Kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Thứ sáu, 18/11/2022 09:26
(ThanhtraVietNam) - Tham nhũng luôn gắn với quyền lực nhà nước, do đó, kiểm soát quyền lực nhà nước là giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống tham nhũng.

Đại hội XIII của Đảng đã đề ra giải pháp đột phá thứ ba trong phòng, chống tham nhũng là: “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”(1). Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả đi vào nghiên cứu những quan điểm Đại hội XIII của Đảng về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng và nêu các khuyến nghị nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn phòng, chống tham nhũng hiện nay.

1. Những điểm mới của Đại hội XIII về kiểm soát quyền lực

Kiểm soát quyền lực được Đảng ghi nhận từ rất sớm. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Trên nền tảng Cương lĩnh, Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật khác đã thể chế hóa việc kiểm soát quyền lực nhà nước, đến nay, cơ chế này ngày càng được hoàn thiện. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhận định: “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có nhiều chuyển biến tích cực”(2).

Có thể chỉ ra một số điểm mới về công tác kiểm soát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng như sau:

Thứ nhất, về hoạt động kiểm soát quyền lực của một số chủ thể

Đại hội XIII nhấn mạnh, hoạt động kiểm soát quyền lực đến từ Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đánh giá: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; xây dựng, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”(3). Một điểm mới quan trọng được chỉ ra là hệ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(4). Trong đó, nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong tổ chức và hoạt động của Đảng là tập trung dân chủ, liên quan đến kiểm soát quyền lực, tập trung dân chủ đảm bảo cho Đảng đưa ra các quyết định về quyền lực một cách đúng đắn; phát huy được trí tuệ của tập thể trong phân cấp, phân quyền; bảo đảm tính kỷ luật tự giác của mỗi tổ chức đảng và đảng viên trong thực thi quyền lực. Nhìn chung, hệ quan điểm chỉ đạo khẳng định cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng.

Nhân dân là chủ thể kiểm soát quyền lực quan trọng. Việc Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước là sự thể hiện cụ thể của chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được nêu ra từ Đại hội V của Đảng. Tại Đại hội XIII, nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, Đại hội đề ra phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Điểm mới được Đại hội đề cập đến nằm ở “dân giám sát” và “dân thụ hưởng”; trong đó, “dân giám sát” thể hiện việc kiểm soát quyền lực của Nhân dân thông qua hình thức giám sát. Như vậy, có thể thấy Đại hội XIII đã bổ sung thêm cơ sở chính trị quan trọng về kiểm soát quyền lực của Nhân dân đối với các cơ quan công quyền. Cơ sở này rất quan trọng để thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân nhằm “thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”(5) và thể chế hóa thành các văn bản pháp luật cụ thể sau này.

Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan thực thi quyền lực chủ yếu qua hai phương thức giám sát và phản biện. Đại hội XIII đặt ra yêu cầu “đổi mới tổ chức, bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội”(6). Trong đó, Văn kiện Đại hội nhấn mạnh phải gắn các vai trò này với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng: “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”(7) và yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Thứ hai, về phương thức, cơ chế tiến hành kiểm soát quyền lực

Điểm mới của Đại hội XIII về kiểm soát quyền lực nhấn mạnh phương thức kiểm soát quyền lực bằng hình thức giám sát của Nhân dân. Để bổ sung “dân giám sát, dân thụ hưởng” vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là một quá trình phát triển tư duy lý luận với hơn 35 năm đổi mới đất nước; chính thực tiễn cuộc sống cũng như đòi hỏi chính đáng của Nhân dân là cơ sở để bổ sung yếu tố này.

Một điểm mới về nhận thức của Đảng ta được nêu ra tại Đại hội XIII là phải tăng cường và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các thiết chế trong kiểm soát quyền lực, Đại hội chỉ rõ phải “xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(8). Từ đó Đại hội đặt ra yêu cầu: “Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả”(9).

Đại hội XIII nhấn mạnh tính nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Văn kiện chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”(10). Mặt trận Tổ quốc là một trong những thành tố quan trọng trong mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII nêu cao vai trò kiểm soát quyền lực thông qua giám sát và phản biện của Mặt trận trong việc thực hiện thắng lợi phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025. Đồng thời, một điểm mới quan trọng mà Đại hội nhấn mạnh về phương thức hoạt động của Mặt trận đó là phải “hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư” bởi việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được Đại hội XIII đánh giá là có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới và chưa thật sâu sát các tầng lớp Nhân dân.

leftcenterrightdel

Chú trọng phát huy vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần phòng, chống tham nhũng 

2. Quan điểm Đại hội XIII về kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 05 năm (2021-2025), điểm mới mà Đại hội XIII nhấn mạnh đó là nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật và thực hiện quyết liệt nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Đảng thể hiện sự kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng với nguyên tắc tích cực phòng ngừa đi liền với chủ động tấn công.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, thực hiện giám sát các cơ quan thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, trong đó, chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động và phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân, doanh nghiệp, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về phòng ngừa tham nhũng, Đại hội đặt yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Đồng thời, nhấn mạnh  cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí và nâng cao việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng: “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ, thúc đẩy phát triển. Không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự”(11).

3. Quyết tâm kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng của Đảng ta

Trong suốt thời gian nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã đề ra và hoàn thiện nhiều quan điểm, chủ trương liên quan trực tiếp đến kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng. Có thể kể đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, nhấn mạnh các cấp uỷ, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ khẳng định nhiệm vụ cấp bách: “Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm…”. Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên”. Tiếp đó, Bộ Chính trị đề ra Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó khẳng định: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền…”.

Ngoài ra, sự quyết tâm phòng, chống tham nhũng còn thể hiện ở các chỉ thị, nghị quyết kiểm soát quyền lực của cán bộ từ Trung ương đến địa phương như: Quy định số 85-QĐ/TW, ngày 23/5/2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị Ban Bí thư quản lý; Kết luận số 10-KL/TW, ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung trung 3 khóa X “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Quy định số 01-QĐi/TW, ngày 10/5/2018 về trách nhiệm và thẩm quyền của ủy ban kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường kiểm soát quyền lực thông qua hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những vấn đề liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà Nhân dân bức xúc, dư luận quan tâm và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội; ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện(12).

Có thể thấy, với những chủ trương và quy định mạnh mẽ, công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn có một số quy định chưa phù hợp, tính khả thi thấp, hoặc còn có “lỗ hổng”, nhưng chưa được sửa đổi bổ sung. Đại hội XIII chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chuyển biến chưa rõ rệt, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao”(13). Một số người đứng đầu chưa nêu cao vai trò kiểm soát quyền lực của mình trong phòng, chống tham nhũng, số người bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng ở các cơ quan, đơn vị còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Hành vi lợi dụng quyền lực để “tham nhũng vặt” của một số cán bộ, công chức vẫn gây bức xúc trong dư luận và chưa được xử lý triệt để. Đảng thẳng thắn thừa nhận: “Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh… Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi”(14). Nhìn thẳng vào vấn đề, Đảng ta vẫn khẳng định tham nhũng là “một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(15).

Nhìn từ góc độ kiểm soát quyền lực, nguyên nhân gây ra những hạn chế trên trong công tác phòng, chống tham nhũng có thể kể đến: Nhận thức về kiểm soát quyền lực của các chủ thể còn chưa sâu sắc, do vậy trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát còn thiếu kiên quyết, còn lúng túng; trách nhiệm kiểm tra, giám sát của người đứng đầu chưa thực sự được đề cao; chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để chống tham nhũng; việc cụ thể hóa, hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực chưa mang tính tổng thể làm cho cơ chế kiểm soát quyền lực thiếu tính đồng bộ.

4. Một số khuyến nghị nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới

Kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng là một trong những giải pháp được đánh giá có tính đột phá nằm trong phương hướng, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Để nâng cao hiệu quả của kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, cần làm tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, phát huy vai trò cầm quyền của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chú ý làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng đối với đảng viên, nhất là các cán bộ lãnh đạo quản lý. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hướng tới phân cấp, phân quyền chặt chẽ, đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực để nâng cao hiệu quả phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Các tổ chức cơ sở đảng cần làm tốt công tác quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện lạm dụng quyền lực, chuyên quyền. Sẵn sàng xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai với cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, từ đó tạo hiệu ứng có tính răn đe để làm gương cho cán bộ, đảng viên.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về kiểm soát quyền lực nhà nước gắn liền với phòng, chống tham nhũng. Tăng cường nhận thức cho các chủ thể thực thi quyền lực biết về “quyền lực và trách nhiệm tương xứng nhau”, từ đó, bắt buộc họ phải hiểu và nghiêm túc thực thi, không được phép lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về kiểm soát quyền lực, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từ đó huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát các cơ quan công quyền, góp phần phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tham nhũng.

Ba là, cụ thể hóa các quan điểm của Đại hội XIII về kiểm soát quyền lực trong hoạt động xây dựng pháp luật. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp, kịp thời và đồng bộ giữa quan điểm, chủ trương của Đảng với các văn bản pháp luật. Trên thực tế, số quy chế, quy định về kiểm soát quyền lực vẫn chưa đầy đủ trên các lĩnh vực, còn nhiều nội dung cần được làm rõ. Thực hiện theo tinh thần của Đại hội XIII: “Hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”(16). Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng chặt chẽ theo hướng bảo đảm không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng.

Bốn là, quán triệt nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”, quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó. Thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát quyền lực, bao gồm kiểm soát bên trong nội bộ, kiểm soát từ bên ngoài vào và kiểm soát chéo lẫn nhau đối với các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Năm là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tham nhũng. Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các thiết chế trong kiểm soát quyền lực nhà nước.  Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt giải pháp mà Đại hội XIII đề ra: “Xác định rõ hơn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(17).

Sáu là, nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và cơ quan truyền thông báo chí trong hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước. Chú trọng phát huy vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt chú ý hoàn thiện các cơ chế để Nhân dân tham gia trực tiếp phát hiện, tố giác tham nhũng. Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng bám cơ sở, sâu sát với quần chúng Nhân dân.

Bảy là, thực hiện công khai, minh bạch về thông tin trong phòng, chống tham nhũng; đề cao trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ; công khai minh bạch về kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh tra, khiếu nại, tố cáo./.

Chú thích:

(1); (3); (11); (12); (13); (14; 15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 257; tr. 191-192; tr. 146; tr. 205; tr. 212; tr. 213;

(2); (4); (5); (6); (7); (8); (9); (10); (16); (17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 72; tr. 10; tr. 173; tr. 43; tr. 190; tr. 174-175; tr. 194 - 195.

Thượng tá, TS. Nguyễn Cao Sơn
Phó trưởng Khoa LLCT & KHXHNV - Học viện ANND
Thượng úy, Ths. Hà Tiến Linh
Khoa LLCT & KHXHNV - Học viện ANND
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra