Đổi mới hoạt động lập hiến đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ hai, 23/10/2023 16:03
(ThanhtraVietNam) - Tại Hội thảo “Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động lập hiến, lập pháp”, các chuyên gia, các nhà khoa học với những tâm huyết, kinh nghiệm của mình đã đóng góp những luận cứ khoa học, đánh giá, tổng kết thực tiễn lịch sử và đưa ra những giải pháp, kiến nghị để tiếp tục đổi mới hoạt động lập hiến, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới.

Hội thảo là một hoạt động trong chuỗi sự kiện của đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”. Đây không chỉ là đề tài nghiên cứu khoa học đặc biệt, mà còn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam diễn ra trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo  “Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động lập hiến, lập pháp”

Thành tựu trong hoạt động lập hiến của Quốc hội Việt Nam

Từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cho đến nay, nước ta đã ban hành 05 bản Hiến pháp, bao gồm: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong hoàn cảnh và thời điểm lịch sử nhất định, nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nói về Hiến pháp năm 1946, TS. Dương Thị Thanh Mai nhấn mạnh, đây là bản Hiến pháp thể hiện sâu sắc tư tưởng lập hiến dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với 03 giá trị cốt lõi, đó là: (1) Hiến pháp dân chủ xác lập chủ quyền nhân dân gắn với quyền dân tộc tự quyết; (2) Hiến pháp là phương tiện pháp lý để nhân dân chuyển giao quyền lực của nhân dân cho Nhà nước thực hiện và kiểm soát việc Nhà nước thực hiện quyền lực do nhân dân giao phó; (3) Hiến pháp xác lập nguyên tắc “đảm bảo các quyền tư do, dân chủ” của công dân gồm quyền chính trị, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản, quyền nhân dân. Những giá trị cốt lõi này của Hiến pháp 1946 được kế thừa, tiếp biến qua các giai đoạn lịch sử của đất nước tạo nên lịch sử lập hiến đầy thách thức của Việt Nam.

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi năm 1954, miền Bắc tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân chủ nhân dân. Hiến pháp 1959 (Hiến pháp sửa đổi) phản ánh quan hệ xã hội mới đó và tạo cơ sở pháp lý cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà. PGS.TS Bùi Xuân Đức cho biêt, về mặt lập pháp, thay đổi quan trọng nhất là Quốc hội, nếu như trước đây, tại Hiến pháp năm 1946 Quốc hội chỉ có quyền “đặt ra các pháp luật” thì ở Hiến pháp 1959, “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Giai đoạn Hiến pháp năm 1959, Quốc hội Việt Nam từ khóa II đến khóa V đã trải qua 16 năm hoạt động (từ tháng 7/1960 đến tháng 6/1976), Quốc hội đã thông qua 01 bản Hiến pháp và 07 luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua 16 pháp lệnh nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước, mở rộng dân chủ với nhân dân, tăng cường chuyên chính với kẻ thù để bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tiếp đến, việc xây dựng Hiến pháp năm 1980 diễn ra trong hoàn cảnh chúng ta giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời đương đầu với khó khăn mới ở cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và cuộc chiến tranh chống chế độ diệt chủng ở Campuchia. Do vậy, tinh thần kháng chiến vẫn là tiền đề cho việc xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất. Bên cạnh đó chúng ta đang xây dựng nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Và đường lối, chính sách kinh tế kế hoạch hóa cũng là nền tảng cho Hiến pháp. Hiến pháp năm 1980 được Quốc hội khóa VI thông qua ngày 18/12/1980. Tuy nhiên, sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt nam đã đưa đường lối đổi mới, đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Hiến pháp 1980.

Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết “về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1980 và việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân”. Quốc hội tin tưởng rằng, nhân dân ta sẽ xây dựng được bản Hiến pháp sửa đổi thể chế hóa đúng đắn nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, thể hiện được ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đạt được yêu cầu mà Quốc hội đề ra là “sửa đổi Hiến pháp một cách cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới”. Tiếp đó, Hiến pháp năm 1992 được thông qua ngày 15/4/1992 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 8. Đây là bản Hiến pháp hoàn toàn mới, đáp ứng chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng đất nước trong giai đoạn đổi mới.

Trước yêu cầu thể chế hóa các định hướng lớn đối với sự phát triển đất nước được xác định trong Cương lĩnh của Đảng (sửa đổi, bổ sung năm 2011) ở tầm Hiến pháp, việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 được đặt ra như một tất yếu, cấp bách. Để thực hiện chủ trương của Đảng về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, ngày 06/8/2011, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 06 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp. Sau hơn 2 năm, trải qua một quy trình lập hiến vừa chặt chẽ, vừa dân chủ, khoa học với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, dự thảo Hiến pháp đã được Quốc hội khóa XIII nhất trì thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 28/11/2013, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của lịch sử lập hiến.

Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, Hiến pháp năm 2013 có những giá trị cơ bản sau: (1) Tiếp tục thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; (2)Tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động các lực lượng xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; (3)Tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; (4) Thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; (5) Tạo dựng khuôn khổ hiến định mới cho xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; (6) Hiến định hóa minh bạch, chính sách quốc phòng an ninh, đối ngoại của Việt Nam trong bối cảnh mới, nhằm tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (7) Xác định nền tảng hiến định cho việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đổi mới hoạt động lập hiến đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tình hình mới

Có thể nói, nghiên cứu Hiến pháp Việt Nam qua các giai đoạn phát triển khác nhau cho thấy, Nhà nước ta thông qua hoạt động lập hiến đã thể chế hóa đúng đắn, đầy đủ kịp thời quan điểm về chủ nghĩa lập hiến của Đảng ta trong các bản Hiến pháp Việt Nam. Mỗi bản Hiến pháp được ban hành đánh dấu một bước phát triển mới của chủ nghĩa lập hiến của Việt Nam theo hướng phản ánh nhu cầu lập hiến của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong mỗi thời kỳ.

Nói về bài học kinh nghiệm rút ra từ quy trình lập hiến, sửa đổi Hiến pháp qua 05 bản Hiến pháp của nước ta, GS.TS.Trần Ngọc Đường cho rằng, trước hết, Hiến pháp phải khẳng  định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Đây là vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề cực kỳ mấu chốt trong quy trình lập hiến nói chung, sửa đổi Hiến pháp nói riêng, vì liên quan đến quan niệm về Hiến pháp. Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, đổi mới quy trình lập hiến, trước hết phải đổi mới nhận thức về quyền lập hiến và quan niệm về Hiến pháp, trên cơ sở đó xác định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến và sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản phải được nhân dân làm ra để giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho Nhà nước, đồng thời làm phương tiện để nhân dân kiểm soát việc thực hiện sự giao quyền, ủy quyền đó đối với Nhà nước. Bên cạnh đó, phải xây dựng và hoàn thiện quy trình lập hiến và sửa đổi Hiến pháp thực sự làm chủ, chặt chẽ thể hiện chủ quyền thuộc về nhân dân.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ sau Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới cũng có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động lập hiến ở nước ta trong giai đoạn mới. Đây cũng là cơ sở chính trị của việc đổi mới hoạt động lập hiến ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

Theo quan điểm của GS.TS Võ Khánh Vinh, đổi mới hoạt động lập hiến ở nước ta trong tình hình mới đó là cần phải đổi mới tư duy, nhận thức, nội dung, thẩm quyền lập hiến. Trong đó tập trung nghiên cứu để xây dựng các thiết chế hiến định mới và tiến tới hiến định hóa các thiết chế đó. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện các thể chế hiến định hiện hành cả về mặt nội dung lẫn về mặt hình thức, kỹ thuật thể hiện, chẳng hạn, một số chế định cụ thể như: hoàn thiện việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, hoàn thiện về việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hoàn thiện chế định về quyền con người, quyền công dân, về Quốc hội, thiết chế Chủ tịch nước, về chính phủ, cải cách tư pháp và về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam..

GS.TS Võ Khánh Vinh cũng lưu ý, để chuẩn bị tốt cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động lập hiến đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bối cảnh mới, cần phải tiến hành nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống về mặt lý luận, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, dự báo sự phát triển các quan hệ xã hội được hiến pháp điều chỉnh./.
Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra