Khó khăn xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong hoạt động thanh tra tại Lào Cai

Thứ năm, 09/06/2022 15:46
(ThanhtraVietNam) - Cơ chế phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa có quy định phối hợp ngay từ khi tiến hành thanh tra nhằm tăng khả năng phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm và hỗ trợ tài liệu, chứng cứ phục vụ cho công tác điều tra. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra tại tỉnh Lào Cai.

Thanh tra chuyển 15 vụ tham nhũng, kinh tế sang Công an Lào Cai

Vướng mắc từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện

Thanh tra tỉnh Lào Cai cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ và các cấp ủy, tổ chức Đảng liên quan trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua hoạt động của Cơ quan thanh tra không có vướng mắc nhưng cơ chế, chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện hoạt động này vẫn còn những khó khăn nhất định.

Cụ thể, trong hoạt động thanh tra, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật rất khó có thể xác định để thỏa mãn hành vi bị coi là tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Quy định tại Nghị định 86/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra và Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP về thời điểm chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra chưa thống nhất dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, người tiến hành thanh tra chỉ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý kinh tế nói chung mà chưa đào tạo đủ để nhận định chính xác “dấu hiệu tội phạm” để kết luận và quyết định chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra.

Giai đoạn 2011 - 2021, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát sinh nhiều vụ việc có có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế nhưng công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị lại không chỉ ra được. Khi tiến hành hoạt động thanh tra, 15 vụ việc đã được phát hiện và chuyển cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai, Công an các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai giải quyết.

Thực tế ngành Thanh tra tỉnh Lào Cai, có những cuộc thanh tra đột xuất do UBND các cấp giao, được nghi vấn là có hành vi vi phạm pháp luật và phức tạp, nhưng do Đoàn thanh tra đó không được bố trí cán bộ trong ngành Điều tra nên rất khó khăn khi xác định các dấu hiệu tội phạm.

Mặt khác, Cơ quan thanh tra không phải là cơ quan tố tụng nên khi thực hiện hoạt động thanh tra không thể thu thập hồ sơ chứng cứ vi phạm theo quy định của Luật Tố tụng hình sự dẫn đến khi chuyển hồ sơ, Cơ quan thanh tra phải mất rất nhiều thời gian để củng cố hồ sơ hoặc giải trình với Cơ quan điều tra.

Theo Thanh tra tỉnh Lào Cai, bên cạnh nguyên nhân cơ chế, chính sách, pháp luật còn chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa chi tiết và cụ thể thì một phần do cán bộ thanh tra chưa thật sự tích cực chú trọng nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về thanh tra, các quy định của Luật Tố tụng hình sự, các quy định của Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong trao đổi thông tin; chưa nắm vững về nghiệp vụ nên còn lúng túng trong thực hiện, nhất là khi củng cố chứng cứ xác định hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Nghiên cứu để quy định quyền khởi tố điều tra ban đầu cho Cơ quan thanh tra

Từ thực tiễn công tác, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tiếp nhận, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thời gian tới.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong Cơ quan thanh tra; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở kết hợp chặt chẽ với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với những hành vi vi phạm về phòng, chống tham nhũng.

Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra tập trung những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội gần đây như y tế, giáo dục, hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố. Tăng cường sự phối hợp giữa các Cơ quan thanh tra và Cơ quan điều tra nhằm củng cố, hoàn thiện hồ sơ; đánh giá đúng bản chất vụ việc, tính chất và mức độ phạm tội; đánh giá trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan… nhằm phục vụ có hiệu quả trong quá trình tiến hành điều tra.

leftcenterrightdel
Một vụ việc có dấu hiệu tội phạm được Cơ quan thanh tra phát hiện và chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh Lào Cai xử lý. Ảnh minh họa 

Bốn là, bổ sung cơ chế phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ngay từ trong quá trình tiến hành thanh tra nhằm tăng cường khả năng phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm của Cơ quan thanh tra, đồng thời hỗ trợ về mặt tài liệu, chứng cứ cho Cơ quan điều tra sau này.

Năm là, nghiên cứu cơ sở khoa học để quy định quyền khởi tố điều tra ban đầu cho Cơ quan thanh tra.

Đây là thẩm quyền quan trọng, phù hợp với tính chất, hoạt động của Cơ quan thanh tra. Việc trao thẩm quyền khởi tố điều tra ban đầu sẽ giúp nâng cao vị thế của Cơ quan thanh tra trong mối quan hệ với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Bởi khi đó, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan này là mối quan hệ tố tụng, được điều chỉnh bởi Bộ luật Tố tụng hình sự và thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi bên trong mối quan hệ này được quy định đầy đủ và có nhiều sự ràng buộc chặt chẽ.

Việc trao thẩm quyền này cũng sẽ giúp Cơ quan thanh tra thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng vì một trong những nhiệm vụ của công tác này là phát hiện tham nhũng được thực hiện thông qua chức năng thanh tra.

Sáu là, điều chỉnh quy định tại Nghị định 86/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03 về thời điểm chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để thống nhất giữa các văn bản pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bảy là, khi thanh tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc nhũng vụ việc thanh tra nhằm giải quyết đơn thư tố cáo, thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước mà nhận định sẽ có khó khăn, vướng mắc hoặc có thể kéo dài quá thời hạn luật định hoặc không xử lý dứt điểm thì Cơ quan thanh tra cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra ngay từ ban đầu.

Cụ thể, trong thành phần Đoàn thanh tra cần có cán bộ làm công tác điều tra tham gia để tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý vụ việc sau khi được chuyển cho Cơ quan điều tra. Việc có cán bộ điều tra tham gia Đoàn sẽ hỗ trợ các biện pháp nghiệm vụ nhằm giúp thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ, xác định rõ hơn các dấu hiệu tội phạm của đối tượng thanh tra, từ đó có những đánh giá, kết luận cụ thể, rõ ràng trong kết luận thanh tra. Ngoài ra, cơ quan điều tra khi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc cũng không mất nhiều thời gian để củng cố hồ sơ, chứng cứ, qua đó rút ngắn thời gian điều tra; đồng thời, tạo sự đồng thuận giữa hai cơ quan trong việc xác định tính chất, mức độ vi phạm, giảm thiểu nguy cơ tiêu cực trong quá trình xử lý vụ việc.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra