Kiểm soát xung đột lợi ích để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 05/03/2024 18:09
(ThanhtraVietNam) - Xung đột lợi ích rất dễ xảy ra trong quá trình thực thi công vụ. Do đó, cần kiểm soát xung đột lợi ích và thực hiện một số giải pháp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát

Thanh tra trách nhiệm công vụ tại tỉnh Bắc Ninh

Đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành

Đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Hiện nay, các quy định về xung đột lợi ích nằm trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như: Pháp luật về cán bộ, công chức; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; pháp luật trong hoạt động kinh doanh, đầu tư; pháp luật thanh tra, kiểm toán…

Các quy định này điều chỉnh về các vấn đề, như: Những việc cán bộ, công chức không được làm; kê khai tài sản, thu nhập; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; các hành vi bị nghiêm cấm… Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có những quy định nhằm kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý,…

Khoản 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định người có chức vụ, quyền hạn được xác định là có xung đột lợi ích khi có dấu hiệu rõ ràng cho rằng người đó thuộc hoặc sẽ thuộc một trong các trường hợp sau đây: Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;...

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa - Internet

Để kiểm soát xung đột lợi ích, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý...

Việc xử lý xung đột lợi ích sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định căn cứ vào từng tình huống, trường hợp cụ thể và đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung, biện pháp xử lý đối với người có xung đột lợi ích được quy định tại Điều 32, 33, 34 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật có quy định khác về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì còn áp dụng quy định của luật đó.

Xung đột lợi ích xảy ra ngay trong bản thân mỗi cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ của mình. Biểu hiệu của người có xung đột lợi là hành vi lạm dụng quyền lực để thu vén lợi ích cá nhân, gia đình hoặc làm lợi cho một nhóm lợi ích vì vụ lợi.

Do vậy, bản thân cán bộ, công chức phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị, thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống; phải tự đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa trách nhiệm và đạo đức công vụ với những nhu cầu, lợi ích của bản thân. Nếu không xử lý có hiệu quả các xung đột lợi ích, thì cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ có nguy cơ xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm; cán bộ, công chức sẽ bị tha hóa, biến chất, luôn tìm cách vun vén lợi ích cho bản thân, gia đình, dòng họ...

Để các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, theo tác giả cần tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy định về các tình huống xung đột lợi ích cụ thể trong hoạt động công vụ, hướng dẫn cách thức phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích.

Thứ hai, người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc công khai, minh bạch trong quá trình hoạt động; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về kiểm soát xung đột lợi ích.

Định kỳ hàng năm, xây dựng kế hoạch thực hiện xung đột lợi ích. Trong đó, có các hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là kiểm tra, giám sát nội bộ, kịp thời nắm bắt các trường hợp có nguy cơ, dấu hiệu về xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thuộc cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Thứ ba, khi xảy ra tình huống xung đột lợi ích, phải kịp thời xử lý ngay, không để kéo dài sẽ có nguy cơ phát sinh tham nhũng.

Cụ thể, cán bộ, công chức có xung đột lợi ích thì phải bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao. Đồng thời, chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác khi có căn cứ cho rằng nếu để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc tiếp tục giữ vị trí công tác đó sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong trường hợp, có căn cứ rõ ràng về việc người đó có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích.

Thứ tư, khi có xung đột lợi ích xảy ra, việc lựa chọn, áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích cho từng trường hợp phải căn cứ vào tính chất, mức độ của từng hành vi và vị trí công tác của người có xung đột lợi ích nhằm loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh xảy ra hành vi tham nhũng, hạn chế việc tác động của người có chức vụ, quyền hạn đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm góp phần phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Như vậy, xung đột lợi ích phải thường xuyên được nhận diện, kiểm soát và xử lý kịp thời, không để dẫn đến hành vi làm dụng quyền lực được Nhà nước trao để tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực./.

Đỗ Văn Nhân
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra