Kiểm tra nội bộ trong quản trị đơn vị sự nghiệp công lập đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Thứ hai, 29/07/2024 19:24
(ThanhtraVietNam) - Một trong những nguyên tắc đáng chú ý nhất của hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tính đến hiệu quả công tác đào tạo, cán bộ. Kiểm tra phải giúp cho Người đứng đầu nâng cao hiệu quả quản lý nhờ nắm bắt thông tin xác thực về hoạt động của đối tượng quản lý. Và tính đến các lợi ích mà kiểm tra mang lại phải lớn hơn các chi phí, cùng hậu quả do kiểm tra gây ra.

Trên báo Sự thật số 103 ngày 30 tháng 11 năm 1948, bài báo có tiêu đề “Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hiện ngay”, ký tên XYZ, Bác Hồ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm tra: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”. Thực tiễn đã minh chứng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra nội bộ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển của cơ quan, đơn vị.

Kiểm tra được hiểu là: Xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét. Như vậy, việc kiểm tra sẽ cung cấp những dữ kiện, những thông tin cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá [1].

Dưới góc độ quản lý, kiểm tra là thực hiện và thu thập những thông tin phản hồi để kịp thời sửa chữa, điều chỉnh đảm bảo kế hoạch được hoàn thành như dự định. Đó là những tỉ lệ, tiêu chuẩn, những con số thống kê mà nhà quản lý đưa ra để đo lường và điều chỉnh những kết quả hoạt động của cấp dưới nhằm hoàn thành mục tiêu của đơn vị. Bằng cách đó nhà quản lý đảm bảo rằng những gì cấp dưới đã làm đúng hoặc chưa đúng kế hoạch đề ra.

leftcenterrightdel
 Trường Cán bộ Thanh tra - Đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Thanh tra.

Kiểm tra nội bộ đơn vị sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng (ĐVSN ĐTBD) cán bộ là một trong những phương thức quản lý của Người đứng đầu đơn vị nhằm kiểm tra toàn diện nội bộ đơn vị, là hoạt động đo lường nhằm giúp Người đứng đầu tìm thông tin, làm cơ sở cho việc đánh giá kết quả hoạt động, các điều kiện giảng dạy, xem xét việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, quy định của ngành, lĩnh vực; tìm ra nguyên nhân để có những biện pháp đôn đốc, giúp đỡ và điều chỉnh hoạt động của các bộ phận, viên chức, nhân viên; để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra; củng cố, hoàn thiện, xây dựng và phát triển đơn vị. Trong kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD thì đơn vị chính là đối tượng kiểm tra, đây là hoạt động tự thân xuất phát từ chính nhu cầu quản trị của đơn vị, là kiểm tra từ bên trong của đối tượng kiểm tra. Khác với thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá từ bên ngoài vào đối tượng kiểm tra. Do đó, việc tổ chức kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD phải được thực hiện trên nguyên tắc “tự phát hiện, tự điều chỉnh, tự hành động và tự hoàn thiện”.

1. Nguyên tắc kiểm tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

 (i) Nguyên tắc pháp chế: Nguyên tắc pháp chế trong hoạt động kiểm tra đòi hỏi hoạt động kiểm tra, đánh giá phải trên cơ sở pháp luật và tuân thủ nghiêm minh các quy định pháp luật. Mọi vi phạm pháp luật phát sinh trong quá trình kiểm tra đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh, mà trước hết là những vi phạm pháp luật của chính các chủ thể thực thi hoạt động kiểm tra, đánh giá. Kiểm tra phải được tổ chức thực hiện căn cứ phân cấp quản lý. Trong quản lý nhà nước tại các cơ quan, đơn vị, việc tổ chức thực hiện công việc được phân cấp quản lý nên khi thiết lập kiểm tra cần phải tổ chức theo phân cấp quản lý, đảm bảo phù hợp với lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ được giao.

(ii) Nguyên tắc dân chủ: Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền tham gia vào các hoạt động kiểm tra như tham gia đóng góp ý kiến, cung cấp thông tin, giám sát hoạt động kiểm tra và trong những trường hợp nhất định phải được biết những thông tin về kết quả, kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, nguyên tắc dân chủ được thể hiện trong mối quan hệ giữa chủ thể kiểm tra, đánh giá với đối tượng kiểm tra đánh giá, trong nội bộ tập thể cơ quan, tổ chức nhà nước khi tiến hành kiểm tra.

(iii) Nguyên tắc khách quan, toàn diện, công khai, kịp thời: Nguyên tắc này xuất phát từ chính bản chất hoạt động kiểm tra là một tất yếu khách quan, là hoạt động có ý thức của mọi tổ chức.

Bản chất hoạt động kiểm tra là xem xét từ đó đưa ra nhận định một cách khách quan việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra kết luận đúng, sai, đánh giá ưu, khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa, xử lý vi phạm. Vì thế, hoạt động kiểm tra phải mang tính khách quan. Sự vi phạm nguyên tắc khách quan, sẽ dẫn đến mục đích kiểm tra, đánh giá không đạt được, kìm hãm sự phát triển của cá nhân tổ chức, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Để có những nhận định khách quan khi kiểm tra kết quả hoạt động của cá nhân, tổ chức, không thể chỉ xét một lúc, một thời điểm, một thời gian ngắn, hoặc chỉ thấy hiện tại, mà cần có thời gian dài, có một quá trình.

Kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Kiểm tra là một chức năng quản lý, là công việc của người đứng đầu nên phải thực hiện thường xuyên, không phải khi nắm bắt thông tin phản ánh tiêu cực mới kiểm tra. Kiểm tra phải công khai đó là sự thể hiện dân chủ trong quản lý.

(iv) Nguyên tắc chính xác, cụ thể: Để kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức, trước hết phải đặt nội dung cuộc kiểm tra trong các mối quan hệ cụ thể. Đó là những mối quan hệ với đường lối, chủ trương, tổ chức, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, hoàn cảnh, điều kiện thực tế thực hiện nhiệm vụ, chủ trương, quy định pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo nguyên tắc cụ thể, việc kiểm tra, cũng phải rất chi tiết, theo từng tiêu chí, từng nội dung, không hời hợt, bề ngoài. Đó là:

- Kiểm tra tại nơi xảy ra hoạt động và có kế hoạch rõ ràng;

- Việc kiểm tra phải đưa ra được các minh chứng sai lệch chính xác và các kiến nghị phù hợp, khả thi.

(v) Kiểm tra phải đưa đến hành động nhằm đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện quản lý tốt hơn: Đặc biệt, hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực ĐTBD cán bộ còn phải tính đến hiệu quả công tác ĐTBD. Kiểm tra phải giúp cho Người đứng đầu nâng cao hiệu quả quản lý nhờ nắm bắt thông tin xác thực về hoạt động của đối tượng quản lý. Ngoài ra, còn phải tính đến hiệu quả kinh tế trong kiểm tra, nghĩa là các lợi ích mà kiểm tra mang lại phải lớn hơn các chi phí cùng hậu quả do kiểm tra gây ra.

(vi) Công tác kiểm tra nội bộ tại cơ sở phải được thực hiện trên nguyên tắc: Thủ trưởng vừa là chủ thể kiểm tra vừa là đối tượng kiểm tra.

2. Nhiệm vụ cơ bản trong kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD cán bộ

(i) Kiểm tra xem xét, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, việc chấp hành quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực của đối tượng kiểm tra so với các qui định trong các văn bản qui phạm pháp luật và các hướng dẫn của các cấp quản lý. Yêu cầu của kiểm tra là phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết, chỉ rõ những điều làm được, chưa làm được của đối tượng kiểm tra, nguyên nhân của vấn đề.

(ii) Đánh giá xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, việc chấp hành quy định pháp luật của ngành, lĩnh vực trong điều kiện thực tế hiện có. Yêu cầu của đánh giá là khách quan, chính xác, công bằng đồng thời định hướng, khuyến khích tạo cơ sở cho sự tiến bộ của ĐVSN ĐTBD.

(iii)  Đưa ra những nhận xét, kiến nghị, ý kiến giúp cho ĐVSN ĐTBD triển khai thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Yêu cầu của ý kiến, kiến nghị phải sát thực, khả thi giúp cho đơn vị đảm bảo tiến độ, không ngừng nâng cao chất lượng công việc của mình.

(iv) Thúc đẩy ĐVSN ĐTBD phát triển, đây là hoạt động kích thích, phát hiện, phổ biến các kinh nghiệm tốt, những định hướng mới và kiến nghị với các cấp quản lý nhằm hoàn thiện dần hoạt động của đối tượng kiểm tra, góp phần phát triển hoạt động ĐVSN ĐTBD. Yêu cầu của thúc đẩy phát triển là phải phát hiện, lựa chọn được kinh nghiệm, phổ biến được kinh nghiệm tốt, những định hướng mới cho đối tượng kiểm tra và có những kiến nghị xác đáng đối với các cấp quản lý nhằm phát triển tổ chức, phát triển cá nhân trong đơn vị.

3. Nội dung kiểm tra nội bộ trong ĐVSN ĐTBD cán bộ

Với tư cách là một trong các biện pháp quản lý của ngường đứng đầu đơn vị, kiểm tra nội bộ trong ĐVSN ĐTBD là kiểm tra toàn bộ công việc, hoạt động, mối quan hệ, kết quả của toàn bộ quá trình ĐTBD và những điều kiện, phương tiện đảm bảo cho hoạt động đó. Theo đó, nội dung của công tác kiểm tra nội bộ trong ĐVSN ĐTBD cơ bản gồm:

(i) Về xây dựng đội ngũ: Số lượng và cơ cấu; Chất lượng (nguồn đào tạo, trình độ đào tạo, chuyên môn đào tạo, thâm niên công tác); Các hoạt động phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ ĐTBD. Tổ chức, trật tự kỷ cương, kế hoạch công tác; Công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cán bộ, nhân viên đơn vị.

(ii) Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài chính: Bao gồm kiểm tra việc xây dựng, sử dụng, kiểm kê và bảo quản cơ sở vật chất (giảng đường, trang thiết bị giảng dạy, thư viện, tài liệu phục vụ học tập, cơ sở vật chất khu vực lưu trú…); Công tác tài chính (thực hiện mua sắm tài sản, chế độ kế toán, tài chính, công khai các nguồn thu chi trong ngân sách và các nguồn huy động khác).

(iii) Tổ chức thực hiện kế hoạch ĐTBD: Thực hiện việc phân bổ tiến độ tổ chức lớp, số lượng học viên mỗi lớp và hình thức tổ chức lớp; quy định về tổ chức, quản lý lớp học; quy định về chương trình học và thời lượng từng chuyên đề trong chương trình ĐTBD…

 (iv) Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng:

- Tổ chức hoạt động giảng dạy: Thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch giảng dạy; thực hiện quy định chuyên môn của giảng viên; việc đổi mới phương pháp giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong giảng dạy…

- Chất lượng giờ giảng của giảng viên: Đánh giá theo tiêu chuẩn về: Mục tiêu (mức độ toàn diện, rõ ràng, cụ thể và phù hợp với đối tượng ĐTBD); nội dung (mức độ khoa học, kết cấu phù hợp, hiện đại và sự kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn của nội dung); phương pháp (lựa chọn phương pháp thích hợp, phương pháp linh hoạt, phương pháp tích cực hoá người học), điều kiện (trang thiết bị học tập, phương tiện dạy học); không gian và thời gian dạy học; mức độ tương tác giữa giảng viên và học viên; tiêu chí về kết quả học [2].

(v) Tự kiểm tra công tác quản lý của Người đứng đầu: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch; việc phân công, sử dụng, quản lý đội ngũ; chỉ đạo công tác hành chính, tài chính, tài sản của đơn vị; Thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối viên chức, nhân viên của đơn vị; việc thực hiện qui chế dân chủ trong hoạt động củađơn vị; Quản lý và tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng; Quan hệ phối hợp công tác giữa ĐVSN và các đoàn thể; Tổ chức khoa học lao động quản lý nhà trường.

Người đứng đầu cần tự kiểm tra, đánh giá lề lối làm việc, phong cách tổ chức và quản lý của mình, tự đánh giá khách quan phẩm chất, năng lực và uy tín của mình để tự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu, chuẩn mực của người cán bộ quản lý.

4. Quy trình kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD cán bộ

Quy trình kiểm tra là trình tự, các bước triển khai công việc cần phải thực hiện trong cuộc kiểm tra cụ thể. Yêu cầu đối với quy trình kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD là trên cơ sở xác định vấn đề cần kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá đúng quy trình, khách quan, chính xác và kết luận rõ ràng, cụ thể. Trong quá trình thực hiện kiểm tra phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý. Cần chú trọng và tăng cường hiệu quả việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra, kiến nghị từ kiết quả kiểm tra. Việc tuân thủ chặt chế quy trình kiểm tra sẽ đảm bảo việc kiểm tra được tiến hành chủ động, đạt hiệu quả cao.

Về cơ bản, hoạt động kiểm tra nội bộ ĐVSN ĐTBD gồm 07 bước như sau: Xác định vấn đề cần kiểm tra; lập kế hoạch kiểm tra; chuẩn bị tiến hành kiểm tra; tổ chức thực hiện kiểm tra; kết thúc kiểm tra; xử lý kết quả kiểm tra; đánh giá việc xử lý kết quả kiểm tra.

Bước 1: Xác định vấn đề kiểm tra

Vấn đề kiểm tra là điều cần được kiểm tra để nắm rõ sự việc từ đó xem xét, nghiên cứu, giải quyết. Trong các ĐVSN ĐTBD, vấn đề cần kiểm tra thường gồm những nội dung sau:

- Những hạn chế, tồn tại của đơn vị cần quan tâm khắc phục;

- Những nhiệm vụ cần hoàn thành theo kế hoạch, theo chỉ đạo, chẳng hạn như xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, thực hiện kiểm định chất lượng giờ giảng, chất lượng tổ chức lớp, triển khai ứng dụng phương pháp giảng dạy mới, hình thức tổ chức lớp mới…

- Những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra trong đơn vị như: sự cố cháy nổ, quản lý tài chính, tài sản, thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên…

Trên cơ sở quy định pháp luật, nội quy, quy chế nội bộ, người thực hiện kiểm tra cần phải đưa ra chuẩn kiểm tra. Chuẩn kiểm tra thường được xây dựng với nội dung cụ thể chính là tiêu chuẩn kiểm tra, là các chuẩn cụ thể, chi tiết được sử dụng để đánh giá hoặc đo lường nội dung kiểm tra một cách nhất quán, khoa học và hợp lý. Chuẩn kiểm tra phải phù hợp, đầy đủ, khách quan, có thể hiểu được, có thể so sánh được và lượng hoá được.

Bước 2: Lập kế hoạch kiểm tra

Kế hoạch kiểm tra cần phải được xây dựng cụ thể, khoa học. Người đứng đầu đơn vị cần sắp xếp, hệ thống toàn bộ các nội dung kiểm tra của từng bộ phận trong đơn vị; bố trí thời gian, phân công người kiểm tra để có thể xem xét tiến độ thực hiện kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, bộ phận, đây chính là cơ sở của việc xây dựng kế hoạch kiểm tra nội bộ của các ĐVSN ĐTBD.

Trọng tâm khi xây dựng kế hoạch cần chú ý về: Xác định mục tiêu kiểm tra; đánh giá nhứng sai sót có thể xảy ra và xác định trọng yếu vấn đề kiểm tra; xác định nội dung kiểm tra; xây dựng tiêu chí kiểm tra; xác định phạm vi, phương pháp thực hiện kiểm tra; xác định lịch trình, thời gian, lực lượng tham gia và các nguồn lực cần thiết để thực hiện các cuộc kiểm tra.

Bước 3: Chuẩn bị kiểm tra

Trong bước chuẩn bị kiểm tra, người đứng đầu đơn vị cần lựa chọn nhân lực, xây dựng tổ chức và hoạt động đoàn kiểm tra (nếu nội dung kiểm tra cần xây dựng đoàn tổ chức kiểm tra). Việc xây dựng nhân lực của đoàn kiểm tra phải lựa chọn người có phẩm chất đạo đức, năng lực phù hợp để phân công phụ trách công việc.

Đảm bảo tính hệ thống trong các ĐVSN ĐTBD, việc phân cấp quản lý trong kiểm tra là một yêu cầu quản lý khoa học, đảm việc tự kiểm tra của đơn vị theo đúng mục tiêu, công việc theo định hướng. Do đó, khi kiểm tra cần phân công theo phân cấp quản lý thì nội dung kiểm tra phải xây dựng phù hợp với trách nhiệm được phân công quản lý.

Trong bước chuẩn bị kiểm tra, người kiểm tra phải xây dựng:

- Nội dung kiểm tra: Cần phải nhận biết được và có thể đánh giá được các tiêu chí kiểm tra phù hợp. Về bản chất, nội dung kiểm tra phải cho phép người kiểm tra có thể thu thập đầy đủ tài liệu thích hợp để minh chứng cho ý kiến, kết luận và báo cáo kiểm tra.

- Chuẩn kiểm tra: Chuẩn kiểm tra phải được xây dựng phù hợp với từng nhiệm vụ, từng hoạt động để có thể đo lường, đánh giá hoạt động của các thành viên và các điều kiện hoạt động của ĐVSN ĐTBD. Các tiêu chí trong chuẩn kiểm tra phải rõ ràng, cụ thể yếu tố định tính và định lượng. Xác định chuẩn kiểm tra phù hợp là cơ sở cho việc thu thập và đánh giá các minh chứng kiểm tra và đưa ra các kết luận kiểm tra khách quan, chính xác.

- Tổ chức quán triệt kế hoạch kiểm tra, bàn các biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân thực hiện kiểm tra; chuẩn bị các văn bản về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến nội dung kiểm tra. Chuẩn bị phương tiện, kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết khác phục vụ cho hoạt động kiểm tra.

- Thông báo kế hoạch kiểm tra và yêu cầu đối tượng kiểm tra chuẩn bị những công việc có liên quan đến nội dung kiểm tra, chuẩn bị báo cáo làm việc với người kiểm tra.

Bước 4: Tổ chức thực hiện kiểm tra

- Khi tiến hành kiểm tra, người đứng đầu đơn vị phải công bố quyết định kiểm tra, cần công khai quy chế hoạt động của đoàn kiểm tra (trong trường hợp việc kiểm tra thành lập đoàn kiểm tra); giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của người thực hiện kiểm tra và đối tượng kiểm tra. Việc công khai minh bạch quyền và nghĩa vụ trong việc kiểm tra tạo thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của đơn vị.

- Người tiến hành kiểm tra thực hiện các quyền của mình trong quá trình kiểm tra để thu thập hồ sơ, tài liệu làm căn cứ ra kết luận cuộc kiểm tra.

- Thực hiện chế độ, thông tin, báo cáo trong quá trình kiểm tra: Trong quá trình kiểm tra, người kiểm tra phải tuân thủ chế độ báo cáo về việc triển khai kế hoạch kiểm tra, kết quả công việc kiểm tra theo từng giai đoạn, từng nội dung kiểm tra, vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra và đề xuất người đứng đầu đơn vị xử lý để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, chất lượng việc kiểm tra.

Tại giai đoạn tiến hành kiểm tra, người đứng đầu đơn vị cần theo dõi tiến độ hoạt động, thực hiện quy chế của người kiểm tra. Cần quan tâm quản lý, theo dõi người kiểm tra có thực hiện đúng theo kế hoạch, có thực hiện yêu cầu theo quy định, quy chế đã được ban hành. Tập trung xem xét biên bản kiểm tra nhằm đánh giá người kiểm tra có thể hiện việc nghiên cứu phân tích, xử lý thông tin và số liệu để phát hiện những vấn đề có mâu thuẫn, nhận định những việc làm đúng, những sai phạm, những sơ hở, bất cập trong cơ chế, quy định; làm rõ bản chất, nguyên nhân và trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với từng sai phạm; củng cố cơ sở để kết luận kiểm tra. Người đứng đầu đơn vị cũng cần xem xét việc thiết lập hồ sơ kiểm tra, thu thập hồ sơ, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ vụ việc.

Bước 5: Kết thúc kiểm tra

Kết thúc kiểm tra, người thực hiện kiểm tra phải lập dự thảo biên bản kiểm tra, thông qua các thành viên trong đoàn kiểm tra trước khi công khai cho đối tượng kiểm tra. Biên bản kiểm tra phải đảm bảo về thủ tục pháp lý, chú ý phải nêu cụ thể, chính xác kết quả từng nội dung kiểm tra, những vấn đề tồn tại, hạn chế, sai sót, sai phạm kèm theo các tài liệu, minh chứng cụ thể để làm cơ sở kiến nghị với đối tượng kiểm tra.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra: Người kiểm tra cần thu thập thông tin, tổng hợp kết quả từ các biên bản kiểm tra để báo cáo cấp trên, tổng hợp báo cáo người đứng đầu ĐVSN ĐTBD về kết quả kiểm tra nội bộ tất cả các nội dung kiểm tra.

Bước 6: Xử lý sau kiểm tra

Đây là công việc có ý nghĩa và là khâu quan trọng trong hoạt động kiểm tra, người đứng đầu ĐVSN ĐTBD cần đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm tra nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học.

Người đứng đầu ĐVSN ĐTBD tổ chức xử lý sau kiểm tra gồm bao gồm các bước:

- Tiếp nhận và xử lý từ các báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, hồ sơ kiểm tra.

- Mở sổ theo dõi các báo cáo, kiến nghị của người kiểm tra.

- Tiến hành theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị của đối tượng kiểm tra.

- Việc chỉ đạo xử lý kết quả kiểm tra của người đứng đầu cần thể hiện rõ bằng văn bản, hồ sơ của ĐVSN ĐTBD trong đó nêu rõ người được phân công theo dõi, thời gian hoàn thành, những nội dung phải được thực hiện, người phải thực hiện và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Bước 7: Đánh giá việc xử lý kết quả kiểm tra; lưu trữ hồ sơ kiểm tra

Người đứng đầu ĐVSN ĐTBD tổ chức việc thu thập, tổng hợp báo cáo công tác xử lý sau kiểm tra, yêu cầu đối tượng kiểm tra có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra. Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị.

Hồ sơ theo dõi việc xử lý sau kiểm tra được lưu trữ cùng hồ sơ cuộc kiểm tra. Người đứng đầu đơn vị cần chỉ đạo việc thiết lập và lưu trữ hồ sơ từng cuộc kiểm tra theo từng năm. Cuối năm, căn cứ vào danh mục kiểm tra của đơn vị, tiến hành hành bàn giao hồ sơ kiểm tra nội bộ cho đơn vị có trách nhiệm lưu trữ theo quy định./.

         



[1] Từ điển Giáo dục học (2001), NXB Từ điển Bách khoa.

[2] Trần Đức Khánh (2016), Đo lường và đánh giá trong giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Giảng viên chính, Ths. Đặng Thuỳ Trâm,
Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cán bộ Thanh tra

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra