Bình Dương:

Hạn chế phát sinh các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp thành điểm nóng gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự

Thứ năm, 23/11/2023 16:16
(ThanhtraVietNam) - Người đứng đầu sâu sát, quyết liệt chỉ đạo, cũng như thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, vận động, giải thích cho người dân hiểu để chấp hành tốt các quy định pháp luật, kết hợp với xem xét hỗ trợ đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Công tác tiếp dân định kỳ đã được quan tâm, chú trọng

Theo UBND tỉnh Bình Dương, để buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh đạt hiệu quả, cơ quan này đã ban hành Quyết định số 469/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động tiếp công dân và việc tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh; theo đó, công tác tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh có một số thay đổi nhằm giúp buổi tiếp công dân được chuẩn bị chu đáo, đạt hiệu quả, chất lượng hơn, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại buổi tiếp dân, hạn chế tối đa tình trạng công dân bị các đối tượng xấu kích động gây mất an ninh trật tự tại buổi tiếp dân. Sau mỗi cuộc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo đều ban hành Thông báo ý kiến kết luận của người chủ trì tại buổi tiếp công định kỳ gửi các đơn vị để theo dõi, thực hiện. Kết quả tiếp công dân được cập nhật trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Đối với cấp huyện, nội quy, Quy chế Tiếp công dân và lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo được niêm yết tại Trụ sở Tiếp công dân cấp huyện và trên Trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND huyện được bố trí 02 lần/tháng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân với sự tham gia của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ủy ban kiểm tra, Văn phòng cấp ủy, Thanh tra và các cơ quan chuyên môn...

Đồng thời, để phục vụ công tác tiếp công dân thường xuyên, Ban Tiếp công dân cấp tỉnh và cấp huyện (9/9 đơn vị) đã được thành lập có trụ sở, trang thiết bị đầy đủ và đi vào hoạt động theo quy định. Ban Tiếp công dân cấp tỉnh do đồng chí Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 2 phòng nghiệp vụ; Ban Tiếp công dân cấp huyện do đồng chí Chánh Văn phòng hoặc Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh làm Trưởng Ban và có 1 - 2 chuyên viên thuộc biên chế Văn phòng HĐND - UBND giúp việc; ở cấp xã, tùy vào nguồn nhân sự ở địa phương có phân công một công chức chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo...

leftcenterrightdel
 Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. Ảnh: minh họa/internet

Bên cạnh đó, công tác phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong công tác tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung cũng được quan tâm, chú trọng. Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp rà soát, đề xuất phương án giải quyết và vận động người dân thực hiện. Ngoài việc quy định việc phối hợp trong công tác tiếp công dân được quy định tại Quy chế tiếp công dân, việc phối hợp trong công tác tiếp công dân còn được lên kế hoạch, phân công cụ thể khi diễn ra các kỳ họp Quốc hội và có yêu cầu của cơ quan cấp trên.

Liên quan đến việc kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, địa phương tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 và Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh luôn sâu sát, chỉ đạo quyết liệt các vụ việc nổi cộm, phức tạp trên địa bàn, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương tiếp tục rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và tham mưu biện pháp giải quyết. Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, vận động, giải thích cho người dân hiểu để chấp hành tốt các quy định pháp luật, đồng thời chỉ đạo địa phương căn cứ tình hình thực tế, xem xét hỗ trợ đối với trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

UBND tỉnh cũng đã thành lập các Đoàn, Tổ công tác nhằm kiểm tra, rà soát các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài qua đó tổ chức tiếp xúc, đối thoại công khai với người khiếu kiện, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ các nội dung yêu cầu; vận động, giải thích các chính sách pháp luật của Nhà nước và có hướng giải quyết.

Kịp thời khắc phục, điều chỉnh khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác tiếp công dân

Đáng chú ý, trong 1 năm qua, toàn tỉnh đã triển khai thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là 58 cuộc; 155 đơn vị; ban hành 58 kết luận. Qua thanh tra, đã nhắc nhở, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm của các đơn vị trong thực hiện các quy định pháp luật về tiếp công dân như: Việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo vẫn còn ủy quyền, một số đơn vị chưa kịp thời cập nhật, sửa đổi quy chế theo quy định mới, việc bố trí phòng làm việc, địa điểm tiếp công dân chưa đầy đủ theo quy định. Các đơn vị cũng đã khắc phục, điều chỉnh khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.

Đặc biệt, luôn có phương án xử lý đối với những tình huống phức tạp và ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng xấu lợi dụng, kích động công dân khiếu nại, tố cáo trái pháp luật và cử cán bộ, lực lượng ứng trực để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống phát sinh. Thủ trưởng các sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, nâng cao chất lượng giải quyết ngay từ cơ sở; đưa ra biện pháp chủ động ứng phó, không để xảy ra việc công dân tập trung khiếu kiện đông người tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trụ sở các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tại Trụ sở tiếp công dân ở địa phương có phân công cán bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và an toàn trong ngày tiếp công dân định kỳ, đột xuất; yêu cầu công dân thực hiện đúng nội quy, quy chế tiếp công dân, không để công dân tự ý vào phòng tiếp công dân khi chưa được cho phép của người chủ trì tiếp công dân; ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp gây rối làm mất trật tự an ninh tại Trụ sở tiếp công dân.

UBND tỉnh Bình Dương đánh giá, nhìn chung việc tiếp công dân định kỳ của Lãnh đạo UBND các cấp và Lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo quy định pháp luật về tiếp công dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân được trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của mình; đồng thời giúp cho cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan giám sát nắm bắt, xử lý, giải quyết kịp thời nguyện vọng của người dân; chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được phát huy tốt.

Lý giải về số ngày tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu của một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo đủ theo quy định của Luật Tiếp công dân, đơn vị này cho biết, do lãnh đạo đứng đầu một số địa phương, đơn vị do bận nhiều công việc nên còn ủy quyền cấp phó và cơ quan Thanh tra cùng cấp thực hiện việc tiếp công dân định kỳ.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Quá trình thực hiện tiếp công dân cần lưu ý phải đảm bảo số ngày tiếp công dân định kỳ, hạn chế việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng quy trình, thời hạn theo quy định, không để các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp, phát sinh thành điểm nóng gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra