2. Xử lý các tình huống trong quan hệ với đối tượng thanh tra và cấp trên của đối tượng thanh tra
- Xử lý tình huống khi thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để ban hành quyết định thanh tra
Theo quy định của pháp luật thanh tra, trước khi ban hành quyết định thanh tra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý nhà nước của mình, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước, thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (gọi chung là người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra) chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra trên cơ sở đề xuất của thủ trưởng cơ quan, đơn vị dự kiến chủ trì cuộc thanh tra.
Việc thu thập thông tin, tài liệu được thực hiện như sau:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra báo cáo theo đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu;
- Khi cần thiết và được người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản, thì người được giao thu thập thông tin, tài liệu (thường là người được dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra và sau đây được gọi chung là Trưởng đoàn thanh tra) làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, thời gian thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để phục vụ việc ban hành quyết định thanh tra còn bị kéo dài; tài liệu thu thập được chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc lập kế hoạch thanh tra và tiến hành thanh tra.
Với tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần bình tĩnh xử lý:
- Tìm nguyên nhân việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình bị kéo dài; chú ý nguyên nhân chủ quan, xem có biểu hiện tiêu cực khi thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình với đối tượng thanh tra hay không?.
- Rà soát lại danh mục các tài liệu cần thu thập, đã thu thập, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) chưa thu thập được tài liệu còn thiếu.
Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành cần chú ý kiểm tra việc giữ bí mật thông tin, đặc biệt là danh sách đối tượng thanh tra dự kiến được thanh tra.
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng các tài liệu đã thu thập, đánh giá mức độ chính xác, khách quan của báo cáo; đề xuất với người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra các biện pháp xử lý (kể cả những hành vi tiêu cực) để đạt được mục đích, yêu cầu đã đặt ra khi thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra.
- Xử lý tình huống trong xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo
|
|
Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra về sử dụng đất và quy hoạch tại Hải Phòng. Ảnh: PV |
Theo quy định của pháp luật thanh tra, căn cứ quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.
Trước khi công bố quyết định thanh tra 05 ngày làm việc, trưởng đoàn thanh tra gửi văn bản kèm theo đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo. Văn bản yêu cầu báo cáo phải nêu rõ nội dung, hình thức báo cáo, thời hạn báo cáo.
Đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo phải tập trung vào những nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra, nhất là những nội dung quan trọng, tạo điều kiện để đối tượng thanh tra báo cáo rõ ràng, đi vào vấn đề, nội dung cần thanh tra.
Báo cáo của đối tượng thanh tra phải có đề mục rõ ràng; phải có số liệu, có sự tự đánh giá, tự xác định trách nhiệm của đối tượng thanh tra; phải đúng thời gian quy định, phải kịp thời phục vụ cho mục đích, yêu cầu của Đoàn thanh tra.
Yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo là việc làm bắt buộc với bất cứ cuộc thanh tra nào, nó giúp cho Đoàn thanh tra nắm được những vấn đề chung về đối tượng thanh tra và nội dung hoạt động của cơ quan, đơn vị được thanh tra, thể hiện tính dân chủ của Đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra, tạo cơ hội cho đối tượng thanh tra được báo cáo, được tự đánh giá. Mặt khác, qua báo cáo, Đoàn thanh tra cũng thấy được mức độ trung thực, tinh thần hợp tác và sự tuân thủ pháp luật của đối tượng thanh tra.
Tuy nhiên, khi xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo còn có sơ hở, như: Tiết lộ những sai phạm của đối tượng mà Đoàn thanh tra đã nắm được; tiết lộ kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra, trong đó có trọng tâm, trọng điểm và phương pháp tiến hành thanh tra.
Với tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần chú ý để xử lý:
- Chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo thuộc phần việc mình phụ trách; trên cơ sở đó tổng hợp thành đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo của Đoàn thanh tra.
- Nắm tình hình và quan sát thái độ của cán bộ giúp mình xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; đề phòng những tiêu cực khi xây dựng đề cương.
- Xử lý tình huống trong công bố quyết định thanh tra
Theo quy định của pháp luật thanh tra, (chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký quyết định thanh tra hành chính), Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm công bố quyết định thanh tra với đối tượng thanh tra.
- Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra hành chính bao gồm: đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì cuộc thanh tra, Đoàn thanh tra, người thực hiện giám sát, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.
Mặc dù được Trưởng đoàn thanh tra thông báo ngày, giờ, thành phần, địa điểm, chương trình làm việc để công bố quyết định thanh tra nhưng người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt và cử người đại diện dự buổi công bố quyết định thanh tra.
Việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt trong buổi công bố quyết định thanh tra đã vi phạm pháp luật về thanh tra[1]; có biểu hiện coi thường cuộc thanh tra; cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra.
Trong trường hợp này, thông qua người đại diện của đối tượng thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra cần nhắc nhở nghiêm khắc đồng thời chỉ đạo người ghi biên bản cuộc họp ghi nhận sự vắng mặt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra cần nhấn mạnh sự vắng mặt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra trong buổi công bố quyết định thanh tra đã vi phạm pháp luật về thanh tra; có biểu hiện coi thường cuộc thanh tra; cơ quan thanh tra và Đoàn thanh tra; yêu cầu người đại diện của đối tượng thanh tra báo cáo lại người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức của mình về ý kiến của Trưởng đoàn thanh tra.
Trong nhiều trường hợp, khi Trưởng đoàn thanh tra phát biểu xong thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức là đối tượng thanh tra lại có mặt trong cuộc họp, xin lỗi về việc đến muộn (thực chất là vẫn ngồi tại phòng làm việc và quan sát cuộc họp qua camera).
- Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra chuyên ngành bao gồm: đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan do người ra quyết định thanh tra quyết định trên cơ sở báo cáo của Trưởng đoàn thanh tra.
Trong trường hợp đối tượng thanh tra cố tình vắng mặt thì Trưởng đoàn thanh tra lập biên bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã và tiếp tục thực hiện cuộc thanh tra theo kế hoạch.
Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thì việc công bố quyết định thanh tra có thể được thực hiện sau khi lập biên bản vi phạm của đối tượng thanh tra.
- Xử lý tình huống đối tượng thanh tra không hợp tác, cản trở cuộc thanh tra
Tình huống đối tượng thanh tra không hợp tác, cản trở cuộc thanh tra thường xuyên xuất hiện trong quá trình tiến hành thanh tra.
Dưới góc độ tâm lý, bất kỳ ai bị kiểm tra cũng cảm thấy không thoải mái, nếu sau kiểm tra bị xử lý thì còn thêm phần lo lắng, vì vậy người bị thanh tra luôn có xu hướng đối phó, xu hướng này được bộc lộ dưới nhiều phương thức với mức độ khác nhau.
- Đối tượng thanh tra không hợp tác thường thể hiện như: Chậm cung cấp thông tin tài liệu; với nhiều lý do, chậm hoặc không bố trí cán bộ, nhân viên liên quan đến nội dung thanh tra làm việc với Đoàn thanh tra; không ký biên bản kết quả kiểm tra, thanh tra…
- Đối tượng thanh tra đối phó như: cung cấp thông tin tài liệu không đầy đủ, không chính xác (có biểu hiện dấu diếm); phản đối kết quả kiểm tra nhưng không có căn cứ; giải trình loanh quanh, dài dòng; thông tin cho cơ quan truyền thông hoặc cấp trên của Đoàn thanh tra sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín và tiến độ thanh tra, thậm chí có đơn tố cáo đoàn thanh tra; có văn bản phản đối kết luận thanh tra bằng những lập luận lập lờ, thiếu căn cứ…
Với tình huống đối tượng thanh tra không hợp tác, Trưởng đoàn thanh tra cần bình tĩnh, xác định nguyên nhân, động cơ của đối tượng; kiểm điểm lại hoạt động của thành viên Đoàn thanh tra xem có lỗi về thái độ và phương pháp công tác hay không?. Nếu là lỗi thuộc về thành viên đoàn thanh tra thì cần chấn chỉnh lề lối và tác phong làm việc. Nếu lỗi thuộc về đối tượng thanh tra thì tuỳ theo nguyên nhân, động cơ mà có cách xử lý phù hợp. Dù xử lý cách nào thì trước hết, Trưởng đoàn thanh tra gặp người đứng đầu cơ quan, đơn vị được thanh tra để trao đổi, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về thanh tra. Cuộc làm việc này cần lập thành văn bản và báo cáo người ra quyết định thanh tra. Nếu cần thiết, có thể đề nghị người ra quyết định thanh tra có văn bản gửi đối tượng thanh tra và cấp trên của đối tượng thanh tra để nhắc nhở, can thiệp.
- Nếu xác định đối tượng thanh tra có biểu hiện chống đối, cần có biện pháp “căn cơ, bài bản” hơn.
Trước hết, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra:
+ Phải làm đúng, làm tốt công tác kiểm tra, xác minh, thu thập đầy đủ căn cứ để chứng minh cho từng vấn đề thuộc nội dung thanh tra;
+ Dự kiến về phản ứng của đối tượng (sẽ phản ứng như thế nào) để có hướng xử lý;
+ Nghiêm túc chấp hành pháp luật thanh tra khi làm việc trực tiếp với đối tượng thanh tra; báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường của đối tượng thanh tra để xử lý kịp thời.
Để xử lý tình huống “đối tượng thanh tra có hành vi chống đối” cần vận dụng, kết hợp tổng hợp nhiều biện pháp; khi cần thiết, có thể mời các cơ quan chức năng của Nhà nước tham gia xử lý.
Về việc đối phó của đối tượng thanh tra có thể còn thể hiện ở các hình thức khác như: Năn nỉ, xin xỏ, mua chuộc hoặc gài bẫy.
Khi đối tượng thanh tra sử dụng những chiêu thức đó sẽ xuất hiện tình huống mới mà Đoàn thanh tra phải xử lý.
Với chiêu thức “năn nỉ, xin xỏ, mua chuộc” mục đích là để giảm nhẹ hoặc bỏ qua vi phạm của đối tượng thanh tra. Để sử dụng chiêu thức này, đối tượng thanh tra thường lợi dụng mối quan hệ quen biết với thành viên nào đó trong Đoàn thanh tra để tác động. Bên cạnh việc dùng tình cảm hoặc sử dụng các mối quan hệ, đối tượng thanh tra thường kết hợp sử dụng vật chất, như: mời ăn uống, biếu quà cáp để “cảm ơn”.
Để nắm bắt và xử lý tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra phải luôn luôn làm tốt công tác quản lý thành viên Đoàn thanh tra; kịp thời phát hiện những mối quan hệ, những biểu hiện đáng chú ý của thành viên Đoàn thanh tra có thể ảnh hưởng đến cuộc thanh tra để kịp thời xử lý. Việc đầu tiên là kiểm soát tiếp xúc giữa thành viên đó với đối tượng thanh tra cả trong và ngoài giờ hành chính, nên duy trì sinh hoạt và làm việc tập thể, ít nhất từ 2 người trở lên. Tiếp đó, nếu có đủ căn cứ hoặc dấu hiệu rõ ràng thì có thể gặp riêng thành viên đó để nhắc nhở, cảnh báo; tùy theo thái độ tiếp thu của thành viên để báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý theo quy định.
Khi năn nỉ, xin xỏ, mua chuộc không được, đối tượng thanh tra sẽ dùng chiêu thức “gài bẫy” để có căn cứ tố cáo Đoàn thanh tra. Chiêu thức này thường dựa vào các quy định cấm của ngành, của pháp luật để tạo ra cái bẫy. Ví dụ, giả vờ dùng tình cảm ca ngợi Đoàn thanh tra (đàng hoàng, khách quan, có tình người…) nên đơn vị rất tâm phục khẩu phục, muốn mời đoàn ăn uống để tỏ lòng cảm ơn. Tại nơi ăn uống, đối tượng thanh tra dàn cảnh tặng quà để ghi âm, ghi hình hoặc báo cho cơ quan chức năng vào bắt quả tang…
Với tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra phải rất tỉnh táo, trước hết là nghiêm túc thực hiện quy định của ngành, đánh giá đúng bản chất đối tượng, cảnh giác với những lời mời của đối tượng thanh tra.
Trong giao tiếp, ứng xử Trưởng đoàn cần tỏ ra thân thiện, cởi mở nhưng phải giữ đúng nguyên tắc, tìm cách khéo léo và phù hợp để từ chối những lời mời, những ưu ái, những sự “tạo điều kiện” trái với nguyên tắc của ngành (ví dụ mời đi nghỉ mát, du lịch). Xử lý tình huống này được đặt ra với tất các các thành viên Đoàn thanh tra chứ không riêng với Trưởng đoàn thanh tra.
(Còn nữa)
TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ