Giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Thứ năm, 25/04/2024 08:00
(ThanhtraVietNam) - Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là công việc quan trọng nhằm bảo đảm công tác thanh tra đúng pháp luật, phù hợp với thực tế.

Tại khoản 14 Điều 2 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: “Giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là việc theo dõi, xem xét, đánh giá việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong thời hạn thanh tra”.

Nội dung liên quan đến Giám sát hoạt động của Đoàn thanh được quy định cụ thể từ Điều 97 đến Điều 101, Mục 7, Chương IV, Luật Thanh tra năm 2022. Việc luật hóa các quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra cho thấy tầm quan trọng của công tác này đối với hoạt động thanh tra, đồng thời cũng nâng cao hiệu lực pháp lý của các quy định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

leftcenterrightdel
Buổi công bố dự thảo Kết luận thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ảnh minh họa: Thanh Nhung
Thực trạng giám sát hoạt động của Đoàn Thanh tra hiện nay

Trước khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực thi hành (trước ngày 01/7/2023) thì việc thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được thực hiện theo Quyết định số 2681/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó thực hiện theo Thông tư số 05/2015/TT-TTCP ngày 10/9/2015 của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015) và tiếp theo là Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2021.

Ngay từ khi có các quy định của pháp luật về công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, giúp Chánh Thanh tra tỉnh nắm bắt thường xuyên, chính xác và khách quan việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của công chức thanh tra và ý thức kỷ luật của Trưởng Đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung đề ra trong quyết định thanh tra.

Tuy nhiên, việc triển khai giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất, tại khoản 1, Điều 97, Mục 7, Chương IV Luật Thanh tra năm 2022 quy định: … Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra…”. Thực tế, một số Quyết định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành chưa đảm bảo theo quy định này.

Thứ hai, tại khoản 1, Điều 100, Luật Thanh tra năm 2022 quy định trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra trong hoạt động giám sát: Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 99 của Luật này” cho Tổ giám sát hoặc người được giao nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giám sát, một số Đoàn thanh tra chưa thực hiện tốt nội dung này, chưa cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu theo quy định cho Tổ giám sát khi có yêu cầu.

Thứ ba, nội dung của hoạt động giám sát bao gồm cả giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, ý thức chấp hành kỷ luật của Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra. Do đó, việc giám sát phải luôn bám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, khách quan, toàn diện trong thời hạn thanh tra, nhưng trên thực tế việc này là rất khó, nhất là đối với những Đoàn thanh tra ở xa, dài ngày.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, một số Quyết định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành không cùng thời điểm với Quyết định thanh tra là do:

Nguyên nhân khách quan: Theo quy định thì hoạt động giám sát đoàn thanh tra được tiến hành kể từ thời điểm công bố Quyết định thanh tra đến khi kết thúc thanh tra tại đơn vị. Như vậy, thời gian trước và sau thời hạn thanh tra đang bị bỏ ngỏ không có sự giám sát.

Thực tế cho thấy, quy định này gây khó khăn cho hoạt động giám sát đoàn thanh tra, bởi trước khi tiến hành thanh tra, người được giao nhiệm vụ khảo sát (thường sẽ là thành viên đoàn thanh tra) đã tiến hành khảo sát, làm việc trực tiếp với đơn vị để nắm thông tin. Quá trình này không có sự giám sát theo quy định nên hoàn toàn không có thông tin để chủ động tham mưu Quyết định giám sát cùng thời điểm với Quyết định thanh tra.

Nguyên nhân chủ quan: Công tác phối hợp giữa phòng Nghiệp vụ (đơn vị tham mưu Quyết định thanh tra) và Văn phòng (đơn vị tham mưu Quyết định giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra) chưa thật sự tích cực. Như đã phân tích ở trên, việc ban hành Quyết định giám sát hoàn toàn phụ thuộc vào việc thành viên Đoàn thanh tra cung cấp kịp thời cho đơn vị tham mưu (cụ thể là Văn phòng Thanh tra tỉnh).

Quyết định thanh tra đã được Chánh Thanh tra tỉnh ký ban hành. Trên cơ sở Quyết định thanh tra đã được Chánh Thanh tra tỉnh ký ban hành, Văn phòng Thanh tra tỉnh mới tham mưu Quyết định giám sát, nên nếu thành viên Đoàn thanh tra không kịp thời cung cấp Quyết định thanh tra ngay khi Chánh Thanh tra tỉnh ký ban hành thì Quyết định giám sát sẽ ban hành trễ so với Quyết định thanh tra.

Thứ hai, là do nhận thức của công chức tham gia Đoàn thanh tra đối với công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra chưa thật sự nghiêm túc, chưa thấy rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, còn có biểu hiện coi nhẹ dẫn đến việc thực hiện chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc các quy định liên quan đến công tác này, chưa cung cấp kịp thời các văn bản, tài liệu theo yêu cầu của Tổ Giám sát…

Điều này gây khó khăn cho việc giám sát, ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Bên cạnh đó, công chức được giao nhiệm vụ giám sát còn e dè, ngại va chạm nên thiếu chủ động trong việc yêu cầu Đoàn thanh tra báo cáo, giải trình những vấn đề liên quan đến hoạt động thanh tra.

Thứ ba, công chức được giao nhiệm vụ giám sát làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều trong khi biên chế được giao có hạn nên công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra chưa được thường xuyên, dẫn đến hiệu quả giám sát chưa cao.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Trước hết, người ra Quyết định thanh tra cần phải quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra để bản thân mỗi công chức làm công tác thanh tra cũng như công chức được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động này. Nhận thức đúng thì hành động mới có kết quả.

Thứ hai, tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa các phòng Nghiệp vụ và Văn phòng, giữa Đoàn thanh tra và Tổ giám sát, cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến Đoàn thanh tra để phục vụ hoạt động giám sát; tạo điều kiện thuận lợi để Tổ giám sát thực hiện nhiệm vụ giám sát theo đúng quy định./.

Thứ ba, để hoàn thành tốt việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, công chức được giao nhiệm vụ giám sát không chỉ cần nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm công vụ, không ngừng học tập và nghiên cứu sâu nghiệp vụ chuyên môn ở các lĩnh vực, đảm bảo năng lực công tác ngày càng hiệu quả, chất lượng mà còn phải được bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng nhất định về việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra.

Thứ tư, mặc dù Luật Thanh tra năm 2022 đã đưa chế định về giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra vào trong Luật và xây dựng thành một mục riêng (Mục 7) trong chương IV, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở quy định về nội dung giám sát, tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát…, chưa quy định chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Từ đó dẫn đến việc người được giao nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát.

Do đó cần thiết phải xây dựng Quy trình giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra. Trong đó quy định trình tự, thủ tục, các bước để tiến hành giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, từ bước chuẩn bị giám sát, tiến hành giám sát, xử lý kết quả giám sát đến kết thúc giám sát.

Ở mỗi bước cần cụ thể những nội dung phải thực hiện, phương pháp, cách thức tiến hành, thời gian, địa điểm, các biểu mẫu có liên quan, các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của đoàn thanh tra… . Trên cơ sở Quy trình giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, Tổ giám sát hoặc công chức được giao nhiệm vụ giám sát sẽ chủ động hơn trong việc triển khai giám sát, đảm bảo việc giám sát được thực hiện thường xuyên; Trưởng đoàn và thành viên Đoàn thanh tra cũng sẽ chủ động hơn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. 

Thứ năm, tại khoản 4 Điều 101 Luật Thanh tra năm 2022 quy định: Kết quả giám sát là một trong các căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ban hành kết luận thanh tra”. Điều này cho thấy kết quả giám sát có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết luận nội dung thanh tra.

Do đó, để phát huy tối đa hiệu quả công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra, trong thời gian tới, đề nghị thành lập Phòng Giám sát và thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra, hoạt động chuyên trách, độc lập để tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng giám sát.

Tóm lại, mục đích của việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra là nhằm đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động thanh tra, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra. Do đó, làm tốt công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra trong thời gian tới./.

Thanh Nhung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra