Kỹ năng xử lý tình huống của Trưởng đoàn thanh tra

Thứ tư, 27/12/2023 12:01
Kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình tiến hành thanh tra là năng lực hay khả năng của chủ thể tiến hành thanh tra thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động trên cơ sở hiểu biết kiến thức hoặc kinh nghiệm để giải quyết một hay một chuỗi tình huống phát sinh trong quá trình thanh tra nhằm hướng tới thành công của cuộc thanh tra.

1. Trình tự xử lý tình huống của Trưởng đoàn thanh tra gồm các bước cơ bản sau:

- Đánh giá đúng bản chất và phạm vi ảnh hưởng của tình huống: Để khẳng định tình huống đó là về vấn đề gì, phạm vi ảnh hưởng như thế nào.

- Dự báo sự vận động, phát triển của tình huống: Dự báo là một hoạt động cơ bản trong quá trình thanh tra. Thực chất của dự báo là đặt vấn đề một cách thực tế khách quan trong quá trình tự thân vận động phát triển để có thể chủ động đề ra biện pháp xử lý phù hợp.

Việc dự báo sự vận động, phát triển của tình huống cần tuân thủ các yêu cầu sau: (1) Đánh giá tình huống đang ở giai đoạn nào để dự báo sự phát triển của tình huống ở các giai đoạn tiếp theo; (2) Phải dự báo về sự phản ứng thuận lợi hoặc bất lợi từ phía đối tượng thanh tra sau khi có tác động xử lý tình huống; (3) Dự báo về kết quả của việc xử lý tình huống.

- Lập các phương án xử lý tình huống: Là đưa ra tất cả các phương án xử lý tình huống có tính khả thi để làm cơ sở cho việc chọn phương án xử lý tình huống tối ưu nhất.

Các yêu cầu của việc lập phương án xử lý tình huống là: (1) Xác định tình huống thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản pháp luật nào để sử dụng văn bản pháp luật đó làm căn cứ xử lý tình huống; (2) Nghiên cứu kỹ chức năng, thẩm quyền để thực hiện đúng thẩm quyền khi xử lý tình huống; (3) Lập các phương án khả thi để làm cơ sở cho việc chọn phương án xử lý tình huống.

- Chọn phương án xử lý tình huống: Đây là bước công việc đòi hỏi tư duy khoa học và thái độ quyết đoán của Trưởng đoàn thanh tra. Nội dung của bước này có liên quan chặt chẽ với nội dung của bước lập phương án; yêu cầu đối với Trưởng đoàn thanh tra là phải tính toán kỹ khả năng mang lại kết quả của từng phương án để chọn phương án tối ưu nhất làm phương án xử lý tình huống.

 - Tiến hành xử lý tình huống: Yêu cầu cơ bản của bước này là phải có kế hoạch xử lý tình huống; tổ chức chặt chẽ quá trình xử lý tình huống, sử dụng có hiệu quả các biện pháp cụ thể để xử lý tình huống theo đúng kế hoạch.

-  Đánh giá kết quả xử lý tình huống và dự báo tình hình phát triển của sự kiện thuộc phạm vi tình huống mới được giải quyết: Đây là bước cuối cùng trong trình tự xử lý tình huống nhưng lại đặt ra một sự khởi đầu cho quy trình tiếp theo. Nội dung bước này là đánh giá kết quả xử lý tình huống; đặt vụ việc mới được giải quyết vào quá trình vận động, phát triển tự nhiên của thực tiễn và dự báo về sự vận động, phát triển đó để chủ động thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

2. Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải xử lý một số hình huống cụ thể trong các mối quan hệ với cấp trên của mình, với đối tượng thanh tra và cấp trên của đối tượng thanh tra, các tình huống trong mối quan hệ nội bộ Đoàn thanh tra và các tình huống trong quan hệ với các cơ quan có liên quan. Cụ thể:

2.1. Xử lý các tình huống trong quan hệ với cấp trên của Trưởng đoàn thanh tra

- Xử lý tình huống về nội dung thanh tra trong quyết định thanh tra

Theo quy định của Luật Thanh tra thì một trong những căn cứ để tiến hành cuộc thanh tra là thanh tra theo chương trình, kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều nội dung thanh tra theo chương trình, kế hoạch bị bó hẹp nhưng nguyên nhân không phải do ý chí chủ quan của người có thẩm quyền phê duyệt.

Ví dụ: Cơ quan Thanh tra tỉnh H xây dựng kế hoạch thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về trình độ, nhận thức của cán bộ tham mưu thuộc Văn phòng UBND tỉnh và cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh H là “thanh tra đất đai”.

Nội dung “thanh tra đất đai” là một phạm vi hẹp trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Khi triển khai cuộc thanh tra này mới thấy vướng, đó là: Nhiều vấn đề liên quan đến đất đai được quy định ở các Luật khác nhau, trong đó có công tác quy hoạch, tài chính liên quan đến đất đai nếu thực hiện theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt nêu trên sẽ không được thực hiện. Như vậy, cuộc thanh tra không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra như đề xuất của Thanh tra tỉnh H.

Để xử lý tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần:

+ Thu thập toàn diện các thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai; chú ý các thông tin, tài liệu chứng minh được sai phạm.

+ Báo cáo người ra quyết định thanh tra bằng văn bản những hạn chế, khó khăn, vướng mắc khi triển khai nội dung thanh tra theo kế hoạch được duyệt; những thuận lợi, những kết quả sẽ đạt được nếu thanh tra các vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai được quy định ở các luật có liên quan và đề xuất của Trưởng đoàn thanh tra về nội dung thanh tra.

+ Thực hiện chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, soạn thảo các văn bản cần thiết để báo cáo người có thẩm quyền xử lý.

- Xử lý tình huống trong lựa chọn người tham gia Đoàn thanh tra

Theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành thanh tra có trách nhiệm lựa chọn người có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra để tham gia Đoàn thanh tra.

Trong thực tiễn, người được dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra là người trực tiếp làm các thủ tục để thành lập Đoàn thanh tra, trong đó có dự kiến nhân sự Đoàn thanh tra.

Với trọng trách được giao, bao giờ Trưởng đoàn thanh tra cũng mong muốn lựa chọn những cán bộ phù hợp. Trong khi đó, với thẩm quyền của mình, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì tiến hành thanh tra chọn thành viên Đoàn thanh tra theo ý mình (ở đây có thể vì áp lực phân phối nhân lực vào nhiều cuộc thanh tra hoặc cũng có thể vì động cơ cá nhân của người ra quyết định thanh tra).

Đây là xung đột có thật và xảy ra tương đối phổ biến trong lựa chọn người tham gia Đoàn thanh tra; đã có trường hợp vì không thể chấp nhận ý kiến áp đặt của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra đã từ chối nhận nhiệm vụ.

Với tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, lý do vì sao người ra quyết định thanh tra không chấp nhận đề xuất nhân sự của mình để từ đó có cách xử lý phù hợp, như: (1) Gặp trực tiếp người ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo bằng văn bản để trình bày nhằm bảo vệ quan điểm của mình về việc lựa chọn người tham gia Đoàn thanh tra. Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra không thay đổi ý kiến, Trưởng đoàn thanh tra phải chấp nhận và điều chỉnh dự kiến phân công của mình trong việc sử dụng thành viên cho những nội dung thanh tra.Việc gặp trực tiếp người ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo bằng văn bản sẽ giúp Trưởng đoàn thanh tra xử lý những vấn đề phát sinh sau này,  nhất là những nội dung liên quan đến nhân sự do người ra quyết định thanh tra đưa vào Đoàn thanh tra. (2) Nếu thành viên đoàn thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra lựa chọn bị thay đổi quá nhiều mà xét thấy khó có thể hoàn thành nhiệm vụ thì Trưởng đoàn thanh tra có thể xin không làm nhiệm vụ Trưởng đoàn thanh tra.

- Xử lý tình huống cơ quan phối hợp chậm cử người tham gia Đoàn thanh tra

Theo quy định của Luật Thanh tra, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải công bố quyết định thanh tra. Tuy nhiên, trong thực tiễn có khá nhiều cuộc thanh tra đã gần hết thời hạn công bố quyết định thanh tra nhưng Đoàn thanh tra chưa tập hợp đủ thành viên, nhất là đối với các Đoàn thanh tra liên ngành.

Mặc dù vậy, đến thời hạn quy định, Trưởng đoàn thanh tra vẫn phải tổ chức công bố quyết định thanh tra đồng thời báo cáo người ra quyết định thanh tra về việc vắng mặt của thành viên Đoàn thanh tra.

Bên cạnh việc công bố quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra cần đôn đốc cơ quan phối hợp cử cán bộ của họ tham gia Đoàn thanh tra.

Khi tiến hành thanh tra trực tiếp, phần việc dự kiến giao cho thành viên vắng mặt cần được tạm phân công cho thành viên khác hoặc tạm thời gác lại, chờ thành viên đó đến nhận nhiệm vụ. Trong trường hợp bất khả kháng, Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra để bổ sung thành viên đoàn thanh tra.

-  Xử lý tình huống cán bộ muốn tham gia Đoàn thanh tra

Theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 5, Thông tư 06/2021/TT-TTC, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, bảo đảm nguyên tắc của hoạt động thanh tra, bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của Đoàn thanh tra; các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, có Đoàn thanh tra đã thực hiện nhiệm vụ được một thời gian, song thủ trưởng quản lý trao đổi về việc một cán bộ trong cơ quan có nguyện vọng tham gia Đoàn thanh tra; người ra quyết định thanh tra đồng ý bổ sung vào Đoàn thanh tra nếu được Trưởng đoàn thanh tra đồng ý. Để xử lý tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần cân nhắc: (1) Cân đối lại nhu cầu cán bộ với nhiệm vụ thanh tra để quyết định xem có cần bổ sung nhân lực không? Giải bài toán này phải dựa trên quan điểm là “việc cần người” chứ không phải “vì người mà bố trí việc”. Đây là điều kiện “cần” để bổ sung nhân lực. (2) Khi “cần” bổ sung nhân lực, Trưởng đoàn thanh tra sẽ lựa chọn, cân nhắc để đề xuất với thủ trưởng quản lý mình báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Điều bất thường ở đây là nguyện vọng của cán bộ trong cơ quan muốn tham gia Đoàn thanh tra. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra cần tìm hiểu động cơ, mục đích của cán bộ tham gia Đoàn thanh tra; có vi phạm vào một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra hay không? Đây là điều kiện “đủ” để bổ sung nhân lực.

Để có căn cứ bố trí cán bộ tham gia Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải tự mình trả lời các câu hỏi để thỏa mãn các yếu tố “cần” và “đủ” trên đây để dề xuất với thủ trưởng quản lý mình báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trở lại trường hợp trên đây, nếu Trưởng đoàn thanh tra thấy nguyện vọng muốn được tham gia Đoàn thanh tra của cán bộ này là chính đáng, không vi phạm vào một trong các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra có thể đề xuất với người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định bổ sung vào Đoàn thanh tra.

Ngược lại, nếu nguyện vọng muốn được tham gia Đoàn thanh tra của cán bộ này là vì mục đích cá nhân không phải vì công việc chung, không có lợi cho cuộc thanh tra, nếu bổ sung cán bộ này vào Đoàn thanh tra sẽ làm tăng tính phức tạp trong nội bộ đoàn, Trưởng đoàn thanh tra nên khéo léo từ chối để vừa đảm bảo công việc của Đoàn thanh tra và giữ được đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

- Xử lý tình huống khi người ra quyết định thanh tra làm thay nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra

Trong thực tiễn có nhiều trường hợp, người ra quyết định thanh tra làm thay nhiệm vụ của Trưởng đoàn thanh tra, như: Trực tiếp phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Đoàn thanh tra; trực tiếp chỉ đạo từng thành viên Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra hoặc can thiệp quá sâu vào việc chỉ đạo hoạt động của Trưởng đoàn thanh tra...

Căn cứ quy định trên đây của pháp luật thanh tra cho thấy, người ra quyết định thanh tra đã có hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn, xâm phạm trước hết đến hoạt động bình thường của Đoàn thanh tra, có dấu hiệu “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong hoạt động thanh tra. Việc làm này đã gây ra hậu quả là: Vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát của Trưởng đoàn thanh tra mất hiệu lực; tính đoàn kết, thống nhất trong đoàn không cao; trong trường hợp Trưởng đoàn thanh tra phản ứng về việc làm của người ra quyết định thanh tra sẽ làm cho nội bộ Đoàn thanh tra bị rối loạn, ảnh hưởng xấu đến kết quả thanh tra.

Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân, có thể: Do năng lực của Trưởng đoàn yếu nên người ra quyết định thanh tra phải can thiệp; có thể có dị nghị về sự lãnh đạo, quản lý, điều hành không khách quan của Trưởng đoàn thanh tra; có thể người ra quyết định thanh tra có động cơ không trong sáng...

Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân, tùy từng trường hợp, Trưởng đoàn thanh tra có cách xử lý phù hợp, như chủ động gặp người ra quyết định thanh tra để báo cáo và đề nghị xử lý những bất cập nêu trên về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát Đoàn thanh tra. Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra không tiếp thu, Trưởng đoàn thanh tra có thể báo cáo bằng văn bản gửi cấp trên của người ra quyết định thanh tra hoặc người có thẩm quyền. Nếu người ra quyết định thanh tra vẫn không thay đổi, trưởng đoàn thanh tra có thể đề nghị xin thôi nhiệm vụ.

- Xử lý tình huống người ra quyết định thanh tra can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra

Trong thực tiễn hoạt động thanh tra đã xảy ra trường hợp:

+ Người ra quyết định thanh tra vì một áp lực nào đó đã yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra thay đổi báo cáo kết quả thanh tra để từ đó thay đổi kết luận thanh tra theo hướng bao che hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra.

+ Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra đã giúp người ra quyết định thanh tra ký và ban hành kết luận thanh tra. Do tác động của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, người ra quyết định thanh tra đã yêu cầu Trưởng đoàn thanh tra giúp mình soạn thảo và ký bản kết luận thanh tra khác thay thế kết luận thanh tra đã ký trước đó và kết luận thanh tra sau đã xóa hết những kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra trong kết luận thanh tra trước đó đã ký.

Theo quy định của Luật Thanh tra, nguyên tắc hoạt động thanh tra là tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Luật Thanh tra cũng nghiêm cấm can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ thanh tra; kết luận sai sự thật; quyết định, xử lý trái pháp luật; bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi trên đây của người ra quyết định thanh tra đã có dấu hiệu can thiệp trái pháp luật vào hoạt động thanh tra.

Đứng trước tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần dũng cảm bảo vệ tính chính xác, khách quan, trung thực kết quả thanh tra bằng cách: tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy cơ quan quản lý Trưởng đoàn thanh tra để được sự giúp đỡ; làm việc và báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra để làm rõ quan điểm của mình, khi cần thiết thì từ chối thực hiện chỉ đạo trái pháp luật của người ra quyết định thanh tra.

Tất nhiên, sự lựa chọn này sẽ dẫn tới việc Trưởng đoàn thanh tra bị người ra quyết định thanh tra trù dập nhưng tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra khi cùng chịu trách nhiệm với người ra quyết định thanh tra vi phạm pháp luật.

(Còn nữa)

TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra