Hoàn thiện một số quy định của Luật Tố cáo năm 2018

Thứ sáu, 01/04/2022 14:22
(ThanhtraVietNam) - Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải quyết tố cáo, cải cách nền hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện quyền tố cáo. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Tố cáo năm 2018 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền tố cáo của công dân, trong phạm vi bài viết, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện một số quy định Luật Tố cáo năm 2018.

1. Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo

Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo. Với quy định này, các hành vi bị nghiêm cấm đã gộp chung tất cả các chủ thể gồm: Người tố cáo; người bị tố cáo; người giải quyết tố cáo và cả những chủ thể có liên quan khác trong quan hệ pháp luật về tố cáo.

Các quy định này có ưu điểm là dễ tìm kiếm, không trùng lặp về nội dung, tránh mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật về cùng vấn đề. Tuy nhiên, mỗi loại chủ thể có đặc điểm riêng khác nhau, nên không thể quy định như nhau đối với tất cả chủ thể. Nếu chúng ta làm không tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì cá nhân bình thường rất khó xác định được hành vi nào của mình bị nghiêm cấm và không bị nghiêm cấm. Bên cạnh đó, Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định theo hướng liệt kê, đóng khung, cố định các hành vi bị nghiêm cấm, trong khi đó trên thực tế sẽ khó có thể liệt kê được những hành vi có thể xảy ra trong tương lai - từ đó, khiến các quy định không mang tính dự báo, tính ổn định không cao và không khả thi khi triển khai thực hiện. Trong khi cá nhân có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm thì các chủ thể có thẩm quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, cho nên, thiết nghĩ Luật Tố cáo năm 2018 không cần thiết phải quy định các hành vi bị nghiêm cấm của các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Vì vậy, Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 nên được sửa đổi theo hướng sau: "Các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo; mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo; lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo; Các hành vi khác theo quy định của pháp luật".

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

2. Hình thức tố cáo

Cũng như Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Điều 22). Nhờ thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tính đến tháng 1/2021, dân số Việt Nam đạt mốc 97.8 triệu dân, có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng Internet (chiếm 70.3% dân số) thông qua các nền tảng, ứng dụng khác nhau, với thời lượng trung bình là 6 giờ 47 phút (1) thì với các hình thức tố cáo trên là chưa đầy đủ, phần nào hạn chế quyền tố cáo của cá nhân. Hiện nay, Việt Nam đang có chủ trương "thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp"(2), vì vậy, Luật Tố cáo năm 2018 nên bổ sung hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax… để bảo đảm quyền của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo của mình.

3. Bảo vệ người tố cáo

3.1. Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ

Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 quy định người được bảo vệ rõ ràng, chặt chẽ hơn, cụ thể: Người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (khoản 1 Điều 47). Khác với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 đã liệt kê rõ ràng thân nhân (người thân thích) của người tố cáo thuộc đối tượng được bảo vệ. Quy định này thể hiện sự tương thích với quy định của pháp luật về dân sự (phù hợp với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, nếu tiếp cận dưới góc độ thành viên gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì phạm vi chủ thể được bảo vệ như hiện nay là khá hẹp, chỉ bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột - khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Gia đình có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà cả trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, triển khai, thụ hưởng các chính sách chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa.(3) Với truyền thống coi trọng gia đình, người tố cáo họ sẽ có tâm lý “e ngại” ảnh hưởng đến thành viên gia đình, nhất là trong việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Bởi, người bị tố cáo trong trường hợp này thường là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước nên khả năng trả thù, trù dập xảy ra rất cao. Chính vì vậy, tạo sự an tâm cho người tố cáo “vạch trần” sự thật thì Luật Tố cáo năm 2018 cần mở rộng các chủ thể được bảo vệ: Vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột của người tố cáo.

Luật Tố cáo năm 2018 cũng kế thừa Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân (khoản 2 Điều 47). Thời điểm Luật Tố cáo năm 2011 có hiệu lực thi hành các quy định về bảo vệ bí mật thông tin, tiếp cận thông tin… được quy định rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và mỗi loại văn bản quy phạm pháp luật lại quy định khác nhau về bí mật thông tin cá nhân, cho nên quy định người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin là cần thiết và phù hợp. Nhưng hiện nay, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đang có hiệu lực thi hành thì thông tin liên quan đến bí mật cá nhân là thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện (Điều 7). Thông tin liên quan đến bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý của người đó. Như vậy, bảo vệ thông tin liên quan đến bí mật cá nhân là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và mọi công dân đều được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, chứ không chỉ riêng người tố cáo. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không có quy định lặp lại nội dung thì tác giả cho rằng Luật Tố cáo năm 2018 nên bỏ quy định tại khoản 2 Điều 47.

3.2. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ

So với Luật Tố cáo năm 2011 thì Luật Tố cáo năm 2018 dã dành hẳn một điều tại Chương Bảo vệ người tố cáo để quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ (Điều 49). Đây là quy định mới, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ được thực hiện ngay từ giai đoạn tiếp nhận, xác minh, đến thụ lý giải quyết tố cáo và Luật Tố cáo năm 2018 giao trách nhiệm cho từng cơ quan cụ thể tương ứng với mỗi giai đoạn. Nếu tách bạch riêng cho từng giai đoạn thì quy định này sẽ rất hợp lý và tiến bộ khi mà đã phân công cụ thể từng công việc cho các cơ quan khác nhau. Nhưng bảo vệ người tố cáo cần được đặt trong suốt toàn bộ quá trình xảy ra việc tố cáo, trong nhiều trường hợp, việc xác định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm và phương thức phối hợp giữa các cơ quan này sẽ dẫn đến khả năng chồng chéo hoặc né tránh. Chưa kể sự liên quan của nhiều chủ thể như vậy làm giảm tính bảo mật cho thông tin cá nhân của người tố cáo. Vì vậy, phương án tối ưu nhất trong trường hợp này nên được điều chỉnh theo hướng xác định chủ thể duy nhất có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và chủ thể đó chỉ có thể huy động sự hỗ trợ của các cơ quan khác khi cần thiết.(4) Luật Tố cáo năm 2018 nên giao cho người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo để nhằm tạo tính thống nhất và bảo mật thông tin cho người được bảo vệ. Người giải quyết tố cáo là chủ thể chủ trì, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để áp dụng các biện pháp bảo vệ./.             

Chú thích:

(1) Https://vnetwork.vn/vi/news/thong-ke-tinh-hinh-internet-viet-nam-nam-2021, truy cập ngày 20/2/2022;

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 179;

(3) Trần Thị Minh Thi, Xây dựng giá trị gia đình Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và biến đổi văn hóa, https://tuyengiao.vn/y-te-cong-dong/xay-dung-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-trong-qua-trinh-hien-dai-hoa-va-bien-doi-van-hoa-135925, truy cập ngày 20/2/2022;

(4) Nguyễn Anh Đức (2017), "Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo liên quan đến đầu tư nước ngoài khi thực thi Hiệp định thương mại tự do ở Việt Nam", Tạp chí Luật học, (11), tr. 30.

Ths. Dương Văn Quý
Giảng viên Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại tỉnh Đắk Lắk
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra