Thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân (CAND) là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan công an có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Công an. Thanh tra CAND là một trong các nội dung nhiệm vụ, biện pháp phải tiến hành nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự (QLNN về ANTT) của công an các cấp; thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành CAND là trực tiếp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về ANTT.
Trong hơn 10 năm qua, lực lượng thanh tra chuyên ngành CAND phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong và ngoài ngành tiến hành hàng trăm cuộc thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các lĩnh vực QLNN về ANTT với hàng ngàn đối tượng thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, như: Phòng cháy, chữa cháy; bí mật nhà nước; an nimh mạng; thi hành án hình sự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công an xã; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; phòng, chống ma túy; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT… Kết quả thanh tra đã làm rõ những kết quả đã làm được và một số hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện chức năng QLNN về ANTT trên các lĩnh vực của công an các đơn vị, địa phương được thanh tra. Đánh giá thực trạng việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện các quy định của pháp luật về ANTT; làm rõ một số nguyên nhân cơ bản của hạn chế, thiếu sót, yếu kém, sai phạm. Kết quả các cuộc thanh tra, ngoài việc kiến nghị, xử lý vi phạm trực tiếp với đối tượng thanh tra theo quy định, còn đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành có liên quan và kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nhiều vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến hoạt động QLNN về ANTT.
Qua thanh tra, đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc của hệ thống pháp luật, quy tắc chuyên môn, kỹ thuật và hạn chế trong việc chấp hành pháp luật lĩnh vực QLNN về ANTT để kiến nghị biện pháp khắc phục, như: Kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Thông tư số 04/2004/TT-BCA, Thông tư số 11/2014/TT-BCA; Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, Thông tư 66/2015/TT-BCA; kiến nghị xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; kiến nghị nghiên cứu, ban hành các văn bản về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 05/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 221/2013/NĐ-CP; sửa đổi công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của Tòa án nhân dân tối cao;.. đề nghị ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 96/2016/NĐ-CP, Luật xử lý Vi phạm hành chính…; phát hiện nhiều bất cập trong bộ máy, tổ chức liên quan đến việc thực hiện chức năng QLNN về ANTT: Kiến nghị đơn vị có thẩm quyền báo cáo, đề xuất thành lập Phòng Bảo vệ bí mật nhà nước thuộc Cục an ninh chính trị nội bộ; kiến nghị nghiên cứu thành lập Phòng Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
|
|
Cần bổ sung các quy định cụ thể về quy trình tiến hành kế hoạch thanh tra diện rộng lĩnh vực QLNN về ANTT |
Bên cạnh đó, kết quả thanh tra cũng đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trên lĩnh vực ANTT kiến nghị biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, góp phần đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Qua thanh tra bước đầu đã kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về ANTT và pháp luật về thanh tra chuyên ngành CAND. Từ chỗ chưa có hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND, đến nay nhìn chung công tác này đã được tiến hành thường xuyên, có hệ thống, trên phạm vi toàn quốc, góp phần làm chuyển biến nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ sở, cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trên lĩnh vực này.
Tuy nhiên, cùng với các kết quả đã đạt được, hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng nhiều cuộc thanh tra chưa cao. Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản, quan trọng là hệ thống pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND còn nhiều bất cập, như:
- Hệ thống pháp luật về thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh các quan hệ phát sinh mang tính đặc thù trong quá trình tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT. Luật xử lý vi phạm hành chính không có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên trong hoạt động thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT. Do vậy, nội dung quy định về xử phạt vi phạm hành chính mặc dù được quy định trong Luật Thanh tra nhưng thực tế chưa triển khai thực hiện được...;
- Thông tư quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND còn nhiều bất cập như: Chưa quy định về công tác nắm tình hình, thu thập tài liệu; chưa quy định việc gia hạn thanh tra; chưa quy định việc giám sát, thẩm định của người ra quyết định thanh tra; chưa phân biệt rõ quy trình tiến hành cuộc thanh tra đột xuất với cuộc thanh tra theo kế hoạch; chưa có quy định về thanh tra chuyên đề diện rộng với các cuộc thanh tra đơn lẻ; chưa có quy định về thẩm quyền của cấp phó của người ra quyết định thanh tra, phó trưởng đoàn thanh tra...;
- Hoạt động thanh tra chuyên ngành được quy định tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, song không có quy định cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong CAND;
- Tổ chức và hoạt động thanh tra CAND được quy định tại Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND và Nghị định số 25/2021/NĐ-CP ngày 24/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cả hai nghị định nêu trên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu tạo cơ sở pháp lý mang tính đặc thù của hoạt động thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về thi hành án phạt tù theo chức năng của lực lượng CAND;
- Hệ thống lý luận nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT còn hạn chế; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; còn thiếu các quy định về quan hệ phối hợp trong thanh tra và sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra trong QLNN về ANTT.
Bên cạnh những bất cập của hệ thống pháp luật liên quan, hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND sẽ được tiến hành trong những điều kiện, yêu cầu, nhiệm vụ mới, cụ thể là:
- Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực, do Đảng khởi xướng, lãnh đạo sẽ đặt ra các yêu cầu toàn diện đối với việc đổi mới tổ chức hoạt động thanh tra, trong đó có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về các lĩnh vực QLNN về ANTT. Vai trò thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, nhân viên nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân sẽ ngày càng quan trọng. Hoạt động thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật QLNN về ANTT sẽ ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo vệ sự vững mạnh của chế độ;
- Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và có hiệu lực sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới trong thời gian tới đây như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; 2021; Nghị định số 25/2021/NĐ-CP ngày 24/03/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 về tổ chức và hoạt động thanh tra CAND. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ QLNN về ANTT và thanh tra đối với lĩnh vực này;
- Luật Thanh tra năm 2010, sau hơn 10 năm được ban hành đã phát sinh những bất cập sẽ được sửa đổi trong thời gian tới; Thông tư của Bộ Công an quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT cũng cần sửa đổi cho phù hợp với tổ chức bộ máy mới của lực lượng CAND và đồng bộ với hệ thống pháp luật về thanh tra nói chung và thanh tra CAND nói riêng;
- Ngày 08/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2213/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng, trực tiếp và toàn diện nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay; hướng tới xây dựng và phát triển ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, kỷ cương, liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, quan điểm cần được tiếp tục quán triệt thực hiện trong thời gian tới là nhấn mạnh các cơ quan thanh tra ngành, lĩnh vực tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực QLNN, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày và lợi ích của người dân.
- Thời gian tới, hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành CAND nói riêng phải đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thanh tra theo hướng: phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan thanh tra; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, phương thức hoạt động, phối hợp, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các công cụ giám sát, kiểm tra, thanh tra của bộ máy nhà nước và của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tình hình trên, đòi hỏi phải có các giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra chuyên ngành CAND mang tính tổng thể, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế, giải quyết được các hạn chế, bất cập đã bộc lộ trong thời gian qua và phù hợp với sự phát triển chung của yêu cầu QLNN về ANTT trong thời gian tới, cụ thể:
(1) Cơ quan chức năng sớm có văn bản tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT phù hợp với tính chất đặc thù của công tác QLNN theo chức năng của CAND. Quy định về hình thức thanh tra độc lập, thanh tra thường xuyên; hướng dẫn xử lý chồng chéo về đối tượng thanh tra giữa cơ quan thanh tra và cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp bộ; quyền trong hoạt động thanh tra, quy trình giám sát, thẩm định hoạt động thanh tra chuyên ngành CAND.
(2) Ban hành thông tư quy định về tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp trong hoạt động thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật QLNN về ANTT, trong đó, cần quy định chi tiết về nội dung, đối tượng, thẩm quyền trình tự tiến hành và quan hệ phối hợp trong thanh tra và thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
(3) Hoàn thiện thể chế về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND: Hiện nay, Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra có quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của chánh thanh tra bộ, chánh thanh tra sở; trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành nhưng do không có nghị định quy định chi tiết nên trên thực tế chưa có cơ sở pháp lý để các đoàn thanh tra chuyên ngành CAND thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính.
(4) Thanh tra Bộ cần tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an sửa đổi Thông tư quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng CAND theo hướng bổ sung các quy định cụ thể về quy trình tiến hành kế hoạch thanh tra diện rộng lĩnh vực QLNN về ANTT. Quy định cụ thể trình tự để tiến hành một cuộc thanh tra diện rộng trong toàn lực lượng CAND. Bổ sung nội dung, trình tự ban hành kết luận thanh tra theo hướng gắn trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra đối với nội dung kết luận thanh tra, thủ tục ủy quyền ký kết luận thanh tra. Quy định về thẩm quyền của cấp phó trong tiến hành thanh tra, trình tự, thủ tục, hình thức thanh tra thường xuyên; quy định trách nhiệm trong thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra...
(5) Ban hành thông tư quy định về việc thu thập, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT. Trong đó, cần quy định rõ những vấn đề như: Phạm vi, quy trình thu thập, khai thác, sử dụng thông tin phục vụ công tác QLNN về công tác thanh tra CAND; trình tự, thủ tục thu thập, khai thác sử dụng; chế độ công tác hồ sơ đối với hoạt động này. Luật Thanh tra có quy định về hai hình thức thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra là: Thu thập thông tin, tài liệu để thực hiện quyết định thanh tra (phục vụ mục tiêu xây dựng kế hoạch thanh tra và làm rõ những vấn đề cần kết luận cho cuộc thanh tra) và thông tin tài liệu thường xuyên phục vụ công tác thanh tra. Tuy nhiên, thực tế cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể để quá trình thực hiện đạt hiệu quả cao;
(6) Rà soát hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh tra viên và người làm công tác thanh tra trong CAND. Trên cơ sở đó, phát hiện các vấn đề bất cập, sơ hở, thiếu sót để tham mưu cho Bộ ban hành hoặc kiến nghị ban hành văn bản sửa đổi bổ sung. Trước mắt, cần sửa đổi Quyết định số 09/2010/QĐ-TTg ngày 08/02/2010 quy định tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên CAND để kịp thời khắc phục các bất cập hiện nay về thời gian bổ nhiệm các ngạch thanh tra viên trong CAND, bảo đảm quyền lợi, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ công tác thanh tra trong CAND; nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn đối với việc thực hiện các chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực QLNN về ANTT.
(7) Nghiên cứu, ban hành văn bản quy định về thẩm định kết luận thanh tra, quy định về cơ chế thẩm định, đánh giá về các báo cáo hoạt động thanh tra, các kết luận thanh tra. Trong đó, cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền, trình tự, thủ tục để thẩm định kết luận thanh tra; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự giải quyết các khiếu nại về kết quả thanh tra./.
Đại tá, TS. Lê Thị Hạnh
Trưởng phòng 5 - Thanh tra Bộ Công an