Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân trong điều kiện tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới (phần 1)

Thứ năm, 01/06/2023 14:44
(ThanhtraVietNam) - Ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân". Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước từ năm 2023 - 2030, được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và thực hiện thắng lợi Nghị quyết XIII của Đảng. Đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua, từ đó, gợi mở giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân.

Tình hình áp dụng pháp luật về công tác quản lý nhà nước tiếp cận pháp luật của người dân

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là đội ngũ công chức chuyên môn cấp xã còn yếu về trình độ chuyên môn và thiếu về số lượng. Vì vậy đã có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống cũng như chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, nhất là yêu cầu của công tác ban hành, phổ biến văn bản pháp luật, giải quyết các thủ tục, vụ việc hành chính - tư pháp phục vụ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các hoạt động pháp luật mang tính xã hội, cộng đồng….

Các thiết chế hỗ trợ, giúp đỡ người dân tiếp cận pháp luật ở cơ sở phát triển chậm, chất lượng không đồng đều. Ở một số địa phương, cơ chế phổ biến, thông tin, hỗ trợ giải quyết vướng mắc pháp luật, thực hiện quyền làm chủ của người dân tại cơ sở chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao. Theo kết quả điều tra khảo sát cho thấy, chưa đến 50% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động trong năm; ở nhiều địa bàn, hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở chưa được phủ sóng; tỷ lệ người dân biết về các văn bản pháp luật mới có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như được tham gia ý kiến vào các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn ở nhiều xã, phường, thị trấn chưa đến 30%; không ít câu lạc bộ về pháp luật hoạt động còn cầm chừng, mang tính hình thức; nhiều thôn, bản, cụm dân cư chưa triển khai xây dựng hương ước, quy ước và nội dung hương ước, quy ước còn chưa bám sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương …

leftcenterrightdel
Thực trạng người dân tiếp cận pháp luật còn hạn chế. Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động thực thi công vụ để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như hỗ trợ, giúp đỡ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ từ phía các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước còn hạn chế. Việc thực hiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và các vướng mắc pháp luật còn nhiều bất cập. Ở nhiều địa phương, tỷ lệ giải quyết các vụ việc hành chính, tư pháp ở cơ sở đúng thời hạn theo quy định chiếm tỷ lệ còn thấp. Có xã, phường, thị trấn tỷ lệ giải quyết vụ việc đúng thời hạn chỉ đạt dưới 70%, thậm chí có xã chỉ đạt dưới 50%. Nguyên nhân của tình trạng này là do công chức cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định hoặc đạt tiêu chuẩn nhưng không đủ số lượng theo chức danh. 

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền cơ sở còn chậm, thiếu các điều kiện bảo đảm để triển khai, tổ chức tực hiện. Qua khảo sát cũng cho thấy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp xã ban hành có tính khả thi không cao, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và thuận tiện để người dân thực thi, vận dụng. Một số nơi, văn bản ban hành còn chưa đúng về nội dung và thể thức, chưa lấy ý kiến của đông đảo người dân, các đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh.

Ngoài ra, cơ sở vật chất bảo đảm cho công tác tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn rất thiếu thốn, nhất là đối với các tỉnh miền núi. Các phương tiện làm việc như máy vi tính chưa có hoặc phải sử dụng chung; các tài liệu pháp luật, nghiệp vụ chưa được cập nhật thường xuyên. Nhiều nơi chưa được nối mạng Internet đã ảnh hưởng đến việc cập nhật văn bản pháp luật mới và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật một cách hệ thống, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tin học trong quản lý và thực thi công vụ còn ít. Đây chính là những hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ tại cấp cơ sở.

Việc tổ chức triển khai còn chủ quan, mang tính hình thức

Thực trạng người dân tiếp cận pháp luật đang gặp những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, có thể thấy là do những nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự chú trọng và đầu tư tương xứng cho các điều kiện bảo đảm để người dân tiếp cận pháp luật tại cơ sở. Việc tổ chức triển khai các thiết chế pháp luật còn chủ quan, mang tính hình thức, “chiếu lệ”, chưa bám sát yêu cầu của người dân, chưa thuận lợi để người dân tiếp cận. Hiện tượng hành chính hóa hoặc “thả nổi” các hình thức sinh hoạt cộng đồng, thiết chế xã hội vẫn còn khá phổ biến. Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới hiện hành vẫn chưa có tiêu chí về pháp luật . Nhận thức chung của một số cấp, ngành vẫn chưa theo kịp yêu cầu tìm hiểu, thực thi và vận dụng pháp luật của người dân để thực hiện, bảo vệ và phát huy quyền lợi hợp pháp của mình.

Thứ hai, các thiết chế, điều kiện bảo đảm sự tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở phần lớn do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm nhưng cũng liên quan đến nhiều Bộ, ngành quản lý. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa các Bộ, ngành để có sự đánh giá, giải quyết một cách toàn diện, tổng thể; vẫn thiếu một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chung về vấn đề này. Việc tiếp cận pháp luật của người dân còn được nhìn nhận chưa đầy đủ, chủ yếu bó hẹp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải, trợ giúp pháp lý…thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp mà chưa được nhìn nhận bao quát ở cả góc độ thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước, thậm chí tạo ra nhiều “khoảng trống” trong quản lý, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba, chưa lượng hóa đến mức tối đa mức độ được cho là đạt yêu cầu đối với từng yếu tố bảo đảm cho việc tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong khi các yếu tố này ở từng địa phương, vùng, miền là không đồng đều do điều kiện kinh tế - xã hội, cán bộ, dân trí ở mỗi nơi là khác nhau.

Để giải quyết những bất cập còn đang tồn tại, cần thiết phải có công cụ đánh giá một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng tiếp cận pháp luật của người dân ngay tại địa bàn cơ sở làm căn cứ để các cơ quan nhà nước đề ra các giải pháp quản lý phù hợp; kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém cũng như khuyến khích, biểu dương, nhân rộng điển hình, tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân tại cơ sở.  Trên cơ sở đó, cần sớm xác định cụ thể trách nhiệm, của từng chủ thể cũng như giao cho một Bộ có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất về lĩnh vực này và quy định trách nhiệm các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng xã, phường, thị trấn bảo đảm việc tiếp cận pháp luật cho người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và trong toàn quốc, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng nông thôn mới, bảo vệ và phát huy quyền con người trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

TS. CVC Trần Văn Duy, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp
ThS. TVC Lê Thị Thu, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra