Giám sát hoạt động thanh tra - Quy định và những vấn đề đặt ra

Thứ năm, 27/10/2022 14:11
(ThanhtraVietNam) - Giám sát là một hoạt động cơ bản của các cơ quan nhà nước, đã được pháp luật ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

1. Những tiếp cận chung

Giám sát là một thuật ngữ được dùng phổ biến trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Giám sát theo cách hiểu phổ biến là việc theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều đã quy định không. Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ(1). Theo Từ điển Luật học, “giám sát là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động, thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc Nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh(2).

Giám sát là một hoạt động cơ bản của các cơ quan nhà nước, đã được pháp luật ghi nhận trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”; Nghị định số 49/2014/NĐ-CP ngày 20/05/2014 của Chính phủ về giám sát, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và các quyết định của chủ sở hữu (Nghị định số 49) quy định: “Giám sát doanh nghiệp nhà nước là hoạt động theo dõi, tổng hợp và phân tích, đánh giá thường xuyên hoặc định kỳ của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định về việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước”. Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội quy định “giám sát là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Về cơ bản, các quan niệm trên đều tiếp cận giám sát bao gồm “theo dõi” và “đánh giá”. Đây là nội dung cơ bản của hoạt động giám sát, là yếu tố để phân biệt với các hoạt động khác như thanh tra, kiểm tra,… Với các tiếp cận liên quan đến chính trị - pháp lý, giám sát được bổ sung thêm các nội dung như “xem xét”, “kiểm tra” và đầy đủ, toàn diện hơn, giám sát bao gồm cả “xử lý” hoặc “kiến nghị xử lý” đối với những sai phạm của đối tượng bị giám sát nhằm bảo đảm cho các hoạt động được diễn ra đúng mục đích, đúng quy định và hiệu quả.

Tiếp cận sâu hơn về quan niệm giám sát cho chúng ta thấy trong quan hệ giám sát, xuất hiện chủ thể thực hiện giám sát, đối tượng chịu sự giám sát và nội dung giám sát. Xoay quanh đó là các vấn đề cần được giải quyết như mối quan hệ giữa chủ thể thực hiện giám sát và đối tượng chịu sự giám sát; việc thực hiện giám sát bằng phương thức nào, yếu tố nào bảo đảm cho việc thực hiện giám sát có hiệu quả; tính quyền lực trong quan hệ giám sát, các giá trị pháp lý, sự tuân thủ các kiến nghị giám sát… Các nội dung này được đề cập và giải quyết trong mỗi trường hợp cụ thể. Đây cũng là cơ sở để phân chia các loại hình giám sát khác nhau.

Hiện nay, trong đời sống chính trị ở nước ta, có nhiều loại hình giám sát đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Có giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội, hội đồng nhân dân, giám sát của xã hội đối với cơ quan hành chính nhà nước; có giám sát của Đảng với cơ quan hành chính nhà nước. Bản thân trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước cũng có các thiết chế giúp thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trực thuộc. Việc giám sát trong nội bộ nền hành chính là một phương thức giúp thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước thực hiện tốt hơn các quyết định quản lý của mình.

Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là một khâu trong chu trình của hoạt động thanh tra và nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước. Quan niệm về giám sát hoạt động thanh tra được đề cập cụ thể trong Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 06). Theo đó, tại khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 06 quy định “giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là việc theo dõi, thu thập thông tin và phản ánh về việc chấp hành pháp luật tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra”. Người ra quyết định thanh tra có thể tự mình hoặc thành lập tổ giám sát hoặc giao công chức thuộc thẩm quyền thực hiện việc giám sát đoàn thanh tra. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát công chức của mình.

Theo quan niệm trên, có thể thấy giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nói riêng và giám sát nói chung có một số đặc điểm như: (1) Giám sát là một hoạt động, một quá trình, một hành vi với biểu hiện khách quan bên ngoài là sự “theo dõi”, “quan sát”, “xem xét”, “đánh giá” đối tượng bị giám sát và thông tin, phản ánh lại cho người có thẩm quyền; (2) Giám sát là hành động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục của chủ thể giám sát hướng đến đối tượng bị giám sát, trong trường hợp này là hành động của người ra quyết định thanh tra (tổ giám sát, công chức thực hiện giám sát) đối với các thành viên của đoàn thanh tra trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; (3) Trong quá trình giám sát luôn có sự thu thập thông tin về hoạt động của đối tượng giám sát và đối chiếu, nhận xét, đánh giá sự phù hợp trong hoạt động của đối tượng (theo kế hoạch, theo các quy định về thẩm quyền,…); (4) Luôn có sự tác động qua lại giữa chủ thể giám sát và bị giám sát, sự tác động này có tính chất quyền lực; (5) Chủ thể giám sát và bị giám sát có sự độc lập với nhau, biểu hiện là việc xem xét, đánh giá từ bên ngoài vào, giữa hệ thống này, bộ phận này với hệ thống, bộ phận khác. Việc độc lập giữa chủ thể giám sát và bị giám sát có thể được thể hiện rõ, ở hai hệ thống khác biệt; tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sự độc lập, tách biệt này chỉ là tương đối.

leftcenterrightdel

Cần có quy định về trách nhiệm giám sát với cơ chế và công cụ thích hợp để có thể phát hiện những nội dung, những khoảng trống mà đoàn thanh tra không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, làm giảm kết quả thanh tra

 

2. Quy định hiện hành về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra

Luật Thanh tra 2010 không quy định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra thành một chế định riêng, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra. Trên cơ sở đó, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra quy định “người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền… để xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của đoàn thanh tra”. Trên cơ sở Luật Thanh tra 2010, ngày 10/9/2015, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 05/2015/TT-TTCP quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra (Thông tư số 05). Các văn bản pháp luật đã tạo lập những quy định cụ thể cho việc thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, xác định giám sát là một trong những công cụ của người ra quyết định thanh tra để thực hiện việc lãnh đạo, quản lý đoàn thanh tra nhằm thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra.

Như đã tiếp cận ở trên, việc giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước không chỉ được thực hiện theo cơ chế thủ trưởng, giám sát của người có thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của mình, mà còn có sự giám sát của xã hội, bao gồm nhiều thiết chế giám sát và giám sát của chính đối tượng thanh tra. Tuy nhiên, việc giám sát xã hội được thực hiện trên cơ sở các quy định chung hoặc đặc thù, được thực hiện phổ quát đối với tất cả các hoạt động của bộ máy nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Còn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là trách nhiệm công vụ, thực hiện trên cơ sở được pháp luật trao quyền, với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, được bảo đảm thực hiện bằng quyền lực nhà nước, mà cụ thể là quyền hành chính trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra.

Mục đích của việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được xác định nhằm theo dõi, nắm bắt việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra; tình hình thực hiện nhiệm vụ và triển khai hoạt động thanh tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nhằm bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, nội dung theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt. Theo đó, việc giám sát đoàn thanh tra nhằm 2 mục đích: (i) Bảo đảm sự tuân thủ các quy định pháp luật, tránh các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực và bảo đảm tuân thủ việc chấp hành các chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra trong quá trình thực hiện thanh tra. Đây là mục đích quan trọng nhằm kiểm soát các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, qua đó góp phần bảo đảm cho hoạt động của đoàn thanh tra được đúng đắn, khách quan; (ii) Việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nhằm bảo đảm đạt được mục đích, yêu cầu và nội dung của kế hoạch thanh tra. Ngoài việc hạn chế các hiện tượng tiêu cực, thì bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung trong kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt là yêu cầu quan trọng.

Việc triển khai thực hiện giám sát theo tinh thần của Luật Thanh tra 2010 và Thông tư số 05 đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thanh tra. Các cuộc thanh tra những năm gần đây được đánh giá cao, có tác động to lớn đến công tác quản lý, hoàn thiện chính sách và phát hiện, kiến nghị xử lý những hành vi tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, việc thực hiện giám sát nhằm bảo đảm cho hoạt động của đoàn thanh tra hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong quá trình thanh tra. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra vẫn còn những bất cập, hạn chế. Nếu việc giám sát chủ yếu được thực hiện qua các báo cáo giám sát sẽ kém hiệu quả, nặng về hành chính do việc giám sát không thường xuyên và không có công cụ kiểm chứng. Điều này cho thấy nhiều cuộc thanh tra, mặc dù có đầy đủ các báo cáo giám sát với người ra quyết định thanh tra, nhưng những số liệu, thông tin không cụ thể, chỉ là quan sát bên ngoài về hình thức thực hiện các nhiệm vụ được giao của trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra. Chính vì vậy, hiện nay, việc tiếp cận về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra đã có những điểm mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này. Quan niệm về “giám sát hoạt động của đoàn thanh tra” không chỉ là giám sát của người ra quyết định thanh tra đối với đoàn thanh tra mà còn có các chủ thể khác, được xác lập bằng những thẩm quyền, trách nhiệm và công cụ cụ thể, nhằm thực hiện giám sát một cách toàn diện, hiệu quả hoạt động của các thành viên đoàn thanh tra. Những nội dung này đã được quy định tại Thông tư số 06/.

Thông tư số 06 đã quy định cụ thể về giám sát tại Chương V với 09 điều. Theo đó, chủ thể thực hiện việc giám sát gồm người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia đoàn thanh tra. Người ra quyết định thanh tra thực hiện giám sát trực tiếp và thực hiện thông qua việc thành lập tổ giám sát hay giao cho công chức thực hiện giám sát. Để tránh các trường hợp xung đột lợi ích theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Thông tư quy định các trường hợp không được giao thực hiện giám sát, như người đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra,… Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trách nhiệm trong quản lý công chức thuộc thẩm quyền, Thông tư cũng quy định thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức tham gia đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát công chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với Thanh tra Chính phủ, quy định này là rất cần thiết do mỗi đoàn thanh tra thường giao cho một vụ, cục chủ trì và trưởng đoàn thường là các phó vụ trưởng, phó cục trưởng. Do đó, các vụ trưởng, cục trưởng cũng cần được quy định cụ thể trách nhiệm trong quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra ở các khía cạnh khác nhau, mà trước hết là quản lý hành chính đối với công chức thuộc biên chế của đơn vị mình. Việc giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra được thực hiện thông qua việc yêu cầu công chức do mình quản lý trực tiếp báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra được phân công và xem xét thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về việc chấp hành pháp luật về thanh tra, việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra của công chức do mình quản lý trực tiếp để áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý. Việc có thêm các thiết chế giám sát trong hệ thống giúp cho các cơ quan thanh tra kiểm soát được các hoạt động theo chức năng của mình, cũng là một nhiệm vụ, một yêu cầu quan trọng trong quản lý nhà nước của cơ quan thanh tra.

Giám sát hoạt động của đoàn thanh tra được quy định thành các nội dung giám sát cụ thể. Đây cũng chính là cơ sở để người ra quyết định thanh tra hay tổ giám sát, công chức được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện. Nội dung giám sát bao gồm: (1) Việc chấp hành các quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong hoạt động thanh tra của trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra; (2) Việc chấp hành chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra và việc thực hiện quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo và các yêu cầu khác của cuộc thanh tra; (3) Việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và các quy định của pháp luật về những hành vi bị nghiêm cấm của trưởng đoàn thanh tra và các thành viên đoàn thanh tra; (4) Nội dung khác khi được người ra quyết định thanh tra giao. Về cơ bản, nội dung giám sát gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của các thành viên đoàn thanh tra, từ việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ đến việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra,… Các nội dung giám sát chủ yếu là về hình thức thực hiện quyền của các thành viên đoàn thanh tra và những nghĩa vụ phải tuân thủ, không giám sát cụ thể vào kết quả hoạt động thanh tra. Điều này nhằm bảo đảm tính khách quan trong hoạt động của đoàn thanh tra, đồng thời tránh việc gây phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Việc giám sát được thực hiện thông qua xem xét các báo cáo của đoàn thanh tra và các thông tin, tài liệu khác thu thập được. Khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về việc vi phạm các nội dung giám sát, người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định cử người thực hiện giám sát làm việc với đoàn thanh tra để làm rõ các thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo. Người thực hiện giám sát chỉ được làm việc với đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình thực hiện giám sát trực tiếp, người giám sát có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Làm việc với đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát; yêu cầu đoàn thanh tra cung cấp các thông tin, tài liệu làm cơ sở cho việc đánh giá việc tuân thủ của trưởng đoàn và các thành viên đoàn thanh tra, như quyết định thanh tra, quyết định gia hạn thời hạn thanh tra, quyết định bổ sung, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, các văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra; báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra với trưởng đoàn thanh tra và của trưởng đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra; nhật ký đoàn thanh tra; đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo có liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra (nếu có); các tài liệu khác theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra phải cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan thông tin, tài liệu theo quy định; thực hiện giải trình và làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung giám sát theo yêu cầu của người thực hiện giám sát.

Người thực hiện giám sát trực tiếp phải thực hiện báo cáo theo định kỳ và đột xuất với người ra quyết định thanh tra về kết quả thực hiện giám sát của mình. Các báo cáo giám sát gồm: Báo cáo định kỳ theo kế hoạch giám sát hoạt động của đoàn thanh tra đã được phê duyệt và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; báo cáo khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử trong hoạt động thanh tra; báo cáo khi có căn cứ cho rằng hoạt động của đoàn thanh tra không phù hợp với kế hoạch tiến hành thanh tra đã được phê duyệt; báo cáo khi kết thúc hoạt động giám sát. Trên cơ sở các báo cáo giám sát, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền đối với những kiến nghị của người thực hiện giám sát có liên quan đến hoạt động của đoàn thanh tra; áp dụng các biện pháp đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động của đoàn thanh tra nhằm đảm bảo mục đích, yêu cầu và tiến độ cuộc thanh tra; xem xét, quyết định việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra theo đề nghị của người thực hiện giám sát. Trong trường hợp phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, người thực hiện giám sát có hành vi vi phạm pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo thẩm quyền, kiến nghị người có thẩm quyền xử lý hoặc chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm.

Ngoài các quy định trực tiếp về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, Thông tư số 06 đã bước đầu tiếp cận theo hướng kiểm soát hoạt động thanh tra bằng cơ chế báo cáo. Theo đó, trưởng đoàn thanh tra giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh cho các thành viên đoàn thanh tra bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung công việc, thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo. Thành viên đoàn thanh tra phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn được giao và báo cáo trưởng đoàn thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao ngay sau khi hoàn thành. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh ngoài nhiệm vụ được giao hoặc cần phải được xử lý ngay thì thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo với trưởng đoàn thanh tra để xem xét, quyết định. Việc xác định các thời điểm báo cáo theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch giúp cho các thành viên đoàn thanh tra có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời các báo cáo sẽ xác lập cụ thể về kết quả và thời gian thực hiện các nhiệm vụ. Đây là nội dung then chốt để giúp trưởng đoàn cũng như người ra quyết định thanh tra giám sát được việc triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm soát được kết quả và tiến độ, tránh các trường hợp hoạt động giám sát không xuyên suốt, không cụ thể dẫn đến làm chậm hoặc làm sai lệch kết quả thanh tra (nếu báo cáo kết quả với trưởng đoàn thanh tra hay người ra quyết định thanh tra sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp thì có thể thành viên đoàn thanh tra sẽ móc ngoặc với đối tượng thanh tra để điều chỉnh nội dung kết quả trong báo cáo). Thông tư cũng quy định trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với người ra quyết định thanh tra theo tiến độ được xác định trong kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của trưởng đoàn thanh tra được gửi cho người thực hiện giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

3. Những đề xuất hoàn thiện trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

Các quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra đã từng bước được hoàn thiện nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, những tiếp cận mới về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra cần được thể hiện cụ thể hơn trong Luật Thanh tra (sửa đổi), cụ thể gồm:

Thứ nhất, cần đưa chế định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra vào trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Có thể tiếp cận xây dựng thành một mục trong chương về hoạt động thanh tra hoặc thành một chương riêng biệt. Việc quy định này trong Luật thể hiện tinh thần mới của Luật Thanh tra trong việc nâng cao chất lượng của hoạt động thanh tra cũng như kiểm soát hoạt động thanh tra, phòng ngừa các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Thứ hai, cần có quy định về trách nhiệm giám sát với cơ chế và công cụ thích hợp để có thể phát hiện những nội dung, những khoảng trống mà đoàn thanh tra không thực hiện hay thực hiện không đầy đủ, làm giảm kết quả thanh tra. Thông qua giám sát, cần phát hiện kịp thời nhằm tham mưu cho người ra quyết định thanh tra sớm có những chỉ đạo phù hợp để tiếp tục chỉ đạo đoàn thanh tra thực hiện thanh tra toàn diện và bám sát các nội dung thanh tra theo kế hoạch, tránh bỏ sót nội dung hay không làm rõ các nội dung quan trọng trong thời gian thanh tra trực tiếp.

Thứ ba, cần xác định rõ trách nhiệm trong giám sát hoạt động đoàn thanh tra, xác định cụ thể các chế tài không chỉ đối với công chức đoàn thanh tra mà còn cả với người thực hiện giám sát. Trường hợp có những sai phạm trong hoạt động của đoàn thanh tra, bên cạnh việc xem xét trách nhiệm của các thành viên trong đoàn, cần xác định và có chế tài cụ thể đối với người ra quyết định thanh tra (có thể là trách nhiệm chính trị, hành chính, thậm chí hình sự) và chế tài đối với tổ giám sát, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả giám sát của tổ giám sát, công chức được giao thực hiện giám sát, tránh việc giám sát có phần hình thức như hiện nay.

Thứ tư, ngoài việc pháp điển hóa các quy định về giám sát hoạt động của đoàn thanh tra hiện nay, cần quy định các phương thức giám sát phù hợp, giám sát theo dấu vết để có cơ sở phát hiện việc không thực hiện đúng đắn các chức trách, nhiệm vụ được giao của trưởng đoàn và thành viên đoàn thanh tra cũng như phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Triết lý giám sát theo dấu vết – thông qua các báo cáo định kỳ, có sự đối chứng giữa kế hoạch công tác của mỗi thành viên đoàn thanh tra và báo cáo kết quả theo ngày/tuần có thể thông qua nhật ký điện tử, đã được thể hiện trong Thông tư số 06, tuy nhiên cần được quy định cụ thể và toàn diện hơn.

Thứ năm, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo và ghi nhật ký điện tử hoạt động của đoàn thanh tra. Việc tiếp cận giám sát thông qua chế độ thông tin báo cáo theo tiến độ là phương pháp giám sát hiệu quả. Tuy nhiên, điều này sẽ trở nên hiện thực và hiệu quả hơn nếu áp dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện báo cáo tiến độ và thực hiện giám sát. Các phần mềm thích hợp sẽ lưu giữ các thông tin, số liệu và thực hiện các phép thống kê nhanh chóng, để cho thấy những công việc đã được thực hiện với kết quả ra sao, vào thời gian nào và do ai thực hiện. Điều này tạo cơ sở cho người ra quyết định thanh tra nắm rõ và có những chỉ đạo kịp thời nhằm bảo đảm hoạt động thanh tra đúng mục đích, tiến độ, chất lượng và phòng, chống các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của đoàn thanh tra./.

Chú thích:

(1) Đại từ điển Tiếng Việt, Chủ biên Nguyễn Như Ý, Nxb Văn hóa- Thông tin, Hà Nội 2002, tr.728;

(2) Từ điển Luật học, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Nxb Từ điển Bách Khoa, Nxb Tư pháp 2006, tr 292.

TS. Trần Văn Long
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra