiến nghị người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép và các tài liệu khác liên quan được lưu trữ và bảo quản trong hồ sơ cuộc thanh tra.

Thứ mười, yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản

Trong quá trình thanh tra, khi có dấu hiệu cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì thành viên Đoàn thanh tra báo cáo bằng văn bản với Trưởng đoàn thanh tra. Khi nhận được báo cáo của thành viên Đoàn thanh tra, nếu có đủ căn cứ thì ngay lập tức, Trưởng đoàn thanh tra ra quyết định yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản, phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

Khi có dấu hiệu cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét. Khi nhận được báo cáo, nếu có đủ căn cứ thì ngay lập tức, người ra quyết định thanh tra ra quyết định yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản, phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

 Người có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản gửi quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản và đối tượng thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).

Tổ chức tín dụng nơi có tài khoản của đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện kịp thời, đầy đủ quyết định phong tỏa tài khoản và phải báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện phong tỏa tài khoản với người có văn bản yêu cầu phong tỏa.

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc có những căn cứ để quyết định phong tỏa tài khoản không còn hiệu lực, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản. Quyết định hủy phong tỏa tài khoản(11) phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra. Tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phải thực hiện hủy phong tỏa tài khoản ngay khi nhận được quyết định hủy phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền, đồng thời thông báo việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản cho chủ tài khoản.

Mười một, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra

Khi có căn cứ kết luận tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra thì Ttrưởng đoàn thanh tra báo cáo, kiến nghị người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi. Quyết định thu hồi tiền(12), quyết định thu hồi tài sản(13) phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ căn cứ để ban hành quyết định; lý do của việc thu hồi tiền, tài sản; số tiền, tên, chủng loại, số lượng, tình trạng chất lượng của tài sản phải thu hồi; trách nhiệm của cơ quan thực hiện; thời gian thực hiện; trách nhiệm của đối tượng có tiền, tài sản bị thu hồi; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao quản lý tài sản bị thu hồi và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).

Người ra quyết định thanh tra tiến hành việc thu giữ tiền hoặc tài sản theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu cơ quan có chức năng thu giữ, quản lý tiền, tài sản đó.

Đối tượng có tiền, tài sản bị thu giữ phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi; trường hợp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm chỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm giúp người ra quyết định thu hồi tiền, tài sản theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định thu hồi đó.

Nếu đối tượng thanh tra không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản thì Trưởng đoàn thanh tra tham mưu người ra quyết định thanh tra yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản, phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; trong trường hợp cần thiết, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối tượng thanh tra được quyền khiếu nại quyết định thu giữ tiền, tài sản theo quy định của Luật Khiếu nại; giải trình với Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra về việc thu giữ tiền, tài sản; trong thời gian xem xét khiếu nại, giải trình, đối tượng thanh tra vẫn phải chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thu giữ tiền, tài sản./.

Chú thích:

(6) Mẫu số 25 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(7); (10) Mẫu số 27 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(8) Mẫu số 22 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(9) Mẫu số 21 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(11) Mẫu số 02 Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-TTCP-NHNN

(12) Mẫu số 23 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(13) Mẫu số 24 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP
TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra