Luật Báo chí được Quốc hội thông qua năm 2016 đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông thoáng để báo chí phát triển, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, sau nhiều năm các quy định liên quan đến hoạt động báo chí đã được pháp điển hóa, đưa vào luật, thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng. Sau 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực trong công tác quản lý báo chí, một số quy định chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, cách làm báo mới với mô hình tòa soạn hội tụ, truyền thông đa phương tiện, sự kết hợp của nhiều loại hình báo chí...
Là khâu thiết yếu và khâu cuối trong chu trình quản lý của tất cả các ngành, lĩnh vực, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra để kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước, phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị biện pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong Luật Báo chí nêu rõ nội dung quản lý nhà nước có thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về báo chí (Khoản 10 Điều 6) và lực lượng được giao nhiệm vụ thanh tra là lực lượng thanh tra chuyên ngành báo chí (Điều 58).
Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi Luật Báo chí 2016 - Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016” diễn ra giữa tháng 6/2023, từ thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, đại diện Thanh tra Bộ TT&TT đã nêu năm vấn đề còn bất cập cũng như kẽ hở cần hoàn thiện Luật Báo chí.
Thứ nhất, báo chí là lĩnh vực đặc biệt, có nhiều chủ thể tham gia quá trình quản lý, mỗi chủ thể có vai trò, trách nhiệm riêng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương, Khoản 4, Điều 7 Luật Báo chí quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương”, quy định chưa rõ ràng về phạm vi quản lý dẫn đến có cách hiểu khác nhau, còn tranh luận. Thực tế có Sở TT&TT đã dự định xây dựng kế hoạch thanh tra đối với một cơ quan báo chí Trung ương có trụ sở đóng trên địa bàn, mặc dù sau đó không triển khai dự định này, nhưng rõ ràng quy định này cần xem xét, điều chỉnh để đảm bảo chặt chẽ, áp dụng thống nhất. Mặt khác, khi thông tin trên báo chí bị phản ánh cho rằng không chính xác, khách quan thì Luật Báo chí quy định có nhiều cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết: bản thân cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, tòa án (Điều 43) nhưng không phân định rõ cấp độ, thứ tự giải quyết, dẫn đến tình trạng tổ chức, cá nhân gửi đơn thư đến nhiều nơi, nhiều cơ quan cùng xem xét, thậm chí trong cùng hệ thống nhiều cơ quan quản lý nhà nước cùng giải quyết một vụ việc, gây chồng chéo, lãng phí thời gian, vật chất, nguồn lực.
Đề xuất sửa đổi: quy định rõ cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương thực hiện thanh tra đối với cơ quan báo chí do cơ quan nhà nước tại địa phương có quyết định thành lập; phân luồng giải quyết phản ánh liên quan đến nội dung thông tin trên báo chí, theo hướng cơ quan báo chí là đơn vị xem xét, xử lý lần đầu.
|
|
Hội thảo về vấn đề thanh tra trong lĩnh vực báo chí, xuất bản do ngành Thanh tra. Ảnh: TH |
Thứ hai, một số quy định của Luật Báo chí mang tính khái quát, khó triển khai trong thực tế. Cụ thể, quy định về liên kết trong hoạt động báo in, báo điện tử: do không có quy định chi tiết về cách thức liên kết, dấu hiệu nhận diện, khó khăn trong kiểm tra, hầu như trong các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa có nội dung này, khoảng trống này cần sớm khắc phục. Cũng từ quy định không chặt chẽ này xuất hiện tình trạng cơ quan báo chí và đối tác liên kết thường không công khai hoạt động liên kết, lách luật, thực hiện cấy nguồn, rửa nguồn qua cơ quan báo chí, thậm chí “bán cái”, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.
Do đó, cần đề xuất sửa đổi: Có quy định chi tiết như liên kết trong hoạt động truyền hình, quy định rõ việc công khai liên kết và dấu hiệu nhận diện hoạt động liên kết.
Trong khi đó, quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc bảo đảm nguồn kinh phí ban đầu và điều kiện cần thiết cho hoạt động của cơ quan báo chí: Luật chưa quy định cụ thể về mức kinh phí, các điều kiện tối thiểu phải có, chưa quy định trách nhiệm chứng minh, do đó một số cơ quan chủ quản (hội nghề nghiệp) chưa quan tâm đúng mức đến quy định này, thực tế có nhiều trường hợp cơ quan chủ quản phối hợp với đối tác “vẽ đề án” xin thành lập cơ quan báo chí với đầy đủ nguồn tiền đầu tư, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động báo chí nhưng thực chất chủ quản không có đầu tư gì, tất cả do một người hoặc một nhóm người bỏ tiền ra, đến khi xung đột, mâu thuẫn với nhau mọi chuyện mới vỡ lở. Đối với những trường hợp này cơ quan chủ quản rất khó quản lý, chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định một số chỉ tiêu chính phải đáp ứng khi xin phép thành lập cơ quan báo chí cũng như trách nhiệm chứng minh nguồn lực để đảm bảo nguồn kinh phí ban đầu và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động báo chí.
Thứ ba, một số vấn đề tiêu cực nảy sinh trong đời sống báo chí gây bức xúc dư luận xã hội nhưng chưa được cụ thể hóa, chưa đồng bộ.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, vấn đề “báo hóa” Tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí rất nhức nhối, việc ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn do các thuật ngữ này chưa được lượng hóa, chưa có quy định chi tiết. Hiện tại, chúng ta mới có giải pháp tình thế thông qua việc ban hành Quyết định 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 ban hành tiêu chí nhận diện “báo hóa tạp chí”, “báo hóa” trang thông tin điện tử, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí và lồng ghép tiêu chí nhận diện tạp chí vào Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san. Bên cạnh đó, quy định để phân biệt loại hình báo điện tử và Tạp chí điện tử còn chung chung, mang tính nguyên tắc, một số tạp chí thấy không có động lực thúc đẩy phải thực hiện hoặc tận dụng cơ hội để lách.
Vấn đề cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên yêu sách, yêu cầu đối tượng phản ánh cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc nào đó, không khác gì cơ quan công an đang thực hiện nhiệm vụ điều tra xảy ra ở một số địa bàn đang có chiều hướng gia tăng, gây phiền hà, bức xúc cho tổ chức, cá nhân. Vấn đề đặt ra là cơ quan báo chí có quyền như vậy không? Theo Thanh tra Bộ, là cơ quan báo chí không có quyền đưa ra yêu cầu như vậy, cần có quy định, chế tài để ngăn chặn tình trạng này.
Trong hoạt động báo chí, nhiều cơ quan sử dụng cộng tác viên, cấp giấy xác nhận cho họ, cấp giấy giới thiệu cho họ đi tác nghiệp, họ là một phần thực tế, đang tồn tại của cơ quan báo chí nhưng Luật Báo chí chưa điều chỉnh đối tượng này. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy sự ràng buộc giữa họ và cơ quan báo chí lỏng lẻo, đã có nhiều trường hợp cộng tác viên vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng uy tín của cơ quan báo chí, người làm báo chân chính.
Bởi thế, cần nghiên cứu, bổ sung vào luật các quy định phân định loại hình tạp chí điện tử và báo điện tử, lượng hóa các quy định để ngăn chặn tình trạng “báo hóa”, “tư nhân hóa”; giới hạn phạm vi yêu cầu cung cấp thông tin khi tác nghiệp; Nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cấm cộng tác viên tác nghiệp báo chí.
Thứ tư, một số quy định trong Luật Báo chí không còn phù hợp với thực tiễn, không có tính khả thi Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ TT&TT nhận thấy nhiều cơ quan báo chí vi phạm quy định về vị trí đặt thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí đối với sản phẩm báo in. Tạp chí in (Điều 46), vi phạm này đã trở nên phổ biến, nhiều cơ quan báo chí sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính lại tiếp tục vi phạm, họ chấp nhận rủi ro nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, dành vị trí trang cuối để phục vụ cho mục tiêu khác.
Để giải quyết tình trạng này, luật chỉ quy định mẫu mã, cách thể hiện và các thông tin bắt buộc phải có, còn vị trí đặt thông tin phải ghi, thể hiện trên báo chí dành quyền chủ động cho báo chí, hoặc quy định một số vị trí để cơ quan báo chí lựa chọn.
Thứ năm, một số vấn dề khác liên quan đến tôn chỉ mục đích, thiết kế chuyên mục ở trang chủ để thực hiện cải chính xin lỗi còn có vướng mắc trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung.