Một số kết quả qua hoạt động thanh tra trong lĩnh vực báo chí
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực (gồm: Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí. 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; 5 đơn vị hoạt động truyền hình là Báo Nhân dân, Truyền hình Quốc hội (kênh QHVN), Truyền hình Công an nhân dân (kênh ANTV), Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (kênh Vnews), Trung tâm Phát thanh truyền hình Quân hội (kênh QPVN).
Theo thống kê, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2015 tính đến tháng 01/12/2022 là 19.356 trường hợp, trong đó, số liệu cấp, đổi năm 2022 là 1.587 trường hợp.
Thanh tra, kiểm tra được xác định là khâu thiết yếu và khâu cuối trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Ở đây, thanh tra, kiểm tra không phải là “bới móc”, không phải cốt tìm ra vi phạm để xử lý, xử phạt, mà quan trọng hơn là để phát hiện sở hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật, từ đó có kiến nghị biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm, phát huy nhân tố tích cực, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên nắm chắc hơn các quy định pháp luật về báo chí.
Theo quy định của pháp luật, lực lương thanh tra có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí gồm: Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); Cục Báo chí; Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; thanh tra sở TT&TT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Nhìn lại những năm qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí ngày càng được tăng cường. Sự phối hợp giữa thanh tra bộ, cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và thanh tra sở TT&TT ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thanh tra Bộ TT&TT và các cục đã triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra với cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương; thanh tra Sở TT&TT triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra văn phòng đại diện của cơ quan báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí ngày càng được tăng cường; lực lượng thanh tra TT&TT ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Điều này thể hiện qua kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, cũng như việc sửa sai của các cơ quan báo chí hậu thanh tra, kiểm tra qua các năm.
Một số kết quả thanh tra, kiểm tra có thể thống kê khái quát như sau:
Trước quy hoạch báo chí, năm 2018, kiểm tra tại 11 cơ quan báo chí, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 46 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 638 triệu đồng. Bộ TT&TT đã ban hành các quyết định thu hồi thẻ nhà báo đối với 4 nhà báo có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Năm 2019, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền trên 675 triệu đồng.
Năm 2020, qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt 18 cơ quan báo chí với tổng số tiền hơn 427 triệu đồng; 13 trường hợp thông tin điện tử với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng; 1 doanh nghiệp truyền hình trả tiền; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí với 2 cơ quan báo chí; thu hồi thẻ nhà báo của 2 trường hợp có sai phạm nghiêm trọng.
Năm 2021, lực lượng thanh tra sở TT&TT các địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động báo chí và xử lý vi phạm theo Nghị định số 119. Cụ thể, 6 sở TT&TT đã thanh kiểm tra với 7 cơ quan báo chí; 4 sở TT&TT tiến hành kiểm tra với 21 văn phòng đại diện của cơ quan báo chí. Qua đó, 6 sở TT&TT đã thực hiện xử lý với 13 cơ quan báo chí, trong đó xử phạt hành chính với 8 cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 266 triệu đồng. Năm 2021, Thanh tra Bộ TT&TT chủ trì phối hợp kiểm tra chuyên đề với 13 tạp chí sau sắp xếp, quy hoạch báo chí. Thanh tra đã chỉ ra, 100% tạp chí được kiểm tra đều đăng tải nhiều bài viết không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép ở các mức độ khác nhau.
Năm 2022, lực lượng thanh tra TT&TT đã tổ chức 61 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với cơ quan báo chí. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng; tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 3 tháng đối với 2 cơ quan báo chí. Thanh tra sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 30 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Bộ TT&TT bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, biểu hiệu “tư nhân hóa” báo chí... Qua đó, đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý tình trạng này.
Những vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp xử lý
Trước thực tế vấn đề quản lý báo chí còn vướng mắc, xuất hiện thêm vấn đề mới; Báo chí không chỉ là nguồn thông tin mà phải là “bộ lọc” thông tin và không ít thách thức của việc thông tin vừa đúng tôn chỉ, mục đích, vừa chính xác, đa dạng, đại chúng...nhóm tác giả bài viết kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, “phân vai” rõ trách nhiệm
Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan trực tiếp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền; Bộ TT&TT chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về báo chí; Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò của trong việc nâng cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo.
Cơ quan chủ quản báo chí tăng cường thực hiện nhiệm vụ “chủ quản” theo quy định; hỗ trợ, bảo đảm điều kiện hoạt động, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
Các cơ quan tiếp tục phối hợp đồng bộ, chặt chẽ nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý, kịp thời chấn chỉnh hoạt động báo chí để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” gắn với công cuộc chuyển đổi số.
Đồng thời, phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Các cơ quan cũng cần tăng cường và thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch, rà soát, kiện toàn, bố trí cán bộ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên báo chí, bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm
Để báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, trang tin ra trang tin, cần phải tiếp tục thực hiện rà soát, chấn chỉnh xử lý dứt điểm “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp; rà soát biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ nước ngoài để tác động vào báo chí truyền thông.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra theo kế hoạch, kiểm tra, giám sát và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong đó tập trung vào trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, biểu hiện “đánh đấm” và quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú.
Các địa phương cũng cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện thẩm quyền của mình đối với việc chấn chỉnh, xử lý vi phạm của các cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí Trung ương.
Cơ quan quản lý báo chí cần cương quyết xử lý nghiêm minh sai phạm, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, đình bản, chuyển cơ quan điều tra với những cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, không cầu thị, không nhận thức được việc khắc phục sai phạm. Đi liền với đó, cũng cần xem xét, kiến nghị xử lý trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí.
Thứ ba, cơ quan báo chí phải tăng “sức đề kháng” để phát triển
Các cơ quan báo chí cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, bảo đảm nghiêm túc, thận trọng, đạt kết quả cụ thể, thực chất.
Tất nhiên, để không bị cơ quan chức năng “chiếu tướng” ra quyết định xử lý, các cơ quan báo chí phải thể hiện rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, bám sát tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Với hoạt động liên kết, pháp luật không cấm, nhưng rõ ràng hoạt động này giữa các bên phải thực hiện đúng quy định, có trách nhiệm với nhau hơn. Các cơ quan báo chí phải quan tâm kiểm soát, định hướng nội dung, không để đối tác muốn viết gì thì viết, đăng gì thì đăng. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm thiểu các mặt trái hiện nay như chỉ thiên về “câu view”; đưa tin, bài lên, chỉnh sửa, gỡ xoá tin bài trên hệ thống… Đồng thời, giúp cho cơ quan báo chí có lợi ích nhiều hơn và chính bên tham gia liên kết cũng ít rủi ro hơn rất nhiều.
Không chỉ thế, cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài; nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Thứ tư, Nhà nước “rót” vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, truyền thông chính sách
Để đáp ứng yêu cầu báo chí hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0, các cơ quan báo chí phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, đại bộ phận các cơ quan báo chí hiện nay nếu chỉ dựa vào nguồn kinh phí tự chủ thì không thể đủ khả năng tăng chi cho ứng dụng công nghệ, lại càng không đủ khả năng tự đầu tư cho chuyển đổi số.
Trong khi đó, làm báo cũng chính là làm công nghệ, cần có nền tảng công nghệ để làm báo trên không gian số. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả.
Với truyền thông chính sách, cần xem đây là dịch vụ sự nghiệp công mà Nhà nước cung cấp cho xã hội thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho báo chí, cho lực lượng thông tin cơ sở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách. Tại chỉ thị này nêu rõ, “báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách”.
Trên cơ sở này, Nhà nước chi ngân sách để thực hiện công tác truyền thông chính sách của các bộ, cơ quan Trung ương thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, kể cả các cơ quan báo chí thực hiện tự chủ 100%. Hàng năm, các cơ quan chủ quản cần xác định nhiệm vụ xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, trên cơ sở đó ưu tiên bố trí nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước theo phân cấp cho hoạt động truyền thông chính sách. Nguồn kinh phí cho truyền thông chính sách tùy thuộc từng thời điểm, yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí, nhưng cố gắng bảo đảm ít nhất 15-20% số lượng tác phẩm báo chí có nội dung truyền thông về chính sách đó.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức báo chí
Thời gian qua báo chí đã phát huy được thế mạnh khi thông tin nhanh, kịp thời, đa dạng, phong phú. Nhưng vẫn có phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp báo chí, vi phạm pháp luật bị xử phạt, thậm chí có nhà báo bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì phóng viên, nhà báo kém về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, non nớt về bản lĩnh chính trị, không am hiểu quy định của pháp luật, trong đó có pháp luật về báo chí; chủ quan, thiếu trách nhiệm hoặc không hội tụ đủ những yếu tố thuộc về phẩm chất nghề nghiệp làm báo…
Trong khi, báo chí là công việc đặc thù, có tính chuyên biệt, trong đó điều quan trọng là người làm báo phải biết tiếp cận, tìm hiểu thông tin sự thật, phản ánh đúng bản chất sự thật, nhưng không có nghĩa nghe gì, thấy gì là “bê nguyên lên mặt báo”.
Vì vậy, để truyền tải thông tin đến bạn đọc một cách bản chất nhất, trung thực nhất, người làm báo phải tìm hiểu kỹ càng, sâu sắc nhiều chiều, bằng nhãn quan nhạy bén, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm làm báo để “lọc” thông tin…
Tất nhiên, để đạt được điều đó, người làm báo phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức chính trị, pháp luật, đạo đức thường xuyên, nhất là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông mạng xã hội như hiện nay.
Vì vậy, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa ngành Tuyên giáo, TT&TT, hội nhà báo các cấp trong giáo dục, rèn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh vững vàng, đạo đức trong sáng, ý thức, trách nhiệm công dân trong hoạt động nghề nghiệp.
Thứ sáu, cụ thể hóa quy định của Đảng, sớm sửa đổi toàn diện Luật Báo chí
Ngày 28/2/2023, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW (Quy định 101) quy định về trách hiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí. So với Quyết định số 75-QĐ/TW (Quyết định số 75), ngày 21/8/2007 của Ban Bí thư về “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”, Quy định số 101 có nhiều điểm mới. Vì vậy, rất cần nhanh chóng cụ thể hóa Quy định 101 để triển khai vào cuộc sống nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí trong trường hợp cơ quan báo chí xảy ra nhiều sai phạm.
Ở góc độ pháp lý, Luật Báo chí hiện có rất nhiều bất cập. Khái niệm “báo hoá tạp chí”, “tư nhân hoá” báo chí chưa được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật về báo chí nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Quy định liên kết trong hoạt động báo chí tại Điều 37, Luật Báo chí cũng chung chung, mới giới hạn ở phạm vi những nội dung, lĩnh vực được liên kết mà chưa quy định cụ thể về hình thức liên kết; yêu cầu về điều kiện, năng lực của đối tác liên kết, quy trình, thủ tục liên kết…
Trước đòi hỏi của thực tế, cần sớm sửa đổi toàn diện Luât Báo chí, trong đó, cần định báo và tạp chí; chế hóa khái niệm “báo hóa”; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí; yêu cầu về điều kiện, năng lực, kế hoạch hợp tác và những cam kết phải có của đối tác liên kết; quy định chi tiết về hình thức, quy trình, thủ tục liên kết trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, cần quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí; hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhà báo; quy định về xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép…
Trong thời gian chờ sửa Luật Báo chí, rất cần có nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ TT&TT để tiếp tục xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí.
Cạnh đó, thiết nghĩ, Bộ TT&TT cần có hướng dẫn, quy định xác định tỷ lệ tin, bài đăng tải/tháng của cơ quan báo chí đáp ứng phục vụ đúng chức năng tôn chỉ mục đích; nội dung còn lại bảo đảm thông tin chính trị, đời sống, kinh tế, xã hội theo đúng quy định của pháp luật./.
Tài liệu tham khảo
Ban Bí thư (2023), Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/2/2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Công văn số 990-CV/BTGTW ngày 19/7/2021 tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.
Ban Tuyên giáo Trung ương (2021), Công văn số 1735-CV/BTGTW ngày 29/10/2021 tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm trong hoạt động báo chí.
Ban Tuyên giáo Trung ương (2022), Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Ban Tuyên giáo Trung ương (2022), Thông báo số 218-TB/BTGTW ngày 12/9/2022 ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Giao ban công tác báo chí, xuất bản.
Bộ TT&TT (2022), Quyết định 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 về tiêu chí nhận diện "báo hóa" tạp chí, "báo hóa" trang thông tin điện tử tổng hợp, "báo hóa" mạng xã hội và biểu hiện "tư nhân hóa" báo chí.
Đỗ Công Định (2023), Xử nghiêm “báo hóa tạp chí”, “tư nhân hóa báo chí” để giữ niềm tin của độc giả, Tạp chí TT&TT, https://ictvietnam.vn/xu-nghiem-bao-hoa-tap-chi-tu-nhan-hoa-bao-chi-de-giu-niem-tin-cua-doc-gia-56619.html.
Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đỗ Công Định Phó - Tổng Biên tập Báo Thanh tra, Ngô Hương Giang - Phóng viên Báo Thanh tra