Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra

Thứ hai, 11/09/2023 18:26
(ThanhtraVietNam) - Với những quy định mới, cụ thể về việc ban hành kết luận thanh tra được quy định trong Luật Thanh tra 2022, những tồn tại, hạn chế trong việc chậm trễ, không kịp thời ban hành kết luận thanh tra được chỉ ra qua tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 chắc chắn sẽ sớm được khắc phục.
leftcenterrightdel
Một buổi công bố kết luận thanh tra của lực lượng thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ. Ảnh:  Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của một số đại biểu quốc hội về tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tình trạng này do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, có một phần nguyên nhân do nhiều cuộc thanh tra phạm vi và quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng, hoặc có tính chất rất phức tạp. Do đó, cần phải xem xét kỹ lưỡng, xử lý thận trọng, mất nhiều thời gian trong việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ, tài liệu, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra. Một số quy định của pháp luật còn bất cập, thay đổi qua các thời kỳ, khi áp dụng có nhiều cách hiểu khác nhau, nên cần có thời gian đánh giá, xin ý kiến của cơ quan chuyên môn, kết luận, kiến nghị xử lý. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ ban hành kết luận thanh tra.

Tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010 cũng cho thấy, việc ban hành kết luận thanh tra chưa được quy định đầy đủ, chặt chẽ. Thêm vào đó, việc quy định chậm nhất 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ra văn bản kết luận thanh tra và gửi tới Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên, nếu áp dụng với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp lại chưa thực sự phù hợp. Chưa kể việc giải trình của đối tượng thanh tra mất rất nhiều thời gian, trong một số trường hợp, dự thảo kết luận thanh tra cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp nên thời hạn 15 ngày thường khó thực hiện.

Nhằm khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra, nhất là những trường hợp chậm ban hành kết luận thanh tra mà nguyên nhân chủ yếu là việc xin ý kiến thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, Luật Thanh tra năm 2022 đã quy định cụ thể, rõ ràng thời hạn ban hành kết luận thanh tra. Điều 78, Luật Thanh tra năm 2022 quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.

Việc báo cáo trước khi ban hành kết luận thanh tra cũng được Luật Thanh tra năm 2022 quy định rõ: Đối với dự thảo kết luận thanh tra về vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc quan trọng, phức tạp thuộc diện chỉ đạo, theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh hoặc có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thì người ra quyết định thanh tra phải có văn bản báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo; trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo kết luận thanh tra thì người ra quyết định thanh tra ban hành ngay kết luận thanh tra. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản yêu cầu bổ sung, làm rõ về nội dung dự thảo kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành kết luận thanh tra. Đồng thời, Luật Thanh tra năm 2022 cũng bổ sung quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định.

Bên cạnh đó, Luật Thanh tra năm 2022 cũng cho phép trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể ban hành kết luận thanh tra đối với các nội dung đã được kiểm tra, xác minh, đủ cơ sở để kết luận và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác trong quyết định thanh tra. Một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước. Đây được xem là một quy định giúp cho hoạt động thanh tra linh hoạt và gắn với hoạt động quản lý.

Trước khi công khai kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi.

Cùng với các quy định của Luật Thanh tra năm 2022, ngành Thanh tra cũng đã chủ động đổi mới về phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra.

Ngày 22/7/2022, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45 - NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (Nghị quyết số 45). Nghị quyết số 45 thể hiện rõ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ là nhằm đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện công tác thanh tra, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra, tiến tới không để tình trạng ban hành kết luận các cuộc thanh tra kém chất lượng và chậm thời gian so với quy định. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra; làm rõ trách nhiệm việc thực hiện công tác chuyên môn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, đảng viên. Một trong những giải pháp trọng tâm được đề ra trong Nghị quyết của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đó là đưa tiến độ và chất lượng cuộc thanh tra trở thành tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, là căn cứ thực hiện công tác tổ chức cán bộ và kiên quyết không thực hiện chính sách cán bộ đối với trường hợp cán bộ được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra, nhất là có vi phạm trong quá trình thanh tra.

Tiếp đó, trong Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 465/QĐ-TTCP ngày 29/11/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ đã có nhiều nội dung được quy định chặt chẽ, với những yêu cầu cụ thể, đòi hỏi sau khi thanh tra trực tiếp, việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra phải bảo đảm đúng thời gian quy định của pháp luật, nhằm khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra.

Với những quy định rõ ràng, cụ thể của Luật Thanh tra năm 2022, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Thanh tra trong việc đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra, sẽ hạn chế tối đa việc chậm ban hành kết luận thanh tra và tiến tới sẽ không còn tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra./.

 

 

Đỗ Quyên
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra