Học tập, vận dụng phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận

Thứ hai, 08/01/2024 15:00
(ThanhtraVietNam) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, công tác dân vận không thuần túy chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một khoa học, một nghệ thuật để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với dân, làm cho dân hiểu, dân nhớ, dân tin, từ đó hăng hái, tự nguyện, tự giác tham gia. Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Do đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò và hiệu quả của công tác dân vận theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Để làm tốt công tác dân vận cần chú trọng cả tiền đề đúng và khéo

Muốn dân vận khéo thì phải bắt đầu từ tiền đề lý luận, đó là: Dân vận đúng, đúng đã thì mới khéo được, chứ dân vận mà ko đúng thì càng khéo càng phản cảm. Đó là một trong những chia sẻ của GS, TS Hoàng Chí Bảo tại Tọa đàm “Vận dụng phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác dân vận của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương giai đoạn hiện nay”. GS, TS Hoàng Chí Bảo cho biết, trước đây, chúng ta ít chú trọng dân vận đúng mà mới chỉ chú trọng dân vận khéo là chưa đủ. Vì vậy, từ nay, cùng với việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, cần chú trọng cả tiền đề đúng và khéo để làm tốt công tác dân vận.

leftcenterrightdel
GS, TS Hoàng Chí Bảo. Ảnh: K. Dung 

Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, tác phẩm Dân vận của Bác Hồ ngày 15/10/1949 về công tác dân vận có thể được coi là cương lĩnh của Đảng về công tác dân vận. Được biết, năm 1949, khi Bác viết tác phẩm này là lúc dân tộc ta, đất nước ta đang kháng chiến kiến quốc, tinh thần của Bác là kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành. Trước khi viết dân vận, Bác đã viết “Sửa đổi lối làm việc” năm 1947 trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh sửa đổi lối làm việc của Đảng vì lúc đó Đảng đã cầm quyền rồi - cầm quyền ở đây là dân vận trong điều kiện có quyền lực, chính quyền.

Cũng trong năm 1947, Bác nói cần đặc biệt chú trọng học các môn học về tinh thần và đạo đức mà ngày nay chúng ta gọi chung là khoa học xã hội và nhân văn hay lý luận chính trị. Nhìn lại hơn ¾ thế kỷ, ta vẫn thấy nguyên giá trị cốt lõi, bền vững trong tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận.

Dân vận là việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân

Cũng theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, ở Hồ Chí Minh - Bác đem lại cho chúng ta một nhận thức rất mới về dân vận. Bác phê bình chúng ta chỉ coi trọng công tác chuyên trách về dân vận ở một vài cán bộ hay một tổ chức, trong khi dân vận là việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Người nhấn mạnh, ngay cả Nhân dân, người dân bình thường cũng làm công tác dân vận - Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của công tác dân vận. Hai nhà hàng xóm mà xung đột nhau, bất hòa với nhau mà tự chủ động hòa giải - đó chính là dân vận. Cho nên có thể nói rằng, dân vận không phải là việc riêng của Đảng, không phải là việc riêng của cơ quan chuyên trách mà là việc của toàn đảng, toàn dân, toàn quân. Đấy là điều mà Bác rất chú trọng để nâng cao nhận thức, mà ta gọi là khai tâm, khai trí cho chúng ta - GS, TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Trong tất cả các lực lượng làm công tác dân vận, Bác kỳ vọng vào quân đội và công an là lực lượng nòng cốt và gương mẫu trong công tác dân vận, nhất là quân đội nhân dân Việt Nam. Đối với nghề tình báo, Bác đề nghị các chiến sỹ thực hiện cho được 8 chữ vàng: Bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn cộng với sự giúp đỡ của dân thì công tác tình báo mới đạt được kết quả. Dân có trăm tai, nghìn mắt, thiên la địa võng, không một kẻ gian tế nào có thể lọt qua con mắt của Nhân dân. Đấy là tư tưởng xây dựng cơ sở xã hội của lòng dân để làm tốt công tác dân vận.

Bên cạnh đó, khi nói về dân vận, ta vẫn thường nhắc về công thức của Bác: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, miệng nói, chân đi, tay làm” (trích trong bài viết “Dân vận”, ký tên X.Y.Z, đăng trên Báo Sự thật số 120, ngày 15/10/1949) để tránh bệnh hành chính quan liêu, giấy tờ và chỉ tay năm ngón không có kết quả. GS, TS Hoàng Chí Bảo đặc biệt nhấn mạnh về tư tưởng đổi mới đầu tiên của Bác về dân vận trong điều kiện Đảng cầm quyền được thể hiện trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”: Để dân oán là một thất bại về chính trị, mà dân tin tưởng, dân ủng hộ, dân giúp đỡ, dân bảo vệ thì đó là bí quyết của thành công.

Còn tại Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Bác viết tháng 12/1944, Bác đã đưa ra một công thức: Chính trị trọng quân sự, người trước, súng sau, có dân thì sẽ có súng và sẽ có tất cả mọi thứ, còn mất dân, không được dân ủng hộ thì sẽ không có bất cứ một cái gì và sẽ thất bại. Những điều này trở nên sống động trong tư duy và hành động của chúng ta về dân vận.

Một điểm nữa mà chúng ta khi nghiên cứu, vận dụng phong cách dân vận của Bác cần lưu ý phong cách Hồ Chí Minh có mấy điểm sáng lấp lánh là phong cách dân chủ, phong cách giản dị, phong cách thiết thực và nêu gương, luận điểm nói ít làm nhiều, lời nói việc làm đi đôi với nhau, làm cho dân tin bằng chính hành động, việc làm của mình.

Cán bộ dân vận phải hiểu đường lối, chủ trương của Đảng 100%, hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước 100%, đồng thời hiểu cuộc sống, tâm trạng, nguyện vọng của Nhân dân cũng 100%. Người yêu cầu rất cao cả về nhận thức, hành động và phong cách sát dân, gần dân và dân chủ.

Người còn nói những chỉ dẫn rất quan trọng, cán bộ cấp trung ương, cấp chiến lược phải về đến tỉnh và huyện, cán bộ tỉnh, huyện phải xuống đến huyện và xã, cán bộ xã phải đến với từng nhà, từng bản làng để hiểu dân, tin dân, học dân để phục vụ dân cho tốt nhất trong khả năng có thể cả về đời sống vật chất, cả về nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa của dân.

Người còn nêu rõ một điều mà bây giờ chúng ta đã tiến bộ rất nhiều nhưng chưa phải đã hết những nhược điểm. Bác phê bình chúng ta, rằng công tác dân vận quan trọng như vậy cho nên lẽ ra phải chọn người giỏi, người tốt, người có uy tín với dân phụ trách dân vận thì thói thường ta lại làm ngược lại, thấy ai kém chuyên môn, làm hỏng việc thì đùn đẩy nhau sang phụ trách đoàn thể - như thế không thể làm cho dân tin được. Điều này qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới ta sửa rất nhiều nhưng chưa phải đã hết - cần phải không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận, cả về trình độ khoa học, cả về phương thức làm việc, cả về phong cách vận động Nhân dân theo tinh thần của Bác là; thật thà nhúng tay vào việc, không bỏ sót một việc gì, không bỏ sót một người nào, không phí phạm một tài năng nào, dù là nhỏ nhất. Đấy là tư tưởng rất cốt lõi trong nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận.

Bác Hồ là bậc thầy về dân vận, Người ko chỉ thiết kế lý luận về dân vận, Người tự thực hành dân vận

Nghiên cứu về phong cách, tư tưởng, đạo đức về dân vận của Bác, GS, TS Hoàng Chí Bảo bổ sung thêm một luận điểm, đó là: Bác Hồ có thể nói là bậc thầy về dân vận, Người ko chỉ thiết kế lý luận về dân vận, Người tự thực hành dân vận.

Điều này thể hiện rõ nhất là trong những năm kháng chiến trường kỳ chống Pháp và trong kháng chiến chống Mỹ của chúng ta. Bác Hồ còn đi vào tận làng, tận bản để vận động dân, thậm chí khi cần thiết làm thầy cúng, thầy mo cho dân, Bác đưa các cháu nhỏ ghẻ lở bẩn thỉu ra suối tắm cho các cháu để tranh thủ tối đa lòng dân và khi mở lớp huấn luyện cán bộ, Bác có một công thức rất độc đáo: Không giảng ngay lý luận, vừa khai giảng xong cả thầy và trò lên rừng lấy củi và Bác tổng kết là, đống củi của dân phải cao, chum nước của dân phải đầy thì dân mới tin tưởng, ủng hộ chúng ta cho nên Bác cho rằng quân đội nhân dân phải coi Nhân dân của mình là nền tảng của quân đội, là cha mẹ của quân đội, không tơ hào cái kim sợi chỉ của dân, chỉ làm cho dân hưởng hạnh phúc và hài lòng thôi.

Bác đưa ra các tiêu chí rất giản dị, dễ áp dụng: Dân vận phải sao cho khi sắp đến thì dân mong, khi ở thì dân thương, khi đi thì dân nhớ. Nếu ta làm đúng được những yêu cầu đó thì ta sẽ tranh thủ tối đa được lòng dân, sự hài lòng của người dân là thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ.

Một điểm nữa, ta không thể ngờ được, Bác không chỉ vận động nông dân gọi là nông vận, vận động công nhân gọi là công vận, vận động tôn giáo gọi là tôn giáo vận, Bác Hồ còn vận động cả địch, gọi là địch vận. Bác rất chú trọng địch vận và binh vận ở tầm cao tư tưởng của một nhà nhân văn chủ nghĩa. Trong một bức thư của Bác viết năm 1950, Bác chủ trương cho tù binh hồi hương để tỏ rõ lòng nhân đạo. Hiếm có lãnh tụ phe chiến thắng nào như Bác đi thăm các tù binh, lại còn gửi thư cho các tù binh. Trong thư, Bác coi họ như bạn và cuối thư Bác coi họ như con. Điều đó khiến kẻ thù cũng phải khuất phục, trọng nể. Không ai dám xúc phạm nhân cách của Hồ Chí Minh nhờ tài nghệ khéo léo của Người trong dân vận. Bác còn dùng khái niệm Người trong nước tức là chỉ đồng bào chúng ta, Người thế giới để chỉ toàn thể nhân loại dù khác màu da nhưng đều là những con người có chung tiếng nói, chung nguyện vọng, ai cũng muốn được tự do, ai cũng muốn được hạnh phúc thì Bác đã chạm vào trái tim của tất cả mọi người. Đó là bí quyết thành công trong dân vận của Hồ Chủ tịch.

Có thể nói, phong cách dân vận của Hồ Chí Minh hội tụ cả khoa học, chính sách, chiến lược lẫn nghệ thuật ứng xử với từng đối tượng, từ người dân trong nước đến bạn bè quốc tế. Chính vì thế, Bác là người có khả năng chinh phục mọi đối tượng. Học tập phong cách dân vận của Hồ Chủ tịch không chỉ có ý nghĩa tri ân, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Người mà cần thiết thực vận dụng, thực hành dân vận trong đời sống, biến tư duy thành hành động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong mỗi cơ quan, đơn vị./.

K. Dung
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra