Đi đến cùng vấn đề giám sát gắn với chế tài mạnh

Thứ hai, 05/02/2024 10:23
(ThanhtraVietNam) - Nguyên tắc “đi đến cùng vấn đề được giám sát gắn với chế tài mạnh” là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả giám sát, góp phần nâng cao trách nhiệm theo dõi, đi đến cùng việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, có trách nhiệm tham mưu cho Quốc hội trong lĩnh vực giám sát những vấn đề thuộc phạm vi phụ trách. Điều 37, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định 6 hình thức giám sát cụ thể, bao gồm: (1) Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; (2) Giám sát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; (3) Giám sát chuyên đề; (4) Tổ chức hoạt động giải trình; (5) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; (6) Kiến nghị về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Có thể nói, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đóng vai trò chủ chốt trong việc tham mưu, phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội và góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội. Đồng thời, việc đi đến cùng vấn đề giám sát là trách nhiệm thuộc về Hội đồng, Ủy ban của Quốc hội. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực, hiệu quả giám sát chung của Quốc hội.

Thực tiễn cho thấy, nếu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện tốt các hoạt động giám sát thì sẽ tạo thuận lợi cho Quốc hội thực hiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát tối cao. Chẳng hạn khi Ủy ban của Quốc hội thẩm tra báo cáo công tác của Chính phủ, nếu dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để xem xét, thẩm tra một cách toàn diện báo cáo, nêu những ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập đó, thì sẽ giúp các đại biểu Quốc hội có cơ sở thảo luận, đánh giá công tác của Chính phủ một cách toàn diện, chính xác. Từ đó, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về công tác của Chính phủ có chất lượng và tính khả thi cao. Đồng thời, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, các cơ quan này thực hiện việc theo dõi, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giám sát.

leftcenterrightdel
Một phiên thảo luận về  giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Theo tinh thần đổi mới tại Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2014, vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban được chú trọng và đề cao. Bản thân các cơ quan của Quốc hội cũng không ngừng đổi mới hoạt động của mình, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc và sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, hoạt động đối ngoại và các hoạt động khác; thực hiện sự chỉ đạo điều hành, phối hợp hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong mọi hoạt động, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề, giải trình; thường xuyên bảo đảm mối quan hệ phối hợp tốt với các Ủy ban khác của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban, Viện cảu Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công phụ trách.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành các hoạt động giám sát theo chương trình của Hội đồng, Ủy ban, như giám sát chuyên đề, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luât, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Đặc biệt chú trọng triển khai nhiều hoạt động giải trình về những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực tế, nâng cao hơn nữa trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Theo báo cáo, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đã tổ chức 29 phiên giải trình với nhiều nội dung chuyên sâu như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong vùng dân tộc thiểu số; khoa học công nghệ trong phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Một số nội dung về Thông tư 16/2010/TT-BXD về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; tình hình tồn kho và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước; Về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh; Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường bộ… Qua đó, thu nhận được nhiều thông tin có giá trị phục vụ xây dựng pháp luật liên quan. Bên cạnh đó, theo sự phân công của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban còn chủ trì giúp Quốc hội thẩm tra các báo cáo của các thiết chế nhà nước trình Quốc hội tại Kỳ họp, tiến hành giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp, tiến hành giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách, để lại dấu ấn tốt, nổi bật trong hoạt động của Quốc hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt mạnh và kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng, Ủy ban vẫn còn một số mặt hạn chế. Theo Ths.Vũ Tiến Thản, nguyên Vụ trưởng Vụ phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội, đối với lĩnh vực giám sát, mặc dù quy định pháp luật khá rõ nhưng hoạt động giải trình còn chưa tiến hành được nhiều và thường xuyên; việc theo dõi, giám sát, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các bộ, ngành của Hội đồng, Ủy ban hiện nay gặp không ít khó khăn, thực chất là bị quá tải, làm ảnh hướng đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng, Ủy ban nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung, đặc biệt là trách nhiệm theo dõi, đi đến cùng việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan này còn rất hạn chế và chưa được chú trọng, chưa được chủ động tiến hành mà còn theo chương trình, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là những vấn đề thực tiễn đặt ra, cần được nghiên cứu để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Cũng theo Ths. Vũ Tiến Thản, nguyên tắc “đi đến cùng vấn đề được giám sát gắn với chế tài mạnh” là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu lực, hiệu quả giám sát. Hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội cao hay thấp đều thể hiện qua việc các nghị quyết, kiến nghị giám sát được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát tiếp thu, thực hiện như thế nào. Muốn vậy, một mặt phải nâng cao chất lượng các nghị quyết, kiến nghị giám sát; mặt khác, phải thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, đánh giá sát sao, thẳng thẳn, thường xuyên, liên tục gắn với trách nhiệm người đứng đầu việc thực hiện nghị quyết, kiến nghị giám sát. Nói cách khác, quy định về chế tài càng rõ, càng mạnh, thực hiện càng nghiêm, theo dõi, đôn đốc càng chặt chẽ thì hiệu lực, hiệu quả giám sát càng cao./.

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra