Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc quan trọng của nhà nước pháp quyền
Theo các nhà nghiên cứu, kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền để các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền.
Ý nghĩa của việc kiểm soát quyền lực chính là ngăn chặn lạm quyền: Kiểm soát quyền lực giúp ngăn chặn việc sử dụng quyền lực một cách sai trái hoặc vượt quá phạm vi được ủy quyền. Cũng như bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng mục đích: Nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước được thực hiện theo Hiến pháp và pháp luật, phục vụ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của lực lượng cầm quyền.
Và trong bối cảnh của Việt Nam, thì kiểm soát quyền lực là một phần quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Điều này giúp đảm bảo quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích và phục vụ lợi ích của toàn xã hội và quan trọng nhất, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC).
Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác PCTN, TC được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Hơn lúc nào hết, vấn đề kiểm soát quyền lực được Đảng, Nhà nước ta quan tâm như hiện nay, nhất là trong công cuộc “đốt lò” đấu tranh PCTN, TC do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đến nay, công tác PCTN, TC đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, ủng hộ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Về quy định, Đảng đã có một số quy định về kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, công tác dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Để chống tham nhũng, bên cạnh quyết tâm chính trị, chủ trương, đường lối, thì cũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân,… trong đó nổi lên vai trò quan trọng của hoạt động giám sát quyền lực của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp.
Khắc phục tình trạng né tránh, ngại khó, ngại va chạm trong hoạt động giám sát
Hoạt động giám sát của HĐND bao gồm: giám sát của tập thể HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và giám sát của cá nhân các đại biểu HĐND. Hoạt động giám sát được tổ chức tại các kỳ họp HĐND và giữa hai kỳ họp HĐND. Hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện thông qua nhiều hình thức, như: xem xét báo cáo của các cơ quan, đơn vị; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; xem xét văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri;... Phạm vi giám sát của HĐND toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt công tác.
Để công tác giám sát này ngày càng hiệu quả, ngày 12/9/2022 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Với Nghị quyết này, hoạt động giám sát quyền lực của HĐND các cấp đã có những đổi mới và chuyển biến tích cực, tuy vậy, vẫn còn không ít hạn chế cần điều chỉnh, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, phát huy vai trò của cơ quan dân cử. Cử tri và Nhân dân kỳ vọng HĐND các cấp thường xuyên liên hệ mật thiết, lắng nghe ý kiến người dân, dư luận xã hội nhiều hơn để đánh giá tình hình đầy đủ, khách quan, “chẩn đúng bệnh”, "kê đúng đơn" để có những “liều thuốc” hữu hiệu trong hoạt động giám sát quyền lực.
Đã có nhiều cuộc giám sát của cơ quan dân cử đạt hiệu quả thiết thực, không những phát hiện, “chẩn đoán đúng bệnh”, chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực thi pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương; mà còn “chẩn đúng bệnh", "kê đúng đơn”, giúp cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giám sát thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục, sửa chữa, làm tròn trách nhiệm được Nhân dân ủy thác, giao cho. Qua đó, góp phần quan trọng bảo đảm kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phòng, chống tội phạm; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhà nước và của Nhân dân.
Tuy nhiên, để hoạt động giám sát của HĐND thực sự hiệu quả, thực chất, kết quả có thể “cân - đong - đo - đếm” được, không hình thức, không đánh trống lấy lệ thì nội dung, số lượng cuộc giám sát hàng năm cần bám sát các vấn đề, theo dõi, đôn đốc đi đến cùng các kết luận, kiến nghị sau giám sát, các vấn đề “gai góc” nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.
Khắc phục tình trạng né tránh, ngại khó, ngại va chạm, “được chăng hay chớ”, “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động giám sát. Tránh tình trạng, có những nơi, nhiều nhiệm kỳ liền chưa tổ chức được cuộc giám sát nào đối với các hoạt động của các cơ quan trong ngành tư pháp địa phương, cơ quan điều tra phòng chống tội phạm; thi hành án, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp..., đây là những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi các quy định pháp luật, bảo vệ quyền của công dân theo Hiến định, đảm bảo tính công bằng trong xử lý các vụ việc pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển minh bạch, bền vững của Nhà nước pháp quyền.
Và trên hết, trước hết, cử tri và Nhân dân kỳ vọng HĐND các cấp là cơ quan dân cử do nhân dân trực tiếp bầu ra và giao cho nắm giữ quyền lực nhà nước cần bám sát thực tiễn, gần dân hơn nữa, thường xuyên liên hệ mật thiết và lắng nghe ý kiến của người dân, của dư luận xã hội để nghiên cứu, đánh giá tình hình đầy đủ, khách quan và đưa ra những “liều thuốc" hữu hiệu trong hoạt động giám sát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.