Kiểm soát quyền lực hiệu quả nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ bảy, 24/12/2022 08:08
(ThanhtraVietNam) - Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả có thể coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn cán bộ, công chức lạm dụng quyền lực để làm trái hoặc tham nhũng.

Nhằm khắc phục hạn chế về sự thiếu hoàn thiện của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu:“Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”. Mới đây, Nghị quyết số 27 – NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27) cũng đề ra yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực và hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Một lần nữa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những quan điểm, định hướng của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực Nhà nước ở Việt Nam trong thời gian tới được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Trung ương. Việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả có thể coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn cán bộ, công chức lạm dụng quyền lực để làm trái hoặc tham nhũng.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: "Phải nhốt quyền lực vào trong cơ chế, phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát

việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế "


Kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nghị quyết số 27 thể hiện rất rõ quan điểm thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân. Theo đó, một trong những giải pháp được Nghị quyết số 27 đề ra nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đó là: Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Nghị quyết số 27 nhấn mạnh, hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương và giữa các cơ quan trong cùng một cấp chính quyền. Quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp; của cơ quan tư pháp trong kiểm soát các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý. Kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và các quyền khác của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan báo chí trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước.

Bên cạnh đó, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để không cần, không muốn tham nhũng, tiêu cực.

Cơ chế kiểm soát quyền lực phải là một tổng thể

Có thể nói, để bảo đảm quyền lực nhà nước được thực hiện đầy đủ, không bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, dẫn đến hậu quả tiêu cực, thì việc kiểm soát quyền lực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, đó là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội chưa mạnh, hiệu quả chưa cao; cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa cụ thể, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của hệ thống tư pháp chưa thường xuyên, liên tục, cơ chế kiểm soát quyền lực của hệ thống tư pháp đối với hành pháp còn mang tính thụ động; cơ chế kiểm soát quyền lực của Nhân dân vẫn còn một số mặt chưa được cụ thể hóa, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng các phương thức giám sát của Nhân dân, nhiều cơ quan công quyền xử lý các kiến nghị giám sát của Nhân dân còn chậm chạp, gây bức xúc trong quần chúng… Đúng như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhận định ““Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ””.

Thực tế thời gian qua, tình trạng một số cán bộ, công chức nhà nước tha hóa quyền lực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực hay việc một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí đã cho thấy rõ những khiếm khuyết của cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay. Theo số liệu tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sỹ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến giữa tháng 6/2022 đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong đó có 08 ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sỹ quan cấp tướng. Điều đó càng cho thấy, việc sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một yêu cầu cấp thiết.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từng nói: “Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải là một tổng thể bao gồm cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài do các chủ thể không phải là nhà nước thực hiện; cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong do các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tự kiểm soát mình và kiểm soát lẫn nhau”.

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng chỉ rõ, bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Kiểm soát quyền lực là ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực cần xác định rõ hơn vai trò, quyền hạn của mỗi cơ quan và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp. Đồng thời, phải phân công rành mạch và tăng cường kiểm soát quyền lực trong mỗi cơ quan. Bên cạnh đó, cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước cần được hoàn thiện, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo... theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Do đó, có thể thấy, để xây dựng được một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, trước hết, cần đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tăng tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong thực hiện chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Cần tiếp tục sắp xếp tinh gọn lại hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng thu gọn đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm; những địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể Nhân dân và các cơ quan truyền thông trong quá trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sao cho thực hiện đúng nguyên tắc “mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm”; “Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn. Lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý”./.

Song Tú
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra