Kỹ năng xử lý của Trưởng đoàn thanh tra

Thứ tư, 19/07/2023 15:33
(ThanhtraVietNam) - Trong hoạt động thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.
leftcenterrightdel
 Chia sẻ nghiệp vụ thanh tra tại Trường Cán bộ Thanh tra, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: PV

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trưởng đoàn thanh tra phải xử lý các mối quan hệ có tác động chi phối, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý và thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn theo quy trình thanh tra.

Đó là: Quan hệ với người ra quyết định thanh tra; quan hệ với đối tượng thanh tra; quan hệ trong nội bộ Đoàn thanh tra; quan hệ với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra; quan hệ với người thực hiện giám sát; các quan hệ khác trong quá trình thanh tra.

Để xử lý tốt các mối quan hệ nêu trên, Trưởng đoàn thanh tra cần lưu ý những nội dung sau:

1. Quan hệ với người ra quyết định thanh tra

Để lãnh đạo, quản lý, điều hành Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung thanh tra, thực hiện tiến độ thanh tra theo kế hoạch, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, Trưởng đoàn thanh tra phải chấp hành quyết định, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.

Theo quy định của pháp luật về thanh tra, hoạt động thanh tra thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo:

1.1. Về công tác tổ chức Đoàn thanh tra

- Chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự kiến chủ trì cuộc thanh tra để chỉ đạo người được giao Trưởng đoàn thanh tra thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra; tiếp nhận báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu để ban hành quyết định thanh tra.

- Ký và ban hành quyết định thanh tra; chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra.

- Chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra thông báo và công bố quyết định thanh tra; chỉ đạo việc kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu và xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra.

- Khi cần thiết, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung nội dung kế hoạch tiến hành thanh tra; gia hạn thời hạn thanh tra.

- Chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

- Chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra để chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo việc xây dựng và xem xét báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; chỉ đạo việc xây dựng, thẩm định và xử lý kết quả thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.

- Sau khi ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra ban hành và công khai kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

- Chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra khi kết thúc hoạt động của Đoàn thanh tra; lập bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan có thẩm quyền.

1.2. Về công tác nhân sự của Đoàn thanh tra

- Chỉ đạo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra đề xuất người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và số lượng người tham gia Đoàn thanh tra; kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra.

- Trong quá trình tiến hành thanh tra, phát hiện người không được làm Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; thay đổi, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

1.3. Về công tác giám sát

Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm trực tiếp giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền hoặc thành lập tổ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (gọi chung là người thực hiện giám sát).

Giám sát là việc theo dõi, thu thập thông tin và phản ánh về việc chấp hành pháp luật, tuân thủ chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, ý thức kỷ luật và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra theo nội dung giám sát được quy định tại Điều 30 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra (Thông tư số 06).
Việc giám sát được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
- Quy định chế độ báo cáo tiến độ, báo cáo đột xuất và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; việc ghi sổ nhật ký Đoàn thanh tra.

- Chỉ đạo và tổ chức giám sát; quy định nội dung giám sát thông qua việc xem xét các báo cáo của Đoàn thanh tra và các thông tin, tài liệu khác mà người thực hiện giám sát thu thập được; xem xét báo cáo kết quả giám sát; xử lý kết quả giám sát và lập hồ sơ giám sát Đoàn thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

1.4. Các nhiệm vụ khác

Giao Trưởng đoàn thanh tra thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra, như:

- Làm việc với cơ quan truyền thông và các cơ quan khác có liên quan về hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra;

- Kiểm tra, xác minh, đề xuất, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan về nội dung thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với Đoàn thanh tra; chỉ đạo, kiểm tra Đoàn thanh tra thực hiện nội dung thanh tra, phạm vi và thời hạn ghi trong quyết định thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định những vấn đề có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra tại nơi được thanh tra. Đây là mối quan hệ trên - dưới, tương tác lẫn nhau, đòi hỏi Trưởng đoàn thanh tra phải tuân thủ sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của người ra quyết định thanh tra.

Xử lý mối quan hệ này, Trưởng đoàn thanh tra phải khéo léo nắm bắt được tâm lý, thói quen, phương pháp suy luận, phương pháp làm việc để tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra. Để làm được việc này, Trưởng đoàn thanh tra cần tăng cường trao đổi, báo cáo những diễn biến của cuộc thanh tra; những khó khăn, vướng mắc; những tình huống phát sinh bất lợi cho cuộc thanh tra để người ra quyết định thanh tra kịp thời chỉ đạo. Ngược lại, thông qua trao đổi, báo cáo, Trưởng đoàn thanh tra kịp thời nắm bắt được những thông tin cần thiết có liên quan đến cuộc thanh tra đồng thời tạo được tâm lý yên tâm, tin tưởng của người ra quyết định thanh tra. Muốn vậy, Trưởng đoàn thanh tra phải cởi mở, trung thực, khách quan, tận tâm, tận lực vì nhiệm vụ, luôn đặt “cái chung” lên trên hết, đồng thời là trung tâm đoàn kết trong Đoàn thanh tra.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, mối quan hệ giữa người ra quyết định thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra còn có tình trạng cá biệt:

- Về phía người ra quyết định thanh tra:

+ Người ra quyết định thanh tra vì một mục đích nào đó can thiệp quá sâu vào hoạt động của Đoàn thanh tra, làm thay vị trí, vai trò của Trưởng đoàn thanh tra, như: Trực tiếp phân công nhiệm vụ cho thành viên Đoàn thanh tra và yêu cầu báo cáo trực tiếp kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra không qua Trưởng đoàn thanh tra. Việc làm trên là không đúng quy định của pháp luật về thanh tra; làm rối loạn hoạt động của Đoàn thanh tra đồng thời tạo tâm lý bất an, không tin tưởng trong nội bộ Đoàn thanh tra.

+ Vì một tác động nào đó, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra theo ý muốn chủ quan của mình, làm méo mó tính chính xác, trung thực của kết luận thanh tra.

Trước các sự việc trên, Trưởng đoàn thanh tra cần báo cáo, trao đổi một cách thẳng thắn với người ra quyết định thanh tra; nếu không được người ra quyết định thanh tra đồng ý, Trưởng đoàn thanh tra cần báo cáo bằng văn bản và thực hiện chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra sau khi đề nghị bảo lưu ý kiến của mình; việc bảo lưu ý kiến của Trưởng đoàn thanh tra được lưu trữ trong hồ sơ thanh tra.

- Đối với Trưởng đoàn thanh tra:

Vì một động cơ nào đó, Trưởng đoàn thanh tra đã lợi dụng sự tin tưởng hoặc sự chủ quan của người ra quyết định thanh tra để xây dựng dự thảo quyết định thanh tra nhằm dễ bề thao túng, như: Thanh tra vượt quá thẩm quyền, mở rộng hay thu hẹp phạm vi, nội dung thanh tra được xác định trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra; đưa người nhà hoặc êkíp, bè cánh của mình vào Đoàn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra.

Trước sự việc trên, người ra quyết định thanh tra không vì tình cảm nể nang hoặc quá tin tưởng cấp dưới, cần nắm chắc các quy định của pháp luật về thanh tra; cân nhắc, thận trọng trước khi quyết định xử lý một vấn đề nào đó; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực trong hoạt động thanh tra.

2. Quan hệ với đối tượng thanh tra

Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nhà nước cùng cấp với cơ quan được giao tiến hành cuộc thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được xác định trong quyết định thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra và trực tiếp quan hệ với đối tượng thanh tra từ khi khởi đầu đến khi kết thúc cuộc thanh tra. Để xử lý mối quan hệ với đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra cần tập trung vào những vấn đề sau:

2.1. Làm tốt công tác tư tưởng với đối tượng thanh tra

Bản chất của hoạt động thanh tra là sự tác động của cơ quan quản lý đến đối tượng thanh tra thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền đến đối tượng thanh tra. Quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra luôn gặp sự cản trở, chống đối của đối tượng thanh tra, như trì hoãn hoặc gây khó khăn đến việc cung cấp hồ sơ tài liệu; mua chuộc, đe dọa, vu khống Đoàn thanh tra...

Để hạn chế sự chống đối, trước hết Trưởng đoàn thanh tra cần làm công tác tư tưởng với đối tượng thanh tra và làm cho đối tượng thanh tra hiểu: Việc thanh tra về bản chất là hoạt động kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó người kiểm tra, thanh tra là những cán bộ có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ “khoác áo” thanh tra để kiểm tra những việc mình (đối tượng thanh tra) làm theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, bất kỳ một cuộc thanh tra nào, Trưởng đoàn thanh tra cần làm cho đối tượng thanh tra hiểu rõ được mục đích, yêu cầu, nội dung cuộc thanh tra; qua đó, làm cho đối tượng thanh tra thấy được quyền và nghĩa vụ để có thái độ hợp tác và cộng tác tích cực với Đoàn thanh tra, hạn chế tới mức thấp nhất những suy nghĩ, việc làm tiêu cực phát sinh, cản trở tới hoạt động của Đoàn thanh tra. Xét về mặt bản chất, đây là hoạt động tuyên truyền mang tính “dân vận” của Trưởng đoàn thanh tra. Để làm tốt công tác “dân vận”, Trưởng đoàn thanh tra phải nghiên cứu, phân tích, nắm chắc tâm lý đối tượng thanh tra trong bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể để từ đó có phương pháp, biện pháp thích hợp nhằm động viên, cảm hoá, thuyết phục, đấu tranh với đối tượng thanh tra.

Có thể nói, cuộc thanh tra thành công có một phần đóng góp rất lớn của công tác “dân vận” với đối tượng thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra phải là nhà “dân vận” giỏi trong hoạt động thanh tra.

2.2. Xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể với đối tượng thanh tra

Hoạt động thanh tra của Đoàn thanh tra được diễn ra trong suốt quá trình thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra thường xuyên tiếp xúc, làm việc với đối tượng thanh tra. Vì vậy, việc xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể với đối tượng thanh tra có những ý nghĩa sau đây:

- Làm cho mối quan hệ giữa Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra được công khai, minh bạch và là căn cứ để người ra quyết định thanh tra, người giám sát kiểm tra hoạt động của Đoàn thanh tra.

- Giúp cho Đoàn thanh tra chủ động bố trí thời gian, nhân lực để thu thập, xem xét, nghiên cứu tài liệu, tiếp xúc với người có liên quan ở nơi được thanh tra; ngược lại, đối tượng thanh tra cũng chủ động về thời gian, sắp xếp tài liệu, nhân lực để làm việc với Đoàn thanh tra.

- Việc xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch làm việc cụ thể với đối tượng thanh tra còn hướng tới hiệu quả là: Cuộc thanh tra tiến hành thuận lợi, hạn chế tới mức thấp nhất gây tác động hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

2.3. Xử lý mối quan hệ với đối tượng thanh tra khi xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra

Sau khi thu thập và đánh giá thông tin, tài liệu (chứng cứ), Trưởng đoàn thanh tra chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.

Dù dự thảo báo cáo kết quả thanh tra được xây dựng rất công phu, thận trọng nhưng báo cáo đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan, đơn phương của Đoàn thanh tra. Vì vậy, một số nội dung cần thiết trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra cần được Trưởng đoàn thanh tra đưa ra để làm việc với đối tượng thanh tra. Việc này có những ý nghĩa sau đây:

- Thông qua việc trao đổi để phát hiện những văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng chưa được thu thập; những chứng cứ mới có tính quyết định, ảnh hưởng quan trọng đến kết luận trong dự thảo báo cáo kết quả thanh tra.

- Trong thực tiễn, việc lập biên bản thanh tra, nhất là biên bản thanh tra tổng hợp có ý nghĩa gần như một “tiểu kết luận” để đối tượng thanh tra ký thường không dễ dàng. Trong trường hợp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra có chức vụ tương đương người ra quyết định thanh tra (cùng là cấp ủy viên, cùng là Thủ trưởng ngành hoặc là người đứng đầu địa phương) lại càng khó khăn hơn nữa. Vì vậy, làm việc với đối tượng thanh tra về dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và yêu cầu giải trình những vấn đề đặt ra trong dự thảo báo cáo sẽ là “chìa khóa” để giải tỏa khó khăn và vấn đề dễ dàng hơn rất nhiều so với việc lập biên bản thanh tra.

Ngoài ra, trong quá trình thanh tra còn xuất hiện nhiều tình huống có liên quan đến quan hệ với đối tượng thanh tra, như: Tình huống khi thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; tình huống khi kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; tình huống khi đối tượng thanh tra không hợp tác, cản trở cuộc thanh tra; tình huống bao che, bênh vực cho đối tượng thanh tra của một số thành viên Đoàn thanh tra; tình huống khi thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra; khi lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra; khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng thanh tra...

Việc xử lý các tình huống nêu trên có liên quan đến mối quan hệ với đối tượng thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra được trình bày tại chuyên đề sau.

(Còn nữa)

TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra